Home > Contend > Tin tức - Tin văn học > Vợ đại sứ đạo văn

Vợ đại sứ đạo văn

Giới yêu văn học nghệ thuật nước nhà vốn đã ngán ngẩm vì tình trạng đạo văn, đạo nhạc, đạo ý tưởng một cách dồn dập trong những năm vừa qua giờ đây lại phải đón nhận một tin buồn nữa

: cuốn tiểu thuyết Chuyện tình viên phó sứ của nhà văn Nguyễn Thị Mỹ Dung đã bị dịch gần như nguyên xi sang tiếng Pháp mà không được thông báo. Điều đáng nói là cuốn tiểu thuyết này được đứng tên bởi một nhà xuất bản danh tiếng của Pháp.

Năm 2005, nhà thơ Mỹ Dung, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội đã cho xuất bản cuốn tiểu thuyết mang tên Chuyện tình viên phó sứ kể lại chuyện tình cảm động của bà Trần Thị Quý và ông Michell Bouteille, một viên phó công sứ thời Pháp thuộc.

Nhân vật chính là cô bé Quế (hư cấu từ tên bà Quý) xuất thân nghèo khó, đi ở rồi trở thành người hát cô đầu ở xóm Bình Khang. Ở đó, cô đã gặp Bouteille một công chức thanh liêm, chính trực – rồi hai người nên vợ nên chồng.

Cuốn A Toujours Ma Concubine của Trần Thị Hảo xuất bản tại Pháp (trái) và bìa cuốn tiểu thuyết Chuyện tình viên phó sứ (NXB Phụ nữ) của tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung

Hai người đã trải qua những khó khăn của thời nhiễu loạn khi Nhật vào Đông Dương. Đặc biệt là Quế đã phải bỏ quê để tránh sự hắt hủi dành cho một me Tây khi Bouteille đã rời Đông Dương sau năm 1945. 35 năm sau khi liên lạc bị gián đoạn, ông Bouteille đã liên lạc được lại với Quế và vẫn yêu bà như ngày nào. Hai người đoàn viên với nhau tại Pháp, kết thúc có hậu cho một chuyện tình đẹp. Truyện đã được độc giả tại Việt Nam và đặc biệt giới Việt kiều tại Pháp đánh giá cao.

Năm 2010, TS Trần Thị Hảo đã xuất bản cuốn A Toujours Ma Concubine tại Pháp kể lại câu chuyện tình nói trên bằng tiếng Pháp. Vấn đề sẽ dừng lại ở đó và sẽ không “lộ bem” nếu như một người bà con của bà Quý không đề nghị dịch cuốn tiểu thuyết tiếng Pháp sang tiếng Việt và nhận ra quá nhiều sự giống nhau giữa hai cuốn tiểu thuyết. Sau khi đọc hai tập sách, dịch giả Phan Văn Cát viết: “Khi đối chiếu 2 cuốn sách nói trên thì tôi thấy trong tổng số 161 trang viết của cuốn A Toujours Ma Concubine của Trần Thị Hảo (không kể trang trắng và tiêu đề) thì có tới 125 trang là dịch nguyên văn từng câu, từng chữ, hoặc phỏng dịch từ cuốn Chuyện tình viên phó sứ của tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung”.

Đối chiếu 2 cuốn tiểu thuyết, người đọc có thể thấy 2 truyện có cùng cấu trúc triển khai câu chuyện, nhiều sáng tạo của tác giả Mỹ Dung về tên riêng (không có thật) xuất hiện y nguyên trong bản tiếng Pháp (tên của ông nội, tên của bố nhân vật, chi tiết về dòng họ bà Quý tham gia khởi nghĩa Yên Thế, bài thơ của tác giả viết tặng bà Quý và ông Bouteille, 2 bức thư viết trong nhật ký của ông Bouteille do nhà văn Mỹ Dung sáng tác cũng được đăng lại y nguyên…). Cuốn sách của nhà văn Mỹ Dung dựa vào một chuyện có thật mà viết thành tiểu thuyết nên đã hư cấu nhiều tình tiết để cho hay hơn, mang ý nghĩa nhân văn hơn, cho nên tác giả không dùng tên thật của các nhân vật, mà đã đặt hàng loạt tên khác. Ngược lại trong A Toujours Ma Concubine, bà Trần Thị Hảo biện minh rằng vì đây là câu chuyện có thật, nên bà giữ nguyên tên thật của nhân vật. Bà Hảo khẳng định: “…Câu chuyện tôi viết về bác Quý là câu chuyện thực hoàn toàn, tên thực, ảnh thực, người thực và kể cả chuyện con cái đều thực…”.

Ông Linh, họ hàng nhà bà Quý, khi gửi thư cho bà Hảo khẳng định rằng: “Nhà tôi cũng có tập Hồi ký của bác Quý nên tôi đối chiếu cả 3 tập tài liệu này. Nhận thấy ngoài phần chị viết khác cuốn bà Mỹ Dung còn thì chị bám rất sát cuốn đó. Nhiều chi tiết trong hồi ký của bác Quý chỉ nói vắn tắt và bà Dung phát triển nó ra như thế nào thì chị cũng nói đúng như thế: Thí dụ đoạn nói về cái chết của cô bé Chè, bà Quý chỉ viết một câu. Bà Dung đã viết bà Mật nghe tin bò lên bờ ruộng chạy về, rẽ đám đông và lật cái chiếu, hóa ra không phải con mình… Chị cũng viết đúng như thế. Tên cụ Lang, ông ngoại bà Quý, bà Quý không cho biết tên là gì, bà Dung gọi là cụ Lang Huy, chị cũng gọi là cụ Lang Huy. Bố bà Quý không biết tên gì, bà Dung đã gán cho cái tên là Đường (vì con là Mật), chị cũng gọi là Đường…”.
Qua sự phân tích, đối chiếu 2 văn bản cuốn tiểu thuyết của nhà văn Mỹ Dung và tập truyện A Toujours Ma Concubine của Trần Thị Hảo người đọc thấy có quá nhiều sự tương đồng. Ấy vậy mà trong lời bạt của Trần Thị Hảo không có lời cảm ơn hay dòng trích dẫn nào tới tác giả Mỹ Dung hay cuốn Chuyện tình viên phó sứ. Như vậy cuốn Chuyện tình viên phó sứ đã được dịch sang tiếng Pháp mà không có sự đồng ý của tác giả. Công luận đòi hỏi bà Trần Thị Hảo và Nhà Xuất bản L’Harmatan cần chính thức lên tiếng về việc này với báo giới và người đọc Việt Nam.
Nguồn: TT&VH

—————–

TÔI ĐÃ BỊ TRẦN THỊ HẢO ĐOẠT QUYỀN TÁC GIẢ RẤT TRẮNG TRỢN

Mùa hè năm 1998, tôi sang Pháp theo lời mời của vợ chồng cô em gái và cùng chung sống với họ trong trụ sở của Đại sứ quán Việt Nam tại Paris . Chị em chúng tôi may mắn được tham gia một chuyến tham quan miền Nam nước Pháp do Công đoàn Đại sứ quán Việt Nam tổ chức. Khi đến thành phố Marseille, chúng tôi được Chi hội Người Việt Nam tại Pháp ở đây giới thiệu qua về câu chuyện tình cảm động của bà Trần thị Quý và ông Michel Bouteille. Chúng tôi đã dành một buổi chiều đến thăm ông bà Bouteille tại nhà riêng, được nghe chính ông và bà kể lại câu chuyện tình của mình bằng cả tiếng Pháp và tiếng Việt, đồng thời được xem quyển sách ảnh (cỡ lớn) của gia đình mà trang đầu là mấy dòng chữ viết tay rất nắn nót bằng tiếng Việt của chính ông Michelle Bouteille:

“Năm 1938, ở Việt Nam , tôi phải lòng một cô gái thông minh lắm, xinh đẹp lắm. Năm mươi năm sau, tôi cứ yêu cô ấy như ngày xưa”!

Bỗng nhiên, tôi nẩy ra mấy vần thơ, chép tặng ngay đôi vợ chồng Pháp-Việt có mối tình “kết nên thơ” với tất cả lòng cảm mến và thán phục của tôi:

“Đằng đẵng ba lăm năm đợi chờ

Gặp lại nàng anh ngỡ trong mơ

Người xưa nghĩa cũ còn nguyên mới

Duyên tình Pháp-Việt kết nên thơ!”

Và tôi ngỏ ý muốn viết một cuốn sách về câu chuyện tình cảm động của hai ông bà. Được biết tôi là một nhà văn, ông bà Bouteille rất vui và hứa sẽ chuẩn bị tài liệu để cung cấp cho tôi viết. Thế rồi, trong thời gian công tác tại Đại sứ quán Việt Nam ở Paris, vợ chồng em gái tôi đã nhiều lần chuyển về cho tôi những tài liệu của ông bà Bouteille gửi: đó là những bức ảnh gia đình, ảnh hai ông bà thời trẻ, lúc già…, những lá thư của người thân gửi cho bà Quý, những bài thơ “tâm trạng” (mới tập viết) của bà Quý…, đặc biệt trong đó có hai tập ghi chép dưới dạng hồi ký (hàng mấy chục trang) của ông(bằng tiếng Pháp) và của bà(bằng tiếng Việt).

Bà Quý đã nhiều lần gọi điện về động viên tôi, viết thư kể với tôi về những chuyến du ngoạn và về đám cưới của hai ông bà…Bà còn gửi cho tôi những coupon, “thêm vào chút tiền trang trải thư đi, thư về” (chữ dùng của bà).

Trong năm 1999, giữa tôi và bà Quý đã có những thư trao đổi, bàn về thể loại, bố cục, và nội dung của cuốn sách, trong đó, chúng tôi đã thống nhất sử dụng thể loại tiểu thuyết, có sự thay đổi nhiều tên đất, tên người và hư cấu nhiều chi tiết…

Tháng 12 năm 2000, tại Hà Nội, bản thảo cuốn tiểu thuyết viết về ông bà Quý của tôi hoàn thành, tôi đã gửi sang Marseille để ông bà Quý xem và góp ý kiến. Trong thư gửi về và cả qua điện thoại, bà Quý rất vui, song cũng tỏ ra có chút áy náy rằng có những điều bà mong muốn mà chưa thực hiện được (chẳng hạn chuyện góp tiền xây dựng trường tiểu học cho quê nội, quê ngoại, chuyện đưa cả chồng, con, cháu hồi hương …) nay viết thế liệu có bị mang tiếng?…Khi nghe tôi giải thích: đây là tôi viết tiểu thuyết thì có nhiều chỗ hư cấu (nghĩa là bịa, không thật) chứ tôi không viết hồi ký (là hoàn toàn thật) của ông bà, bà đã yên tâm hẳn.

Đầu năm 2005, tiểu thuyết “Chuyện tình viên phó sứ” của tôi được Nhà xuất bản Phụ Nữ chính thức phát hành với Giấy chấp nhận KHXB số:82/19/XB-QLXB ký ngày 11-1-2005. In 1000 cuốn, khổ 13x19cm, tại xưởng in Công ty Thanh Xuân. In xong và nộp lưu chiểu quý I năm 2005.

Cuốn tiểu thuyết này ngay khi mới phát hành đã gây xúc động trong đông đảo bạn đọc. Dịch giả Phan Văn Cát đã viết bài giới thiệu bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp trên tờ “Hữu nghị Việt- Pháp”, số 5-2005 (bản tin của Hội Hữu nghị Việt- Pháp) với nhan đề: “Một thiên tình sử Pháp-Việt tuyệt vời”. Độc giả Lê Đình Tụ 86 tuổi (hồi năm 2005) là người cùng quê với bà Quý (hiện ở Quảng Ninh) đã viết thư cho ông bà Bouteille và gửi thư bằng cả hai thứ tiếng (Việt-Pháp) cho tôi (tác giả).

Ông viết: “…Tôi đã đọc đi đọc lại tỷ mỉ, kỹ càng nhiều lần cuốn tiểu thuyết tuyệt vời của “toi” (“Chuyện tình viên phó sứ”). Tôi thực sự cảm động sâu sắc trước lòng chung thủy đáng ngưỡng mộ và nghị lực bất khuất của bà Quế dành cho người yêu khác giống (viên phó sứ Michel Butée). Bà đã phải vượt qua vô vàn khó khăn trong cuộc sống vật chất và tình cảm thời gian dài hơn 1/3 thế kỷ…Ông Michel quả là một con người chân chính…Ông đã dũng cảm vượt qua mọi trở ngại để bảo vệ mối tình của mình với người yêu, một thôn nữ nghèo, một cô bé chăn trâu yếu đuối, một đào hát bình dị thuộc tầng lớp xã hội thấp kém.

Cuối cùng chính tình yêu tuyệt vời và chung thủy của họ, lòng kiên nhẫn phi thường, nỗi chờ đợi không mệt mỏi, nghị lực không gì lay chuyển nổi của họ đã chiến thắng. Cặp uyên ương đó đã xây dựng thành hạnh phúc gia đình, cuộc sống chồng vợ mãi mãi bên nhau…”.

(Thư gửi tác giả).

Và: “…Nhưng sau cùng, kết thúc cuốn tiểu thuyết đó đã hoàn toàn làm hài lòng bạn đọc: một kết luận tuyệt vời và quý giá! Không phải tác giả tạo ra kết luận đó mà chính lòng chung thủy đáng quý của ông bà, nghị lực không gì lay chuyển nổi của ông bà, lòng kiên nhẫn phi thường của ông bà đã tạo nên kết luận đó, như câu châm ngôn đã nói: “Hết cơn bỉ cực –đến tuần thái lai”.

Tôi đã khóc trước nỗi thống khổ của cô Mật đã phải chịu đựng thời thơ ấu trong cảnh nghèo nàn không thể tưởng tượng nổi! Tôi lại khóc khi đọc đến những dòng tả cảnh mẹ con bà Quế gặp nhau dù chỉ bằng vài từ than: “Zenna! Có phải Zenna không?” Hai mẹ con ôm choàng lấy nhau nức nở! Ôi! Những giọt nước mắt khổ đau quyện vào niềm vui hạnh phúc!

Nước mắt tôi lại một lần nữa rơi nhiều hơn khi ở sân bay Degaul vào lúc ông Michel Butée ôm người yêu thì thầm: “Ôi! Tôi nhớ mình quá! Quế yêu dấu! Mình vẫn như xưa!”…

Trong sâu thẳm tâm hồn tôi rung lên thiết tha và mãnh liệt tiếng nói của đồng cảm để chia sẻ nỗi bất hạnh cũng như niềm vui hạnh phúc của ông bà”…

(Thư gửi ông bà Bouteille)

Độc giả Phan thị Minh ở Đà Nẵng, con gái cố học giả Phan Khôi đã viết bài thơ “Cảm đề chuyện tình Pháp-Việt” . Độc giả Lương Đăng Trình ở tỉnh Bình Định đã làm ba bài thơ bày tỏ cảm xúc của mình về từng nhân vật chính và mối tình “đẹp như trăng rằm” của hai người để nhờ chuyển cho ông bà Bouteille.

Cuốn tiểu thuyết “Chuyện tình viên phó sứ” đã được gửi sang Pháp cho ông bà Bouteille và ông bà đã có thư bằng tiếng Pháp cảm ơn tôi (tác giả). Ông Bouteille cũng đã có thư hồi âm bằng tiếng Pháp gửi ông Lê Đình Tụ. Từ đó đến nay, tôi vẫn giữ liên lạc với bà Quý và gia đình một người em họ của bà Quý hiện đang sinh sống tại Hà Nội. Vào dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám-2005, đoàn truyền hình đi theo Thủ Tướng Phan Văn Khải (có phóng viên trẻ Quang Minh) đã về tận Marseille trò chuyện và ghi hình về ông bà Bouteille (đôi vợ chồng Pháp -Việt có cuộc tình đã đi vào tiểu thuyết), dài 45 phút. Về nước, rút gọn thành 7 phút, phát nhiều lần trên VTV1, VTV3 và VTV4. Phóng viên Quang Minh đã sang cả hai băng (45’ và 7’) tặng tôi và tôi lại sang cả hai băng hình đó gửi tặng ông bà Michel Bouteille. Khi nghe tin ông Michel Bouteille qua đời, tôi đã gửi thư chia buồn. Bà Quý đã có thư cảm ơn và bày tỏ nỗi niềm tâm sự sau khi chồng mất.

Tối ngày 25-11-2010, tôi được gia đình người em họ của bà Quý ở Hà Nội báo tin là mới nhận được một cuốn sách tiếng Pháp viết về mối tình của ông bà Bouteille do bà Quý gửi về nhờ đọc xem thế nào, vì bà Quý không đọc được tiếng Pháp. Đó là cuốn sách “À toujours ma concubine” của tác giả Trần thị Hảo, Nhà xuất bản L’ Harmattan, phát hành khoảng tháng 8-2010.

Gia đình người em họ bà Quý thoạt đầu rất vui vì thấy có người ở Pháp viết sách tiếng Pháp về chuyện tình của anh chị mình, đã gửi thư điện tử cho Trần thị Hảo với ý định dịch ra tiếng Việt. Nhưng sau khi dịch xong hai phần đầu của cuốn sách “ À toujours ma concubine” thì nhận ra cuốn sách này chỉ là bản dịch của cuốn tiểu thuyết “Chuyện tình viên phó sứ” mà tôi đã tặng gia đình họ từ mấy năm trước. Anh Linh là con của người em họ bà Quý đã gửi tiếp thư điện tử (lần thứ3) cho Trần thị Hảo, vạch trần việc giả mạo này và yêu cầu Hảo giải thích, nhưng Hảo không trả lời.

Bức xúc trước sự việc đó, anh Linh đã gọi điện thoại cho tôi, kể lại sự việc. Tôi đã đến nhà riêng anh Linh để mượn cuốn sách của Trần thị Hảo, ở đó, tôi được bà cụ mẹ anh dịch cho nghe nhiều đoạn tiếp theo (trong phần chưa dịch). Tôi lại cũng đã đưa cho mấy người giỏi tiếng Pháp dịch cuốn sách “À toujours ma concubine” để so sánh với cuốn “Chuyện tình viên phó sứ” của tôi. Họ đã thống kê giúp tôi: trong tổng số hơn 160 trang viết của cuốn “À toujours ma concubine” (không kể các trang trắng và tiêu đề) thì có tới gần 125 trang là dịch nguyên văn từng câu, từng chữ hoặc phỏng dịch từ cuốn tiểu thuyết “Chuyện tình viên phó sứ”.

Rõ ràng Trần thị Hảo là người dịch cuốn tiếng Việt của tôi xuất bản năm 2005 nhưng lại mạo nhận là tác giả viết cuốn sách bằng tiếng Pháp! Rõ ràng Trần thị Hảo đã ăn cắp trí tuệ và văn phong của tôi, vi phạm bản quyền tác phẩm của tôi rất nghiêm trọng và dốt nát, dịch cả tên người, tên đất tôi bịa ra, dịch cả rất nhiều, rất nhiều những tình tiết tôi đã hư cấu, sáng tạo…Nói thẳng ra, tôi đã bị Trần thị Hảo đoạt quyền tác giả một cách hết sức trắng trợn!

Tôi xin gửi kèm theo đây những tài liệu liên quan đến quá trình sáng tác tiểu thuyết “ Chuyện tình viên phó sứ”(mà tôi có nói tới trên đây) và những bức thư điện tử ngoan cố chối tội vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc về bản quyền của Trần thị Hảo trong những cuộc trao đổi giữa thị với anh Ngô Gia Linh và với Báo Khoa học và Đời sống: “Câu chuyện tôi viết về bác Quý là câu chuyện thực hoàn toàn, tên thực, người thực, ảnh thực và kể cả chuyện con cái đều thực” (Thư gửi anh Linh)…

Tôi thiết tha đề nghị các nhà văn, nhà báo cùng quý bạn đọc lên tiếng phê phán nghiêm khắc để góp phần ngăn chặn tệ nạn vi phạm bản quyền và bảo vệ cho tôi quyền lợi hợp pháp chân chính về bản quyền tác giả.

Xin chân thành cảm ơn.

NGUYỄN THỊ MỸ DUNG

Hội viên Hội Nhà Văn Hà Nội

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *