Đại tướng Võ Nguyên Giáp được thế giới biết đến là một thiên tài quân sự. Nhưng trong ký ức người dân Việt Nam, ông còn là nhà văn hóa, nhà sử học luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với nền giáo dục và lịch sử nước nhà.
Ông Nguyễn Trọng Xuất, nguyên Chánh văn phòng Thành ủy TP HCM, Tổng thư ký Hội đồng chỉ đạo biên soạn Công trình lịch sử Nam bộ kháng chiến là người may mắn được gặp Đại Tướng Võ Nguyên Giáp nhiều lần và lần nào cũng để lại trong ông nhiều kỷ niệm khó quên.
Đại tướng đọc sách Hồ Chí Minh toàn tập. Sinh thời, ông là Chủ tịch danh dự của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Ảnh tư liệu.
Trong căn phòng làm việc đơn sơ của nhà viết sử này, có rất nhiều sách nói về lịch sử đấu tranh của dân tộc và cuốn sách mà ông yêu thích nhất là “Võ Nguyên Giáp– Hào khí trăm năm” của tác giả Trần Thái Bình. Ấn tượng của ông về vị Đại tướng tài ba không chỉ là người chỉ huy những trận đánh bách chiến bách thắng mà còn là người để lại những công trình nghiên cứu lịch sử có giá trị. Những tác phẩm như: “Đội quân giải phóng – 1950”, “Từ nhân dân mà ra – 1964”, “Điện Biên Phủ – điểm hẹn lịch sử – 1964”, Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng – 2000”… là những hồi ký về chiến tranh cũng là tổng kết lý luận về chiến tranh của Đại tướng. Các tác phẩm này đã truyền cảm hứng mạnh mẽ, bồi đắp lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc cho nhiều thế hệ bạn đọc.
Ông Nguyễn Trọng Xuất cho biết: “Đại Tướng Võ Nguyên Giáp vừa là nhân vật lịch sử vừa là nhà viết sử. Đây là một điều hiếm bởi giới sử học thường là những nhà khoa học, mang tính chất một ngành. Còn nhân vật lịch sử là người đem tài thao lược của mình ra để thay đổi dòng chảy lịch sử, thì con người Đại Tướng hội tụ được cả 2 yếu tố này. Trong những tác phẩm của Đại Tướng, người đọc thấy rõ tâm hồn của người Việt Nam và vì thế không chỉ đọc lời của một nhà khoa học mà còn đọc tâm hồn của cả một dân tộc”.
Trong giáo dục, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người thầy của nhiều thế hệ học trò, truyền cảm hứng mãnh liệt về tình yêu quê hương, đất nước qua nhiều bài giảng bằng phong cách giản dạy giản dị và thuyết phục. Nhiều thế hệ học trò vẫn nhớ mãi những giáo trình lịch sử do Đại tướng viết và được truyền tay nhau một thời, nung nấu trong lòng nhiều thế hệ thanh niên về lý tưởng sống sao cho xứng đáng với quê hương, xứ sở. Sự kế thừa tinh hoa lịch sử quân sự cũng được Đại tướng áp dụng vào các chỉ đạo chiến đấu của ông.
Những năm sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn thường xuyên hỏi thăm các tổ chức giáo dục, viện, trường về công tác giảng dạy và luôn tạo điều kiện để sử học phát triển thuận lợi nhất. Tấm gương mẫu mực và những bài học mà người thầy dạy sử Võ Nguyên Giáp để lại đã trở thành tư liệu quý giá cho công tác giáo dục lịch sử trong thời đại mới.
Phó giáo sư – tiến sĩ Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học- Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Bằng sự tự học của bản thân để có nghệ thuật quân sự tuyệt vời, nên Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất chú trọng đến việc giáo dục cho thế hệ trẻ và luôn nhấn mạnh là bên cạnh việc rèn luyện về tri thức, mỗi người phải tu dưỡng đạo đức. Bài học lớn mà Đại tướng chỉ ra cho nhân dân và đặc biệt những người làm công tác xã hội và nhân văn như chúng tôi là trong việc phát triển khoa học xã hội nhân văn ở Việt Nam thì phải thật chú trọng đến di sản văn hóa dân tộc và lịch sử quân sự”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp xứng đáng là một trong những nhà Sử học lớn của dân tộc Việt Nam cùng với những tác phẩm mang tính tổng kết về chiến thắng Điện Biên Phủ, về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, về Tư tưởng Hồ Chí Minh, về nghệ thuật quân sự… Và trên hết, trong lịch sử của thế kỷ XX, của thời đại Hồ Chí Minh, dáng vóc, sự nghiệp của Đại tướng đã đi vào lịch sử, đã được ghi tạc vào lòng dân./.
Hương Lý/VOV-TP HCM