Thế là một năm mới lại về, tôi như bay lên trong tiếng pháo vang trời của nhà tôi, của muôn nơi rộn rã lúc giao thừa.
Âm vang ấy đi theo tôi cùng trời cuối đất, luôn ở bên tôi mọi lúc vui buồn, luôn sưởi ấm tâm hồn tôi, nhắc tôi nhớ về thời tuổi thơ yêu dấu và mảnh đất chôn nhau cắt rốn, đầy những chuyện cổ tích đời thường. Nhiều lúc nhớ nhà tôi lại muồn gào lên hai tiếng: Quê ơi!
Khi đã có vài chén, nói chuyện về quê cũ, bao giờ tôi cũng nói: Ngày xưa quê tao đẹp lắm. Còn thằng bạn tôi thì luôn chặn họng tôi một câu: Đúng là mèo khen mèo dài đuôi. Cái xứ nhà mày, chỉ có…tõm…là nhất nước, khổ hơn ma đói, đẹp tốt cái nỗi gì!!! Thôi, chấp làm chi cái thằng hay có tính “ghen ăn, tức ở” ấy cơ chứ. Như không nghe thấy điều hắn nói, kệ hắn với chiếu rượu, tôi thả hồn bay về với quê xưa trên đôi cánh tuổi thơ của mình.
Tuy có buồn lòng chút ít, nhưng cũng phải công nhận thằng bạn đã nhận xét về quê tôi rất chí lý. Nhưng các cụ đã dạy: Lời nói không mất tiền mua…Nó nói thẳng quá, dẫu đúng nhưng cứ thấy tức anh ách…bực thật! Phải, không biết tự bao giờ, cái tên “Cầu Tõm” mặc nhiên gắn cho cái vùng đất đồng chiêm trũng Hà Nam Ninh ngày xưa, ngày nay là Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam. Cái xứ cầu Tõm nhà tôi quả thật là nghèo khổ nhất hành tinh, chứ đừng nói là chỉ trên xứ Việt Nam mình. Nhưng tôi đã đi qua tuổi thơ của mình trên vùng đất ấy, một vùng quê chan hòa nắng gió, cây cỏ biếc xanh, trời cao vời vợi, với những người nông dân chân lấm tay bùn, ăn sóng nói gió…Đó là vùng quê cổ tích tuổi thơ tôi.
Thuở bé, ngôi làng của tôi nhỏ như hạt đậu. Tất thảy chỉ có gần ba chục nóc nhà. Làng chạy theo hướng Tây-Đông, có bốn dãy ao chạy song song. Khi đào bốn dãy ao đó, các vị tiền bối đã quật đất lên tạo thành ba khu đất chạy bên những hàng ao, chia nhau làm nhà mà lập nên làng. Ở đầu làng (Tây) là khu đất của đình và chùa. Có lẽ vì làng tôi quá nhỏ nên đình và chùa cũng rất khiêm tốn. Nhưng trong khuôn viên ấy tôi thấy có tất cả những thứ gọi là hồn cốt của một miền quê: Đình, chùa, sân đình, cây đa, giếng nước… Lưu lạc muôn nơi, mỗi khi nhớ về quê hương, nỗi nhớ của tôi chia ra hai mảng. Một mảng về gia đình. Một mảng về với làng quê, đình chùa, cây đa giếng nước. Làng tôi có tự bao giờ? Tôi đã hỏi Thày tôi, nhưng ông quả quyết là ông cũng không biết. Như vậy, làng tôi đích thị là có từ ngày xửa, ngày xưa!
Nếu lấy compa quay một vòng tròn, thì làng tôi chính là cái tâm của vòng tròn ấy. Tất cả các làng trong xã của tôi và một số làng của các xã khác đều nằm trên cung của vòng tròn đó. Khoảng cách từ làng tôi, đến các làng khác đều là những cánh đồng bát ngát, biếc xanh lúc lúa đang thời con gái, vàng rực khi lúa đã uốn câu. Đó là một điều làm tôi vô cùng thích thú, và luôn hồi hộp đến nôn nao, khi theo dõi cánh đồng trong suốt thời gian nó chuyển màu.
Làng tôi tên là Bói Trung. Nhưng cái tên ấy chỉ để ghi trên các loại giấy tờ. Còn bàn dân thiên hạ chỉ gọi làng tôi là làng Bói. Làng tôi chẳng có ai làm thày bói, sao lại gọi là làng Bói? Câu hỏi này chẳng ai trả lời tôi cả, đành chịu vậy. Từ làng tôi nhìn xuống hướng Nam, là hai làng: Bún Thôn và Bún Trại. Hai làng này dính liền với nhau thành một vệt dài. Chẳng biết có đúng hay sai, nhưng chắc là hai làng này có nhiều người làm bún, bánh cuốn, bánh đa…nên mới đặt tên làng là làng Bún. Chị dâu thứ hai của tôi cũng là người làng Bún. Về nhà tôi làm dâu, chị mang theo nghề làm bún, bánh cuốn. Đã có một thời gian rất dài chị làm bún, rồi bán bún riêu cua ở chợ Huyện ( tên chợ quê ở vùng tôi), nuôi được cả một lũ con đông như quân Nguyên!!! Làng Bún có bà Cối (mọi người bảo là bà bị điên, nhưng tôi thấy bà rất hiền lành) sáng nào cũng đi chợ từ rất sớm. Cứ ra khỏi cửa là bà bắt đầu chửi, chửi hết phiên chợ, chửi về đến nhà mới thôi. Không biết bà chửi cái gì, không ai quan tâm, không ai nhớ. Tiếng chửi của bà theo gió vọng khắp mọi nơi như chiếc đồng hồ báo thức. Mỗi sớm nghe tiếng chửi của bà Cối, mẹ tôi và mấy bà dì lại gọi nhau: Đi chợ thôi, bà Cối chửi rồi đấy.
Làng Bún còn một anh (tôi không còn nhớ tên là gì) đẹp trai trắng trẻo và luôn tươi cười. Người ta bảo nhau là anh hay trộm thịt lợn ở chợ. Tuy nhiên chẳng ai bắt được tận tay anh ăn trộm bao giờ. Vì tò mò nên có lần tôi đã hỏi anh. Anh nhăn răng ra cười bảo: Bậy, thèm thì mượn tạm mà ăn, lúc nào có thì trả lại cho người ta, chứ ai lại đi ăn trộm. Rồi anh gật gù bảo tôi: Thèm thịt không? Vào đây, tao đãi mày một chầu không đứt dải rút không về! Tôi theo anh vào bếp. Anh kiễng chân lấy một cái niêu đất to treo trên một cái quang trên cao, trịnh trọng đặt xuống giữa bếp, rồi đi lấy một cái bát ăn cơm và một cái muôi. Khi anh mở vung nồi đất, tôi vô cùng kinh ngạc không tin vào mắt mình nữa!!! Cả một niêu thịt kho đầy ự, vàng ươm, thơm phức. Nước dãi tôi ứa ra đầy miệng. Anh xúc cho tôi đầy một bát, đưa tôi rồi nói: Chén đi, nhà mày đến Tết mới có cơ đấy. Tôi bốc vội một miếng cho vào mồm, nhai nhống nháo rồi nuốt chửng. Anh khoái chí nhìn cái cách ăn như sói đói của tôi, gật gù thông cảm: Ăn từ từ thôi, nghẹn bỏ mẹ bây giờ. Thôi, mày ra hái mấy lá khoai môn gói bát thịt này mang về mà ăn, tao phải đi có việc bây giờ. Nhưng cấm được nói là tao cho nghe chưa? Tôi dạ, rồi cầm gói thịt chạy về. Đã mấy chục năm, điều bí mật hôm nay mới nói. Xin vái anh một vái thay cho lời xin lỗi, nơi suối vàng mong anh bỏ quá cho. Câu chuyện ấy bây giờ không còn quan trọng nữa, nó chỉ còn giá trị trong kí ức tuổi thơ của tôi mà thôi.
Tiếp theo làng Bún là làng Tiểu Liêm. Làng Tiểu Liêm có ngôi đình vô cùng vĩ đại trong trí nhớ của tôi. Mái đình cao vút và những hàng cột gỗ lim mấy đứa giang tay mới ôm hết, đen bóng, mát rượi mãi mãi đứng sừng sững trong kỉ niệm xưa. Mỗi lần vào thăm điện Thái Hòa trong kinh thành Huế, nhìn những dãy cột của điện, bao giờ tôi cũng nhớ về những cái cột đình của làng Tiểu Liêm quê tôi. Hẹn lòng nhất định phải quay về thăm nơi ấy một lần.
Làng Lê nằm ở hướng Đông làng tôi, nơi có trường cấp một của xã. Nhà bà Rô nằm sát lớp của tôi. Thỉnh thoảng khát nước, tôi lại xin phép thày ra ngoài, chui qua bờ dậu vào nhà bà xin một gáo nước mưa trong cái lu đặt cạnh gốc cau. Hơn nửa thế kỷ đi khắp thế gian, tôi chẳng bao giờ tìm được một loại nước uống nào ngọt mát, trong lành như gáo nước mưa của bà Rô ngày xưa. Làng Lê chắc nhiều người đi công giáo, nên có một nhà thờ rất to. Tôi không dám ghé thăm nhà thờ, vì nghe nói trong đó có tượng Chúa Giê su bị đóng đinh lên thánh giá, tôi sợ. Nhưng tiếng chuông nhà thờ đã ru tôi chiều chiều, sớm sớm ngay từ lúc tôi mới lọt lòng. Làng Lê có anh Lưa cao lênh khênh, có khi trên hai mét cũng nên. Khi tát nước gầu sòng, anh luôn cao hơn ba cái cột gàu một gang. Chỗ anh tát nước bao giờ cũng có bốn năm chị xúm đến chọc ghẹo. Tôi nhớ có một chị bạo mồm nhất luôn làm anh bối rối, bởi chị cứ ỡm ờ hỏi trống không: Này, người cao thế kia, cái ấy…chắc khiếp lắm nhỉ??? Anh Lư thì đỏ mặt tía tai, còn các chị thì cười như nắc nẻ, đấm nhau thùm thụp. Một chị bảo: Làm sao mà biết, phải khám mới được! Thế là mấy chị hè nhau lội xuống, còn anh Lưa thì hoảng quá tưởng bị khám thật, vội ù té leo lên bờ chạy mất tiêu, bỏ luôn cả buổi tát nước. Những tiếng cười phá lên nao nức, đuổi theo những bước chân dài như chân lạc đà của anh Lưa, như một đoạn phim cứ chiếu hoài, chiếu mãi trong tôi.
Tiếp theo làng Lê về hướng Đông-Bắc, hơi xa một chút là làng Tuộc, làng Quyn, làng Vào, làng Sức. Làng Rồi nằm ở phía Bắc làng tôi. Phía Tây, cách một con sông đào, là làng Mái, làng Môn Nha thuộc huyện khác. Tất cả các làng tôi kể trên, bọn trẻ con chúng tôi biết tất cả mọi nhà, mọi người, thuộc mọi ngóc ngách đường đi lối lại như trong lòng bàn tay. Cũng vì thế mà nỗi nhớ quê không chỉ giới hạn trong cái làng bé nhỏ của tôi, mà là cả xã, và còn lan sang tận những làng lân bang thuộc xã của các huyện khác.
Làng tôi tuy nhỏ, nhưng cũng có rất nhiều cái để nhớ: Ông Như uống rượu không bao giờ say. Khi đi cày luôn đeo một quả bầu khô đựng đầy rượu bên hông. Mỗi khi khát, lại dừng trâu tu một hơi, chưa bao giờ tôi thấy ông uống nước. Ông Qúy (cậu ruột tôi) khi chửi con thì cả xã nghe tiếng. Nếu những người mới tới vùng tôi, nghe ông chửi con thì phát khiếp mà rụng rời chân cẳng: Thằng kia, mày về đây, tao ngâm tôm mày, tao róc xác mày ra… Nhưng ông là người khẩu xà tâm Phật và còn là tuýp người: Vác tù và hàng tổng nữa. Ông rất khỏe và làm tốt rất nhiều thứ. Mọi người gọi ông là: Con dao pha. Từ giết trâu bò heo gà làm cỗ, gói bánh, làm các loại giò…Ông là một đầu bếp “Vĩ đại” của cả xóm. Làm nề, mộc… Ông làm như một thợ cả lão luyện. Ông rất hay “ngứa mắt” khi bắt gặp những người làm việc mà lóng ngóng vụng về. Ông chửi toáng lên một hồi, rồi xắn tay làm hộ. Vừa làm vừa chửi: Làm như cứt, tao chỉ vẩy d…một cái cũng bằng mày làm cả ngày… Ông mất vào cái hạn: Bốn chín chưa qua…năm ba đã tới. Cả làng cả xã ai cũng bàng hoàng thương tiếc. Chị Y ở sau lưng nhà tôi, chửi mất gà thì bài bản đệ nhất tỉnh. Hôm nào chị bị mất gà thì cả xóm phải điếc tai mấy ngày. Sáng sớm chị chửi, trưa chị chửi và chập tối lại chửi tiếp. Người lớn thì cằn nhằn, còn bọn trẻ con chúng tôi thì khoái chí vì bài chửi của chị: Này, bọn ăn cắp gà, dỏng tai mà nghe bà chửi đâ..â..ây. Ở nhà bà, nó là con gà, ở nhà mày nó thành Thần nanh mỏ đỏ móc mắt, bóp cổ, bóp hầu chúng mày. Chúng mày ăn gà của bà, đi đằng đông bị thiên lôi đả đằng đông, đi đằng tây thì bão dông mưa đá dập lên đầu chúng mày….Chị là người làng Rồi về làm dâu làng tôi. Ngày mới về nhà chồng, chị trông nhỏ nhắn, đẹp như một công chúa búp bê vậy.
Ông Minh (tôi gọi là bác) thì chuyên môn ngủ gật bất kì ở đâu, thời điểm nào. Có biệt danh là ông Gật. Chân ông bị chai ở gót chân, thỉnh thoảng lại mài dao lạng cái chai ấy đi một mớ. Ông đi đâu cũng cà nhắc cà nhắc, lắc bên này, lắc bên kia cứ như nhảy hiphop vậy. Ông có biệt tài câu cá trê ban đêm. Những mùa nước lụt tháng chín tháng mười, tôi đã nhiều lần chứng kiến những sớm ông trở về trên chiếc thuyền câu với những thúng đầy cá trê vàng nhẫy. Ông thích đánh tổ tôm, nhưng vì tội hay ngủ gật, nên những người cùng chơi, liếc trộm lộ hết cả bài. Ông toàn thua. Một lần vào đêm ba mươi Tết, ông ngồi đun bánh chưng trong bếp, không biết ông ngủ gật say như thế nào, mà bọn trộm vào bê nồi bánh chưng ra sau bếp, lấy hết bánh chưng, để lại cho cái nồi. Khi tôi và anh con trai của ông đi chơi về, thấy mùi bánh chưng thơm nức, tưởng ông đã vớt bánh và đang ép. Hai anh em mừng quá chui vào bếp xem. Hóa ra chỉ là mùi bánh chưng tỏa ra từ cái nồi không sau bếp. Chúng tôi đánh thức ông dậy, thấy cái bếp không ông kêu toáng lên như cháy nhà, chửi vung thiên địa. Tôi chạy về nhà kể chuyện cho mọi người nghe, U tôi cười tí nữa thì chết sặc. Thày tôi bảo tôi xách ra biếu ông Minh một cặp bánh chưng để kịp cúng giao thừa. Ông Minh nhận cặp bánh từ tay tôi sắp lên bàn thờ vừa xong, thì từ phía làng Lê, làng Rồi, làng Bún tiếng pháo đã bắt đầu lắc rắc. Biết là sắp giao thừa, tôi co cẳng chạy về nhà, mỗi bước tôi chạy tiếng pháo lại dày thêm đôi chút. Khi tôi vừa chạy vào sân nhà, thì khắp nơi bốn phương tám hướng tiếng pháo trào dâng, vỡ òa như sấm.
Thế là một năm mới lại về, tôi như bay lên trong tiếng pháo vang trời của nhà tôi, của muôn nơi rộn rã lúc giao thừa. Âm vang ấy đi theo tôi cùng trời cuối đất, luôn ở bên tôi mọi lúc vui buồn, luôn sưởi ấm tâm hồn tôi, nhắc tôi nhớ về thời tuổi thơ yêu dấu và mảnh đất chôn nhau cắt rốn, đầy những chuyện cổ tích đời thường. Nhiều lúc nhớ nhà tôi lại muồn gào lên hai tiếng: Quê ơi!
Huế tháng 4/2013
Hoàng Thảo Chi.