Home > Contend > Trang văn > Truyện ngắn > Cái nắp bô và người trí thức

Cái nắp bô và người trí thức

Hồi đó, tôi còn rất nhỏ, chỉ chừng bốn năm tuổi chứ mấy. Tôi theo mẹ về quê thăm ông ngoại. Quê tôi nằm ở vùng ven Sông Hồng.

Trong ký ức, quê tôi một miền quê vừa thanh bình, vừa trú phú so với hồi ấy. Nhà ông ngoại tôi, to đẹp vào loại khá ở làng. Nhà ngoại có sân và đường đi từ cổng vào lát gạch đỏ sạch sẽ. Chạy từ cổng vào là hai hàng chè được ông cắt tỉa rất gọn gàng, thẳng tắp.

Ở trên xe ô tô, tôi ngồi lọt thỏm trong lòng mẹ tưởng tượng về chiếc sập gụ đen bóng nhà ngoại mà lần nào về tôi cũng được ông ngoại cho nằm lăn lê, bò toài trên ấy rất thích thú.

Nhưng được một chốc, tôi thấy mẹ thỉnh thoảng đưa tay quệt nước mắt – những giọt nước mắt to đùng như hạt ngô, nóng nóng, dỏ xuống má tôi. Tôi ngước nhìn mẹ, thấy mẹ rất lo lắng, nên tôi cũng không dám nhõng nhẽo mẹ nữa.

Tới đầu làng, mẹ bế tôi trên tay rồi chạy rõ nhanh vào nhà ông ngoại. Ông ngoại nằm thiêm thiếp, hai tay ấp trên bụng như đang giữ một vật gì quí giá.

Trời tháng sáu, không khí oi ả như bị đun nóng. Tôi nhớ là tôi đã rất khát, muốn tìm nước uống nhưng lạ lẫm nên không dám đi lại và bắt đầu ti tỉ khóc.
Mẹ tôi dỗ dành:
– Con lại chào ông ngoại đi con.
Tôi vẫn cứ khóc làm mẹ tôi bối rối hơn, khóc òa òa “Bố ơi, bố đừng bỏ chúng con đi sớm…”
Ông ngoại tôi rất yếu, đôi mắt cố mở ra nhìn mẹ con tôi, ra hiệu lại gần.
Mẹ tôi vội vàng quỳ sụp xuống bên cạnh, ghé sát nghe ông ngoại mấp máy môi, phát ra từng tiếng khó nhọc:
– Con cất cái này đi, đừng… cho ai… biết… bố… mang nó… từ bệnh viện về.
Mẹ tôi run run mở cái vật mà ông ngoại tôi giấu dưới lớp áo mà nãy giờ ông ngoại vẫn khư khư giữ như là vật quí.
Mẹ tôi mở lớp giấy báo cũ được bọc ngoài cùng, bên trong lại thêm một lớp áo mai- ô cũ rích… cuối cùng thì vật đó cũng hiện ra. Tôi dán mắt vào tò mò, không hiểu gì hết.
Mẹ tôi sửng sốt kêu to:
– Bố! Cái này là… cái nắp bô?!
– Đúng! Cái nắp bô, con cất đi, không dễ tìm đâu con ạ. Quí lắm. Quí lắm…
Mẹ tôi lặng người đi, từng giọt nước mắt to đùng bằng hạt ngô lại lã chã rơi xuống đôi bàn tay đang cầm chiếc nắp bô, thấm ướt lớp giấy báo cũ, đôi bàn tay mẹ tôi run run, nâng niu chiếc nắp bô trên tay như một bảo bối.
Rồi một lát, mẹ tôi đặt cái nắp bô sang bên cạnh, ôm lấy ông ngoại tôi khóc ầng ậc:
– Bố ơi! Bố ơi! Sao bố lại lấy trộm cái nắp bô của bệnh viện?
Nhưng ông ngoại tôi đã tắt thở.

2.

Sau này, khi tôi đã lớn, mẹ tôi kể lại, ông ngoại vốn xuất thân từ gia đình địa chủ, được cho du học Pháp, cách sống rất phong lưu. Hồi hổi những năm 1950, ông ngoại toàn vác mái ảnh đi chụp cho thiên hạ chơi, bấy giờ có máy ảnh chơi là oách xà lách vô cùng. Ông ngoại tôi được dạy dỗ chu đáo nên việc tắt mắt lấy gì đó của ai là không bao giờ xảy ra.

Những năm 1970, cả nước sống thời kỳ bao cấp, ông ngoại được tiêu chuẩn một cái bô men “made in China”, cái bô ấy phải là người quan trọng mới được mua với giá ưu đãi. Cái bô tráng men, bao gồm cả cái nắp bô cũng tráng men (cái bô dùng để xả đại tiện cho người già và trẻ em) coi như vật dụng quí giá thời đó. Ông ngoại bảo để dành bọn trẻ con như tôi về quê có cái dùng không phải dùng nhà vệ sinh cầu tõm nguy hiểm tính mạng. Rồi không hiểu lý do gì, cái nắp bô tự dưng biến mất, cái bô bỗng dưng không có nắp khiến ông ngoại loay hoay, tiếc nuối, nhiều lần nói chuyện với mẹ tôi về cái sự tiếc nuối này. Muốn tìm mua với giá cao cũng khó vì không phải ai cũng có mà mua.

Bẵng đi một thời gian, ông ngoại đổ bệnh, mẹ tôi động viên ông ngoại đi bệnh viện mấy lần, nhưng ông nhất khoát không chịu đi, bảo đằng nào cũng tới số rồi, ông đã tự xem tử vi như vậy.
Bỗng dưng, trước ngày ông mất hơn một tuần, ông tự vào bệnh viện rồi tự về, không thông báo cho ai biết.
Kết quả của sự ra viện đấy chính là cái nắp bô mang theo từ bệnh viện.

Mẹ tôi là người có học và thờ Khổng Tử. Ông ngoại tôi mất rồi mà mẹ tôi vẫn đem lòng giận ông. Mẹ tôi khẳng định, nhất định ông đã ăn trộm cái nắp bô đó. Thỉnh thoảng, bà vẫn nhắc lại “Nhà có thiếu thốn khổ sở gì đâu mà ông đến chết rồi lại đổ đốn ra ăn trộm. Mà ăn trộm cái gì cho cam, đi ăn trộm cái nắp bô!”
Tôi thương ông ngoại. Tôi vừa viết lại câu chuyện này vừa khóc… dầu sao, ông ngoại tôi đã thương chúng tôi rất nhiều, phải là tình thương vô bờ mới dám hành động như vậy. Bởi ngày đó, danh dự một con người được coi trọng hơn bây giờ gấp ngàn lần, hơn nữa ông lại là trí thức, nhẽ ông hiểu giá trị của danh dự hơn mẹ tôi.
Bí mật này chưa một ai được biết, bây giờ tôi cần phải nói ra vì tôi cứ băn khoăn mãi về việc quyết định ăn trộm cái nắp bô của người trí thức!

Thủy hướng dương.

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *