Home > Contend > Tin tức - Tin văn học > Nhà hát chèo Hải Dương ra mắt vở ” Huyền Quang tôn giả”

Nhà hát chèo Hải Dương ra mắt vở ” Huyền Quang tôn giả”

Thời Trần là giai đoạn thịnh đạt của Phật giáo Việt Nam. Kế tiếp những thành tựu của đời Lý, với tinh thần độc lập tự chủ, với hào khí Đông A,

Trần Nhân Tông đã có ý định xây dựng một nền Phật học giàu bản sắc dân tộc cho đất nước. Ông trở thành vị Tổ thứ nhất Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, người kế vị ông là Pháp Loa, một nhà tu hành thuần thành. Dưới thời hai vị Tổ này, Phật giáo Việt Nam cực thịnh, đã hình thành những trung tâm khác đời Lý: chùa Báo Ân, hệ thống chùa Yên Tử, và Quỳnh Lâm với chùa cùng Thiền viện. Quỳnh Lâm đã thực sự trở thành một trung tâm văn hóa Phật giáo hấp dẫn:

Quỳnh Lâm khánh đã chuông đồng
Muốn chơi thì trả của chồng mà chơi
(Ca dao)

Huyền Quang, vị Tổ thứ ba “nối đèn” từ sự hưng thịnh đó, Song dường như cũng từ thời ông, Phật giáo Việt Nam bước vào thời kỳ suy thoái, dần dần phải nhường bước cho Nho giáo. Điều đó lỗi tại Huyền Quang hay tại thời thế? Đó là vấn đề lớn mà trong bài viết này không đủ sức bàn, ở đây chỉ xin khảo sát Huyền Quang với tư cách một tác gia, một thi sĩ mà thôi.

Những “điểm mờ” trong hành trạng

Huyền Quang sinh năm Giáp Dần (1254) mất năm Giáp Tuất (1334), người xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, Bắc Ninh con một gia đình dòng dõi. Vị Tổ thứ bảy là Lý Ôn Hòa, làm chức Hành khiển dưới thời Lý Thần Tông, ông nội làm Chuyển vận sứ dưới triều Trần, cha từng tòng quân đánh giặc có công nhưng không làm quan mà trở về quê vui thú điền viên. Huyền Quang học rộng biết nhiều, không lập gia đình, là vị Tổ thứ ba phái Thiền Trúc Lâm, có tập thơ Ngọc tiên lưu hành ở đời, hiện còn 23 bài và một bài phú Nôm.

Những điều đó ghi trong sách Tam Tổ thực lục, phần Tổ gia thực lục, được nhiều tài liệu ghi nhận và một số điều ngày nay còn kiểm tra được. Ví như: chùa Tổ ở Vạn Tư với ngày giỗ vào tháng giêng vẫn được dân làng lưu trữ lại đến ngày nay, một số sự kiện về tiểu sử ông còn ghi trong bia đá tại chùa và tượng thờ ông ở Côn Sơn, tác phẩm chép trong các sách Trích diễm thi tập, Toàn Việt thi lục, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, Thiền tông bản hạnh..tuy nhiên, trong tiểu sử của ông cũng còn ít nhất ba “điểm mờ” mà ngày nay chưa hẳn đã giải quyết dứt khoát được.

Huyền Quang có đỗ Trạng hay không và làm quan trong bao lâu?

Sách Tam Tổ thực lục, phần Tổ gia thực lục ghi rằng:

“ Năm hai mươi tuổi, Tổ đỗ khoa thi Hương nhưng những người tuyển dụng đều qua đại khoa, vì thể Tổ tu hẹn đến khoa thi Hội sang năm. Quả nhiên năm ấy đỗ đầu”.

“ Lúc Tổ còn ít tuổi, cha mẹ có bàn đến chuyện thất, nhưng việc không thành, bấy giờ vua muốn gả cháu của An Sinh Vương cho nhưng Tổ từ chối. Tổ được sung vào công việc giấy bút trong nội, những khi tiếp Bắc sứ hay thư từ qua lại, Tổ viện dẫn kinh nghĩa ứng đối trôi chảy, ngôn từ trội hơn hẳn các sứ thần Bắc và nước láng giềng”.

Cùng với những dòng ghi chép này, trong dân gian còn lưu truyền một thuyết cho rằng Huyền Quang là tác giả một câu cảm thán về nhân tình thế thái sau đây:

Khó khăn thì chẳng ai nhìn
Đến khi đỗ Trạng chín nghìn nhân duyên!

Cứ theo đoạn ghi chép trên thì Huyền Quang thi Hương năm 1273 và thi Hội năm 1274 (Quý Dậu và Giáp Tuất). Nhưng theo Đại Việt sử ký toàn thư thì hai năm này không có một khoa thi nào, mãi năm Ất Hợi (1275) mới mở khoa thi tuyển học trò, lấy đỗ trạng nguyên Đào Tiêu, thám hoa Quách Nhẫn, bảng nhãn không rõ tên, và 27 thái học sinh. Nếu Huyền Quang có đi thi khoa này, ông cũng chỉ có thể đỗ bảng nhãn hoặc thái học sinh mà thôi, chứ không đỗ trạng. Lại nữa nếu sau khi đỗ, ông được sung vào công việc nội hàn cho đến năm dâng biểu từ chức (theo Tam Tổ thực lục khoảng 1305) thì thời gian ông làm quan khoảng ba chục năm đúng vào lúc mối quan hệ giữa Nguyên Triều và Đại Việt rất căng thẳng. Thời kỳ đấu tranh ngoại giao gay gắt đã làm nảy sinh hẳn một mảng văn, tạm gọi là nghị luận, giàu tính chiến đấu và kết cục dẫn đến hai cuộc kháng chiến ác liệt chống quân Nguyên lần thứ hai và thứ ba. Theo Tam Tổ thực lục Huyền Quang từng được giao nhiệm vụ tiếp sứ, thảo thư từ qua lại, đã được khen, đã nổi tiếng, vậy mà Đại Việt sử ký toàn thư cũng không có một ghi chép nhỏ nào về ông! Có thể các nhà làm sử đã bỏ sót, nhưng cũng có thể đi đến một giả thiết này chăng: Huyền Quang không nhiệt tâm với đường khoa hoạn, ông giữ việc từ hàn nhưng sớm đã để tâm nghiên cứu đạo Phật, từ lâu ông đã sống cuộc đời cư sĩ, thậm chí một tu sĩ tại gia?

Huyền Quang xuất gia năm nào?

Tổ gia thực lục ghi lại việc Huyền Quang xuất gia như sau: “ Một lần Tổ theo vua tới chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Phượng Nhãn thấy Quốc Sư Pháp Loa hành pháp liền giác ngộ tiền duyên, bùi ngùi than rằng:

– Làm quan thì lên cõi Bồng Đào, đắc đạo thì tới cõi Phổ Đà, đó là tiên ở nhân gian châu thượng, Phật ở cảnh giới Tây thiên. Phú quý vinh hoa e như lá đỏ mùa thu, sương trắng ngày lạ, quyến luyến sao được!

Thế rồi mấy lần Tổ dâng biểu xin từ chức, mong được xuất gia học đạo. Lúc đó nhà vua đang tôn sùng đạo Phật nên cuối cùng Tổ được toại nguyện. Tổ thụ giới với thiền sư Pháp Loa, lấy pháp hiệu là Huyền Quang. Nhà vua thường khen Tổ là người khác thường và bảo:

– Kẻ này có con mắt đạo, có thể trở thành pháp khí, đúng là bậc thánh tăng.

Vâng mệnh vua, Tổ trụ trì ở núi Yên Tử, Tổ học rộng xem nhiều, Tăng ni theo học đến gần một nghìn người. Từ đấy Điều Ngự cùng Pháp Loa và Huyền Quang, ba vị Thiền Sư du ngoạn khắp các danh làm thắng cảnh trong nước. Điều Ngự sai Huyền Quang giảng kinh ở tòa Trầm Hương để truyền thụ cho đệ tử, lại có sắc chỉ đặc biệt giao cho sư soạn Chư phẩm kinh và Công văn tập.

Vua xem, thân cầm bút phê : “Các kinh sách đã qua tay Huyền Quang khảo hiệu, một chữ không thể thêm, một chữ không thể bớt”. Rồi sai in thành sách để lại cho đời sau, lại ban thưởng vàng bạc nhiều không kể xiết.

Về chi tiết liên quan đến Pháp Loa, ông Nguyễn Lang (Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, trang 104) cho là không đúng, bởi lẽ “Pháp Loa mới xuất gia được một năm, làm gì đã được thuyết pháp”, “làm gì đã được danh hiệu Quốc sư”. Thực ra Tổ gia thực lục không ghi rõ thời gian Huyền Quang theo vua không ghi rõ thời gian Huyền Quang theo vua đến xem Pháp Loa hành pháp, còn danh hiệu Quốc sư thì người viết đã dùng chức danh này sau này của Pháp Loa để xưng hô, cũng như dùng chức danh Tổ để chỉ Huyền Quang (lúc đó đang là đệ tử) chứ không phải dùng chính xác danh vị của họ đương thời. Có điều nếu căn cứ vào đoạn văn này, ta không thể biết được năm xuất gia của Huyền Quang. Rất may ở phần truyện Pháp Loa có một đoạn ghi rất rõ:

“ Năm Ất Tỵ (1305), niên hiệu Hưng Long thứ 13, ở am Kỳ Lân, Điều Ngự đích thân trao cho sư giới hạnh thanh văn và bồ tát. Sư tham cứu học tập thành đạo, Điều Ngự đạt tên cho là Pháp Loa. Cùng năm Huyền Quang bắt đầu xuất gia thụ giới với Bảo Phác ở Lễ Vĩnh đường.

Năm Bính Ngọ, Hưng Long thứ 14 (1306) Điều Ngự trụ trì ở chùa Báo Ân, huyện Siêu Loại, cho sư trụ trì buổi giảng. Thấy Huyền Quang theo Bảo Phác đến chùa nghe giảng, Điều Ngự dắt đến làm thị giả”.

Ở một đoạn khác, truyện Pháp Loa ghi tiếp: “ Ngày mười tư tháng bảy năm Kỷ Dậu, Hưng Long thứ 17 (1308), sư vâng sắc chỉ đến đàn chay Vu Lan của Nhân Tông và lên tòa thuyết pháp. Tháng này sư tiếp Huyền Quang và bảo “ Di chúc của Điều Ngư ngươi quên rồi sao? Từ đó Huyền Quang theo sư học tập không rời.

Có phần chắc chắn như nhận định của ông Nguyễn Lang, người chép Tổ gia thực lục đã nhầm, Huyền Quang chính thức xuất gia 1305 và thụ giới với Bảo Phác; 1306 được Điều Ngự dắt đến làm thị giảng cho Pháp Loa trong buổi giảng nhưng ông vẫn ở cùng Bảo Phác hoặc đi theo Điều Ngự, mãi đến tháng bảy 1308, ông mới chính thức được theo Pháp Loa “không lúc nào rời”. Công cuộc hoằng dương Phật pháp mà Điều Ngự trực tiếp giao cho ông cũng chỉ trong khoảng từ 1305 đến 1308; kinh sách ông hiệu khảo cũng trong thời gian này. Như vậy, nếu quả Huyền Quang chỉ bắt đầu tiếp xúc với kinh sách nhà Phật từ khi chính thức xuất gia thì khó có thể đạt tới trình độ uyền thâm đến thế trong một thời gian thật là ngắn ngủi. Điều này càng củng cố thêm cho dự đoán Huyền Quang thật sự đến với đạo rất lâu trước khi ông chính thức sống cuộc đời Thiền giả.

Nghi án về mối quan hệ với nàng Điềm Bích.

Tổ gia thực lục chép câu chuyện này rất kỹ, đương nhiên theo khuynh hướng khẳng định đức hạnh Huyền Quang và mọi tội lỗi Điểm Bích phải gánh cả. Và từ sau khi sách này được Tô Xuyên hầu lấy lại từ Trung Quốc đem về thì câu chuyện Huyền Quang và Điểm Bích luôn luôn được giới văn chương quan tâm. Không ít nhà thơ tên tuổi – Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ngô Thì Sĩ, Lê Quý Đôn, Ninh Tốn, tác giả Sơn cư tạp thuật và nhiều nữa – đã bị lôi cuốn vào việc bàn giải nghi án này. Có điều giới văn nhân luôn luôn không cùng chung ý kiến. Có thể tạm phân làm ba loại:

– Những người bệnh vực Huyền Quang, coi câu chuyện “thử thách” chỉ là một sự thêu dệt. Tiêu biểu cho nhóm này là Nguyễn Bỉnh Khiêm và Ngô Thì Sĩ. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã làm bài Giải trào (giải tỏa lời cười chê) nhưng theo Ngô Thì Sĩ, Tuyết Giang phu tử mới làm được cái việc tước bớt những điều “nhũng uế”, nói tới đức tính thanh cao của Huyền Quang chứ chưa biên giải được một cách xác đáng “ cái lẽ có hay không” của câu chuyện. Vì thế Ngô Thì Sỹ tiếp tục làm Hành giải (Bài hành giải tỏa nỗi oan cho Huyền Quang). Ông cứ lấy lý mà suy “Nét thúy mày ngài là người được sủng ái nhất trong cung, không lẽ vì một điều nghi ngờ mà đem ra làm trò thử thách” “Lẽ nào một người đã quen nghiệp muối dưa, chay nhạt mà bỗng chốc lại đem cái tai “hữu ngã” để làm nhơ nhớp thanh danh của mình?” “Lẽ nào một người đã nguội lạnh cái chí công danh mà bỗng chốc còn đem con mắt “vô nhân” để làm xiêu cái phẩm hạnh của mình?”. Lẽ nào những câu thơ thấm đượm tinh thần siêu thoát : Nửa gian nhà đá lẫn mây, áo lông một mảng tháng ngày căm căm – (Thạch thất, Đỗ Văn Hỷ dịch) và Nỉ non tiếng dế vì ai nhỉ, một mảnh lòng thiền đã lặng rồi (Sơn Vũ) lại không đủ làm chứng tích cho một nhân cách đạo cao đức trọng? Cuối cùng thì Ngô Thì Sĩ kết luận “ Cái khí tượng núi rừng, mây ráng đã thể hiện ra lời thơ, con người thanh đạm, giản dị cũng có thể hình dung mà thấy được, đâu có cái chuyện thêu dệt không căn cứ như sự ngoa truyền của đời?

– Những người tin câu chuyện “thử thách” là có thực và Huyền Quang cũng không hẳn là bậc kiên tu.

Tiêu biểu cho nhóm này là tác giả Sơn cư tạp thuật. Trong truyện Sư chùa núi Yên Tử ông đã lược ghi cả hai nguồn tư liệu: phụ lục ở truyện truyền ký (?) và bài ca về Huyền Quang theo “tục truyền”. Cả hai tư liệu đều ghi thống nhất một số điểm: Huyền Quang vốn nổi tiếng là một vị sư có đức hạnh, được vua Trần (tài liệu trước ghi là Minh Tông, tài liệu sau ghi là anh Tông) quý trọng, có cho một số dật vàng. Sau đó nhà vua bỗng lại có ý ngờ và sai cung nữ Thị Bích đi thử. Đến đây hai tư liệu bắt đầu chép khác nhau. Phụ lục truyền kỳ chép: Thị Bích có nài xin ngủ nhờ, sư bất đắc dĩ phải cho nghỉ ở mé ngoài chùa. Đêm ấy trăng sáng, sư trằn trọc không ngủ, dậy đi dạo ngoài hiên. Chợt thấy Thị Bích nằm ngủ, áo quần hớ hênh một cách cố ý, lúc đầu sư quay đi, sau “lòng thiền xao động”, sư đọc một bài thơ quốc âm đại ý nói “đến Thích Ca cũng còn chưa dứt tình” rồi trêu ghẹo nàng. Thị Bích cự tuyệt, “lửa dục trong sư bốc cháy”, sư liền đem hết vàng cho Thị Bích để được thỏa nguyện. Nhân việc này, vua mở hội đàn tràng triệu sư về kinh làm lễ. Đến nơi, thấy màn trướng căng toàn lụa vàng, lễ vật cỗ chay xen cỗ mặn, Huyền Quang hiểu đã bị vua thử liền làm bài thơ trần tình dịch như sau:

