Tranh cãi về độ xác thực trong cuốn “Đừng chết ở châu Phi”, tiểu thuyết “Đại gia” bị thu hồi, Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam bị từ chối… là những sự kiện nổi bật của làng sách năm 2013.
1. Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam bị từ chối
Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2012 được công bố ngày 16/1/2013. Nhà văn Y Ban và Phạm Ngọc Cảnh Nam đã từ chối bằng khen của hội. Y Ban cho biết bà không nhận giải bởi ban giám khảo “không đủ tâm, đủ tầm”. Theo Y Ban, tác phẩm Trò chơi hủy diệt cảm xúc của bà được 4 phiếu giải thưởng, 3 phiếu bằng khen và 2 phiếu trắng. Bà nhận định, hai phiếu trắng chứng tỏ giám khảo không dám đối mặt với tác phẩm, không đủ tầm để đánh giá.
Còn nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam cho rằng giải thưởng đã không được bầu chọn công tâm. Ông nói: “Tôi xin giành quyền được từ chối bằng khen này của Hội nhà văn. Lý do đơn giản mà ai cũng thấy là giải thưởng đã không được xét theo tiêu chí văn chương”.
Đại diện Hội nhà văn Việt Nam cho biết giải của Hội chưa thấy có biểu hiện của sự khuất tất, còn từ chối giải là quyền cá nhân, đó là hiện tượng bình thường. Trước đó, giải thưởng Hội Nhà văn từng bị nhiều tác giả từ chối: Nhà văn Hồ Anh Thái (từ chối giải năm 2003), nhà thơ Ly Hoàng Ly (năm 2006), nhà thơ Hữu Thỉnh (năm 2006).
2. Tranh cãi quanh bản dịch ‘Những thứ họ mang’
Tuyển tập truyện ngắn của Tim O’brien Những thứ họ mang bán được 2 triệu bản trên toàn thế giới. Bản tiếng Việt do Trần Tiễn Cao Đăng chuyển ngữ và phát hành tại Việt Nam năm 2011. Cuối tháng 4 năm nay, dư luận dấy lên những ý kiến chỉ trích, rằng bản dịch có nhiều từ tục tĩu như “con mặt l**”, “con đ** chó”, “con mặt l** ngu đ** bao giờ trả lời”… Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng cho rằng độc giả không thể chỉ đọc những ngôn ngữ “tiệt trùng”. Ông khẳng định ông dùng những từ ấy là để tạo sự tương phản mạnh mẽ. Phía Nhã Nam – đơn vị phát hành cuốn sách – cũng viện dẫn nhiều từ tục trong các cuốn sách văn học đã xuất bản trước đó tại Việt Nam để biện hộ.
Công chúng chia làm hai phía ủng hộ hoặc phản đối bản dịch Những thứ họ mang. Sự việc đặt ra yêu cầu đối với các đơn vị xuất bản về việc nên có khuyến cáo, hoặc giới hạn độ tuổi đối với các xuất bản phẩm có yếu tố nhạy cảm.
3. Dịch giả Dương Tường bị cáo buộc “đạo” chú thích trong “Lolita”
Một độc giả ký tên Haze Dolores đăng lên mạng xã hội nghi vấn: Dịch giả Dương Tường “đạo” các chú thích cho cuốn Lolita. Độc giả này cho rằng hầu hết ghi chú trong bản tiếng Việt đều được dịch từ cuốn The Annotated Lolita (Lolita có bình chú) của Mỹ. Trong khi đó, Lời nói đầu bản dịch Lolita của Dương Tường có dòng chữ “chú thích trong sách đều là của người dịch”.
Dịch giả Dương Tường cho biết, khi dịch và làm chú thích được 2/3 cuốn Lolita ông phát hiện ra cuốn The Annotated Lolita. Ông đã nhờ người mua cuốn sách và dùng khoảng hơn 1/3 chú thích trong cuốn sách này cho bản dịch Lolita. Dịch giả từng nhận nhiều giải thưởng về dịch thuật này thẳng thắn nhận sai và xin lỗi độc giả. Ông cũng giải thích, đáng ra ông không nên viết “chú thích trong sách đều là của người dịch”, mà phải ghi là “các chú thích trong sách do người dịch tra cứu từ nhiều nguồn, trong đó nhiều chú thích dựa vào cuốn The Annotated Lolita”.
4. Tiểu thuyết “Đại gia” bị ngừng phát hành
Tiểu thuyết Đại gia của nhà văn Thiên Sơn (tên thật Nguyễn Xuân Hoàng) gồm hai tập – Tam giác ngầm và Quyền lực đen – phát hành ngày 28/5. Hơn hai tháng sau, ngày 31/7, Cục Xuất bản có công văn gửi Nhà xuất bản Lao động và Alphabooks, yêu cầu “đình chỉ phát hành để tổ chức thẩm định nội dung bộ tiểu thuyết Đại gia” và “chủ động đề xuất phương án xử lý đối với cuốn sách trên”.
Bộ tiểu thuyết Đại gia bị đình chỉ phát hành bởi cường điệu quá mức hiện thực xã hội.
Cục Xuất bản đưa ra lý do: “Nội dung bộ tiểu thuyết miêu tả những mối quan hệ làm ăn kiểu xã hội đen của một số tập đoàn kinh tế với các quan chức cấp cao của nhà nước, và những thủ đoạn, mánh khóe trong công tác tổ chức cán bộ. Việc phản ánh hiện thực xã hội và đề cập đến một số vấn đề nhạy cảm hiện nay với tính chất cường điệu quá mức cùng với những nhận định, đánh giá chủ quan, một chiều của tác giả sẽ ảnh hưởng không tốt cho bạn đọc và gây bất lợi cho xã hội”.
Bộ sách Đại gia ngay sau đó bị đình chỉ phát hành, Alphabooks gửi công văn đề nghị các đối tác gửi toàn bộ sách còn tồn về kho, chờ xử lý. Bộ Đại gia khi mới xuất bản không gây được chú ý, nhưng sau khi bị thu hồi, bỗng trở nên xôn xao dư luận, và được công chúng săn lùng.
5. Tranh cãi về độ xác thực trong cuốn sách “Xách ba lô lên và đi”
Đầu tháng 9, tác giả Huyền Chip (Nguyễn Thị Khánh Huyền) cho phát hành tập 2 bộ sách Xách ba lô lên và đi. Cộng đồng mạng dấy lên nghi vấn Huyền Chip bịa đặt và cho rằng tác giả không thể đi 25 quốc gia với chi phí ít ỏi. Độc giả cũng tìm ra những điểm mà họ cho là bất hợp lý trong cuốn sách. Lễ ra mắt sách của Huyền Chip trở thành một cuộc chất vấn tác giả. Sự việc lên đến đỉnh điểm khi một độc giả tên Trần Ngọc Thịnh gửi thư kiến nghị lên Cục xuất bản. Trong thư Trần Ngọc Thịnh nêu ra những nghi vấn và kết luận tác giả Huyền Chip là thanh niên “không có tư cách, đạo đức” và yêu cầu Cục xuất bản thu hồi cuốn sách Đừng chết ở châu Phi.
Nhà xuất bản Văn học và Công ty Quảng Văn Books đã làm việc với tác giả Nguyễn Thị Khánh Huyền, sau đó thực hiện một bản giải trình gửi lên Cục xuất bản. Trong bản giải trình, Huyền Chip vẫn khẳng định có đi 25 nước nhưng thừa nhận cường điệu một vài chi tiết nhỏ khi viết sách.
Tác giả và Huyền Chip và giáo sư Lân Dũng đưa ra cuốn visa chứng minh Huyền đã đi qua một số nước nêu trong sách Đừng chết ở châu Phi.
Cục xuất bản không thu hồi lại cuốn sách, còn tác giả Huyền Chip luôn giữ im lặng trước búa rìu dư luận. Độc giả chia làm hai phe, một bên bảo vệ Huyền Chip, một bên luôn tìm bằng chứng và yêu cầu cô phải xin lỗi. Sự việc không chỉ là chuyện đúng sai của một tác giả, mà còn đặt ra vấn đề về độ xác thực trong một cuốn sách du ký.
6. Sách đồng dao phản cảm bị thu hồi
Bộ sách Đồng dao dành cho trẻ mầm non được Nhà xuất bản Mỹ thuật và công ty sách Đinh Tị phát hành. Theo thông tin ghi trên bìa, bộ sách được cấp phép phát hành, in xong và nộp lưu chiểu năm 2012, nhưng đến ngày 14/10 vừa qua, công ty Đinh Tị mới nộp lưu chiểu bộ sách này. Cuối tháng 11, một số độc giả phản ánh những điểm phản cảm trong tập 6 của bộ sách. Cụ thể trong bài đồng dao Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng có những câu “Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng/ Đẻ được con rắn thằn lằn cụt đuôi/ Ông Nhăng bảo để mà nuôi/ Bà Nhăng đập chết đem vùi đống tro…” hoặc những câu trong bài Chơi vỗ tay: “Ở với bà/ Bà gì?/ Bà ngoại? Ngoại gì?/ Ngoại xâm/ Xâm gì?/ Xâm lăng…”.
Nhà xuất bản Mỹ thuật đã yêu cầu công ty Đinh Tị thu hồi cuốn sách, không được phép phát hành trên thị trường.
Công ty Đinh Tị ngay sau đó đã tiến hành thu hồi bộ sách đồng dao. Bà Lệ Thu – Phó giám đốc công ty thừa nhận: “Chúng tôi thừa nhận sai sót vì không cẩn thận trong khâu biên tập. Ban giám đốc rất lấy làm xấu hổ và sẽ rút kinh nghiệm để có những tác phẩm tốt hơn”.
Hiền Đỗ