Home > Contend > Tin tức - Tin văn học > Nguyễn Thế Hùng “xin hãy nhẹ tay”

Nguyễn Thế Hùng “xin hãy nhẹ tay”

 

Triển lãm Xin hãy nhẹ tay! của Nguyễn Thế Hùng khai mạc lúc 18h ngày 21/3/2013 tại Craig Thomas Gallery (27i Trần Nhật Duật, Q.1, TP.HCM) là một tiếp nối cảm hứng từ Những ngày dài (10/2010) ở Huế, đến Và hoa đã mưa xuống (6/2011) ở Hà Nội.

 

Năm 2010, Nguyễn Thế Hùng từng phát biểu về công việc sáng tạo của mình như sau: “Những bức tranh của tôi có những mô-típ cổ truyền từ y phục của những nhóm người dân tộc đã sống lâu đời trên vùng đất thượng du Việt Nam. Loạt tranh gam màu trầm, bán trừu tượng mang dư âm của không gian miền núi, là góc khuất của những kỷ niệm những ngày sống trên vùng núi phía Bắc. Những tranh gần đây nhất của tôi thường có những hình bóng không rõ ràng, bằng những quan niệm rối ren bởi những gì tôi đã học, được pha trộn cùng với những xúc cảm tự phát của màu sắc. Ngược lại, những hình hài và bố cục trong tranh biểu tượng cho những tiêu chuẩn đương đại hơn về cái đẹp”. Trong mấy năm qua, dường như họa sĩ này chỉ đào sâu hơn và cực đoan hơn vào quan niệm này, nên dù có nhiều thay đổi về hình họa, nhưng loạt tranh Xin hãy nhẹ tay! vẫn chung một nguồn cội cảm hứng.

Tác phẩm Thư giãn sau cơn mưa 4, acrylic trên vải, 200 x 100 cm, 2013

Xin hãy nhẹ tay! được đánh giá là “sự tương phản giữa các thiết kế cổ xưa và hiện đại cùng với những mâu thuẫn của các giá trị Việt Nam truyền thống ở thôn quê đối với những thái độ mới đã bị quốc tế hóa, đô thị hóa”. Đây còn là sự kết hợp những họa tiết Phật giáo và hoa văn Việt cổ trong các hình tượng điển hình như Lân, Ly, Quy, Phượng, với các hình mẫu có tính quảng cáo trên các áp phích, tạp chí thời trang và cả internet. Nguyễn Thế Hùng cắt nghĩa không gian sống và sự “nhiệu hợp” hình ảnh của xã hội đương đại bằng chính sự kết hợp màu sắc và họa tiết xuyên thời đại.

Bên cạnh đó, trong Xin hãy nhẹ tay! Nguyễn Thế Hùng còn lấy hình ảnh người phụ nữ làm trung tâm để đặt ra một loạt “các câu hỏi quan trọng về nhân quyền, bình đẳng giới, và mối quan hệ nam nữ trong xã hội đương đại”. Đồng thời, “với các tranh chân dung quyến rũ và có phần khiêu khích, Hùng muốn nhấn mạnh sự trân trọng của anh đối với phụ nữ, vẻ đẹp cơ thể và sự hiện diện đặc biệt của họ. Thay vì thể hiện cụ thể vẻ đẹp nữ tính, họa sĩ tôn vinh phụ nữ và làm người xem đặt câu hỏi về bản chất và vai trò của người phụ nữ trong xã hội Việt Nam đương đại”.

Nguyễn Thế Hùng sinh năm 1981 tại Tuyên Quang, tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Hà Nội, hiện sống tại làng Doãn Thượng, tỉnh Bắc Ninh. Ngoài hội họa, anh còn tham gia các dự án khác về âm nhạc, múa, sân khấu và thời trang.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *