Home > Contend > Tác giả tác phẩm > Hà Nội dấu yêu

Hà Nội dấu yêu

Hầu như Tết năm nào tôi cũng được bạn văn tặng sách. Coi như thành lệ, năm nào cũng có mấy cuốn sách gối đầu giường nhâm nhi những lúc đêm về,

khi thân thể đã mệt nhoài vì cười nói, vì rượu bia, vì ăn uống. Đọc sách ngày Tết là cái thú rất nhẹ nhàng, thi vị.

Cuốn Hà Nội dấu yêu của nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo là một trong những cuốn sách tôi ấn tượng từ số sách tôi được tặng vào những ngày giáp Tết Quý Tỵ. Đây là cuốn ký & tản văn đầu tiên của nhà thơ nữ đang ở lứa tuổi mặn mòi hương sắc cả về dung nhan lẫn trải nghiệm tâm hồn.

Cầm cuốn Tản văn màu tím trên tay, có cảm giác nhẹ nhàng như gặp lại cánh bằng lăng tím thưở học trò, như gặp lại cánh hoa violet rung rinh trong gió Xuân, như muốn trở lại thời yêu đương son trẻ của đời người. Tác giả chọn màu tím, chắc hẳn tác giả phải là người rất đỗi lãng mạn, yêu nghệ thuật và thường xem nghệ thuật chính là nguồn vui.

Quả đúng không sai, tập tản văn gồm 36 bài viết trong đó có đến một phần ba những bài viết ấy nói về Hà Nội.

Tôi đọc và vui vui vì đã phát hiện ra bên trong tâm hồn nhà thơ Phương Thảo rất tinh tế, nhạy cảm. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi những tố chất đó lại còn nguyên vẹn trong một người phụ nữ đang nắm giữ vai trò lãnh đạo. Các bạn biết đấy, hầu hết những ai làm lãnh đạo thường bị cuốn vào vòng xoáy công việc, quản lý , nên phải gạt hết những cảm xúc vui buồn trước thiên nhiên, xã hội, con người. Nhưng nhà thơ Phương Thảo của chúng ta lại giữ được tố chất đó, đọc những gì chị viết, tôi có cảm giác chị có khả năng phân thân giữa công việc và cảm xúc chia sẻ với cuộc đời rất tốt. Như vậy không đáng ngưỡng mộ hay sao?

“Hà Nội dấu yêu” của Nhà thơ Phương Thảo có nhiều bài viết về những nơi chị đã từng đặt chân tới nhưng ở bài viết nhỏ này, tôi chỉ muốn nói lên cảm xúc khi đọc chị viết về Hà Nội.

Tôi cũng là người yêu Hà Nội nên khi đọc tập Ký & Tản văn của chị, tôi rất tò mò. Không hiểu chị cảm về Hà Nội thế nào? Dịu dàng, đằm thắm hay mãnh liệt, nồng nàn?
Ở “Búp gió Tây Hồ” tôi thấy hình như chị đã hóa thân thành con cá, thành chiếc lá, thành cả bông sen thấp thoáng giữa bảng lảng khói sương mờ ảo của Tây Hồ:
“Ấy là những ngọn gió sớm mai còn thảnh thơi đang rong ruổi chờ đợi những tia nắng thu…”, “Nắng chiều đã ngả vàng trên vai áo…” “…những búp gió Tây Hồ mang theo vẻ đẹp vô thường lại thảng thốt nở bung…”
Chị làm tôi mê đắm mới những ngôn từ.
Đọc “Cây cầu sắt nhiều tuổi nhất”, chị lại dẫn tôi sang miền ký ức của lịch sử trăm năm. Những kỷ niệm tuổi học trò của chị giúp tôi mường tượng khá đầy đặn về những thăng trầm đã khoác lên cây cầu sứ mệnh của lịch sử oai hùng. Thơ thới đấy mà lòng đầy trắc ẩn với những ai đã từng đi qua chiến tranh. Tôi thích cái cách chị ví cây cầu như ông già gù khổ hạnh và càng thích hơn khi chị lo lắng, một sự lo lắng đầy trách nhiệm của một công dân thủ đô cho cái gần hấp hối của một nhân chứng lịch sử. Ai bảo phụ nữ làm quản lý là không biết rưng rưng?

Hà Nội với nhà thơ Phương Thảo không chỉ giới hạn ở những con phố cổ nội thành tấp nập người lại qua, mà Hà Nội của chị là cả không gian chiêm nghiệm quang cảnh bình yên của nông thôn, là say sưa trong suy tưởng của nền văn hóa thôn dã lâu đời với thơ, với người. Những điều đó được thể hiện ở Làng Chùa một ngày xuân, hay Gốm Bát Tràn thắm tươi… thật là đầy đặn, dịu dàng. Đọc văn chị, tôi lại liên tưởng thơ của Nguyễn Bính “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy…” Thật lạ, chỉ là tri âm cùng cảnh sắc mà sự tri âm của nhà thơ Phương Thảo cứ dâng lên đầy ắp những nồng nàn và tinh thần lạc quan. Có lẽ, đây cũng chính là đặc điểm riêng trong thơ văn của chị.

Trong chúng ta ai chưa một lần ngân nga vài điệu nhạc viết về Hà Nội, ai chưa từng nghe ca khúc của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn? Hẳn không có ai như vậy. Nhưng chúng ta hãy thử một lần đi cùng cảm xúc của Nhà thơ Phương Thảo để cùng chị lưu dấu hương Hà Nội trong nhạc Trịnh.

Người ta nói, thơ và nhạc luôn làm bạn thân thiết của nhau, quả rất đúng. Cảm thụ âm nhạc nói chung và ca khúc nói riêng đòi hỏi người nghe phải thật sự biết lắng mình lại, thậm chí tới mức như chìm lẫn vào nhạc với ca từ, lúc ấy mới thực sự thẩm thấu.

Phương Thảo của chúng ta không những thẩm thấu ca khúc Trịnh rất sâu sắc mà từ cảm xúc ấy, chị muốn nhìn nhận lại những gì sẽ tồn tại, những gì sẽ mất đi trong tương lai nếu Hà Nội yêu dấu của chị không biết tự mình “bảo trọng” trước những xô bồ biến động môi trường văn hóa, môi trường đô thị.

Hà Nội cứ thế lúc cồn cào, da diết, lúc thơ thới lãng du trong lòng người thi sĩ họ Phạm.
Chúng ta sẽ được cười no nê với những nàng cá tím, cá hồng và cả nàng cá Anh Vũ trong tản văn “Đến chả cá Anh Vũ nói chuyện về cá”. Bỗng trở lại xôn xao thời con gái tuổi học trò, bỗng thấy nhớ nhung thưở hồn nhiên của những năm mới lớn qua giọng kể hài hước.

Nào hãy lặng yên nghe đất trời than thở, nào hãy lặng yên nghe gió rít mưa gào, hãy lặng mà nghe tiếng con tim nhói lên vì đau trước ngổn ngang bão táp. Phương Thảo ở bài Hà Nội những ngày mưa bão chợt giật mình đầy thương cảm trước sự tàn phá khốc liệt của thiên nhiên thảng thốt trước cảnh “cây nhãn già ngoài hiên đang gồng mình trước cơn dông” và cũng đầy trách nhiệm “mong rằng các nhà chức trách hãy sớm vào cuộc và có những hành động thiết thựcc ho sự bình yên và đời sống của người dân..” Đó là ước muốn giản dị và chân thành. Đừng nói nhà thơ chỉ biết làm thơ thôi, các bạn nhé.

Hà Nội dấu yêu của Phương Thảo còn tung tẩy với Hồ Tiên Sa, còn đi câu cá hồ Gia Lâm, còn mơ màng với đồng cỏ Ba Vì… Tất cả, một khi đã lọt vào mắt chị đều trở thành những ký ức ngọt ngào.
Chị chắt dòng trong, đục qua kỷ niệm về GS.TS. NGND Nguyễn Lân Dũng.. bằng cả tấm lòng ngưỡng mộ những con người tài năng, thực sự tâm huyết cống hiến cho xã hội. Lẽ vậy, chị cũng là người đáng được trân trọng vì đã giúp cho độc giả hiểu biết hơn về một vị đại biểu quốc hội được dân yêu.

Hà Nội dấu yêu của Phương Thảo không chỉ giới hạn mỗi tình yêu Hà Nội mà ở đây, chúng ta lại bắt gặp mình đâu đó trong những bài tản văn kỷ niệm tuổi thơ của chị. Hoặc bất chợt lòng rưng rưng bắt gặp khung cảnh mình đã đi qua mà chưa kịp ghi lại qua những bài ký đi qua những miền đất yêu thương của dải đất hình chữ S.

Xin dừng đôi dòng cảm nhận ở đây kẻo lấy đi mất hương vị hồn nhiên của độc giả.
Hà Nội dấu yêu thành món quà Xuân đầy ý nghĩa với những người yêu văn chương. Như một bông hoa cẩm chướng mặn mà, Hà Nội dấu yêu đã tô điểm cho mùa Xuân năm nay thêm phần rực rỡ.

Hà Nội, ngày 8 Tết Quý Tỵ
thd
Tác giả bài viết: THỦY HƯỚNG DƯƠNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *