Đêm tháng Tư âm lịch. Gió lào sàn sạt. Trời nóng như nung. Cây trong vườn lặng phắc. Chuối rũ tàu xuống như người hơ lá bánh. Ngọn mía teo toắt lại. Xà cừ trút lá. Nhãn bằng cúc áo rụng như người tuốt ném tràn quanh gốc. Tiếng cuốc khản đặc. Lưng người gai mít nổi lên. Oi bức và ngột ngạt.
Ban chiều, trai ăn mặt trời. Phía tây vằn lên như máu. Bây giờ chớp đông nhay nháy. Chị tôi lao lượn quanh sân. Hết ra lại vào. Chiếc quạt mo trên tay đập phành phạch liên hồi. Tiếng côn trùng sau vườn yếu ớt vọng lên dưới tầng lá mục như tiếng hồ, tiếng nhị ẩn hiện và thần bí. Tôi hỏi: “Sao chị không vào ngủ”? Chị tôi buông tiếng thở dài: “Ngủ mằn răng được chú! Đêm nay mà mưa thì chết đói”.
Rồi chị tôi tính, nhà cấy sáu sào. Theo cán bộ kỹ thuật nông nghiệp phổ biến, mỗi sào chỉ một ki-lô-gam thóc giống là đủ. Mỗi lần ra mạ chỉ có một nhánh thôi. Để chắc ăn, chị tôi cứ gieo mạ gấp đôi cho khỏi phân vân. Tay cào tay cuốc chứ có phải máy tính làm đâu mà làm chỗ mô chính xác chỗ đó. Hai mươi bốn ngàn một cân giống mới. Gần ba trăm ngàn đồng vãi ra ruộng chứ có ít chi mô. Cả làng đều rứa cả có riêng chi nhà ai. Chỉ một trận mưa là từ xe chuyển sang gánh, từ gánh chuyển sang đội, từ đội chuyển sang bưng dễ như lật bàn tay. Đất lụt đất bão thất thường. Xương máu mình biết lắm rồi. Tôi động viên, chị yên tâm, đài báo có mưa đâu? Tiếng chị tôi nẫu nuột: “Đài báo cả nước, từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên Huế chứ có báo riêng làng Thọ Lộc mình đâu. Chiều nay, chuồn chuồn bay thấp lắm, chú ạ”. Rồi chị tôi đọc mấy câu ca dao và bảo: “Đài cũng không chính xác bằng nó đâu chú ạ”. Đúng là sau lúc trai ăn mặt trời, chuồn chuồn bay thấp thật. Từng đàn chuồn ma, chuồn ớt dập dềnh bay sát mặt đường. Lũ chuồn chuồn voi, chuồn chuồn săn bắt cướp vốn vẫn bay cao tít tắp thế mà chiều nay bỗng cứ như quẩn dưới chân người. Tôi hình dung ra ba trăm nóc nhà. Có lẽ ở mỗi góc sân làng tôi đang có những cặp mắt ngước lên nhìn trời trong đêm. Nhiều sự thao thức, thấp thỏm. Nhiều tiếng thở dài. Đàn ông kéo nhau từ nhà nọ sang nhà kia. Vừa tới bờ sân, ai đó đã lên tiếng, chuồn chuồn bay thấp lắm! Nhà bác vãi mấy cân? Nhà chú vãi mấy cân? Nỗi lo tìm đến nỗi lo bằng những câu hỏi đầy tâm trạng phấp phỏng.
Tôi chợt nhớ lời mẹ tôi kể. Ngày sinh tôi, chuồn chuồn bay thấp lắm. Hố tăng xê đào dưới gốc cây duối xù góc vườn ngập hai phần nước. Phải lấy nón rách làm gầu múc vét. Máy bay bà già của Pháp bay xèn xẹt trên đầu. Tháng ấy, Chuồn chuồn bay thầp nhiều quá. Một lần sang nhà anh em bên núi Lời, tàu bay Pháp bắn moóc chê công binh xưởng, nơi chế súng đạn của bộ đội ta. Mẹ tôi bế tôi vào hang trốn. Dượng tôi bảo, mợ cho cháu lên hang cao này. Mưa xuống, nước đầy hang, chết cả nút. Mẹ tôi không thấy trời mưa. Dượng tôi nói, chuồn chuồn bay thấp lắm. Và trời đổ mưa. Quả nhiên, cái hang ấy ngập nước. Mẹ tôi cảm ơn dượng. Dượng tôi cười, ơn gì tôi. Ơn con chuồn chuồn ấy.
Ngày xưa, làng tôi nhiều nhà rách như tổ đỉa. Hàng trăm khuôn mặt xanh xao, méo quắt đi khi đến mùa mưa bão. Mà sao mưa bão dạo ấy nhiều và dữ dội thế. Đài, báo không có. Nhìn cỏ cây côn trùng mà làm ăn, mà gieo trồng cấy hái. Năm nào măng tre mọc quặp vào giữa bụi, ong vò vẽ làm tổ sát mặt đất là bão to, bão nhiều. Ve kêu nhiều thì lụt lớn. Năm nào măng mọc hướng ra ngoài, ong làm tổ ra ngoài là chắc trời yên biển lặng. Còn trông kiến di chuyển, mối dâng lên vách, lên cột thì đoán được thời gian mưa lụt. Cỏ gà, rễ tre, rễ si, rễ mía cũng là những con mắt thần, những chiếc tai thần về thời tiết đối với làng tôi. Nhưng có lẽ, con chuồn chuồn gần gũi với cuộc sống làng tôi hơn tất cả. Nó như một cái phong vũ biểu hàng ngày. Người làng tôi quen nói, chuồn chuồn bay thấp lắm, gặt gấp thôi. Chuồn chuồn bay thấp lắm, ngừng phơi rơm, phơi rạ thôi. Chuồn chuồn bay thấp lắm, che mạ đi thôi. Có ngày tôi đi học, mẹ chạy theo ra cổng nhét vội cho tấm bì giấy bóng và nói, chuồn chuồn bay thấp lắm. Có lần, tôi bật cười khi nghe đứa cháu hỏi, sao xã ta cứ cắm trại mẹ nhỉ? Mẹ nó ngơ ngác, rồi đáp, xã định lịch rồi thì cắm chứ sao. Nó bảo, chuồn chuồn bay thấp lắm. Mẹ nó vặn lại, lãnh đạo người ta nghe đài báo cẩn thận chứ ai làm bừa. Chuồn chuồn mà tinh bằng đài à? Trại cắm xuống. Trời đổ mưa thật. Ngày cắm trại bị vỡ. Nó cười, con đã bảo chuồn chuồn bay thấp mà!
Tôi chợt nghĩ, trong đời mỗi người làng tôi không biết đã có bao nhiêu lần chuồn chuồn bay thấp? Trong mỗi câu hát vui của làng tôi có được từ xưa đến nay không biết phập phồng bao bận mừng lo khi thấy chuồn chuồn bay thấp? Bây giờ, không nhà nào không có ti vi. Chương trình dự báo thời tiết được phát ngày ba bốn bận. Tưởng chừng như thế là quá đủ. Nhưng hình như, ngoài cái bao trùm rộng lớn mà ra đa, vệ tinh khí tượng thuỷ văn chớp chụp, phân tích được, còn có một chút gì đó riêng cho mỗi vùng quê. Cái riêng đó người quê tôi đọc được, giải mã được từ một chút chấm trắng nơi phần bần của rễ cây, rễ cỏ, lắng lọc được trong từng tiếng côn trùng huyền bí. Và như đêm nay, mặc dù đài báo đêm không mưa, ngày nắng, chị tôi vẫn không ngủ được. Vì một lẽ rất giản đơn, chị tôi cũng như rất nhiều người trong làng đang đứng trước một thông điệp được trải nghiệm bằng cuộc sống mất, còn qua năm tháng. Mấy tấn mạ của làng đã vãi ra đồng. Chớp đông nhay nháy. Đài báo không mưa. Nhưng chiều nay, chuồn chuồn bay rất thấp!
Nguyễn Minh Khiêm