Home > Contend > Trang văn > Truyện ngắn > Gã nhà quê

Gã nhà quê

Quê gã ở vùng trồng vải Lục Ngạn, Bắc Giang, cách Hà Nội có mấy chục cây số thôi nhưng chẳng mấy khi gã bước chân đến Hà Nội cả.

Từ bé đến khi lấy vợ, sinh con, gã chỉ quanh quẩn ở cái vườn vải rộng mấy chục héc ta mà ông cha gã để lại.
Những năm trước, quả vải chỉ mới nhu nhú bằng đầu ngón tay đã có cai thầu đến tận gốc cây hỏi mua. Gã và vợ con chỉ việc lo chăm bón, đến vụ là thu tiền chẳng phải mất công suy nghĩ nhiều. Nhưng đến năm nay, nghe nói bọn Trung Quốc nó không mua vải của ta nữa, cai thầu cũng không dám mua nhiều vì chẳng biết xuất đi đâu? Vì vậy cả vùng vải của gã, người nọ nhìn người kia lắc đầu ngán ngẩm. Vải cứ chín đỏ cả ra mà không biết làm thế nào.
Nhớ những năm trước, mấy chục héc ta vải của gã mỗi năm đem về cho gã mấy chục triệu đồng, bởi thế nhà gã cũng tạm coi là có của ăn, của để. Thậm chí gã còn tậu được cả chiếc xe máy, ti vi, tủ lạnh và nhiều đồ dùng hiện đại khác nữa kia. Bây giờ, nhìn vải chín rụng mà lòng gã như xát muối. Suy nghĩ mãi, cuối cùng gã bảo với vợ:
– Này nhà nó ơi, tình hình thế này nếu cứ chờ cai thầu đến thì vải nhà ta hỏng hết, tôi định cho xe thẳng ra Hà Nội, biết đâu lại gỡ gạc đựơc chút đỉnh?
– Tuỳ mình, chứ em suốt ngày ở quanh làng thế này thì biết gì? – Vợ gã thật thà nói.
Thế là gã quyết định hàng ngày chở vải xuống chợ Long Biên bán. Ấy thế mà lại hay, mỗi ngày gã cũng giải quyết được một số vải lớn. Chẳng mấy chốc hết vụ vải gã thu được bộn tiền. Tính ra còn được nhiều hơn cả năm ngoái nữa ấy chứ. Thôi thì mất công một tí mà bán được vải còn hơn ngồi nhà mà “của đau con xót”.
Ngày cuối cùng, mãi đến nửa đêm gã mới từ thành phố trở về. Vừa về đến nhà, gã quăng cái túi xuống đất bảo với vợ:
– Lần này tớ nhất định phải chu du một chuyến Hà Nội mới được mình ạ.
– Ơ hay, sao tự dưng…- Vợ gã mắt tròn, mắt dẹt nhìn gã lạ lắm vì xưa nay gã có muốn đi đâu bao giờ.
– Những ngày vừa qua, xuống bán vải ở Hà Nội tớ mới thấy mình lạc hậu quá. Đi cho biết, mà này Hà Nội cái gì cũng có nhé. Tối đến, nam thanh nữ tú chở nhau bằng những chiếc xe máy đẹp đẹp là , những người có gia đình thì ngồi trên những chiếc xe hơi sang trọng chẳng khác gì trong phim.
– Ờ thì Hà Nội mà lị, anh cứ ví như là quê mình ý. – Vợ gã dài giọng có vẻ hiểu biết lắm.
– Hay là mình đi với tớ cho mở mang cái đầu ra – Gã rủ rê.
– Thôi, anh đi một mình đi, vụ vải năm nay nhà mình không ngờ lại kiếm được hơn năm ngoái, anh đi thì mang theo ít tiền, biết đâu lại sắm đuợc cái gì, lâu lắm nhà ta chẳng đồ đạc gì mới.

*
* *

Sáng hôm sau, mũ áo chỉnh tề, gã dắt chiếc xe máy ra rồi lên đường. Gã cũng chẳng buồn ăn mấy thứ mà vợ gã đã chuẩn bị. Gã cứ nhẩn nha, “chả vội gì, rồi mình cũng đến nơi” – gã nghĩ thế.
Vào đến thành phố, gã ghé luôn quán phở ở ngay phố gì ngay chân cầu Chương Dương. Từ hôm qua gã đã định bụng xem phở Hà Nội ngon thế nào rồi. Vừa bước vào gã đã thấy hương vị phở toả ra từ nồi nước dùng to đùng bằng cái nồi luộc bánh trưng ở quê gã, ngào ngạt. Bấy giờ gã mới thấy bụng đói cồn cào. Nhưng vẫn phải đợi, khách kéo vào quán cứ từng tốp, từng tốp, cười nói rổn rảng. Cái cảm giác thành phố cứ ăm ắp trong gã.
Người vào ăn phở đông quá, thành ra cũng chẳng để ý gì đến bộ dạng của gã, tuy cũng giầy vớ nghiêm chỉnh, áo bỏ trong quần nhưng cái vẻ nhà quê thì chẳng lẫn vào đâu được. Tự nhiên gã giật mình rờ xuống chân, lần tay vào trong tất. Hú vía, vẫn còn! Thì ra gã giấu tiền vào trong tất vì nghe lời vợ dặn: “Ở thành phố nhiều trộm cắp lắm, anh cứ để trong tất là an toàn nhất” . Yên tâm vì tiền vẫn còn trong tất, gã quay ra ăn. Loáng một cái, bát phở nóng đã hết vèo. Và cái bụng gã cũng không còn réo lên nữa. Gã đứng dậy trả tiền.
– 12 nghìn anh ạ.
Gã móc túi áo chỗ tiền lẻ và nghĩ: “Một bát phở bằng 6- 7 kg vải của nhà mình”, rồi tặc lưỡi: “Đi chơi thì phải chấp nhận tốn kém chứ”. Gã lên xe đến nhà ông bác ruột ở phố Lãn Ông. Nhà bác gã ở mặt đường nên tranh thủ kinh doanh quần áo trẻ em và đồ sơ sinh. Khách hàng ra vào tràn cả ra vỉa hè. Chật chội kinh. Gã ngồi một lúc mà chóng hết cả mặt vội vàng xin phép ông cụ đi ngay.
Thoát khỏi khu phố đông đúc, gã thở phào nhẹ nhõm “Bây giờ thì ta có thể tung hoành khắp thủ đô rồi”. Gã đi hết phố nọ đến phố kia, mỗi nơi gã ghé vào một tí. Thỉnh thoảng gã mua một vài thứ, thứ nào ít tiền thì gã lấy tiền trong túi áo, thứ nào nhiều tiền thì gã rờ tay xuống đôi tất. Cứ như vậy , gã được tận mắt nhìn thấy bao nhiêu điều mới lạ. Gã càng đi, càng muốn khám phá. Chỉ trong vòng một buổi sáng gã đã gặp được, nhìn thấy được bao nhiêu con người. Từ những anh xe ôm, mấy bà bán hoa quả rong, những cô bán hàng xinh đẹp đến các cô cậu thanh niên ăn mặc thời trang như diễn viên Hàn Quốc…
Mãi đến trưa, gã mới đến được trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza. Bước chân vào toà nhà lớn, gã ngơ ngác lắm. Trước cánh cửa bằng kính trong suốt, gã cứ ngẩn người ra chẳng biết làm thế nào để vào được bên trong, đành đợi có người vào rồi mới theo họ vào. Bên trong trung tâm mua bán, cơ man là những hàng hoá và những con người sang trọng. Gã cảm thấy mình lạc lõng giữa không gian nức mùi xa xỉ này, lạc giữa những khuôn mặt đầy tự mãn. Tất cả bọn họ dường như không hề biết đến sự hiện diện của gã cho dù vẻ nhà quê của gã không lẫn vào đâu được.
Tự dưng gã cảm thấy mất tự tin, nhưng rồi cũng vẫn tiến đến quầy hàng vàng bạc, trang sức. Gã định bụng sẽ mua cho vợ gã một món đồ. Nhiều thứ đẹp đẽ quá, tinh xảo, hào nhoáng quá. Gã cứ ngắm mãi mà không biết chọn thứ nào, lâu quá đến nỗi lúc đầu cô bán hàng còn nhẹ nhàng:
– Anh mua hàng đi, anh muốn mua món nào em chọn giúp?
Rồi cô cũng điên tiết lên, nguýt dài một cái mà bảo:
– Thôi anh có tiền thì mua, không thì đi đi để em lấy chỗ bán hàng!
– Ơ cái cô này, tôi mua thì cũng phải xem đã chứ.
– Anh có tiền không? Cô xẵng giọng.
– Có… – gã ngắc ngứ – Cô lấy giúp cái vòng ngọc kia. Đến lúc này thì gã hiểu ra là bộ dạng nhà quê của gã đã khiến người ta hiểu nhầm. Nhưng gã cũng cố kiềm chế không to tiếng. Chứ cứ như ở nhà thì gã chẳng để yên cho.
Gã nhìn quanh xem có kẻ nào nhìn gã không rồi cúi xuống lần vào đôi tất rút tiền trả cô hàng vàng. Cầm chiếc vòng ngọc vừa mua nhét tận túi áo trong cùng với cảm giác ấm ức gã đi tới cầu thang trượt định lên tầng trên. Ở đó có bao nhiêu người đang nhìn gã đứng thộn ra, lúng túng không biết làm sao để đặt chân lên bậc thang…
Bỗng có một đám người từ đâu xuất hiện nhốn nháo. Gã vội đứng né sang một bên. Đám người ấy ăn mặc không khác gì mấy con mụ ở chợ bán rau, nón đội xùm xụp, áo rộng thùng thình. Đám người ấy chen lên phía trước, áp sát mấy vị người thành phố đeo dây chuyền vàng sáng rực cả cổ, trước ngực lủng lẳng điện thoại. Thấy ồn ã, mấy vị đó quay lại nhìn đám người nhốn nháo với vẻ khinh khi lắm. Bất thình lình, một mụ trong đám đó giơ tay ra giật phắt cái điện thoại của chị kia và một mụ khác đồng thời cũng nhanh tay gỡ luôn cái dây chuyên vàng của bà béo. Mấy vị thành phố dường như không hay biết gì đã xảy ra với họ. Làm sao mà biết được khi mà đám người đó ra tay thuần thục đến thế. Chỉ có gã và mấy người nữa ở phía dưới cầu thang là trông thấy hết. Ngay lập tức gã nhảy bổ tới, túm lấy tay mụ đạo chích bóp mạnh, gã lớn tiếng khiến cho mụ hoảng hốt buông ngay cái điện thoại rơi xuống. Lúc này thì mấy vị thành phố cũng bắt đầu hiểu sự tình xúm lại giúp gã giữ mụ đạo chích.
Cuối cùng,thì mọi chuyện cũng xong. Mấy vị kia rút trong túi mấy trăm ngàn đưa cho gã ý như để cảm ơn. Họ đâu biết rằng gã không cần tiền? Gã chỉ làm theo những gì gã cho là phải, “giúp người phúc đẳng hà sa” mà. Nhưng gã thấy lạ. “Sao lúc ấy, cùng nhìn thấy sự việc đó mà những người thành phố hầu như làm ngơ như không thấy gì? Chỉ có gã là xông xáo? Chả nhẽ họ… thế ư?” – Tự dưng gã cười một mình – “Thế mới biết , quê mình vẫn ấm áp tình người hơn người thành phố”.
Gã đi loanh quanh khắp trung tâm mua bán mấy tiếng đồng hồ liền và cũng mua được khối thứ. Cũng đã thấm mệt, gã khệ nệ bưng đồ ra chằng chằng buộc buộc và bắt đầu lên đường trở về miền quê của gã. Trong đầu gã miên man là suy nghĩ. Nhưng nghĩ mãi cũng chỉ thấy trong đầu váng vất một ý: Thôi mình cứ ở quê sống thôi, chịu khó trồng vải, nuôi con lợn, con gà. Thỉnh thoảng ra chơi thành phố là được, chứ cho mình ở mãi thành phố chắc mình không thể quen được. Gã lẩm nhẩm “Ta về ta tắm ao ta. Dù trong dù đục, ao nhà vẫ hơn”.
Ấy, nghe lời bu nó mà hoá hay. Cứ cho tiền vào trong tất, chả có đứa nào nhìn thấy mà thòm thèm.

Thủy Hướng Dương

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *