Home > Contend > Tin tức - Tin văn học > Tọa đàm khoa học: Sự nghiệp văn học Hoàng Trung Thông

Tọa đàm khoa học: Sự nghiệp văn học Hoàng Trung Thông

Sáng ngày 22/04/2013, tại Viện Văn học (20 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã diễn ra buổi Tọa đàm khoa học Sự nghiệp văn học Hoàng Trung Thông,

nhân tưởng niệm 20 năm ngày mất của ông. Buổi tọa đàm khoa học sự nghiệp văn học Hoàng Trung Thông do Viện văn học – Hội Nhà văn Việt Nam và Nhà xuất bản Văn học đồng tổ chức.
Tham dự buổi tọa đàm có: PGS. TS. Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng viện Văn học; TS. Lê Thị Bích Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, ban Tuyên giáo TW; G.S Phong Lê; GS Hà Minh Đức; GS Nguyễn Huệ Chi; GS Phan Trọng Thưởng, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên; nhà thơ Vũ Quần Phương cùng đại diện lãnh đạo Viện, các nhà văn nhà thơ, nhà lý luận phê bình và đại diện các cơ quan báo chí.

Buổi tọa đàm đặt ra một số vấn đề chính: Hoàng Trung Thông – một nhà thơ cách mạng, một dịch giả, nhà nghiên cứu lý luận phê bình, nhà quản lý văn nghệ.

GS. Phong Lê, trong bài tham luận của mình, ông đặt trọng tâm vào thời kỳ 10 năm Hoàng Trung Thông làm quản lý ở Viện Văn học. Theo ông, nhà thơ Hoàng Trung Thông là một nhà thơ mang phong cách chân chất, với giọng điệu riêng mà bạn đọc dễ nhận ra. Ông là một nhà thơ của “Bài ca vỡ đất”, của những câu thơ hùng hồn: “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Ngoài ra, Hoàng Trung Thông còn là một nhà thơ của niềm cảm xúc bâng khuâng tình người.
GS. Nguyễn Huệ Chi với bài tham luận: “Đi tìm con người Hoàng Trung Thông” đi sâu vào những góc khuất cuộc đời nhà thơ đằng sau con người quan chức, quản lý Viện Văn học. Đâu là con người sân khấu, đâu là con người thật của Hoàng Trung Thông.
“Thơ Hoàng Trung Thông hôm nay đọc lại” là tham luận của nhà thơ, nhà lý luận phê bình Lê Thành Nghị. Thơ Hoàng Trung Thông hiện hữu hai trạng thái tình cảm: Yêu thương và căm thù. Yêu thương người cùng khổ, những con người lao động bình dị và căm thù kẻ xâm lược. Mọi tình cảm của ông đều quy về hai trạng thái ấy, nên thơ ông rất rạch ròi, minh bạch.
GS. Hà Minh Đức lại cho rằng Hoàng Trung Thông là một nhà thơ đã phải phân thân quá nhiều. Nhưng ông là nhà thơ của nhiều bài thơ hay, mà với một nhà thơ, có nhiều bài thơ hay trong cả một đời thơ là điều không dễ, không nhiều. Nên đánh giá lại Hoàng Trung Thông phải có cái nhìn công bằng, và sự tôn vinh ông phải ở mức độ cao hơn.
Theo ý kiến của TS Lê Thị Bích Hồng, nhân tưởng niệm 20 năm ngày mất của nhà thơ Hoàng Trung Thông, Viện Văn học đã làm một việc rất ý nghĩa, khi sự nghiệp văn của một nhà thơ đã được đánh giá đúng mực, và vì những câu thơ của Hoàng Trung Thông đã găm sâu vào kí ức của cả một thế hệ người Việt ta. Hoàng Trung Thông là một nhà thơ, nhà nghiên cứu, và với lĩnh vực quản lý Văn nghệ hôm nay, cần có chuyên môn và cần lắm sự đóng góp của văn nghệ sĩ, làm sao để thấu tình đạt lý, đạt tới tính nhân văn.
Với những vấn đề thảo luận về nhà thơ Hoàng Trung Thông tại buổi tọa đàm này, các tham luận của các GS, nhà nghiên cứu khoa học, nhà lý luận phê bình… có thể đi đến một vài điểm chung: Nếu Hoàng Trung Thông, một nhà thơ cách mạng, nhà thơ của người lao động với “Bài ca vỡ đất”, “Bộ đội về làng”… với ngôn ngữ bình dị, chân chất, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người, thì với mảng lý luận phê bình, ông đã để lại nhiều tiểu luận sắc sảo, sâu lắng; một dịch giả không chỉ am hiểu sâu sắc văn hóa phương Đông mà còn văn hóa Phương Tây, ông dịch nhiều tác phẩm văn học Trung Hoa, văn học Phương Tây, đặc biệt là phe Xã hội Chủ nghĩa, và một nhà quản lý Văn nghệ công bình nhiều trắc ẩn.

Tin và ảnh Thanh Thúy 

Theo VanVN.Net

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *