“Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động lý luận phê bình văn học thì người làm phê bình phải có hiểu biết rộng rãi và sâu sắc về sinh hoạt văn học
phong phú và đa dạng đang diễn ra trên cả nước, khen chê có chủ kiến, có căn cứ, có sức thuyết phục; mà lý luận cũng cho ra lý luận, tránh tình trạng lý luận thuần túy, lý luận suông, lý luận chỉ vì lý luận, chẳng gắn gì với thực tiễn văn học, với cuộc sống, với tư tưởng của thời đại. Về lý luận phê bình cũng nên tránh thái độ thụ động, lệ thuộc quá mức vào lý luận văn học hiện đại phương Tây, mà không chú ý, không nghiên cứu thấu đáo truyền thống, thành tựu, đặc sắc lý luận phê bình của ông cha ta và của phương Đông.
Lý luận phê bình cần cho nhà văn một phần, nhưng cần cho công chúng rộng rãi, cho xã hội nhiều hơn. Do đó, phải biết chú trọng đến những vấn đề gì công chúng quan tâm, và có cách nói, cách diễn đạt sao cho phù hợp, cho người ta thông cảm được, hiểu được. Những mục tiêu lớn chi phối hoạt động văn học nghệ thuật và hoạt động của con người nói chung là chân, thiện, mỹ…. Thỉnh thoảng tôi hay nghĩ đến lời trách cứ của Hoài Thanh, rằng nhiều anh em làm lý luận phê bình thích dùng, thích sáng tạo nhiều khái niệm mới, thuật ngữ mới mà chỉ có mình hoặc một nhóm nhỏ bạn bè hiểu nhau mà thôi, “nói tiếng lóng với nhau”. Đọc một số bài viết lý luận phê bình gần đây, tôi thấy căn bệnh ấy vẫn còn đấy.”
Nguyễn Hữu Sơn: chất lượng nền lý luận, phê bình văn học vẫn chưa cao
“Thực trạng tình hình lý luận, phê bình văn học nói chung đang diễn ra như thế nào? Liệu có phải chúng ta đang khủng hoảng về lý luận, loạn chuẩn, và rối loạn tiêu chí đánh giá? Và bản thân đời sống phê bình văn học đang trong tình trạng “ngái ngủ”, “vũng ao tù” hay thực sự đã diễn ra sôi nổi, khơi gợi tranh luận và tạo được dư luận rộng rãi, cả ở phía sáng tác, và người đọc? Trên thực tế, điều này không cần chứng minh, bởi lẽ trên các trang báo vẫn có bình điểm văn thơ và các tác phẩm vẫn được giới thiệu một cách trang trọng như nó cần phải thế. Trong thời buổi kinh tế thị trường, cứ có tiền là in, có được nguồn tài trợ là in, có được đối tác bao tiêu – phát hành là in… Mặt khác, có thể nói hoạt động lý luận, phê bình văn học hiện nay chủ yếu diễn ra trong giới chúng ta, giữa chúng ta với nhau, khó có thể báo động giả hay lên giọng quy kết cho một ai đó.”
“Quả thực trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm và đầu tư kinh phí mạnh mẽ cho hoạt động sáng tạo nghệ thuật nói chung, trong đó có lý luận, phê bình văn học. Thế nhưng, tại sao chất lượng nền lý luận, phê bình văn học vẫn chưa cao, vẫn chưa đạt như mong muốn. Theo tôi có ba lý do. Thứ nhất, chưa tạo được cơ chế phù hợp trong mối quan hệ giữa định hướng lý luận, phê bình văn học với lý luận phê bình văn học định hướng (nặng về quản lí hành chính, tư duy lãnh đạo, hình thức chủ nghĩa…). Thứ hai, người làm lý luận, phê bình quá “khôn”, quá “tỉnh” (chưa tạo điều kiện cho những tiếng nói trung thực, sự dấn thân cho cái mới chân – thiện – mỹ, thiên về quy chụp mà thiếu trao đổi, tranh luận, thiếu tạo dựng trường phái mở đường cho cái mới, cái tiến bộ phát triển…). Thứ ba, việc đầu tư kinh phí thiếu hiệu quả (nặng về định hướng chung, vĩ mô, nhẹ ở các đề tài cụ thể, chuyên sâu, trực chiến, trực diện và còn nhiều đề tài ‘đắp chiếu’, không chú ý đến “đầu ra”…).
(Trích tham luận: Nguyễn Văn Hạnh, “Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động lý luận phê bình văn học”; Nguyễn Hữu Sơn, “Ba vấn đề đặt ra trong hoạt động lý luận, phê bình văn học hiện nay”, Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ III- “Nâng cao chất lượng, hiệu quả của lý luận, phê bình văn học”, ngày 4-5/6/2013, thị trấn Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc)