Home > Contend > Tác giả tác phẩm > NHÀ THƠ GIANG NAM và những bài tình thơ nổi tiếng

NHÀ THƠ GIANG NAM và những bài tình thơ nổi tiếng

NVTPHCM- Ngoài Quê hương, Giang Nam còn có nhiều thi phẩm nổi tiếng viết cho người vợ yêu thương của mình. Bài thơ Lá thư thành phố là một minh chứng tiêu biểu.

Bà Phạm Thị Chiều (SN 1931), vợ của Giang Nam, nhân vật trong thi phẩm nổi tiếng của nhà thơ đã qua đời hôm ngày 15.4.2013 tại nhà riêng ở số 46 Yersin, thành phố Nha Trang, hưởng thọ 83 tuổi. Gần 60 mươi năm hai người yêu thương, xa cách vì công tác và hạnh phúc với nhau, nay bà đã về với đất mẹ. Mặc dù vậy, trong nhiều bài thơ của Giang Nam, người phụ nữ ấy có lẽ vẫn còn sống mãi với bạn đọc gần xa.
Phạm Thị Chiều người gốc phường Vĩnh Trường (TP Nha Trang). Những năm 1950, bà theo chị gái lên vùng căn cứ Đồng Bò hoạt động cách mạng rồi một thời gian sau được điều về làm ở khối Dân chính của Tỉnh ủy Phú Khánh, đóng ở Đá Bàn. Tại đây, bà đã gặp chàng trai Nguyễn Sung (tên thật của Giang Nam) vừa nghỉ học từ Quy Nhơn về vì Nhật đảo chính Pháp. Hai người quen nhau một thời gian rồi cấp trên cho làm đám cưới trước ngày Giang Nam ra Bình Định tham gia Đoàn Sĩ quan liên bộ đình chiến, chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định Genève. Không ngờ đây là cuộc chia ly không hẹn ngày về, tình vợ chồng từ đây xa cách, trải qua nhiều dâu bể. Cuộc sống của họ tuy bị chiến tranh chia cắt nhưng tình yêu cứ thế mãi lớn dần theo cách mạng. Có lẽ, cũng chính vì cách trở như vậy nên trong sự nghiệp cầm bút của mình, Giang Nam có nhiều bài thơ viết về người vợ mà nhà thơ một mực yêu thương, chung thủy đến trọn đời.
Như Giang Nam đã từng kể trong hồi kí Sống và viết ở chiến trường. Bà Chiều chính là nguyên mẫu của nhân vật trong nhiều bài thơ nổi tiếng của ông. Trước hết phải kể đến bài Quê hương. Bài thơ ra đời trên cơ sở của một sự thật. Đó là một đêm năm 1959, địch ập vào căn nhà vợ chồng Giang Nam thuê để hoạt động bí mật tại thành phố Biên Hòa bắt mẹ con bà Triều giải đi. Sau đó, tổ chức đã cho người dò la tung tích nhưng không tìm ra manh mối. Một năm sau, tin từ cơ sở trong thành vừa báo cho biết, vợ và con gái nhà thơ bị địch bắt trước đó hơn một năm đã bị chúng thủ tiêu trong nhà tù tại Phú Lợi, Sài Gòn. Và đêm đó, nơi đóng căn cứ bí mật của tỉnh ủy, Giang Nam ngồi trong căn chòi nhỏ của mình đã viết bài thơ Quê hương. “Hầu như tôi viết một mạch không xóa sửa, hình ảnh cứ như được sắp sẵn và hiện ra đầu ngọn bút, từng đoạn nước mắt tôi cứ trào ra thành thơ”. Bài thơ đã làm người đọc bao thế hệ xúc động bởi nhiều kỉ niệm gắn với quê hương một thời và hơn thế, đây còn là mối tình tuyệt đẹp, cảm động chung thủy trước một mối tình đẹp nhưng không đoạn kết. “Quê tôi đầy bóng giặc, từ biệt mẹ tôi đi” và “Có ngờ đâu – Cô bé nhà bên cũng vào du kích” để rồi một ngày “Hôm nay nhận được tin em/ Không tin được dù đó là sự thật/ Giặc bắn em rồi quăng mất xác/ Chỉ vì em là du kích em ơi!”. Nỗi nhớ người con gái với tiếng cười tuổi thơ, với đôi mắt đen tròn nhìn theo mình trong đoàn hành quân; đôi mắt đen tròn khi mình hỏi chuyện chồng con; rồi người vợ về những ngày kháng chiến một mình bí mật hoạt động cách mạng nuôi con như được quyện vào câu chuyện tuần tự từ khi gặp rồi yêu nhau đến bị giặc giết. Nhà thơ “khóc” thành tiếng trong từng câu chữ rõ ràng. Cả một vùng kí ức đau thương của nhà thơ như chợt hiện lên với mùi bom khói của chiến tranh. Và rồi kết lại bài thơ, nhà thơ viết ra những dòng thơ quê hương cháy bỏng in đậm vào trái tim của mỗi người đọc “Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm/ Có những ngày trốn học bị đòn roi/ Nay yêu quê hương qua từng nắm đất/ Có một phần xương thịt của em tôi” cứ day dứt mãi. Bài thơ đã trở thành thiên anh hùng ca và sống mãi trong lòng bao thế hệ học trò và người yêu thơ Việt nam. Chính vì lẽ đó mà Quê hương đã đến với người đọc và để lại trong trái tim họ những rung động thiết tha, làm cho mỗi người càng thêm gắn bó với quê hương đất nước.

Vợ chồng nhà thơ Giang Nam tại nhà riêng

Ngoài Quê hương, Giang Nam còn có nhiều thi phẩm nổi tiếng viết cho người vợ yêu thương của mình. Bài thơ Lá thư thành phố là một minh chứng tiêu biểu. Trong tác phẩm này, Giang Nam đã thể hiện khá rõ tình cảm của người vợ mình đang ở hậu phương trong hoàn cảnh neo đơn gửi cho chồng đang công tác ở vùng đất đỏ miền Đông. Người chồng nhận được thư bồi hồi cảm động: “Ôi! Dòng chữ tím nghiêng nghiêng nét/ Mảnh giấy vàng hoe chẳng gạch hàng/ Anh nghe hơi ấm bàn tay nhỏ/ Trên phong bì đẫm dấu quê hương”. Theo nhà phê bình Hoài Thanh thì: “Hình của của người chồng cũng quý, nhưng quý nhất vẫn là lời trong bức thư người vợ, lại đúng cái nhìn của người vợ nghèo ở Việt Nam”. Có cái gì trong nhớ thương, trong suy nghĩ, trong cách nói năng, trong tâm tư tình cảm của người vợ rất xưa mà rất mới: “Nửa căn nhà trống, vài phiên chợ/ Đôi cánh tay gầy, một mụn con/ Em vẫn ngày đêm đi gánh mướn/ Thương em các chị giữ giùm con”. Tình cảm đó được Giang Nam thấu hiều, thông cảm, thương nhớ và chia sẻ nhiều hơn: “Nhà ta mấy bận mưa hư nát/ Mái lá tơi bời lạnh gối chăn/ Em không buồn lắm vì em biết!/ Anh khổ nơi xa gấp mấy lần/ Em biết anh không ngừng chiến đấu/ Muôn ngàn anh chị ở bên anh/ Bao giờ em được lên trên ấy/ Vá áo cho anh rách lại lành”. Bao nhiêu nhớ thương, âu yếm của người vợ trong lời thư mà vẫn rất kín đáo, vẫn đủ để vợ chồng hiểu nhau chứ không cần đòi hỏi sỗ sàng. Và đây là lời động viên chồng rất ý nhị, rất nữ tính của bà Chiều: “Con vẫn ăn chơi, em vẫn khỏe/ Anh yên lòng nhé chốn xa xăm/ Dây bầu sai trái bên đầu ngõ/ Vẫn đợi anh về hái nấu canh/ Con nhớ anh thường đêm biến ngủ/ Nó khóc làm em cũng khóc theo/ Anh gửi về em manh áo cũ/ Đắp cho con đỡ nhớ anh nhiều”. Chính tình cảm vợ chồng, nhiệm vụ gia đình, trách nhiệm với đất nước đan xen hòa quyện vào nhau tạo nên sự kết tinh vẻ đẹp cao cả của người vợ, người phụ nữ hậu phương. Vì thế, hình ảnh người vợ, người phụ nữ đã lồng vào hình ảnh đất nước trong thơ Giang Nam quý giá và kiêu hãnh.
Hai năm sau khi bị bắt, do không tìm ra lý do buộc tội, bà Phạm Thị Chiều đã được địch thả trở về. Nói về điều này, có lần vợ chồng Giang Nam cho hay, vợ chồng ông vô cùng cảm ơn một người luật sư lúc đó đã bào chữa cho cả hai mẹ con bà Chiều vô tội nên cả hai không bị đày ra Côn Đảo. Và như thế mới được trở về đoàn tụ, được tiếp tục hoạt động cách mạng. Sau ngày thống nhất, vợp chồng Giang Nam nhiều lần tìm người luật sư này để trả ơn nhưng không gặp, đành phải ghi nhớ ơn sâu đó vào trong lòng.
Bao nhiêu năm trời cứ tưởng như vợ và con gái duy nhất đã chết dưới tay giặc. Ngày nhận tin vợ còn sống trở về, Giang Nam vui mừng khôn xiết. Trong niềm vui được đón vợ trở về, Giang Nam đã viết bài thơ Đón em tựa như máu thịt của mình. Trước hết là dòng hồi tưởng của nhà thơ về những ngày hai người còn hoạt động cách mạng , đã từng “Canh đường đi, gác cho nhau ngủ/ Công tác làm chung, no đói lo chung/ Gọi đùa nhau: Đồng chí vợ, đồng chí chồng/ Lừa địch phá vây, dựng gây từng cơ sở”. Đến ngày được gặp mặt, niềm vui vỡ òa, Giang Nam như thầm nói với người vợ của mình: “Hãy yêu quê hương bằng trăm ngàn thuở trước/ Nơi mỗi bờ tre ấp ủ một chiến công/ Nơi mẹ dạy em: sống đơn giản, chết anh hùng/ Anh đã thay em làm tất cả”. Và rồi trong phút gặp gỡ, nhà thơ lại động viên vợ mình bằng chính tình cảm của một người chồng, của tình người làm cách mạng “Có ai tính nhơ thương bằng nước mắt/ Hãy để tháng năm sống dậy trong lòng”.
Và trong kháng chiến cũng như khi đất nước đã hòa bình, Giang Nam còn nhiều bài thơ khá hay viết về người vợ yêu thương của mình. Người con gái ấy, người vợ thủy chung, người phụ nữ kiên trung trọn đời với cách mạng ấy đã ra đi hòa vào lòng đất vào lúc 18 giờ 50 phút ngày 15.4 năm 2013 sau một cơn đột quỵ tại nhà riêng ở Nha Trang. Bà ra đi vĩnh viễn nhưng nguyên mẫu của những hình ảnh độc đáo trong các bài thơ của Giang Nam vẫn còn sống mãi với thời gian, với bạn đọc yêu thơ.

Đào Tấn Trực

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *