Tôi gặp ông, hôm đó khoảng 5 giờ chiều, chả là chiều nào đi làm xong là tôi lại nhảo về thăm bố mẹ.
Vừa phi xe máy vào sân đã nghe tiếng một người đàn ông đang choang choang nói chuyện.
Dựng xe máy vào nhà tôi chào ông, ông quay lại nhìn tôi tươi cười chào lại, rồi ông lại tiếp tục liên thanh câu chuyện của mình. Ông nói chuyện vô tư thoải mái như không cần biết xung quanh, bố tôi phải ngắt lời ông để giới thiệu. Qua lời giới thiệu tôi mới biết ông làm nhà thơ, mà nhìn kỹ thì đúng ông có dáng văn nghệ sỹ, tôi đoán ông khoảng trên 60 tuổi, mái tóc dài ngang vai, ăn mặc tềnh toàng trong áo sơ my màu sáo hơi cũ, ngoài mặc áo ghi lê nhiều túi, mà quê ông lại chính là mảnh đất mà tôi đã cất tiếng khóc chào đời.
Ông nói nhiều lắm, hình như ông sinh ra là để nói, ông kể rất nhiều chuyện từ chuyện họ hàng, bà nội, bà ngoại, mẹ đẻ ra ông rồi các anh em cô gì chú bác. Tôi nghe mà lùng bùng hết tai không hiểu gì nhiều, rồi việc ông tham gia quân đội, làm quân báo, hết chiến tranh ông được cử đi học về làm thầy giáo. Nói chán chê ông quay ra hỏi chuyện tôi, bố giới thiệu tôi làm bệnh viện, cũng rất yêu văn thơ,ông bảo tôi đọc thử cho ông nghe một bài, tôi nói với ông là thơ cháu làm chơi thôi, chứ đâu dám đọc cho các nhà thơ nghe,
Ông cười thì thơ làm chơi cũng đọc thử cho chú nghe
Tôi nói cháu có làm thơ mấy đâu, có mỗi tết năm rồi chúc thọ bố cháu 80 tuổi cháu chẳng biết tặng gì nên làm một bài để mừng tuổi cả bố lẫn mẹ.
Ông gặng mãi tôi mới đọc cho ông nghe bài thơ ” Ước gì”
Ước gì trở lại ngày xưa
Lúc tôi còn bé Mẹ đưa đến trường
Mẹ dành tất cả yêu thương
Có quà bánh Mẹ thường nhường cho tôi
Sau khi tôi đọc song ông yêu cầu tôi đọc lại vài lần, rồi ông rất xúc động nói.
-Cháu làm thơ hay lắm, quả thực bài thơ của cháu chắc sẽ là món quà quý nhất tặng cho bố mẹ, anh chị thật hạnh phúc vì các cháu đều là những người hiếu thảo.
Rồi ông tươi cười;
-Em muốn xin anh chị cho phép em đưa cháu vào câu lạc bộ thơ Song Hà – Việt Nam,
em khẳng định với anh chị cháu Vinh sẽ là một người có cảm nhận và năng khiếu viết rất tốt về thơ văn.
Tôi đỏ mặt:
-Cháu làm thơ chơi thôi, cũng không có mục đích trở thành nhà thơ, với lại đang công tác thời gian hạn hẹp không dành được nhiều thời gian cho thơ
Ông cười:
-Chú là người chuyên thẩm thơ nên đã phát hiện ra ai tài năng là không bao giờ sai.
Tôi lặng im, sau đó tôi mời ông ở lại ăn cơm, ông vui vẻ nhận lời, tôi phóng xe ra phố mua đồ nhậu, sau khi bày ra ông cứ xuýt xoa là cho ông ăn sang quá, tôi nói với ông toàn món quê mà thôi, ông cùng bố mẹ và tôi ăn cơm vui vẻ, ông nói với tôi về thơ ca, thế nào là một bài thơ hay. thế nào là một bài thơ dở.
Thơ không cần dài dòng, không cần phải nói rõ ý, nhiều khi nguời làm thơ đâu nói đến yêu mà sao đọc vào độc giả vẫn thấy yêu vô cùng mãnh liệt.
Ông kể có một lần đi ăn phở vừa bước chân vào quán ông sững người vì bắt gặp trong quán có một người phụ ngồi ăn, rồi ông giơ giơ hai tay lên “trời ơi sao lại có người đẹp và cao sang đến vậy”
Tức khắc chú nghĩ ngay trong đầu một bài thơ, ông kể mình thích người ta quá mà người ta không để ý gì nên mình chỉ đơn phương mà thôi. Nhưng chú nói nhỏ nhé vì ở đây không có cô nên chú mới dám nói cô mà biết chú chết.
ĐƠN PHƯƠNG
Chiều đông
Vạt nắng mong manh
Gặp em một thoáng
Lòng anh rối bời
Tóc mềm trước gió buông lơi
Làn môi tươi thắm
Nụ cười thơm hương
Trao anh ánh mắt khác thường
Để anh lạc giữa màn sương mịt mờ
Hình như: Chậm bước!em chờ
Tặng anh một chút bất ngờ
Hình như…
Giọng ông như bay bổng thoát tục khi đọc. Thơ chỉ nên thế thôi, thế nhưng là yêu lắm đấy, chứ bây giờ họ cứ viết những cái gì gì đó mà đâu đã là thơ, yêu nhau không cần phải nói rằng anh yêu em, em yêu anh, nó rẻ tiền lắm, thơ phải nói ngắn gọn, súc tích, yêu mà không cần nói yêu, thích cũng không cần phải bảo thích, lột trần ra thì còn gọi gì là thơ. Mà rồi lại còn cứ phải viết toạc ra là hôn anh, hôn em, không cần cháu ạ. Thơ là phải để người nghe sau khi nghe song mà vẫn thấy hun hút thiêu thiếu cái gì và cứ phải suy nghĩ mãi về sự thiếu hụt đó chứ.
Rồi ông đọc tiếp
Giọt nắng thơm khó níu giữ
Ngọn gió lành nắm bắt dễ đâu
Khát khao xanh mây biếc lá
Em chập chờn trong anh
Thấp thỏm
Lang Thang
Giữa trời sao bất chợt gặp em
Mây giăng giăng che khuất
Em lung linh đáy nước
Anh ngụp lặn kiếm tìm
Em bỗng tan ra
Em hiển hiện mà huyền ảo…
Ông cười xòa rồi bảo đấy thơ thế thôi, cháu nghĩ sao?
Theo cháu hình như nó quá cao siêu, hi cháu không hiểu hết được cái thơ của chú, thơ cháu là cứ phải làm sao dễ hiểu chứ khó quá cháu không làm được, ông cười chú cảm nhận cháu sẽ làm được mà sẽ vượt rất xa cả chú ấy chứ, tôi mỉm cuời rót rượu mời ông, ông không ăn mấy, rồi ông đọc dẫn chúng cho tôi loại thơ lưng lửng của ông
Thoáng nhìn
Mới thoáng nhìn thôi
Để bâng khuâng
Để rối bời lòng nhau
Thoáng nhìn
Nào có nhìn lâu
Nhốt anh trong mắt thẳm sâu đó rồi
Thoáng nhìn
Mới thoáng nhìn thôi!
Thơ là thế đấy, thế mà đã đủ cả nội dung, cần gì cứ phải nói hết ra, đố cháu tìm thấy một từ yêu nào đấy, thế mà yêu ghê lắm, đố bạn trẻ nào yêu hơn tớ. Ông nói với tôi cách làm thơ sao cho hay, cho đẹp, thơ không cần vần điệu mà chiều sâu bài thơ phải hun hút, làm cho người đọc đi từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác, thơ không cần dài, không cần phải nói hết, cụt nhưng lại không cụt. Tôi lặng im ngồi nghe ông giảng giải về thơ và quả thật mừng vì có lẽ đây là lần đầu tiên được nghe giảng về thơ cặn kẽ đến vậy
Khác với phong cách hay nói và vui nhộn của mình, thơ Quý Tháp sâu lắng, xúc tích và đặc biệt ông kiệm từng câu từng chữ, tôi thầm đặt biệt danh cho ông “Lão hà tiện câu chữ“ Thơ ông thật dung dị, mộc mạc, gần gũi nhưng đọc kỹ thì quả thơ ông như một bức tranh đa màu sắc
Nhớ ngày đồng trắng lúa đâu
Trắng trời- Trắng nước- Trắng câu gọi đò
Nay đồng vàng mỏi cánh cò
Dòng sông nép giữa đôi bờ đê xanh
Sân đình ngợp ánh trăng thanh
Mượn câu quan họ – ngỏ tình lứa đôi
Trao nhau ánh mắt nụ cười
Tình thơm hương lúa óng tươi ráng chiều
Biển vàng gợn sóng gió reo
Vùng chiêm như những cánh diều vút lên
Bàn tay rắc nắng vào đêm
Nghiêng đồng đổ nước dệt nên mùa màng
Tôi là người sinh ra và lớn lên cũng từ đồng quê nên hiểu rất rõ về nỗi cực nhọc của những con người từng một nắng hai sương để làm ra hạt thóc, nhưng để tả về cánh đồng như Quý Tháp thì chắc ông phải yêu quê lắm mới viết hay đến vậy…
Là một người xa quê đã lâu song tấm lòng Quý Tháp dành cho quê quả là sâu nặng, mỗi lần về thăm quê ông chẳng quên ai, tính ông hay đi, cứ về quê là đi hết nhà này đến nhà khác, mà ông đi đến đâu là ở đó như có hội, ông rất có tài ăn nói, nhưng tính thẳng và cực kỳ nóng. Nhưng tấm lòng ông dành cho quê hương thì khó diễn tả.
Tôi ngỡ ngàng giữa phố Cuối thân thương
Nơi sinh tôi
Tuổi thơ khát vọng
Nơi cho tôi niềm vui cuộc sống
Theo tôi những tháng ngày xa
Gặp lại mái đình, giếng nước cây đa
Gió lao xao nhắc thời xa ấy
Giặc tràn qua
Bao lần phố cháy
Bao người đi
Bao người mất
Người còn
Xua đói nghèo vất vả sớm hôm
Đòn gánh vắt vai tảo tần kiếm sống
Một nắng
Hai sương
Cày sâu cuốc bẫm
Giọt giọt mồ hôi dệt những mùa màng
Nay phố dài, ngõ dọc ngõ ngang
Nhà mới cao cao
Trăng vàng bến nước
Hương bưởi thơm – thơm tóc ai ngày trước
Vương vương nỗi nhớ mênh mang
Ríu rít đàn em tiếng trống trường tan
Lòng bâng khuâng trẻ lại
Mái trường xưa ấm mãi
Quê hương ấp ủ đời tôi.
Đọc thơ ông tôi có cảm giác có một cái gì đó, vừa gần gũi, thân quen, vừa như có cái gì đó khó tả, nó không giống ông ngoài đời thường chút nào, ngoài đời ông hay nói bao nhiêu, sôi nổi bao nhiêu, thì trong thơ ông dè xẻn từng từ từng chữ, từng câu. Ông bảo tôi nên viết ngắn, đừng nói hết, cần cắt không thương sót có vậy thơ mới thật sự là thơ..
Chậm chân lỡ một chuyến đò
Để đơn côi – Một cánh cò hoàng hôn
Ngẩn ngơ gió
Áng mây buồn
Cau khô
Trầu héo
Sương buông mịt mùng
( Lỡ)
Đó thơ ông là vậy, ngắn chủn, ngắn chủn, nếu người nào đọc qua sẽ cho là thơ gì sao lại ngắn vậy, nhưng hãy lắng lại chỉ mấy dòng vậy ông đã chuyển tải được bao vấn đề để chúng ta phải suy ngẫm.
Trong tập thơ Trầm tư do nhà xuất bản văn hóa ấn hành nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã viết về ông như sau: ” Những năm gần đây, tôi thấy những cái vòi của con bạch tuộc Chủ nghĩa vật chất đã thò vào đời sống con người Việt Nam và cùng thời gian ấy thơ được in ra nhiều hơn như một sự đề kháng bản năng để chống lại chủ nghĩa vật chất. Quý Tháp làm thơ như cần phải thở để bảo vệ sự sống của mình, bởi thế thơ anh trong sáng, trung thực và như một điều vô tình, thơ anh mang nỗi bâng khuâng mơ hồ của sự đợi chờ, là một tiếng thở dài kín đáo về những nuối tiếc và phiền muộn của cuộc đời. Quý Tháp không vay mượn cảm xúc không vay mượn tâm sự, thơ anh lặng lẽ mở ra cho người đọc thấy nỗi lòng chân thật của anh.”
Còn nhà thơ Dương Kiều Minh Hội Viên hội văn học Việt Nam viết:
” Có người trót sinh ra đã ôm nghiệp Văn chương, họ làm thơ vì không thoát khỏi cái nghiệp chướng ấy. Quý Tháp quyết không vậy, Quý Tháp làm thơ là bởi thơ mang sự tôn quý mà các thể loại văn học khác không có được và hình như chỉ có thơ là làm anh hao tâm tốn sức; chỉ có thơ là nỗi ám ảnh hấp dẫn trong cái trần thế chồng chất công kia việc nọ của người đời”.
Còn nhà văn Lê Lâm nhà xuất nảm văn hóa dân tộc thì viết:
” Có thể hình dung mỗi bài thơ Quý Tháp như một bức ký họa rất ít đường nét, bởi hầu hết thơ Quý Tháp đều ngắn, chỉ vẻn vẹn có mươi dòng và mỗi bài cố ghi lại một khoảng khắc, một tình huống, một cảnh sắc để không sa vào lan man, kể lể biết dừng lại khi còn hơi quá sớm, làm cho người đọc có cảm giác ngỡ ngàng, phần chưa hoàn thành ấy dành cho sự sáng tạo của người đọc”
Còn với tôi ông mãi là một ông thầy vui tính trong cuộc sống và vô cùng khó tính trong thơ ca, Quý Tháp mãi là ” Lão hà tiện câu chữ“
Xin được giới thiệu về ông với tất cả những gì trân trọng nhất…
Tác giả: Nguyễn Đình Vinh