Hồi ký của Châu Hồng Thủy
Tốt nghiệp khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội I, tôi viết đơn xin đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần. Chỉ đơn giản trong tôi có máu lãng du, muốn đi xa cho tỏa chí tang bồng. Trước khi viết đơn, tôi hỏi ba tôi: “Theo ba, con nên xin đi đâu?” Không trả lời cụ thể câu hỏi của tôi, ba tôi chỉ đọc mỗi câu: “Làm trai cho đáng nên trai.
Phú Xuân cũng trải, Đồng Nai cũng từng!”. Được lời như cởi tấm lòng, tôi hăm hở khoác ba lô lên đường
Ngày ấy, tôi cứ nghĩ việc đời là do mình định liệu. Tôi ước sẽ đặt dấu chân khắp hai miền Nam Bắc, mỗi nơi chỉ ở vài ba tháng, cùng lắm chỉ một hai năm. Ai ngờ cả quãng đời thanh xuân của tôi gửi trọn nơi núi rừng Tây Bắc. Ước mơ đi khắp hai miền Nam Bắc không thành, nhưng tôi vẫn cảm ơn số phận đã dành cho tôi một vùng đất thơ mộng và hùng vĩ, mạch nguồn nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật của tôi. Những cuốn sách sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian Thái, văn học dân tộc Mảng, những bài thơ, những truyện ngắn của tôi được nảy sinh từ những đêm uống rượu cần và nghe hát dân ca, những đêm mùa xòe với các cô gái Thái, những đêm ngồi bên bếp lửa nhà sàn nghe truyện cổ…
Nhiều mùa xuân không về xuôi ăn tết, tôi khoác ba lô trèo đèo lội suối đi khắp các bản làng Tây Bắc. Dấu chân tôi in trên các nẻo đường mòn biên giới Việt Lào đến biên giới Việt Trung. Mỗi vùng đất đi qua đều để lại trong tôi những kỷ niệm ắp đầy.
Ngược dòng sông Mã, tôi tìm đến tận thượng nguồn, bất ngờ gặp người chiến sĩ của trung đoàn Tây tiến năm xưa. Một buổi chiều bảng lảng mù sương, Nguyễn Anh Tuấn (giáo viên trường cấp III Châu Thuận, giờ là đạo diễn điện ảnh) và tôi tìm vào nhà anh Nguyễn Thác Ghềnh, hiệu trưởng trường cấp III huyện Sông Mã. Cái tên Nguyễn Thác Ghềnh không hiểu do cha mẹ anh đặt cho con để kỷ niệm một mối tình, một quãng đời vượt trăm bảy mươi thác, trăm ba mươi ghềnh ngược sông Đà lên Tây Bắc, hay chính chàng trai miền xuôi đã tự mình ngược dòng sông Mã, ở lại mảnh đất thượng nguồn này mà tự đặt tên mới cho mình? Số phận của cuộc đời trùng hợp với cái tên của chàng trai Hà Nội.
Vừa ngồi vào mâm rượu, đã xuất hiện thêm một người khách mới. Nghe tin có hai nhà văn của tỉnh vừa vào thực tế, anh tìm đến để làm quen. Ở cái huyện tột cùng khỉ hò cò gáy của đất Sơn La này, chỉ cần chúng tôi vừa đặt chân lên thị trấn là mọi người đều biết. Người khách mới ấy là Nguyễn Văn Cờ, Trưởng phòng văn hóa huyện. Anh lính trẻ Tây tiến Nguyễn Văn Cờ năm xưa giờ đã trở thành ông nội của một đàn cháu nhỏ. Mái tóc bạc và gương mặt gân guốc phong sương của anh mang dấu ấn của hơn ba mươi năm vật lộn gian khổ cầm súng giữ dân giành đất, rồi khai hoang xây dựng quê hương mới. Quãng đời ba mươi năm cống hiến cho Tây Bắc, cho mối tình hữu nghị Việt Lào của anh có thể viết thành thiên tiểu thuyết. Vậy mà chưa có ai viết một dòng về chiến công thầm lặng của anh. Nhắc lại quãng đời Tây tiến, anh say sưa đọc cho chúng tôi bài thơ Quang Dũng. Lòng tôi rung lên bởi những câu thơ viết về con người và mảnh đất oanh liệt bi thương một thuở:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Đã từng nghe nhiều cuộc đọc thơ trong các đêm thơ sinh viên, có ánh đèn rực rỡ trong các hội trường rộng lớn, có loa phóng thanh khuyếch đại, nhưng chưa bao giờ tôi có được ấn tượng hào hùng bi tráng như cuộc đọc thơ trong đêm ấy tại thượng nguồn sông Mã, trong căn nhà lá đơn sơ với ánh đèn dầu mờ ảo. Gió đại ngàn và tiếng ầm ào của dòng sông Mã ngoài kia làm nền cho lời thơ hào sảng. Trước mắt chúng tôi không còn là ông già Trưởng phòng văn hóa nữa, mà là anh lính Nguyễn Văn Cờ đang đi trong đoàn người trụi tóc vì sốt rét “ quân xanh màu lá dữ oai hùm – mắt trừng gửi mộng qua biên giới – đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Anh đã làm cho cánh giáo viên văn chúng tôi hiểu hơn về Quang Dũng, minh oan cho bài thơ Tây tiến. Bấy giờ trong các giáo trình, các bài giảng ở trường Đại học người ta còn phê phán thơ Tây tiến. Tôi ước đời thơ của mình được một bài thơ như Quang Dũng. Và, như có nhân duyên tiền định, từ đêm gặp gỡ với người lính Tây tiến ấy, tôi càng yêu thơ và con người lãng tử Quang Dũng hơn. Bảy năm sau, tôi có công tìm được bài thơ Đêm Bạch Hạc tưởng chừng đã mất của ông. Bài thơ ấy, tôi đã công bố trên báo Nhân dân chủ nhật. Quang Dũng có tật làm thơ chẳng bao giờ chịu ghi chép, giữ gìn cẩn thận. Đêm Bạch Hạc ông chép tặng nhà văn Hoàng Thao trên tờ giấy nhỏ, rồi cũng quên luôn, cũng chẳng công bố trên báo bao giờ. Ở Trại sáng tác dành cho các nhà văn 6 tỉnh biên giới phía Bắc năm 1984, nhà văn Hoàng Thao đã cho tôi xem bản thảo này. Than ôi, khi bài thơ được in thì ông đã thành người thiên cổ. Tôi cầm tờ báo có in bài thơ của ông đến trao cho nhà thơ Trần Lê Văn (bạn thân của Quang Dũng) để khi nào có dịp, đưa vào bổ sung cho Tuyển thơ Quang Dũng. Mỗi khi lãng du đến một vùng quê xa lạ, tôi lại thầm ngâm bài thơ ấy:
Đêm Bạch Hạc
tặng Hoàng Thao
Có những chiếc giường lạ
Nhìn ra mảnh sân nào
Nửa đêm chợt thức giấc
Thấy ta nằm ở đâu
Như cánh chim mỏi cánh
Tạt vào rừng không quen
Không chọn cành ngủ đỗ
Nào mong gì ấm êm
Đên nay Đêm Bạch Hạc
Ta lạc vào nhà ai
Nghe sông Lô cuộn nước
Duềnh lên suốt đêm dài
Sớm mai rồi tiễn biệt
Tóc đẹp nhường bâng khuâng
Một đêm dài để nhớ
Những người xa vô cùng
Mái nhà đêm Bạch Hạc
Có nhớ người đi không?
Việt Bắc Thu Đông 1967
Máu lãng du thúc dục tôi để lại phía sau vợ và đứa con đầu mới được hai tháng, ngược dòng Nặm Công vào Xốp Cộp, Mường Và. Nặm Công trong tiếng Thái nghĩa là con suối bị đi đày. Có hẳn một sự tích về con suối bị bắt chảy ngược với các dòng sông suối khác ở vùng Tây Bắc. Con suối bị đi đày ấy uất hận, ngày đêm gào thét. Những dòng thác dữ trên dòng Năm Công, cách xa hàng cây số đã nghe tiếng gầm gào.
Con đường vào Xốp Cộp Mường Và quanh co, len lỏi giữa những cánh rừng già nguyên thủy. Trong sương sớm, từng bày voi lững thững đi, như không hề biết đến sự có mặt của con người. Nhà thơ dân tộc Thái Lò Văn Cậy, người dẫn đường chúng tôi vào Xốp Cộp quê ông, dặn cứ bình tĩnh, mình không động đến chúng thì chúng rất hiền lành. Đàn voi ấy cứ tự do lúc thì tạt sáng cánh rừng Lào, lúc trở về đất Việt. Nơi chúng tôi gặp voi là vách núi, đất có vị mặn như muối. Đàn voi khoét vào vách núi thành một cái hố khổng lồ. Chờ chúng ăn đất muối xong kéo nhau xuống suối uống nước, chúng tôi mới có đường đi tiếp. Suốt một ngày khoác ba lô đi bộ hơn 40 cây số, bị những cánh rừng già và những vách núi chắn sừng sững, đột ngột trước mắt tôi hiện ra một chân trời bát ngát. Không tin ở mắt mình – tôi ngỡ lạc vào ranh giới của cõi trần và tiên cảnh. Thung lũng Xốp Cộp – Mường Và, điểm chót của sông Mã – Điện Biên, tiếp giáp với đất Lào, thanh bình và thơ mộng … Chống Pháp, chống Nhật, chống Mỹ… bao cuộc chiến tranh đi qua trên đất nước này, nhưng nơi đây chưa hề nghe tiếng súng.
Đêm nằm trên sàn nhà của người Lào ở bản Mường Và bập bùng ánh lửa, nghe tiếng xa quay sợi mơ hồ như ở một thế giới nào vọng lại. Cô gái Lào ngồi bên chiếc xa mặc “áo cóm” màu chàm có hàng cúc bạc hình cánh bướm hư ảo như một nàng tiên. Tôi ngỡ mình đã thành Từ Thức….
Ngược cổng trời thăm thẳm dãy Pha Đin, tôi đi trong bạt ngàn hoa ban và lau trắng. Đèo Hải Vân tôi đã từng qua, nhưng so với Pha Đin chẳng thấm tháp vào đâu. Ba mươi hai cây số lên dốc và xuống dốc. Bên này là Châu Thuận, bên kia là Tuần Giáo. Con đường Sáu men theo những vách núi dựng đứng, dưới kia là vực sâu hàng ngàn mét. Đường hẹp, cua gấp ngắn, lại có chỗ chỉ rải đá, đầy ổ gà, hai xe ngược chiều gặp nhau không thể tránh. Đã có nhiều xe vĩnh viễn thành sắt vụn dưới vực sâu. Vì thế người Thái mới gọi là dẫy Pha Đin (vách đất dựng). Có người lại nói: chính là từ Phạ Đin gọi chệch đi. Phạ Đin – nơi đất gặp trời. Lý nào cũng đúng. Ngày xưa, các thế lực chúa đất bao đời tranh giành nhau đều lấy dãy núi hiểm trở này làm chỗ dựa, vì thế còn có tên gọi khác : Pú Chinh (núi Tranh chấp). Cây ban cứ hiên ngang mọc lên từ những vách núi dựng đứng, cứ nở hoa trắng mỗi mùa xuân. Hàng mấy chục cây số hoa ban trắng muốt làm đất trời Tây Bắc dịu đi cái nóng bỏng của gió Lào. Hoa ban gợi lại một mối tình trong sáng, thủy chung và bi thảm. Đã xa, xa lắm. Thuở ấy, nàng Ban yêu chàng Bun nghèo khổ. Chúa đất bảo: “Nàng có muốn làm người sửa chăn đệm, làm bếp kiềng ấm lửa nhà quan?” – “Không! Tôi chỉ là cây bưởi chua, những đã có người nhận. Là con ngựa đã vào tàu người khác”. Chúa đất gầm lên: “Mày phải chết!” Đôi tình nhân trốn chạy vào rừng. Chạy qua bao suối sâu vực thẳm, vẫn không thoát khỏi lũ người truy đuổi. Đói lả, kiệt sức, Ban và Bun gục ngã dưới một gốc cây. Rung động trước mối tình chung thủy và bất hạnh, cây vội vàng nở bừng những chùm hoa năm cánh trắng muốt, rụng xuống phủ lên hai người thành một nấm mồ hoa. Người bảo màu trắng của hoa là màu loài cây để tang cho một mối tình, người bảo màu trắng là màu của sự trinh trắng thủy chung. Tên nàng Ban trở thành tên của loài hoa. Tôi miên man đi giữa rừng Ban, như người mộng du bởi câu chuyện tình vừa nghe kể. Không biết triệu năm về trước ai là người đã đứng chỗ tôi để ngắm hoa ban, và triệu năm sau ai sẽ là người đặt chân lên dấu chân tôi? Đôi chân trần của tôi cứ bước đi vô định, lạc vào Hội tung còn.
Hỡi chàng trai mường xa hãy vào hội cùng em!
