Như người vô hồn, Khanh đi ra bậu cửa đứng. Bên ngoài, mưa mỗi lúc một lớn. Trước hiên nhà, con chim chào mào đang đứng rũ lông trên thanh tre vắt ngang lồng. Nước mưa hắt vào, cánh ướt nhẹp.
Mắt nó chăm chăm nhìn về phía Khanh như oán giận. Khanh lảo đảo lại gần rồi đưa tay đập nhẹ lên lồng chim. Cái lồng chung chiêng, con chim không đủ sức bám trên thanh tre, nó ngoác miệng ra kêu lên một tiếng rồi ngã lộn nhào xuống dưới, không gượng dậy được. Nó nằm ngửa hướng cái đít đỏ chót về phía mặt Khanh. Khanh mở cửa lồng, đưa tay vào trong nắm chặt mình con chim lôi ra. Khanh chũn mỏ, nhổ một bãi nước bọt vào cái đít đó. Con chim cố lấy sức xoay mình trong nắm tay của Khanh. Khanh lại mở cửa lồng rồi ném con chim trở lại vị trí cũ. Con vật đáng thương xẹo tuột vào trong góc. Khanh lừ đừ xách lồng treo vào bên trong.
Rượu hết, Khanh vất chai lăn lóc ra nhà rồi ngồi thu lu trong góc. Lòng trống trải, Khanh nhớ Thu quay quắt. Dường như mưa càng làm cho con người ta trở nên cô đơn, vô tận. Suốt ba ngày nay, Khanh chỉ dám đứng từ xa nhìn vào nhà Thu. Khanh rất yêu Thu, rất thương Thu, không muốn vì mình mà Thu bị mẹ lôi ra vườn, dúi đầu vào đống phân chó như hôm nọ. Thu đâu có tội tình. Chỉ vì đời… quá bạc bẽo với Khanh.
***
Mười ba năm trước, Khanh mười tám tuổi. Bố mẹ và em trai Khanh mất trong một tai nạn giao thông thảm khốc. Quá hụt hẫng, những ngày sau đó Khanh chỉ vục đầu vào rượu. Mọi người khuyên ngăn thế nào, Khanh cũng bỏ ngoài tai. Khanh muốn say để quên đi mọi thứ. Hình ảnh ba cỗ quan tài luôn ám ảnh trong đầu Khanh, nó chập chờn cả trong giấc mơ.
Sau một tháng, Khanh gầy rộc người. Khi cởi trần, xương sườn chìa ra đếm được từng chiếc, hai má hõm lại. Của cải trong nhà cũng lần lượt đội nón theo ra mấy bà bán rượu. Khanh có thói quen uống rượu suông. Một ngày Khanh uống ít nhất hai lít rượu, khi uống là phải say. Và say thì Khanh hay hếch cổ lên chửi đời. “Đời thật chó má. Sao không đưa tao đi luôn mà để tao ở lại làm đếch gì?”. Khanh vẫn lảm nhảm như vậy.
Những đêm say, Khanh hay ra ngoài hiên nhà ngồi nhìn con chim rồi nghêu ngao hát. Con chim ngơ ngác nhìn Khanh. Trong những câu hát ấy, luôn xuất hiện tên một người con gái. Không cần phải nói, người ta cũng biết người con gái ấy là Thu – con gái của bà Xạo “góa chồng”. Thu học hết cấp ba, bà Xạo bắt Thu ở nhà. Bà sợ cho con học cao, Thu quen nhiều đứa con trai nơi xa, tí tởn theo bọn ấy, sẽ mất con. Thu có cái cổ tròn lẳn, hai má phinh phính ửng hồng. Đôi mắt sâu nhưng hơi lé, giọng nói khi giận lên thì chanh chua cũng không kém gì mẹ. Trên mặt lại có nốt ruồi như con ve trâu, răng thì cái ngoi ra tận cửa, cái lại thụt tận vào trong. “Người đâu mà đẹp thế không biết”, Khanh thầm nghĩ. Đang say nên hoa mắt mà Khanh nghĩ thế hay tại với Khanh, ở cái làng Cù Keo bé tẹo bằng lỗ mũi này, phụ nữ như vậy là đẹp lắm rồi? Mà lạ, tên làng đặt thế quái nào mà lại là Cù Keo, Khanh cứ cười khùng khùng khi đọc lên cái tên ấy. Ừ, tên làng Cù Keo hay đời Khanh “cù queo” thì cũng vậy, chẳng khác.
Nhưng có một điều khác xảy đến, đó là lần đầu tiên Khanh gặp lại Thu, dưới con mắt lờ đờ, àu ạu đỏ, Thu đã hớp mất hồn của cái gã đang trong men say. Chiều tối hôm đó, Khanh đi uống rượu về qua ngõ nhà bà Xạo. Lảo đảo người, Khanh đi lại giữa cổng nhà bà đứng dạng háng đái. Hành sự xong, Khanh đưa tay chống lên cánh cổng tre rồi ậm ọa nôn. Trời chưa tối nhưng bà Xạo đã đóng cổng. Cổng nhà bà chỉ mấy thanh tre buộc ngang, buộc dọc lại rồi tựa vào hai cây cọc chôn ở hai bên ngõ. Hai cây cọc ấy lung lay như răng ông già sắp rụng. Nếu có trộm, nó chẳng mất công bẻ khóa, chỉ cần nhẹ nhàng nhấc cổng sang một bên, nó cũng thuồn thuột vào được trong nhà. Chẳng thế mà nhiều đêm, mọi người đang ngủ thì giật mình bởi tiếng la ó, moi móc chửi rủa của bà khi có thằng “chết đâm, chết chém” nào mò vào nhà bà chòng gẹo.
Sức tì của tay Khanh làm cho cánh cổng nghiêng đi rồi bật ngửa đổ kềnh ra đất. Khanh mất đà ngã nằm xoài trên mấy thanh tre. Trong nhà, tiếng đanh chua của bà Xạo vọng ra:
– Sư bố đứa nào lại phá cổng nhà bà ra đấy hử? Tao mới buộc lại sáng nay đấy. Trời còn bảnh mắt mà mày đã chọc bà. Bà có vãi cả ra đây này.
Khanh lồm ngồm bò dậy. Trên cánh tay phải có vết rách dài, máu rươm rướm chảy. Khanh láo liên nhìn quanh, phẩy tay rồi bước đi, chân vẹo vọ, miệng lảm nhảm hát. Bà Xạo chạy ra, nhìn vũng nước Khanh vừa xả, khai rình, bà giậm chân bành bạnh xuống đất:
– Ối giời, cái thằng kia, ngõ nhà bà là cái nhà xí nhà mày phỏng? Mày có quay lại không thì bảo?
Khanh vẫn xiêu vẹo bước đi không thèm để ý đến tiếng nheo nhéo của bà Xạo phía sau. Thẳng chân, bà bước lên cái cổng vẫn nằm chình ình dưới đất rồi đi nhanh ra xách tai Khanh ngược trở lại. Vừa kéo đi bà vừa nhiếc móc:
– Thằng chết đâm, chết chém này. Mày đi lại đây bà bảo.
Khanh nhăn mặt:
– Bỏ cái tay ra. Tôi có ăn quỵt tiền rượu của nhà bà đâu mà lôi kéo.
– Tiền, tiền cái mả bố nhà mày. Mày nhìn cái đống của nợ mày thải đây này.
Bà Xạo dúi đầu Khanh xuống dưới vũng nước. Khanh vùng vằng đẩy cánh tay của bà ra. Bà Xạo đứng chống nạnh nhìn Khanh. Máu điên dồn lên mặt, hai má bà phừng phừng đỏ:
– Bây giờ mày tính với bà sao đây?
Khanh hếch cái mặt lên trâng trâng nhìn bà. Bà Xạo định giơ tay lên đập vào đầu Khanh thì Thu đã chạy lại cản tay bà lại. Tiện luôn tay, bà phát mạnh vào vai Thu:
– Ơ hay, mày còn bênh cho cái ngữ nát đời này nữa à?
Thu lí nhí:
– U chấp gì người say. U không thấy tay anh ta đang chảy máu kia à.
– Chảy máu cho chết cha nó đi. Cho tiệt cái giống ăn hại.
Bất giác, Khanh đảo mắt sang phía Thu. Cặp mắt sâu thăm thẳm của Thu khiến Khanh như cứng lưỡi. Khanh đứng ngây mặt. Đã lâu rồi, ngoài bà nội, mới có người đứng ra bênh vực Khanh. Trước đến giờ, một người đánh là cả đám đông bu xung quanh hò reo, thích thú. Bà Xạo thì vẫn cái giọng eo éo, vừa chửi vừa đẩy Khanh đi ra xa.
Đêm ấy về nhà, Khanh cứ thơ thẩn như người mất hồn. Khanh ngây mặt tưởng tượng ra khuôn mặt của Thu. Thỉnh thoảng Khanh lại tủm tỉm cười. Ba mươi tuổi, lần đầu tiên Khanh biết rung động trước đàn bà.
Rồi những ngày sau đó, uống rượu về là Khanh đi lại ngõ nhà bà Xạo đứng lè nhè gọi: “Thu ơi, mày ra đây với tao”. Khanh tỏ tình một cách man dại, một cách của riêng những thằng say. Trong nhà, chẳng biết Thu có nghe thấy gì không, nhưng mỗi lần như thế, bà Xạo lại ong ỏng cái miệng chửi ra. Lắm hôm, Khanh đạp cổng đổ xuống đất rồi lảo đảo đi vào sân. Bà Xạo điên tiết cầm cây đòn gánh nện cho Khanh mấy cái vào lưng. Khanh vẫn trơ mặt đứng giữa sân gọi tên Thu. Thu chạy ra, kéo tay bà Xạo lại. Đôi lần, tiện cây đòn gánh, bà cũng phang vào chân Thu hai cái. Khanh nhào vào, lôi cây gậy ra. Khanh lừ lừ mắt nhìn bà rồi quăng cây gậy ra ngoài vườn.
Có lần, thấy bóng Khanh ngật ngưỡng ngoài đầu ngõ đi vào, bà Xạo đã thả con chó cái ra, xua nó cắn. Khanh bị con chó chồm lên người, vật ngã lăn ra đất. Nó cứ nhắm chân Khanh cắn lấy, cắn để. Thu bị bà Xạo đứng chặn ở cửa không cho ra cứu. Khanh lê lết ở ngoài ngõ, miệng vẫn man dại:
– Thu ơi, sao mày không ra cứu tao? Sao mày không thương tao? Tao thương mày, mày biết không? Tao thương mày còn hơn tao thương tao kìa.
Thu bồn chồn, đi đi lại lại ở trong nhà. Có gì đó, Thu cũng thấy lo lắng cho Khanh. Nhưng cái thân như trâu mộng của bà Xạo đang ngồi ngang cửa, Thu không thể qua được. Bà Xạo nhìn Thu , giọng đay nghiến:
– Cha tiên nhân nhà mày, nhìn cái mặt đến là đĩ thõa. Hay cũng thương nó rồi chứ gì? Lấy nó về rồi bốc cám mà ăn thôi con ạ.
Thu không nói gì, ngúng nguẩy bỏ vào trong buồng. Tai vẫn vọng theo tiếng rú của Khanh ngoài ngõ.
Sau vụ chó cắn toạc hết chân, Khanh im mấy ngày. Nhớ Thu, Khanh lại mò đến. Bà Xạo lại thả chó ra. Khanh lại lết chân bê bết máu đi về nhà. Nhưng đến lần thứ ba, con chó cũng bải hoải. Nó nằm lì mặt ra giữa ngõ nhìn cái bản mặt méo mó của Khanh. Bà Xạo chạy ra thúc nó, con chó đứng lên ngoe nguẩy đuôi đi vào trong nhà nằm. Khanh như đắc ý.
Lảo đảo, Khanh đẩy bà Xạo sang một bên rồi đi vào giữa sân gọi tên Thu. Thu đứng tựa đầu vào cửa sổ nhìn ra. Nước mắt ầng ậng. Thu nhớ lại những ngày còn nhỏ cùng Khanh đi chăn trâu ngoài đồng. Thu là người bé nhất hội, hay bị mấy đứa lớn bắt nạt. Những lần ấy, Khanh lại đứng ra bảo vệ. Nhiều hôm bị chúng nó gán ghép, ức quá, Khanh lao vào vật bọn kia ra đất rồi đánh chúng túi bụi. Tối về, Khanh bị bố dùng roi mây quật tới tấp vào lưng và bắt nhịn đói quỳ góc nhà. Thu hay giấu mẹ, ra sau vườn bẻ trộm ổi mang cho Khanh ăn. Khi nhà bán trâu, Thu không còn được mẹ cho đi tụ tập với đám bạn trong xóm nữa. Đi học về là bà cấm cửa không cho Thu đi ra ngoài. Chuyện mới đó mà đã mười mấy năm, Thu không nghĩ lại có ngày Khanh thành con người bệ rạc như cái kẻ đang đứng ngoài sân kia gầm rú gọi tên mình:
– Thu ơi, mày ở đâu? Ra đây đi. Mày không thương tao hả Thu?
Bà Xạo đứng chống nạnh giữa sân nhìn Khanh lắc đầu ngán ngẩm. Dùng gậy đánh, Khanh không sợ. Xua chó ra đuổi, chó lại sợ Khanh. Hết cách, bà Xạo đi lại gần Khanh, nhỏ nhẹ:
– Này, tao bảo. Mày cứ về đi. Tao sẽ gả con Thu cho. Nhưng mày phải bỏ rượu đi đã. Sau đó kiếm lấy cái việc gì mà làm. Có nghề, có nghiệp, sau này mày mới nuôi vợ nuôi con mày được chứ.
Giọng bà Xạo với Khanh lúc này như chén rượu ngâm thuốc bắc, uống vào lịm cả người. Khanh thấy rân rân trong dạ. Đôi mắt Khanh sáng quắc. Khanh ngoan ngoãn nghe lời đi về, miệng vẫn lảm nhảm gọi Thu. Đợi cho Khanh đi khuất, bà Xạo cười khành khạch: “Cái giống này, nó ưa ngọt kìa. Dùng bạo lực, nó càng hăng máu. Mày cứ đợi đấy, rồi bà gả con gái bà cho mày, nha nha”.
Khanh nâng nâng đi về nhà. Cứ nghĩ đến chuyện một ngày nào đó Khanh lấy Thu, Khanh lại thấy hạnh phúc. Khanh đem những lời bà Xạo nói với mình lúc chiều kể cho con chim nghe. Nhưng nó chả hiểu được cái ngôn ngữ Khanh đang lèm bèm trong miệng. Rồi Khanh gục luôn xuống thềm nhà ngủ thiêm thiếp. Trong giấc mơ, Khanh thấy Thu đang lom khom giặt quần áo dưới cầu ao. Còn ở trên sân, một đứa trẻ đang cười tít mắt cưỡi nhông nhông trên lưng của bố.
Hôm sau, Khanh dậy từ rất sớm gom toàn bộ chai lọ đút vào bao rồi quăng ra hố rác sau nhà. Chai rượu dở để góc nhà, Khanh cũng đem đổ òng ọc xuống ao. Bà nội nhìn Khanh mà nước mắt chảy ròng ròng trên má. Còn bà cô đứng bên hàng rào nhìn sang bĩu môi: “Chả biết rồi được mấy bữa. Bỏ ngay được không bằng ấy”.
Suốt hai tháng sau đó, Khanh rệu rã trong những cơn đau vật vã. Chân tay bải hoải, không nhấc lên nổi. Miệng thì đắng ngắt như đang ngậm quả bồ hòn. Nhiều lúc, Khanh nhớ rượu như nhớ ánh mắt da diết của Thu. Nhưng vì nhớ Thu nên Khanh cố gắng gồng mình ôm chặt chân giường sụp người xuống. Đôi khi Khanh lại ra ngồi bên hông nhà, nhìn con chim rồi ú ớ gọi: “Thu ơi”. Hôm nào đủ tỉnh táo, Khanh lết chân đi đến ngõ nhà bà Xạo. Đứng ngoài cổng, Khanh nghển cổ nhìn vào. Thu đang lom khom quét sân. Khanh buột miệng gọi, Thu ngoái đầu nhìn ra rồi gượng gạo cười. Mắt Thu lại ầng ậng nước nhưng không dám đi ra vì bà Xạo đang chắp tay đứng trên hiên.
Dần lấy lại sức khỏe, Khanh xin đi phụ hồ cho chú. Khanh làm ùng ục để quên đi cảm giác thèm rượu. Nhiều khi đi làm về, qua quán ăn, mùi rượu xộc vào mũi. Khanh ậm ọe suýt nôn vì loại nước nhờ nhợ màu trà xanh mà bà nội đã lén cho Khanh uống để cai rượu giờ đã phát huy tác dụng.
Được một thời gian, Khanh đi sang xã bên học thêm nghề sửa chữa điện tử. Bốn tháng sau, Khanh mở cửa hàng sửa chữa tivi, quạt máy tại nhà. Lúc đầu, chẳng ai tin tưởng một thằng từng nát rượu như Khanh mà mang đồ tới sửa. Sửa lành lặn thì không nói, ngỡ cơ thèm rượu nổi lên, tiền không có, Khanh lại mang đồ đó đi cầm cố, tìm ai mà đền được. Nhưng sau, thấy Khanh chí thú nên một vài người hàng xóm mang ba cái đài nhỏ nhỏ đã bị tắt tiếng tới cho Khanh sửa. Yên tâm thấy Khanh đã tu tỉnh nên họ mang những thứ lớn hơn như ti vi, máy tính sang giao phó. Dần dần, những người ở xa biết tiếng Khanh sửa giỏi nên tìm đến nhiều hơn. Khanh sướng rân người và chờ đợi cái ngày người đàn bà góa kia sẽ gật đầu cho Khanh lấy Thu về làm vợ. Một hình ảnh gia đình hạnh phúc chợt hiện lên trong đầu. Một chiều, Khanh bế con đứng nhìn vợ đang hem hễ nấu cơm…
Thu đã rất cảm động khi biết được những sự cố gắng của Khanh là vì mình. Thỉnh thoảng, Thu trốn mẹ đi ra ao sen ngoài đình gặp Khanh. Đêm tháng năm, sen nồng lên thơm ngát. Cái ngày còn chăn trâu, Khanh hay vào ao đình bẻ trộm đài sen cho Thu. Nhiều hôm bị ông từ quản đình phát hiện, Khanh túm vội một đài sen rồi co cẳng chạy. Chạy được một đoạn, Khanh nhìn lại thì trên tay chỉ còn trơ ra mỗi cuống. Nghe kể lại những chuyện đó, Thu nép đầu vào ngực Khanh cười khúc khích. Hương bồ kết trên tóc Thu quyện trong hương sen dội vào mũi. Khanh thấy ran ran trong dạ. Giấc mơ hạnh phúc như đang đến thật gần. Nhưng đôi lần, chuyện Thu trốn đi gặp Khanh cũng đến tai bà Xạo. Và mỗi lần như thế, bà lại lôi con vào trong nhà chì chiết, róc ráy. Thu chỉ biết im lặng, hai khóe mắt ầng ậng nước chảy ra.
Chí thú làm ăn được một năm, Khanh bảo bà nội sắm cơi trầu sang bên bà Xạo hỏi cưới Thu như lời bà Xạo đã nói. Nhưng khi đến, bà Xạo khóa trái cổng không tiếp. Thu cũng bị bà nhốt trong buồng không cho ra. Máu điên nổi dậy, Khanh trèo cổng rồi hằm hổ đi vào trong sân. Vừa thấy Khanh, bà Xạo đã réo rắt:
– Á, à… Mày dám trèo cổng đột nhập vào nhà bà hả. Quân, cái quân… cái quân mất dạy. Bà sẽ gọi dân quân đến gô cổ mày lại.
Mặt Khanh phừng phừng. Khanh nuốt cục giận vào trong rồi lễ phép nói:
– Thưa bác, bác từng nói nếu cháu bỏ rượu và chí thú làm ăn, bác sẽ đồng ý gả Thu cho cháu mà.
Giọng bà Xạo vẫn chua chát:
– Mày nghĩ bà nói thật à? Ba nói thế để mày bán xới khỏi lảm nhảm ở ngõ nhà bà thôi, bà ko đòi công mày thì chớ, mày còn ăn vạ bà à?
– Nhưng bác nói lời phải giữ lời. Cháu đã bỏ rượu và đã có việc làm.
– Không giữ gì xất. Con gái bà có phải nặn bằng đất đâu mà cho không. Cái ngữ mày, ngày được vài đồng nát, thân mày chả lo nổi, lo gì được cho vợ con.
Thu đã cậy được cửa, chạy ra quỳ trước mắt bà Xạo, nước mắt giàn dụa hai má, Thu cầu khẩn:
– Con van u, u để cho con được làm vợ anh ấy. U đã hứa với người ta rồi còn gì.
Bà Xạo thẳng tay dúi đầu Thu xuống đất:
– Đồ con đĩ. Tao đã cấm mày không được ra đây kia mà. Tao hứa thì sao? Tao không đồng ý đấy, xem chúng mày làm gì nào?
Bà Xạo trợn mắt nhìn Khanh như thách thức. Khanh bặm môi, hai mắt long lên sòng sọc. Nếu như có thể, Khanh sẽ lao vào quyết sống chết với người đàn bà đang đứng vênh vênh trước mặt. Khanh cúi xuống, xốc nách Thu đứng dậy. Không nói, không rằng, Khanh cầm tay Thu lôi đi ra ngoài. Bà Xạo hét lên:
– Con kia, mày đứng lại. Mày muốn tao đập đầu chết trước mặt mày, mày mới vừa lòng hả?
Thu giật tay Khanh ra rồi đứng lại. Bà Xạo ong óng
– Mày định đi làm đĩ, ở không cho nhà nó phỏng?
Thu nước mắt ngắn dài nhìn Khanh rồi quay lại nhìn mẹ:
– U, con xin lỗi u. Từ trước đến giờ, mọi chuyện con luôn nghe u. Nhưng lần này, con van u, u cho con được quyết định. Chỉ một lần thôi u. Con van u, con lạy u, con cắn răng, cắn cỏ con cầu xin u đấy u.
Thu quỳ xuống chắp tay vái bà Xạo liên tục. Bà Xạo xấn sổ đi lại, lôi tóc Thu đứng dậy:
– Con mẹ mày đã chết đâu mà mày phải lạy sống. Được rồi, mày muốn lấy nó à? Đi ra đây, ra đây.
Mặc kệ bà con hàng xóm đang bu kín ở ngoài đường xem, bà Xạo vẫn nắm tóc Thu lôi ra vườn. Đến bãi phân chó, bà dấn đầu Thu xuống:
– Mày muốn lấy nó thì hôm nay mày phải ăn hết đống cứt chó này. Nào, xem ý chí của mày ra sao nào?
Thu cố ngóc đầu lên để cưỡng lại. Còn một gang tay là mặt Thu đã chạm xuống đống phân thì Khanh đã lao lại, lôi bà Xạo ra. Thu thoát được bàn tay của bà chạy ra ngõ đứng mếu máo. Trong này, bà Xạo lăn ra sân rồi giậm hai bàn chân bèn bẹt xuống sân:
– Làng nước ôi đến mà xem cái thằng chết cha, chết mẹ nó giết tôi này. Đến xem cái con giời đánh, nó nối tay cho giặc, phản lại mẹ nó này. Ối, con ơi là con ơi. Rặn ngược, rặn xuôi mới lòi ra được cái mặt mày. Nuôi cho mày lớn, mày phản lại tao. Ông ơi, ông về đây mà xem con gái nó báo hiếu tôi này.
Bỏ mặc bà Xạo ngồi gào khóc trên sân, Khanh hầm hổ đi ra ngõ. Bước qua chỗ Thu, Khanh gằn gọc:
– Em vào nhà đi không cưới xin gì nữa.
Thu chết trân đứng nhìn theo Khanh trèo qua cổng ra ngoài. Về nhà, Khanh đóng kín cửa chui tuột vào trong buồng.
***
Ba hôm nay, Khanh lại uống rượu. Nỗi đau khiến cho Khanh không có cảm giác gì từ thuốc cai rượu gây ra. Uống vào, Khanh chỉ thấy tỉnh và càng nhớ Thu. Đã mấy lần Khanh đi đến, nhưng chỉ đứng bên ngoài cổng, không dám ú ớ gọi. Nhìn cái dáng lùi lũi của Thu trong nhà, tim Khanh càng thêm nhức buốt. Cũng đã mấy lần, Khanh định đạp cổng chạy vào kéo Thu đi. Nhưng vì quá yêu Thu, Khanh không thể làm được.
Khanh thu mình nằm gọn về phía góc giường. Lời của sư thầy những lần theo bà đi lễ chùa như văng vẳng bên cạnh: “Không hạnh phúc nào hơn khi tâm mình thanh tịnh. Dẫu có muôn ngàn vạn lượng châu báu, cũng không thể mua được bản tính nhân từ. Cuộc sống là thiên đường hay địa ngục đều do ta mà ra. Khi tâm mê thì bến giác lìa xa, khi khai ngộ đó là giải thoát”. Đang miên man nghĩ thì có tiếng gọi của Thu ngoài cửa. Khanh bật dậy chạy ra. Sau giây phút lặng người, Khanh lao lại ôm chặt Thu vào người. Thu run bần bật khóc không thành tiếng. Tiếng của hai người thì thào lẫn trong tiếng mưa đang tí tách ngoài sân.
Sáng hôm sau, trời hưng hửng sáng. Khanh đã thức dậy và đang đứng ở bậu cửa nhìn con chào mào rỉa cánh. Nét mặt như tràn đầy sinh lực. Khanh tiến lại đưa tay mở cửa lồng rồi bắt con chim ra. Khanh chăm chăm nhìn con vật bé nhỏ đang gắng sức cựa mình trong lòng bàn tay. Khanh chũn môi hôn nhẹ lên cái đít đỏ chót của con chim. Khanh mỉm cười và từ từ mở rộng bàn tay. Con chim xoay mình lại rồi tung cánh bay lên. Khanh chạy xuống sân nheo nheo mắt nhìn, lòng thanh thản lạ.
Cũng trong sáng đó, mấy người làng Cù Keo đi chợ huyện thấy một đôi trai gái khoác ba lô đứng bắt xe Bắc Nam chạy qua…
Phạm Tử Văn