Ba sáu pho kinh đọc làu thông
Dẫu cười, xin cũng thấu cho lòng.
Thế gian, ba chuyện chưa không dễ
Gái trẻ, dê ngon với rượu nồng.

Tác giả Sơn cư tạp thuật cũng còn ghi thêm hai bài thơ bình luận của người sau, trong đó có một bài lời lẽ nhẹ nhàng nhưng cũng không kém phần “thắt buộc”….

Lòng trần phiền muộn, thích lâm tuyền,
Hiu quạnh sơn phòng đã mấy niên
Lụa trắng một lần từng nhiễm sắc
Khe Tào không nước tẩy Hoàng Quyên.

Bài ca về Huyền Quang chép kỹ hơn: Năm Trần Anh Tông thứ năm, Huyền Quang thi hương đỗ giải nguyên, năm thứ sáu thi Hội đỗ trạng nguyên Sau khi đỗ, Huyền Quang nhiều lần tâu vua xin xuất gia, mười hốt vàng mà vua Anh Tông ban cho, ông cũng dùng ba hốt để làm cỗ y bồ (cỗ chay của nhà chùa). Về câu chuyện Thị Bích tài liệu này ghi rằng: nàng không lung lạc được sư đành phải nói dối rằng đã chót nhận lời trước mặt vua, nếu không có vàng mang về làm tin nhất định sẽ bị buộc tội. Huyền Quang thương tình đưa số vàng cho nàng. Sau đó trong hội đàn tràng, đức hạnh và đạo thuật của sư đã cảm động đến Trời Phật, giông tố làm quang sạch tạp vật trên bàn lễ, Huyền Quang lại được vua kính trọng như xưa. Tác giả Sơn cư tạp thuật không tin thuyết này. Căn cứ vào sự ghi chép của Quốc sử và Đăng khoa lục (năm Anh Tông thứ sáu không có khoa thi Hội) và sự không giống nhau giữa tục truyền và những điều ghi chép ở đây ông kết luận “ ý hẳn là đám sư sãi bịa đặt ra như thế để che đậy nỗi xấu hổ của mình. Thật ra không đáng tin chút nào”.

– Những người chỉ quan tâm đến khía cạnh mỹ cảm của câu chuyện. Họ không ngờ hoặc có ngờ Huyền Quang nhưng không vì thế mà lên án Điểm Bích hoặc Huyền Quang, trái lại họ còn dành nhiều cảm mến cho nàng cung phi tài hoa đã nhiều đau khổ cuối cùng lại phải chịu thân phận “vật hi sinh” để gỡ thế bí cho các bậc “tối thượng”. Tiêu biểu cho nhóm này là Ninh Tốn, nhà thơ, ông nghe triều Lê, sau làm đến Thượng thư Bộ binh thời Tây Sơn. Trong bài Họa đề Hoa Yên Tử của ông có hai câu thể hiện khá rõ quan điểm đó:

Cây xưa chẳng buồn vì nhà sư đã ra đi.
Chim rừng còn vì Bích phi mà hót

Ông còn viết riêng một bài viếng nàng với ông ít mơ màng nuối tiếc:

Giai nhân vô lực nghiêng “không quốc”
Nước tình hiềm chi giải “sắc oan” ?
Du khách bồi hồi tìm dấu ngọc,
Gió từ chẳng giữ chút hương tàn.

Nhà bác học Lê Quý Đôn tuy có nghiêm khắc hơn song cũng có phần đồng cảm với Ninh Tốn

Đắc đạo hẳn nên nêu Lục Tổ
Truyền danh âu chẳng hủ Nàng Ba
Hàn Than, Vô kỷ làm chi nhỉ,
Mà để đòi chê mãi thế à?

(Nói về việc Huyền Quang cho vàng Điểm Bích – Bản dịch của Đỗ Văn Hỷ)

Quả đó là một nghi án nan giải, mặc dù trong lịch sử văn học nước nhà, cho đến tận ngày nay,văn nhân đã tốn nhiều giấy mực. Suy cho cùng phải chăng điều đó “lỗi” tại Huyền Quang? Đành rằng khi Huyền Quang lên trụ trì ở chùa Hoa Yên, người đã trên dưới sáu mươi tuổi, đã nổi tiếng vì đạo hạnh. Đành rằng người đã chối bỏ cuộc đời trần thế để tìm tới sự thanh thản, giải thoát, song người vẫn không đạt tới bậc “vong tình”, vẫn có một tâm hồn phong phú, rất dễ rung động trước cái đẹp. Thế mà Yên Tử và Điểm Bích lại đều là những vưu vật của tạo hóa. Phải chăng Huyền Quang cũng trải qua tâm trạng của một thiền sư đời Tống khi ông viết bài Giai nhân tức sự nghĩa là phát hiện ra “sức quyến rũ kỳ lạ” của vẻ đẹp giai nhân?

Đúng là nói như Thích Phước An chúng nhân vẫn ngạc nhiên không ít về bài thơ Giai nhân tức sự và chắc sẽ còn “ bận lòng ” về nghi án Điểm Bích. Dù thế, Huyền Quang vẫn là một vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm đời Trần, một thời thịnh đạt của Phật giáo, hơn thế đối với nền Văn học Việt nam ông đã là một thi nhân để lại cho nước nhà hơn hai chục bài thơ chữ Hán và một bài phú Nôm thật hay, thật đặc sắc, góp vào cái vốn thi ca đã bị mất quá nhiều của đời Trần.

Những vần thơ nhiều hàm nghĩa với một tâm hồn thơ phong phú.

Tác phẩm của Huyền Quang gồm hai bộ phận: bài phú Nôm Vịnh chùa Vân Yên và tập thơ chữ Hán Ngọc tiên, ở bài phú Nôm, Huyền Quang thể hiện rõ phong cách Thiền gia an lạc, thanh thản, con người hòa đồng cùng tự nhiên, ông miêu tả vẻ đẹp như tranh của non sông Yên Tử.

Đất tựa vàng liền,
Cảnh bằng ngọc đúc.
Mây năm thức che phủ đến Nghiêu;
Núi nghìn tầng quanh co đường Thục.
La đà tầng thang dốc, một hòn ướm vịn một hòn,
Nước suối chảy làn sâu, đồi khúc những dò đòi khúc.
Có chiều gió lươn, dơm vui vui;
Non tạnh mưa dầm, màu thúc thúc,
Ngàn cây phơi cánh phượng, vườn thượng uyển đóa tốt dờn dờn.
Hang nước tưới hàm rồng, nhả ly châu một săn mục mục
Nhựa đông hồ phách, sáng khắp rừng thông.
Da điểm đồi mồi, gióng hòa vườn trúc…

Và thiền sư hết sức bằng lòng với cuộc sống chan hòa giữa thiên nhiên, xa lánh hẳn cõi tục:

Rũ không thay thảy áng phồn hoa,
Lấy trốn thiền lâm làm cửa nhà,
Khuya sớm sáng trong đèn bát nhã,
Hôm mai rửa sạch nước ma ha.
Lòng thiền vặc vặc trăng soi giại,
Thế sự hiu hiu gió thổi qua.

Trái với tư tưởng thanh thản được thể hiện trong bài phú Nôm, người đọc có thể nhận thấy “ cái tôi” tác giả thấp thoáng trong từng vần thơ chữ Hán còn lại. Trừ trường hợp bài Diên Hựu tự tác giả nói về quan niệm “ bất nhị pháp môn” Tham thấu thị phi bình đẳng tướng; Ma cung Phật quốc hảo sinh quan (Đã coi thị cũng như phi, Cung mà nước Phật khác gì nữa đâu), tất cả các bài khác đều nổi lên đậm nét những tâm trạng và suy tư của Huyền Quang. Đó là nỗi day dứt vì tài sức mình có hạn mà trách nhiệm với đạo quá nặng nề:

Nối đèn Tổ thẹn mình đức bạc,
Luống làm cho Hàn, Thập ghét oan.
Sao bằng theo bạn về ngàn,
Núi non vây bủa muôn vàn tầng cao.
Kiều Thu Hoạch dịch

Đó cũng là niềm cảm thông với những nỗi khổ vô hạn của nhân thế (Ai phù lỗ) và những nỗi buồn dâu bể:

Nước chảy về Đông, người Xứ Lạng,
Trăm năm ngày tháng qua nhanh,
Ngoảnh đầu, non cũ trông đăm thắm,
Bóng nhạn giang hàng giữa thẳm xanh.
Qua vạn kiếp – Bản dịch

Song cũng có khi Huyền Quang biểu lộ tâm trạng bình yên ở nơi am thanh cảnh vắng:

Am sát trời xanh lạnh,
Cửa mở trên tầng mây,
…Rừng thưa chim chóc lắm,
Quá nửa bạn cùng thày
Yên Tử sơn anh cư – Đỗ Văn Hỷ dịch

Bình yên đến nỗi nhà thơ có thể ngủ một giấc ngon lành giữa buổi trưa (Ngọ thúy, Trú miên), vui vẻ cùng chú tiểu bên lò sưởi (Địa lô tức sự). Cảnh sinh hoạt này của thày trò Huyền Quang thật giản dị và cổ sơ như những người “ bị bỏ quên” từ thủa xa xưa nào.

Củi tàn, thôi chẳng thắp thêm hương,
Miệng đáp gia đồng hỏi mấy chương.
Bận bịu cho ai cười chê lão
Liền tay ống thổi với mô nang.
Địa lô tức sự – Huệ Chi dịch

Tuy nhiên, đôi lúc phong cách nghệ sỹ cũng được bộc lộ một cách mạnh mẽ và nhà thơ lại “thả thuyền” giữa sông nước Phiêm chu và “trong thuyền” (Chu trung) mặc sức ngắm thiên nhiên như một khách sông hồ tự do:

Dấu khách giang hồ thuyền một lá,
Hàng lau lách gió chèo thong thả.
Bốn bề trông quạnh ngọn triều lên,
Nước biển liền trời âu trắng xóa.
Đinh Văn Chấp dịch

Ngòi bút của Huyền Quang thật đa dạng. Ông đã bộc lộ mọi cung bậc của tâm trạng mình. Có vui, có buồn, có day dứt và có yên tĩnh, vừa chối bỏ cũng vừa gắn bó biết bao với cuộc đời nhiều khê đầy cát bụi. Song đậm nét, nổi trội hơn cả vẫn là nỗi buồn, là tâm trạng cô đơn. Ông cô đơn vì không tìm được sự hòa hợp trong cõi người mà phải tìm đến sự bầu bạn với núi non cây cỏ: Nghĩa khí bất đồng nan cẩu hợp, Cố viên tùy sứ thổ hoàng hoa (Nghĩa khí không cùng đành chẳng hợp, khắp nơi vườn cũ nở hoa vàng – Cúc hoa)
Nỗi buồn cô đơn len lỏi trong tâm tư tác giả trong mọi lúc, mọi nơi, ngay cả khi có vẻ như ông đang rất sảng khoái, hào hứng trong cuộc chơi:

Lướt gió thuyền con ruổi tít mù,
Non xanh nước biếc ánh trời thu.
Khuất lau, sáo nổi vài ba tiếng,
Sương phủ, trăng chìm dưới sóng sâu
Huệ Chi dịch

Nỗi buồn cô đơn không ít trường hợp đưa tác giả đến trạng thái trễ nải. Hoặc phó mặc cho ngày tháng cứ trôi đi chậm chạp còn con người thì gần như trở lên vô cảm:

Quên mình quên hết cuộc tang thương,
Ngồi lặng đìu hiu, mát cả giường.
Năm muộn trong rừng không có lịch,
Thấy hoa cúc nở biết Trùng dương
Theo Phan Võ

Hoặc “lười biếng” ngay cả với công việc thường ngày của tăng chúng:

Nửa gian nhà đá bạn cùng mây,
Tấm áo lông thô lạnh tháng ngày.
Sư khểnh giường thiền kinh trước án,
Lo tàn, than lụi sáng nào hay.
Huệ Chi dịch

Không biết có thể mượn thuật ngữ của Bakhơtin để nói rằng thờ Huyền Quang “ đa thanh” được không nhưng quả thật thơ của ông có nhiều tiếng nói: Khi vui, khi buồn; khi thương mình, khi thương người; khi phiền trách, khi an ủi, khi cô đơn, khi hòa đồng…Quả là cũng như con người tác giả, tập thơ Ngọc tiên không thể chỉ có một hướng tiếp cận. Nếu như ngay từ thế kỷ XVIII đã có sự khác nhau giữa ý kiến của Ngô Thì Sĩ và Lê Quý Đôn – Ngô Thì Sĩ lấy thơ để minh chứng cho tư cách Thiền giả của Huyền Quang còn Lê Quý Đôn lại khen thơ Huyền Quang “ hay nhưng không có khẩu khí của người tu hành” – thì ngày nay giữa các nhà nghiên cứu ý kiến bất đồng cũng là lẽ thường.

Có lẽ chính là bản sắc của những vần thơ đích thực mà tác giả của nó là một tài năng có khả năng trường tồn với thời gian.

Học giả Trung Quốc Thành Huyền Anh khi nghiên cứu Trang Tử đã rất chú ý đến khái niệm “ thành tâm ”. Theo ông Trang Tử quan niệm rằng mọi sự vật đều được con người nhận thức thông qua cái “ thành tâm” tức “ thành kiến” (ý tưởng đã được hình thành trong tâm) của mình. Và mọi “ thành kiến” ít nhiều có sự thiên lệch, vũ đoán không thể đạt tới sự chân thực cuối cùng. May thay sự vật không mảy may biến sắc, thay đổi “bản lại diện mục” của mình trước vô vàn “ thành kiến” đó và sẽ mãi mãi là đối tượng để các thế hệ tiếp cận, nhận thức. Cũng vậy, Huyền Quang và tác phẩm của ông, sẽ còn là một kho báu để các thế hệ khai thác, tìm hiểu và thưởng thức, lý giải. Phải chăng đó chính là điều làm nên giá trị lớn ở Huyền Quang dù tới tư cách thiền gia – thi sỹ hay thi nhân – thiền gia!

 Nghệ sĩ Quang Thắng vai Pháp sư Huyền Quang trong vở chèo Huyền Quang tôn giả

Tác giả thơ Nguyễn Đình Vinh chụp chung cùng các nghệ sĩ sau buổi tổng duyệt

Diễn viên Hồng Tươi trong vai nàng Điểm Bích

Tập thể diễn viên nhà hát chèo Hải Dương trong vở Huyền Quang Tôn Giả 

Tác giả kịch bản tiến sĩ Trần Đình Ngôn

 

 

Ảnh nhiếp ảnh gia: Đàm Long Xây

 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *