Home > Contend > Tác giả tác phẩm > ‘Vị tướng già’ – bài thơ lấy nguyên mẫu từ Tướng Giáp

‘Vị tướng già’ – bài thơ lấy nguyên mẫu từ Tướng Giáp

“Một chân ông đã đặt vào lịch sử / Một chân còn vương vấn với mùa thu”, hai câu kết bài thơ ra đời gần 20 năm trước của Anh Ngọc, nay được hàng triệu người tìm thấy sự đồng cảm trong những ngày tiễn đưa Đại tướng.

Những ngày thu 2013, như cách đây 44 năm khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, người dân Việt Nam lại rơi nước mắt trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trước nhà ông ở 30 Hoàng Diệu, Hà Nội những ngày qua, từng đoàn người lặng lẽ nối nhau viếng Tướng Giáp. Bao nhiêu thế hệ già, trẻ – những người còn lại sau hai cuộc chiến tranh, những người lớn lên trong thời bình – đã rơi nước mắt trước nỗi đau chung.

Trong những ngày này, những vần thơ trong bài “Vị tướng già” của nhà thơ Anh Ngọc được nhiều người tìm đọc lại. Họ đồng cảm bởi ở đó có hình ảnh giản dị của một vị tướng đã để lại những năm tháng trai trẻ – với những chiến công oanh liệt, vào sinh ra tử cùng vận mệnh đất nước – sau lưng. Cuối đời, giã từ trận mạc, trút bỏ công danh, ông là con người bình thường, trầm mặc đối diện với thời gian và nỗi cô đơn trước lẽ sinh tồn.

Những đối thủ của ông đã chết từ lâu
Bạn chiến đấu cũng chẳng ai còn nữa
Ông ngồi giữa thời gian vây bủa
Nghe hoàng hôn chầm chậm xuống quanh mình.

Những câu thơ đầu tiên hiện lên hình ảnh một con người ngồi lặng im giữa thế kỷ đang trôi về phía trước. Đồng đội, bạn bè, cả những người không cùng chiến tuyến thuộc thế hệ ông như những cột mốc cây số lùi lại sau lưng. Trong cách hình dung của nhà thơ, bóng thời gian đổ xuống, khiến hình ảnh trầm lặng của vị tướng già hiện lên rõ nét hơn.

Nhà thơ Anh Ngọc (áo trắng) – trong buổi gặp gỡ Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1994. Ảnh tư liệu.

Cũng vào mùa thu, tháng 9/1994, bài thơ “Vị tướng già” ra đời. Nhà thơ Anh Ngọc cho biết, tháng 4/1994, nhà văn Lê Lựu và nhà thơ Trần Đăng Khoa đến gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp để viết bài chuẩn bị cho số kỷ niêm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Vì cần người chụp hình, Lê Lựu đã gọi cho Anh Ngọc nhờ tìm gấp một phóng viên ảnh. Khi đó, nhà thơ Anh Ngọc đã gọi cho phóng viên ảnh Lê Nhật của báo Quân Đội Nhân Dân và chở Lê Nhật bằng xe máy tới nhà Tướng Giáp. “Tôi đèo Lê Nhật tới nhà Đại tướng, khi tới nơi tôi đứng ngoài cổng. Chỉ một, hai phút sau, Lê Nhật hộc tốc chạy ra nói, Đại tướng mời tôi vào”.

Cuộc gặp gỡ bất ngờ, xúc động hoàn toàn nằm ngoài tưởng tượng của nhà thơ Anh Ngọc. Suốt buổi hôm đó, trong khi những người còn lại phải làm việc thì Anh Ngọc chỉ ngồi quan sát vị tướng tài ba. Hình ảnh Tướng Giáp trong buổi trò chuyện đã trở thành cảm hứng để ông viết “Vị tướng già”.

Bàn chân đi qua hai cuộc chiến tranh
Giờ chậm rãi lần theo dấu gậy
Đôi bàn tay nhăn nheo run rẩy
Đã từng gieo khủng khiếp xuống đầu thù.

Nhà thơ Anh Ngọc cho biết, nguyên mẫu của ông là Tướng Giáp nhưng vị tướng trong bài thơ không hoàn toàn là một Tướng Giáp cụ thể bằng xương bằng thịt ngoài đời, mà là một vị tướng của nghệ thuật. Bài thơ được viết năm 1994. Khi ấy Tướng Giáp mới hơn 80 tuổi. Theo tác giả, Tướng Giáp mà ông gặp khi đó không chống gậy. Xây dựng hình ảnh “chậm rãi lần theo dấu gậy” là một sự đối lập hóa hai chân dung của một con người – một tướng lĩnh xông pha trận mạc thời trẻ và một con người bình thường trong cuộc sống ở cuối chân dốc cuộc đời.

Trong góc vườn mùa thu
Cây lá cũng như ông lặng lẽ
Tám mươi tuổi ông lại như đứa trẻ
Nở nụ cười ngơ ngác thơ ngây.

Không còn ồn ào, náo nhiệt, không còn âm vang của những cuộc chiến thần tốc, bách chiến bách thắng, người ngồi đó lặng lẽ như cây lá, hiền hòa như trẻ thơ. Một sự bình thản toát lên trong bóng dáng của người từng chỉ huy cả dân tộc chiến thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Nhà văn Anh Ngọc kể, trong con mắt của ông từ thuở bé, Đại tướng luôn là một con người vĩ đại, được nhân dân cả nước phục và kính trọng. Vậy mà, trong buổi gặp, hiện ra trước mắt nhà thơ không phải một con người trịnh trọng, đường bệ, xa cách mà hiền lành, gần gũi… Anh Ngọc đặc biệt ấn tượng ánh mắt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Đại tướng có ánh mắt của một nhà thơ” – Anh Ngọc nói – “Nhà phê bình Viên Mai đời Thanh của Trung Quốc từng nói, con người có tâm hồn cao quý là đã có phẩm chất của một nhà thơ, một nghệ sĩ”. Theo nhà thơ, ánh mắt Đại tướng toát lên điều đó.

Ông ra đi
Và…
Ông đã về đây
Đời là cuộc hành trình khép kín
Giữa hai đầu điểm đi và điểm đến
Là một trời nhớ nhớ với quên quên.
Những vui buồn chưa kịp gọi thành tên
Cõi nhân thế mây bay và gió thổi
Bầy ngựa chiến đã chân chồn gối mỏi
Đi về miền cát bụi phía trời xa.

Cuối đời, như di nguyện cuối cùng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở về yên nghỉ tại quê nhà Quảng Bình. “Ai cũng muốn về nhà bố mẹ, ngồi dưới hiên nhà, ăn bát cơm của bố mẹ. Là con người thì ở đâu rồi cũng phải hướng về quê hương”, Anh Ngọc dường như đã nhìn thấy tâm nguyện giản dị và đời thường đó của vị tướng già khi đặt bút viết những câu thơ trên. Giờ đây, ứng chiếu với “cuộc trở về cuối cùng” của Tướng Giáp, dường như Anh Ngọc đã đúng. “Đời là cuộc hành trình khép kín”. Ra đi rồi cũng trở về, trong vòng tay yêu thương của đất mẹ.

Anh Ngọc lý giải, trong khi nhiều người muốn anh hùng hóa một con người, nhà thơ muốn đời thường hóa một vị anh hùng. Trên hết, ông là vị tướng với cái tâm, cái tài khiến mọi người cảm phục và kính trọng, nhưng ông cũng là một con người, có đủ vui, buồn, hỷ, nộ, ái, ố.

Trần Đăng Khoa (trái) và Lê Lựu (phải) trong cuộc trò chuyện với Tướng Giáp.

Ru giấc mơ của vị tướng già
Có tiếng khóc xen tiếng cười nức nở
Một chân ông đã đặt vào lịch sử
Một chân còn vương vấn với mùa thu.

Những câu thơ của Anh Ngọc góp phần tạc một tượng đài vị tướng già vào lịch sử thi ca Việt Nam.

Trong bài viết mới nhất, nhà thơ Anh Ngọc so sánh Đại tướng – nguyên mẫu trong bài thơ của ông – với Phật hoàng Trần Nhân Tông – người ba lần đánh bại quân Nguyên rồi lên núi đi tu. Theo Anh Ngọc, minh triết phương Đông giúp Đại tướng trở thành một con người vô cùng giản dị, đi đến tận cùng của lẽ đạo và đời.

Hoàng Anh

 

 

Vị tướng già

Những đối thủ của ông đã chết từ lâu
Bạn chiến đấu cũng chẳng ai còn nữa
Ông ngồi giữa thời gian vây bủa
Nghe hoàng hôn chầm chậm xuống quanh mình.

Bàn chân đi qua hai cuộc chiến tranh
Giờ chậm rãi lần theo dấu gậy
Đôi bàn tay nhăn nheo run rẩy
Đã từng gieo khủng khiếp xuống đầu thù.

Trong góc vườn mùa thu
Cây lá cũng như ông lặng lẽ
Tám mươi tuổi ông lại như đứa trẻ
Nở nụ cười ngơ ngác thơ ngây.

Ông ra đi
Và…
Ông đã về đây
Đời là cuộc hành trình khép kín
Giữa hai đầu điểm đi và điểm đến
Là một trời nhớ nhớ với quên quên.
Những vui buồn chưa kịp gọi thành tên
Cõi nhân thế mây bay và gió thổi
Bầy ngựa chiến đã chân chồn gối mỏi
Đi về miền cát bụi phía trời xa.

Ru giấc mơ của vị tướng già
Có tiếng khóc xen tiếng cười nức nở
Một chân ông đã đặt vào lịch sử
Một chân còn vương vấn với mùa thu.

Anh Ngọc

 

{youtube}u2mFbBtWUvE{/youtube}

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *