Nhà Văn Nguyễn Thị Mỹ Dung
Khi vụ tác phẩm “Chuyện tình viên phó sứ” của nhà văn Nguyễn Thị Mỹ Dung bị Trần Thị Hảo “đánh cắp” bằng cách dịch từ tiếng Việt sang tiếng Pháp vỡ lở trên văn đàn,
độc giả trong nước và Việt kiều ở Pháp biết đến đều bất bình…
Nhà văn Nguyễn Thị Mỹ Dung đã có nhiều tác phẩm được độc giả mến mộ, trong đó không thể không nhắc đến cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Chuyện tình viên phó sứ”, xuất bản năm 2005.
Tác phẩm “Chuyện tình viên phó sứ” dựa trên cốt chuyện có thật của Viên phó sứ người Pháp Michell Bouteille và một phụ nữ Việt Nam tên là Trần Thị Quý.
Xúc động trước tình yêu chung thủy 50 năm của hai người hoàn toàn khác nhau về quốc gia, đẳng cấp, tiếng nói… và buộc phải xa nhau vì dư luận, không gian, thời gian… Nhà văn Mỹ Dung dựa trên hồi ký của bà Trần Thị Quý và đã hư cấu cuộc đời họ để trở thành cuốn tiểu thuyết bất hủ, thu hút và để lại ấn tượng sâu sắc cho nhiều độc giả.
Năm 2010, trong khi tiểu thuyết “Chuyện tình viên phó sứ” của nhà văn Nguyễn Thị Mỹ Dung đang được đề nghị tái bản và viết thành kịch bản dựng thành phim truyện thì bà được một người bạn, là cháu ruột của nguyên mẫu Trần Thị Quý cho biết: ông được đề nghị dịch sang tiếng Việt cuốn “À Toujours Ma Concubine” của Tiến sĩ văn học Trần Thị Hảo, vừa được Nhà xuất bản L’Harmatan tại Pháp ấn hành, nên ông nhận ra các chi tiết, sự việc trong cuốn này rất giống “Chuyện tình viên phó sứ” mà Nhà văn Mỹ Dung đã tặng ông trước đây. Chỉ khác ở một vài đoạn bà Trần Thị Hảo có đưa thêm một vài tình tiết, còn lại “À Toujours Ma Concubine” chính là một bản dịch nguyên văn, nguyên chữ từ “Chuyện tình viên phó sứ” và đã được Trần Thị Hảo nhận là tác giả chứ không nhận là dịch giả hay tác giả phái sinh.
Bìa cuốn sách “À Toujours Ma Concubine” và Bìa cuốn tiểu thuyết “Chuyện tình viên phó sứ”
Nhiều người đã đọc, so sánh, đối chiếu cuốn “Chuyện tình viên phó sứ” và cuốn “À Toujours Ma Concubine”, đều có chung một nhận xét với dịch giả Phan Văn Cát rằng: Trong tổng số 161 trang viết của cuốn “À Toujours Ma Concubine” của Trần Thị Hảo (không kể trang trắng và tiêu đề) thì có tới 125 trang là dịch nguyên văn từng câu, từng chữ hoặc phỏng dịch từ cuốn “Chuyện tình viên phó sứ” của nhà văn Nguyễn Thị Mỹ Dung.
Đặc biệt, các tình tiết hư cấu và những sự sáng tạo trong “Chuyện tình viên phó sứ” của nhà văn Mỹ Dung để cho tác phẩm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, ví dụ: tác giả Mỹ Dung không dùng tên thật của nhân vật mà đặt một loạt tên khác, đặt tên riêng cho cả một số nhân vật không có thật ngoài đời: Hư cấu về nghề nghiệp của nhân vật, sự kiện dòng họ nhân vật tham gia khởi nghĩa Yên Thế, về cô bé Chè, về cha, mẹ, ông bà nội ngoại của nhân vật chính,v.v…; Những bài thơ tình các nhân vật viết tặng nhau trong tiểu thuyết là do chính nhà văn Mỹ Dung sáng tác tặng họ; Hai bức thư viết trong nhật ký của ông Bouteill được nêu trong tiểu thuyết cũng do nhà văn Mỹ Dung sáng tác mà có. Tất cả các tình tiết sáng tạo, hư cấu đó đều bị Trần Thị Hảo “bê” y nguyên vào “À Toujours Ma Concubine”, chỉ có khác ở chỗ: Trần Thị Hảo lấy tên thật của nhân vật chính “Chuyện tình viên phó sứ” làm tên nhân vật chính của mình. Còn tên các nhân vật khác trong “À Toujours Ma Concubine” đều giống y như tên các nhân vật trong “Chuyện tình viên phó sứ”. Các bài thơ và thư của nhà văn Mỹ Dung viết để đưa vào tiểu thuyết“ Chuyện tình viên phó sứ” trở thành thơ và thư “có thật” của nhân vật chính trong “À Toujours Ma Concubine”.
Vì không biết rằng Nnà văn Nguyễn Thị Mỹ Dung đã hư cấu và sáng tạo nhiều trong “Chuyện tình viên phó sứ”, Trần Thị Hảo đã khẳng định: “À Toujours Ma Concubine” là chuyện hoàn toàn thật, tên thật, các nhân vật đều thật được bà ta giữ nguyên.
Sự việc đạo văn của Trần Thị Hảo vỡ lở trên văn đàn, độc giả trong nước và Việt kiều ở Pháp biết đến đều bất bình. Trần Thị Hảo tìm đến nhà văn Mỹ Dung bao biện: Vì sức hút của “Chuyện tình viên phó sứ” mà bà ta “nhập tâm” đến mức viết gần giống với tiểu thuyết của nhà văn Mỹ Dung, nhưng không thể xin lỗi trước công luận vì “chuyện đó thật quá sức” đối với bà ta.
Theo Tổng Giám đốc Nhà xuất bản L’Harmatan-Denis Pryen trong thư giải trình với nhà văn Mỹ Dung: cuốn sách đã được phát hành 94/172 bản được in ra.
Dư luận đặt câu hỏi, nếu không có sự tình cờ nhà văn Mỹ Dung biết được tác phẩm của mình bị đánh cắp, bị đạo văn ở tận nước Pháp thì Trần Thị Hảo nghiễm nhiên được ghi nhận là tác giả của “À Toujours Ma Concubine” mà không cần sự đồng ý của tác giả “Chuyện tình viên phó sứ” và sẽ không ai ở Pháp biết đến “Chuyện tình viên phó sứ”.
Một điều đáng nói ở đây là trong thời gian chồng được Nhà nước Việt Nam cử đi công tác tại Pháp, là gái theo chồng nhưng Trần Thị Hảo cũng đã phấn đấu dành học vị Tiến sĩ văn học tại Pháp và đã ra được một số tác phẩm nên Trần Thị Hảo tưởng rằng không ai có thể biết được một Tiến sĩ văn học lại là kẻ đạo văn.
Việc “đánh cắp” tác phẩm “Chuyện tình viên phó sứ” bằng cách dịch từ tiếng Việt sang tiếng Pháp, thêm vài tình tiết rồi đặt tên là “À Toujours Ma Concubine”, lấy tên tác giả là Trần Thị Hảo và cho xuất bản tại Pháp, với lời nại ra rằng tự mình tìm hiểu, khai thác từ sự thật để viết ra, Trần Thị Hảo đã vi phạm Điều 18, 19, 24, 28 của Luật sở hữu trí tuệ và Điềù 736, 737, 738, 739, 740 Bộ luật Dân sự.
Hành vi đạo văn của Trần Thị Hảo tại Pháp khiến người ta liên tưởng đến hành vi bắt cóc trẻ em đưa ra nước ngoài rồi thay tên, đổi họ, nhuộm tóc, thay đổi hình dạng để nhận là con của mình. Chỉ khác ở chỗ, một hành vi là thuộc sự điều chỉnh của Bộ luật Hình sự, một hành vi thuộc sự điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ và Bộ luật Dân sự.
Hành vi vi phạm pháp luật của Trần Thị Hảo cần sớm được các cơ quan chức năng xem xét, xử lý.
Nhà văn Mỹ Dung tâm sự: khi có một tác phẩm văn học được xuất bản cũng giống như vừa rứt ruột, sinh ra một đứa con vô cùng thương yêu, sau bao ngày thai nghén, ấp ủ và nhà văn tự hào về “đứa con tinh thần” đó.
Hà Đăng/Nguồn: Công Lý