Bốp ! Hiền đưa tay tát vào má mình. Cũng đau rát, bỏng giẫy. Hiền muốn quên, cần quên. Nhưng sao thế này? Trái tim hình như đi ngược chiều với vết hằn của năm đầu ngón tay trên má.
Không lẽ bóp nghẹt nó. Hiền nghiến răng nuốt những giọt nước mắt sắp trào ra, nén nó vào trong.
Ngôi nhà ba tầng kia thành địa ngục vùi chôn Hiền từ ngày ấy. Anh đã đến, ồn ào, cồn cào và cuồng nhiệt dứt Hiền ra khỏi mớ sách vở bề bộn của tuổi học trò. Chẳng cần biết Hiền có đồng ý hay không, anh xô vào như sóng biển bạc đầu cồn bờ ngày bão. Hiền lơ ngơ, vỡ vụn. Cảm giác chiến thắng của trẻ con khiến Hiền háo hức. Ngày ấy Hiền mới mười tám tuổi.
Bỏ phượng hồng, bỏ áo trắng, Hiền xúng xính trong váy cô dâu nhiều tầng, ngơ ngác bước vào nhà anh – Cái chĩnh gạo như người đời vẫn nói. Hiền ngu ngơ trước câu hỏi của đứa bạn học: Mày yêu chưa? Chẳng kịp định nghĩa tình yêu, cô làm mẹ – một bà mẹ trẻ con. Anh ít gần cô hơn. Đến lúc này thì Hiền lờ mờ hiểu điều đứa bạn cùng lớp nói: Anh chỉ coi cô là một vật trang trí trong căn nhà vốn đã rất nhiều thứ đắt tiền. Cô chỉ giống như một bức tranh quý hay chiếc bình pha lê anh vẫn tỉ mỉ lau từng vết bụi bám. Vẻ đẹp ngơ ngác, thuần hậu của cô khiến căn nhà ấy đẹp hơn. Những lúc ấy, Hiền vẫn chưa nhận ra rõ ràng như thế. Cô lau nhà, đi chợ, chăm con và… chờ anh. Chờ anh – một công việc chiếm nhiều thời gian nhất trong chuỗi ngày đằng đẵng của Hiền.
Anh đi – Căn nhà thêm rộng. Con trai lớn dần. Hiền “tự do” khi mới hai mươi hai tuổi – cái tuổi đám bạn cùng lớp với cô vẫn gò lưng, rạp người trên những chiếc xe đạp để chơi trò cút bắt. Còn Hiền – cô đã là thiếu phụ! Một thiếu phụ vắng chồng.
Một năm… Hai năm rồi ba năm. Những lá thư thưa thớt. Hiền một mình vào ra. Căn nhà buồn như cái miếu hoang! Cô viết thư xin anh cho cô đi làm. Anh từ chối. Hiền không cần phải làm gì cả. Anh vẫn gửi tiền về, đều đặn như người ta phát cháo thí mỗi rằm tháng Bảy. Hiền không cần lo chuyện tiền bạc. Đồ đạc trong nhà đầy dần lên. Trái tim Hiền mênh mang khoảng trống! Hiền sắm thêm. Căn phòng ngập đồ. Vẫn trống!
Bà mẹ chồng dọn đến. Để giữ của hay giữ con dâu? Có trời mới biết. Hiền lẳng lặng sống. Cái miếu hoang sang trọng lặng lẽ hai bóng người – một quản ngục và một tù nhân.
Lại một mùa đông nữa. Làn sương mỏng lan khắp không gian như chiếc khăn voan choàng trên đôi vai thon thả của người đàn bà kiều diễm nhưng lơ đãng. Màu sương sao giống y màu khói. Ngày chưa lấy chồng, Hiền mê khói, mê cái mùi khét lẹt, nóng giẫy, cồn cào của nó. Nhà Hiền nghèo, đun lá, củi. Những thanh củi ngun ngún lém lửa, một đầu xì bọt màu cam sẫm. Những làn khói màu trắng đục ngoằn ngoèo bốc cao. Hiền ghé mặt. Khói cay phà vào. Đôi má cô hồng lên, mùi khói ngấm vào da thịt.
Đêm đông. Gió bấc gào ngoài cửa sổ. Cành sấu già vật vã, quằn quại chống đỡ. Những chiếc lá chao đảo, quấn quít, níu buộc. Nửa giường bên kia… Hiền quờ tay… Lạnh. Tê. Vắng. Cô vùi mặt vào gối. Miệng bảo thầm không khóc mà nước mắt cứ trào ra. Tấm thảm đỏ màu huyết dụ trải dưới sàn nhà bầm lại màu đỏ máu.
Hiền tung chăn. Cô lùa chân xuống phía dưới. Vớ chiếc áo khoác, Hiền co ro bước ra ngoài. Cái lạnh đêm đông như nghìn mũi kim ập vào khiến Hiền choàng tỉnh. Nhưng cũng chính cái lạnh ấy khiến trái tim cô càng hừng hực như sắp bốc cháy, sắp tan chảy thành một dòng quặng đỏ. Hiền bước như mộng du trên hè vắng. Phố thưa người. Đêm mùa đông càng vắng. Vài đôi nam nữ chở nhau vút qua. Cô gái ngồi sau giấu mặt vào lưng người tình trốn gió. Hiền giật mình ngỡ ngàng. Bóng thiêu thân chao qua chao lại trước khi phi thân vào rồi rơi xuống trước bóng đèn đường câm lặng. Hình như anh chưa bao giờ chở cô đi như thế trong đêm tối và gió bấc.
Hiền dừng chân trước một quán cà phê. ánh đèn chập chờn. Nhạc dìu dặt – thứ nhạc Trịnh như bóc trần nỗi lòng mỗi con người: “Ngoài hiên mưa rơi rơi. Lòng ai như chơi vơi. Người ơi hoen ướt mi ai rồi….” Câu hát như ma lực níu Hiền ngồi lại. Cà phê đắng ngắt. Lời ca buồn như dòng chảy miên man khiến lòng cô dịu lại.
Bước chân dừng trước cổng. Đôi mắt bà mẹ chồng nhìn chăm chăm. Hiền sững người. Lời ca buồn trong quán cà phê ru cô vào giấc ngủ.
Hiền bấm máy. Giọng đứa bạn thân nhất mệt mỏi vọng ra:
– Tao đang công tác tận miền Nam. Nửa tháng nữa mới về.
– ừ – Hiền uể oải cúp máy.
– Chị đi đâu? – Giọng mẹ chồng lạnh tanh, sắc như đá tai mèo. Suýt va phải bà ngoài bậu cửa, Hiền né người:
– Con ra phố có chút việc.
– Dạo này chị hay phải ra phố lúc đêm hôm nhỉ – Giọng mẹ chồng cô mỉa mai.
– Con muốn tìm một việc gì đó để làm – Hiền lí nhí…
– Hẳn chị thiếu tiền? Số tiền anh ấy gửi từ bên kia về đủ để mẹ con chị sống sung túc đến hết đời kia mà. Tìm việc làm à? Cẩn thận không có lại “mua tranh bán cướp”…
Lẳng lặng, Hiền cất bước. Vẫn con đường cũ, vẫn quán nước xưa, vẫn những nốt nhạc trầm buồn: “Yêu em yêu thêm tình phụ. Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ…” Có thế chứ. Nhưng nghe như nước chảy ngược dòng…
Hiền biết người ấy trong những buổi tối lang thang đắm mình trong nhạc Trịnh nơi quán nhỏ. Người ấy ghồ ghề, trầm ngâm trước ly cà phê đen và điếu thuốc cháy đỏ. Gương mặt lặng lẽ, không buồn không vui. Khác với anh, người ấy không vồ vập, không cồn cào và nhức nhối. Chỉ có những ánh mắt thoáng qua, ve vuốt và dửng dưng. Dường như ngôn từ và thanh âm đều bất lực!
Lại một mùa đông nữa. Giá thời tiết chỉ có ba mùa. Hiền nhìn ra đường. Khô khốc và trắng xám! Cô mặc áo, dắt xe ra. Đã tám năm kể từ ngày anh đi. Và đã ba năm không một câu hỏi thăm, không một lời trò chuyện. Anh không về. Hiền biết. Anh đã có khoảng trời khác. Căn nhà vẫn bóng loáng, màu mỡ thêm đồ đạc. Chỉ có lòng Hiền – cằn đi! Bà mẹ chồng cô đang hớn hở dán mắt vào màn hình ti vi, hai chân doạng ra gác lên tai ghế xa lông như tư thế của người đàn bà trên bàn đẻ. Thoáng bóng Hiền, bà ta đứng phắt dậy. Một bên ống quần vướng phải mép bàn, kéo cái quần ngủ của bà ta xệch xuống, hở cả mảng mông trắng hếu. Mặc kệ cái quần đang treo lơ lửng trên người, bà ta nhào đến, nắm tay lái xe Hiền:
– Chị đi đâu?
Không còn nhớ đã là câu hỏi thứ mấy nghìn hay mấy vạn nữa. Đã hết cả cái cảm giác muốn trả lời. Nhưng nhìn bộ dạng của bà ta, tự nhiên Hiền thủng thẳng:
– Con đi có việc. Mà mẹ hỏi gì nhiều thế. Con trai mẹ đi tám chín năm nay, không đoái hoài gì tới vợ, không một dòng tin tức, không một lời điện thoại, mẹ có biết anh ấy giờ này đang làm gì, ở đâu không?
– A! Con này. Mày dám so bì à? Đã đũa mốc chòi mâm son lại còn… nó ráo mồ hôi cổ, đổ mồ hôi đầu để mày trơn lông đỏ da, mày dám cãi lại mẹ nó thế hử… Mày…
Hiền lao đi như chạy. Cô sợ mình sẽ không nín nhịn được thêm. Cô sợ mình thành kẻ lăng loàn khi cãi lại mẹ chồng. Tiếng chửi của mẹ chồng cô vẫn lanh lảnh đuổi theo phía sau lưng. Hiền chợt thấy lòng tái tê. Chưa bao giờ cô muốn gặp người ấy như lúc này. Cô sẽ cho. Không ! Sẽ dâng hiến. Cô sẽ chủ động mặc cho cô và người ấy chưa hề nói với nhau câu nào. Chưa bao giờ cô khát khao nhiều đến thế. Những tiếng chửi sắc lạnh của mẹ chồng vẫn tới tấp ném vào mặt cô. Anh không cần cô. Anh đã quên hẳn. Anh đã tìm thấy một thứ đồ vật khác. Vậy tại sao cô phải giữ gìn? Bao năm nay, anh đâu biết rằng: còn có cô trên đời. Bao năm nay, anh đâu biết cô còn sống hay đã chết. Anh cho cô nhiều đồ đắt giá, anh không bắt cô đi làm, tiền bạc anh gửi về không thiếu, nhưng thứ cô cần anh lại chẳng quan tâm. Anh phải biết: Cô cần một gia đình! Cô cần một người chồng biết quan tâm chia sẻ. Anh không biết điều đó. Anh không muốn biết điều đó. Và giờ đây, anh đã không về nữa. Anh đã chọn cho mình một mái nhà riêng. Còn với gia đình anh, cô chỉ là một đồ vật để trang trí, một cô con dâu để khoe với người ngoài, một người giúp việc không hạn định và không cần phải trả lương. Vậy thì có gì để giữ? Có gì để cô phải chối từ những ánh mắt ve vuốt ấy?
Gió vẫn rít từng hồi thê thảm. Những chiếc lá khô vô tư chơi trò đuổi bắt, lăn xào xạc trên mặt đường nhựa. Tiếng rao bánh mì lọt vào đêm, chìm thỏm trong vắng vẻ như vòng sóng yếu ớt của viên đá nhỏ ném xuống mặt hồ. Bất chợt Hiền ao ước. Giá người bán bánh mì kia muốn đổi vào vị trí của cô. Cô sẽ đổi ngay, không đắn đo nhiều!
Không chờ Hiền tắt máy, người đàn ông coi xe đã xăng xái xếp xe cô vào chỗ. ánh mắt ông ta nhìn Hiền tinh quái:
– Ông ấy vẫn chưa thấy đến.
Hiền giật mình, thảng thốt. Ông ta cười cười:
– Bàn của cô vẫn còn…
Hiền bước vội vã. ánh mắt người coi xe đuổi theo. Hoá ra không riêng mẹ chồng cô nghĩ thế.
Cô ngồi vào góc bàn quen thuộc. Mắt Hiền theo lối mòn đưa về phía đối diện. Người ấy vẫn ngồi cách chỗ cô một bàn, bên cạnh lùm ngâu chi chít nụ. Không phải người ấy. Không phải khuôn mặt gồ ghề với điếu thuốc cháy đỏ luôn lập loè trên môi. Một đôi nam nữ đang ngồi, hai mái đầu sát lại, tiếng cười rúc rích. Bất chợt Hiền thở dài. Tiếng thở dài vô nguyên cớ thoát ra từ thẳm sâu lồng ngực: “Chiều nay còn mưa, sao em không lại. Nhỡ mai trong cơn đau vùi, làm sao có nhau…” Âm hưởng buồn buồn lan dài. Đến sỏi đá cũng cần có nhau. Vậy mà Hiền…. Cô đã gần ba mươi! Cúi đầu, cô bưng ly cà phê uống cạn. Chát. Đắng. Ngấm vào! Tê đầu lưỡi. Hiền loạng choạng đứng lên.
– Hiền. Đi đâu mà phất phơ như mất cắp thế?
Đứa bạn học cùng lớp thời phổ thông chễm chệ trên chiếc ghế nhựa, mặt ngửa tếch gọi hút theo. Nó là bà chủ của cái quầy nước mía di động bên cạnh. Hiền vòng xe:
– Đắt hàng không? Lâu lắm mới lại thấy mày bán ở đây.
– Đắt, ế gì. Tao bán trên đường chính. Mấy hôm nay vào tháng an toàn giao thông, công an làm gắt quá, dạt về đây. Chồng con thế nào rồi? Uống dừa hay mía?
Tay nó nhăm nhăm cầm con dao như chuẩn bị mổ bò đãi bạn, miệng hỏi liến thoắng. Hiền phì cười:
– Uống ăn gì. Thôi, không có lõm vốn. Vẫn thế…
– Thế thì có như không à. Tám, chín năm rồi còn gì. Kiếm lấy thằng nào tử tế, yêu đi. Xinh đẹp như mày, vò võ một mình, phí của giời… Mà này, bố cún, quay em hai mía – Nó quay đầu về phía người đàn ông đang cặm cụi cạo vỏ mía phía ngoài, hất đầu – Hiền đấy, bố cún nhớ không?
Người đàn ông mặc bộ quân phục bạc phếch, tóc cợp tai, ngượng nghịu lắc đầu
– Cái lão này- Đứa bạn Hiền chau mày – Hiền hoa hậu lớp tôi ngày xưa đấy. Ngày ấy chả đã có lần lão xuýt xoa khen xinh đấy thôi. Thế mà đã quên rồi. Thảo nào, u cứ bảo lão là đồ đầu … đất. Nó cằn nhằn một hồi rồi quay sang Hiền, giọng nhẹ bẫng – Chồng tao, mày nhớ không?
Hiền gật:
– Sao bảo bộ đội?
– ờ thì bộ đội. Đội gánh, xa vợ con mãi, lão chán, xin ra quân. Hai vợ chồng quay vào xe mía. Tạm sống. Lúc nào cũng bên cạnh. Nhiều lúc cũng khó chịu. Nhưng giờ vắng cái mùi thuốc lào khét lẹt của lão, tao cũng chả ngủ được.
Nó cười ngất. Hiền tủm tỉm cười theo.
– Yêu đi – Nó đẩy cốc nước mía về phía Hiền – Chờ mãi bóng chim tăm cá làm quái gì. Sờ sờ trước mắt còn chả ăn ai, huống hồ… Mày gật một cái, tao làm mối…
Hiền lại cười
– Hay có mối nào rồi. Tám, chín năm trời, mong đợi quái gì nữa…
Bài thuyết giáo về tình yêu của nó sẽ còn kéo dài nếu không có một toán khách ầm ào bước vào. Hiền đứng dậy, vẩn vơ:- Thôi. Tao về. Mày bán hàng đi. Mai tao lại ra.
– Nhớ đấy. Tao còn bán ở đây đến hết tháng an toàn giao thông cơ.
Hiền quay ra quán cũ. Cái bàn trước mặt vẫn trống hơ trống hoác. ánh đèn vẫn dìu dặt, nhấp nháy. Lời ca như neo vào mặt gió, quấn quýt vào đám lá ngoài cửa sổ, ngân rung: “Ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại. Cuộc tình nào đã ra khơi ta còn mãi nơi đây. Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ. Ôi những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa…”. Lời hát loang ra như vệt nước, ướt cả chiều đông. Cuộc tình nào… Hiền bật cười. Cô lắc đầu, chợt nhận ra. Cô và người ấy chưa một lần nói chuyện. Thấp thoáng trong đầu cô hình ảnh đứa bạn học với xe nước mía và người chồng xù xì, lấm láp… Nó lam lũ, tảo tần – nó có gia đình; Nó nghèo khó – nó tìm thấy ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Lời ca vẫn day dứt khôn nguôi: “Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi, để một mai xoay tròn thành đá cuội. Ôi cát bụi phận này, nét mực nào xoá bỏ ai hay. Bao nhiêu năm làm kiếp con người, chợt một chiều tóc trắng như vôi…” Hiền lơ đễnh: Kiếp con người!
…Không hiểu bàn chân lang thang làm sao lại đưa Hiền ra ngoài bờ sông lộng gió ấy. Con sông cuồn cuộn mênh mang trước mặt. Chỉ một quãng thôi, phía sau con đê kia là đô thành, phố phường. Tấp nập và ồn ã. Chỉ một chớp mắt thôi. Hiền chợt nghĩ, chỉ một chớp mắt, dòng sông cuồn cuộn, thao thiết kia sẽ đem đến cho cô một chiều tóc trắng. Không còn biết buồn khi mỏi mòn trông đợi anh. Không còn thấp thỏm hy vọng rồi thất vọng khi anh không bao giờ trở lại. Hiền nhắm mắt lại. Chợt lời hát cất cao, rất gần. Hiền mở mắt, ngỡ ngàng. Không phải tiếng hát vẩn vơ theo cô từ cái quán cà phê ấy. Nó cất lên từ chiếc xe bán hàng rong đang tiến lại phía cô ngồi. Đằng sau nó, một gương mặt đàn bà lam lũ. Gấu quần chị bết bùn đất, cỏ may. Chiếc xe và người phụ nữ vẫn lầm lũi bước, tiếng hát vọng ra từ cái loa nhỏ gắn bên hông xe, khấp khểnh lăn theo nhịp bánh xe trên mặt đê gập ghềnh khiến lời ca buồn cứ khật khừng như đứt nhịp: “Đường nào dìu tôi đi đến cơn say. Một lần nằm mơ, tôi thấy tôi qua đời. Dù thật lệ rơi, lòng không buồn mấy, giật mình tỉnh ra ồ nắng lên rồi…”. Chiếc xe dừng lại. Tiếng hát lại lan xa. Bỏ chiếc xe giữa đê vắng, người đàn bà ngồi xuống bên vệ cỏ, ngửa mặt nhìn trời như thầm đoán ước điều gì rồi ngả nón quạt. Gió thì thào thổi lên từ mặt sông như cuốn theo lời ca buồn ném đi xa khi chiếc loa bỗng đổi giọng, lanh lảnh hát: “Em sẽ là mùa xuân của mẹ, em sẽ là màu nắng của cha…” Bài hát này, con trai Hiền thường hát. Hiền đứng dậy. Cô lẳng lặng ngắm người đàn bà đang nhắm nghiền đôi mắt như thiu thiu ngủ… Hiền bước ngược chiều con đường đã dẫn cô tới bờ sông. Cuộc đời này còn nhiều điều đáng nhớ hơn cả những chiều tóc trắng…
– Hiền ơi! Vào đây đã! Con bạn ngồi vắt vẻo trên chiếc ghế nhựa, bên xe nước mía léo nhéo gọi.
– Mai nhé. Giờ tao phải đi làm cho kịp ca chiều – Hiền đáp mà không quay đầu lại.
– Ơ kìa…/.
Trương Thị Thương Huyền