Trong hơn 20 năm qua, hai lần tôi may mắn được đọc sách Văn học Việt Nam trong tâm trạng say mê, liền mạch,
đọc không bỏ sót một trang, một chữ nào. Những trang sách như có ma lực thu hút khó lòng cưỡng nổi, phải đọc thâu đêm. Đến bữa ăn, vẫn cứ nấn ná chưa muốn rời trang sách. Đó là cuốn tiểu thuyết lịch sử “Hồ Quý Ly” của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, và mấy ngày gần đây là cuốn “Đối thoại văn chương” (1) của hai nhà thơ Trần Nhuận Minh và Nguyễn Đức Tùng. Đọc tiểu thuyết với sự say mê là điều dễ hiểu. Còn đọc cuốn sách dạng lý luận, phê bình, đối thoại văn chương mà giữ được tâm thế ấy, là một điều cực kỳ hiếm có.
Khi ngồi viết những dòng cảm nhận về tập sách “Đối thoại văn chương” này, tôi chưa hề vinh dự được gặp mặt hai nhà thơ Trần Nhuận Minh và Nguyễn Đức Tùng. Việc gặp gỡ ai đó trong đời, nhiều khi phụ thuộc vào cái duyên trời định. Việc vô tình được đọc “Đối thoại văn chương”, trong dịp về nước năm nay, có lẽ là cái duyên trờì định ấy.
Trần Nhuận Minh thì tôi biết đã từ lâu qua những trang thơ, tập thơ của anh hồi những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Năm 2012, qua giới thiệu của dịch giả Vũ Anh Tuấn, nhà thơ Trần Nhuận Minh đã gửi tập thơ song ngữ “Miền dân gian mây trắng” của mình tới trang web Người Bạn Đường (nguoibanduong.net) của Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại LB Nga. Chúng tôi đã giới thiệu trọn vẹn cả tập thơ của anh cùng bạn đọc. Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng, với tôi vẫn còn xa lạ, nhưng tôi tin, sau tập sách này, mình sẽ có dịp tìm hiểu về nhà thơ này nhiều hơn nữa.
Gấp cuốn sách lại, cảm tưởng đầu tiên của tôi là Nguyễn Đức Tùng và Trần Nhuận Minh là hai người bạn tri âm, tri kỷ. Nguyễn Đức Tùng như một người thợ đào giếng, nhà địa chất tìm mỏ, đào được trúng mạch nước giếng ngầm trong vắt, tuôn trào mãi không cạn, khai đúng vỉa quặng quý giầu trữ lượng. Anh đã tìm được đúng đối tượng để trao đổi, đối thoại, khai thác. Có 9 đối thoại trong 9 tháng, mà đã được một cuốn sách dày hơn 800 trang, đủ các loại vấn đề từ chuyện văn đến chuyện đời. Nếu như bàn thêm nữa cho đủ 12 tháng, có thể vẫn còn nhiều điều để nói.
Tên là “Đối thoại văn chương”, nhưng sách không không phải là cuộc trao đổi lý thuyết màu xám, nặng tính học thuật. Hai tác giả bàn thấu đáo nhiều lĩnh vực: Quan hệ giữa Văn nghệ và chính trị, Phương pháp sáng tác HTXHCN, Vấn đề tự do của con người, tự do trong sáng tác; bàn về sự bí ẩn của sự sáng tạo, mối quan hệ giữa thơ và triết học, bàn về văn học sử, nhìn nhận đánh giá những chặng đường thơ dân tộc, đánh giá về những tác giả cụ thể, chuyện giải thưởng văn học… Toàn bộ tập sách là cuộc trò chuyện cởi mở, lời lẽ lại vô cùng giản dị. Chương nào, trang nào cũng sinh động, hấp dẫn, dí dỏm. Trần Nhuận Minh là nhân vật trung tâm của cuốn sách. Anh nói nhiều, nhưng không tẻ nhạt, không nhàm chán. Nguyễn Đức Tùng đóng vai trò người phỏng vấn, người dẫn chuyện. Anh nói ít, nhưng vẫn cho ta thấy đó một người hiểu biết sâu sắc về nhiều mặt, biết khơi gợi, dẫn dắt để cho người đối thoại có dịp bộc lộ sự hiểu biết, quan điểm, kinh nghiệm và vốn sống của mình. Nguyễn Đức Tùng biết cách khai thác tối đa người đối thoại…Dẫu đôi chỗ hai anh phản bác ý kiến của nhau, nhưng hầu như không có đối lập, mâu thuẫn, mà là sự đưa đẩy để cho vấn đề được thảo luận thấu đáo, rõ ràng hơn…
Chín cuộc đối thoại trong 9 chương sách, chương nào cũng hay và lôi cuốn. Nhưng Đối thoại tháng 6 là chương hay nhất, hấp dẫn nhất. Chương 6 thể hiện sự đánh giá sắc sảo của nhà thơ Nguyễn Đức Tùng về thơ Trần Nhuận Minh, và cũng là chương Trần Nhuận Minh giãi bày quan niệm của mình về Thơ ca, về sự chuyển biến nhận thức trên bước đường thơ của mình, bi kịch tâm hồn của nhà thơ, bi kịch về số phận con người, niềm tin vào con người, những suy nghĩ sâu sắc về chiến tranh, lý giải và đánh giá chừng mực về thơ Bùi Giáng, phân tích ảnh hưởng đường lối văn nghệ Mao đến văn nghệ VN, sự khủng hoảng về lý thuyết văn học và phê bình văn học hiện nay.
Chân dung của nhà thơ thường được thể hiện qua chính sáng tác của nhà thơ. Đọc thơ Trần Nhuận Minh, (tập thơ gần đây tôi thích nhất là “Miền dân gian mây trắng”), cùng với việc đọc “Đối thoại văn chương”, trong đó anh nói trực tiếp về quan niệm sáng tác, nghe anh kể lại những câu chuyện trong đời thực, tôi hiểu thêm về thơ anh, về nhân cách của anh. Trần Nhuận Minh con người của thi ca với con người của đời thường là một thể thống nhất. Giản dị, chân thực, trong sáng, nhân ái, độ lượng, sâu sắc và uyên bác…
Tôi rất thích những phân tích sâu sắc, tinh tế của anh về thơ Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, về nhân vật Phượng Thư trong Hồng Lâu Mộng, về hiện tượng Hồ Xuân Hương, phân tích có tình có lý về Xuân Diệu, Hoài Thanh, Trần Dần, Chế Lan Viên, Bùi Giáng, Quang Dũng, Đồng Đức Bốn…
Hãy xem TNM bình hai câu thơ của Nguyễn Trãi:
Láng giềng một áng mây bạc.
Khách khứa hai ngàn núi xanh
“Một là tư duy và ngôn ngữ rất mới, sau khoảng 570 năm, vẫn rất mới, rất lạ, rất sang trọng, điêu luyện và tinh hoa. Đó là sáng tạo cuả thiên tài. Hai, nó rất cô đơn, cái cô đơn rất bát ngát, có tầm vũ trụ. Và ba là nó rất cao ngạo, coi thường cái phàm tục của người đời… cái cốt cách này của Nguyễn Trãi làm cho cụ không thể hòa hợp được với đám quan lại cao cấp ô trọc của triều đình, một trong những nguyên nhân dẫn đến cái thảm họa thảm khốc của cụ và của cả gia đình cụ” (Đối thoại tháng Tư, tr 344). Đọc những dòng này, tôi chỉ biết lấy ý thơ Nguyễn Trãi để nói về Trần Nhuận Minh: Anh đã có “con mắt xanh” của mình để nhìn ‘con mắt xanh” của tiền nhân (2).
Có những câu anh nói về các vấn đề lý luận văn học, về cuộc đời, có thể coi đó là những danh ngôn. Khi bàn về cái đói trong truyện của Nam Cao, anh bình luận: “Đói là cái tận cùng của cái khổ, cái thấp nhất của cái khổ và cũng là cái quan trọng nhất để làm thành cái khổ” (Đối thoại tháng Giêng, tr 62). Còn đây là cách xử thế trong cuộc sống: “Anh hãy cạn đến tận cùng cái chén đắng cay của cuộc đời, ở đáy cốc nhất định có vị ngọt, nhưng vấn đề là anh có uống cạn cái cốc đời ấy không và anh có khả năng nhận ra cái vị ngọt ấy không?”( Đối thoại tháng Giêng, tr 67). Về đối tượng phản ánh trong văn học, anh viết: “xuất thân giàu hay nghèo thì có quan trọng gì, cái quan trọng là khả năng chiết xuất cuộc sống giàu hay nghèo đó, mà tạo dựng thành tác phẩm nghệ thuật, và qua tác phẩm đó phản ánh được những hưng vong của một xã hội, thậm chí của cả một thời đại” (Đối thoại tháng Giêng, tr 85). Bàn về Thơ: “ không có sự thôi thúc từ bên trong thì làm sao mà sâu sắc được, làm sao mà hay được” (Đối thoại tháng Hai, tr 141), “Mục đích cuối cùng cuả Thơ là hay chứ không phải là lạ” (Đối thoại tháng Tư, tr319); Mà thơ hay, theo Trần Nhuận Minh, phải có “một giọt nước mong manh và hư huyền của Thượng đế rơi vào” (Đối thoại tháng Ba, tr 228). Chính anh cũng chưa dám chắc “trong khoảng rộng dài của miền thơ tôi khai phá” có được giọt nước ấy hay không. Với tư cách là một bạn đọc, tôi cho rằng, anh là người được nhiều ân phước, và thơ của anh đã có nhiều “giọt nước mong manh và hư huyền ấy”
Trần Nhuận Minh khái quát con đường Thơ của mình là đi từ Công nhân đến Nhân dân, cuối cùng là đến với Con người (Đối thoại tháng Tư, tr 360). Bước chuyển biến tư tưởng “thơ phải thuộc về nhân dân, thuộc về con người” được anh “đốn ngộ” vào đêm 1/1/1976 tại Huế (Đối thoại tháng Sáu, tr 505). Bước chuyển biến lớn nhất mà anh khẳng định bắt đầu từ năm 1986, thời kỳ Đổi mới.
Điều khâm phục nhất của tôi với Trần Nhuận Minh là thái độ nghiêm túc, dũng cảm khi đánh giá những sáng tác của mình giai đoạn trước Đổi mới (từ1960 đến 1986). “166 bài thơ và 2 trường ca, mà tôi đã dứt khoát tự loại bỏ, khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới năm 1986” (Đối thoại tháng Hai, tr 189). Anh chỉ chọn 28 bài đưa vào tập thơ “Gửi lại dọc đường”, khi tái bản thêm 1 bài là 29, sau đó đưa vào phần Phụ lục trong Tuyển tập. Phủ nhận sáng tác trước 1986, anh nói “không có nghĩa là đoạn tuyệt với quá khứ, mà là đoạn tuyệt với một kiểu tư duy của tôi trong quá khứ. Đó là lối thơ minh họa” (Đối thoại tháng Hai, tr 179). Theo tôi, tuyển có 29 bài thơ trước thời Đổi mới, là anh quá khắt khe với thơ mình. Bài Chào Yên Đức mà anh dẫn (Đối thoại tháng Ba, tr 247) về sự loại bỏ là một ví dụ của sự khắt khe ấy.
Điều này gắn với bi kịch thơ Trần Nhuận Minh, bi kịch của cả một thế hệ trí thức (Đối thoại tháng Ba, tr 254)
Trong khi nói chuyện bếp núc của thơ, Trần Nhuận Minh có dẫn ra một bài thơ Lục bát “Một lần em ghé qua đây” (Đối thoại tháng Sáu, tr 550) mà tôi thấy là bài thơ toàn bích. Nguyên văn bài thơ như sau:
Một lần em ghé qua đây
Đánh rơi một chiếc lông mày xuống sân
Thế rồi… chó sủa người thân
Chim xa quên hót, cá gần quên bơi
Vợ anh nấu cháo cháy nồi
Còn anh hết đứng lại ngồi ngẩn ngơ
Chiếc lông mày ấy bây giờ
Thành nhành cỏ lạ bất ngờ trổ hoa…
Hoa ơi, anh khác người ta
Dám đâu dối chị để mà yêu em
Nhưng sau đó anh nghe theo một độc giả góp ý, sửa lại hai câu kết, cho nó hợp với tâm lý thanh niên thời hiện đại, với quan niệm viết cho số đông. Không những thế, sang Ca na đa, và ba lần khác ở trong nước, anh còn đưa ra để độc giả góp ý sửa thêm. Anh đã kết theo gợi ý của một độc giả như sau:
Thôi đành xin lỗi mẹ cha
Đánh con đuổi vợ để mà yêu em
Còn hai câu kết cũ, anh ghi vào phần chú thích.
Sửa thơ theo góp ý của độc giả, giống như việc đẽo cày giữa đường, làm hỏng bài thơ. Giả sử anh theo lối sống hiện đại của lớp trẻ bây giờ là cứ yêu em, thì việc gì phải đánh con đuổi vợ. Hai câu sửa đó không nhất quán với tính cách Trần Nhuận Minh, không nhất quán với phong cách thơ Trần Nhuận Minh.
Nhân bàn về Trường ca theo chân Bác của Tố Hữu, nhà thơ Trần Nhuận Minh cung cấp một câu chuyện rất thú vị theo lời kể của nhà thơ Xuân Diệu. Trường ca có khoảng 484 dòng thơ, được Xuân Diệu và nữ thi sĩ cộng sản Pháp Mireille Gansel chọn dịch sang tiếng Pháp. Nhưng bà Mireille Gansel chỉ chọn dịch 22 câu (đoạn mô tả sự trống vắng trong cảnh vật nhà sàn khi Bác không còn nữa), bởi bà cho rằng 22 câu “đó là Thơ, là cái còn lại và không bị thay thế. Còn những câu khác, người ta có thể tìm thấy khi đọc tiểu sử Bác Hồ” (Đối thoại tháng Tám. Tr 773). Lời giải thích ấy chứng tỏ con mắt tinh tường của nữ thi sĩ ngoại quốc. Đây là một bài học quý giá cho những người cầm bút làm thơ. Câu chuyện này làm tôi chợt nhớ tới nhận xét của GS Nguyễn Đình Chú về Trường ca “Theo chân Bác” cách đây gần 40 năm về trước. Không nhớ chính xác ngày tháng, chỉ nhớ vào khoảng năm 1974, lúc còn là sinh viên Khoa Văn ĐHSP Hà Nội 1, trong một buổi trò chuyện giữa hai thầy trò tại nhà riêng của GS tại tầng 2 Nhà B1, GS bảo tôi: “Trường ca Theo chân Bác của Tố Hữu rất xoàng, thua xa Trường ca “Khúc hát người anh hùng” của Trần Đăng Khoa. Thủ pháp Nghệ thuật trong Trường ca “Khúc hát người anh hùng” cao thủ hơn nhiều…”. Tôi hết sức ngạc nhiên với nhận xét này. Vào thời điểm đó, Tố Hữu là thần tượng của hàng chục triệu người thế hệ chúng tôi, Tố Hữu là ngọn cờ đầu, là số một… hầu như ai cũng ca tụng, mà lại có người dám chê thơ Tố Hữu… Không biết sau này, GS Nguyễn Đình Chú có công bố nhận xét này ở trong bài báo, bài nghiên cứu nào không. Những năm 90, hai năm sống cùng Trần Đăng Khoa ở Matxcơva, tôi cũng không nhớ để kể cho anh nghe. Nay nhân câu chuyện của Trần Nhuận Minh, tôi mới nhớ ra, và vô cùng cảm phục nhận xét của thầy Nguyễn Đình Chú…
Trong “Đối thoại văn chương”, Trần Nhuận Minh viết về tình trạng: “Có nhà văn in hàng chục tác phẩm, mà sau khi chết không có tác phẩm nào khả dĩ làm thành cái bát hương, để các thế hệ con cháu thắp vào đó một nén hương tưởng niệm”. Riêng anh, tôi nghĩ anh không nằm trong số các nhà văn đó. Điều đáng ngạc nhiên ở Trần Nhuận Minh là tuổi càng cao, thơ không bị cùn mòn xơ cứng, mà vẫn sung sức, luôn tươi mới, thơ càng ngày càng hay… Có thể nói, anh xứng đáng là một trong những nhà thơ hàng đầu của thế hệ các nhà thơ thời chống Mỹ. Anh là một nhà thơ lớn của nền thơ Việt Nam vắt qua hai thế kỷ
Viết xong lúc 3 h sáng 1.3.2013 tại Hà Nội,
Châu Hồng Thủy