Then trên trời nếu thương sẽ xe ta thành đôi lứa
Nếu yêu nhau ta đắp vỏ chăn xui vẫn ấm
Nếu thương nhau ăn củ nâu cũng thấy ngọt bùi
Trước lời hát mời mọc, trước những ánh mắt lúng liếng của các cô gái Thái, tôi “thuổng” những lời dân ca đã từng nghe bên bếp lửa nhà sàn, đối đáp:
Đuôi mắt em dài như lá trầu xanh
Bàn tay em thon búp lá hành
Mười ngón tay xòe nở thành hoa
Vung nắm tấm ra thành đàn gà
Anh là trai mường xa nghèo và vụng dại
Mài dao cùn chặt tre không đứt
Sao xứng làm rể quản nhà em.
Và thế là tôi nhập cuộc, thành trai bản.
Ném còn có khi chẳng cần sân đất rộng. Trai gái Thái ở các bản gần đường số Sáu tụ tập hai ven đường thành từng tốp tung còn. Quả còn bằng nắm tay trẻ nhỏ, nhồi bông, bốn góc có chỉ tua ngũ sắc. Tôi cầm dây tung quả còn đi, nhưng chỉ được nửa khoảng đường là rơi xuống, làm các cô gái cười rũ rượi. Thì ra muốn quả còn bay xa, phải cầm dây quay ngược chiều nhiều vòng để lấy đà, rồi vút ngược trở lại thật mạnh. Bắt còn cũng trở thành nghệ thuật. Quả còn lao nhanh như tạc đạn, tôi giơ tay bắt, thấy bàn tay rát bỏng. Còn cô gái đối diện với tôi đỡ nhẹ nhàng như múa. Có lúc tôi cố tình ném chệch, cô vẫn đoán được đường đi của quả còn, tung người lên như bay, bắt được. Ai không bắt được còn, bị “đối phương” lột mũ, lột khăn, lột áo… Dĩ nhiên tôi là người thua cuộc, nhưng thỉnh thoảng cũng lột được của các cô chiếc khăn piêu. Hội tan, chúng tôi trả lại “tù binh” cho nhau, rủ nhau lên nhà sàn uống rượu. Nhiều đôi nên vợ nên chồng trong ngày hội tung còn mùa xuân. Tiếc thay, tôi là con người đã có gia đình, không được làm “con cun cút cổ trơn” bước lên thang làm rể quản nhà em.
Ở rể quản là thời gian chàng trai đến nhà bố vợ tương lai, ngủ riêng ở phía sàn dành cho khách đàn ông. Qua thời gian dài thử thách, nếu bố mẹ và người con gái ưng duyệt được, anh mới được làm lễ chung chăn chung đệm. Bố mẹ vợ không ưng, anh đành phải cuốn áo ra đi. Thời gian làm rể quản, anh phải như “con cun cút cổ trơn”, nghĩa là phải ngoan ngoãn, chịu thương chịu khó để được lòng bố mẹ vợ tương lai. Tôi cùng nhà thơ Cầm Biêu, Vương Trung, Lò Văn Cậy và nhà văn Mạc Phi (chủ tịch hội Văn Nghệ Lai Châu lúc bấy giờ), sau khi dự Đại hội Văn Nghệ Sơn La 1984 trở về, đã rẽ vào Bon Phặng dự lễ cưới của một chàng trai vừa hết thời kỳ ở rể. Chúng tôi đến sớm, nên gặp đoàn nhà trai đang dẫn cô dâu về bản. Cô dâu tay dắt đứa con trai chừng ba bốn tuổi, trên lưng lại địu thêm đứa nữa. Đây là lễ cưới lần thứ ba của họ, chưa kể những lần đánh tiếng dạm hỏi. Trong một đời người, phải dăm bảy lần cưới mới thành ma chính thức của nhà chồng. Cưới lần thứ nhất, chàng trai được phép đến nhà người yêu để thử thách; lễ cưới thứ hai là lễ “tằng cẩu” (búi tóc ngược) mới cho phép đôi vợ chồng chính thức chung chăn gối. Ngày hôm ấy, nàng vấn tóc ngược lên đỉnh đầu, và suốt đời phải búi tóc kiểu ấy, dấu hiệu biểu hiện nàng đã thuộc về người khác. Ở với nhau ba bốn mặt con rồi, chàng trai mới hết thời hạn ở rể bên nhà vợ, đón vợ về nhà mình lại làm lễ cưới. Chàng trai mà chúng tôi đến dự lễ cưới hôm ấy là người may mắn. Anh ở rể chỉ có bốn năm. Thời trước có người phải ở rể đến 12 năm, làm lụng để trả công cho bố mẹ vợ đã sinh thành nuôi dưỡng vợ mình. Chú rể dắt con ngựa lưng chất đầy những thứ mà bố mẹ vợ chia cho vợ chồng anh: Chiếc ninh đồng để đồ xôi, một ít hạt giống các loại ngũ cốc, một cặp gà, một đôi lợn nhỏ… Các con vật bao giờ cũng phải cặp đôi: Một đực một cái, mốt sống một mái, biểu hiện của âm dương, của kết hợp sinh sôi nảy nở. Đoàn người đi theo cô dâu chú rể gánh theo chăn đệm, gánh “bem” đan bằng mây đựng áo quần của đôi vợ chồng trẻ…
Lễ cưới hôm ấy không có rượu cần và múa xòe. Rượu cần và múa xòe thường tổ chức trong những ngày lễ chung của bản mường. Ngày lễ, trống chiêng vang dội khắp núi rừng, người ta uống rượu và xòe thâu đêm suốt sáng. Mùa xuân 1984, trại sáng tác văn học của sáu tỉnh biên giới phía bắc tại Mộc Châu kết thúc, chúng tôi kéo nhau đi dự đêm xòe trên đất Yên Châu. Với dân Tây Bắc chúng tôi, xòe đã là chuyện bình thường. Nhưng với các nhà văn Nguyễn Thành Long*, Hữu Thỉnh, Ngô Văn Phú lần đầu tiên đặt chân đến đất Yên Châu lại vô cùng hào hứng. Các vị khách quý được trưởng bản mời vào khai mạc vò rượu cần đầu tiên. Rượu cần Tây Bắc được làm bằng sắn đồ lên, ủ men và trấu. Hàng chục cần trúc cong vút được tỉa tót đẹp đẽ cắm vào vò rượu. Các khách quý cùng trưởng bản vít cần. Cô gái Thái Hoàng Thị Nú cầm chiếc sừng trâu chạm trổ múc đầy nước suối cho chảy vào vò. Chiếc sừng được đục lỗ, dòng nước trong vắt thành tia nhỏ chảy từ từ. Ai được uống những sừng đầu tiên, thấy chua chua ngọt ngọt, có độ nhẹ của bia hơi. Lại có lệ uống từng người một. Uống tập thể, có người còn “láu cá” uống nhiều hay uống ít vì sợ say. Uống một mình không thể dùng thủ thuật. Rượu đã đầy miệng vò, dòng nước từ sừng trâu chảy xuống, anh dừng cần hút, lập tức rượu sẽ chảy ra sàn. Vậy là anh bị phạt thêm sừng nữa. Không uống được, anh có thể xin, chứ đừng giở trò láu cá, người dân tộc chúa ghét sự không trung thực. Uống rượu với người Thái đã trở thành văn hóa. Rượu phải ngon, cần trúc và sừng trâu phải đẹp, người uống mời mọc nhau bằng những lời lẽ chân tình, nhã nhặn. Tiếng trống dồn dập nổi từng hồi, tiếng chuông ngân dóng dả giục mọi người bước vào hội múa xòe:
Vào vòng đi
Hỡi gái nhà trên
Nào trai bản dưới
Hỡi khách phương xa
Chúng tôi nắm tay nhau thành những vòng tròn. Ở giữa là một đôi trai gái. Rồi vòng nữa, vòng nữa ở ngoài. Múa xòe đơn giản. Theo nhịp chiêng và trống, đôi chân nhún nhảy tiến lên rồi lùi lại, vòng xòe tựa như một bông hoa đang nở. Đôi trai gái ở giữa vòng xòe là nụ hoa. Hoàng Thị Nú toàn thân như bốc lửa, hai tay cầm hai dùi gõ, tay trái múa trên mặt những núm chiêng, tay phải vung nhịp nhàng mặt trống. Rượu men đã ngấm, tôi nhảy đến thay cô gõ trống chiêng. Nghịch ngợm, tôi chuyển sang gõ nhịp kiểu disco. Cả sàn nhảy ngơ ngác nhìn tôi. Bất ngờ Hoàng Thị Nú nhảy disco trước con mắt kinh ngạc của mọi người. Không ai ngờ ở một bản dân tộc Thái cách xa đường quốc lộ lại biết điệu nhảy này. May trong đoàn chúng tôi có một chàng trai, vốn xuất thân từ đoàn ca múa nhạc, nhảy ra “tiếp chiêu”. Trên sàn nhảy chỉ còn có hai người bốc lửa. Nhà văn Nguyễn Thành Long ngây ngất nói: “Tôi nhất định sẽ viết một bài tùy bút về buổi hôm nay”. Ngay đêm ấy, nhà thơ Hữu Thỉnh ghi lại cảm xúc của mình. Sáng hôm sau, anh đọc cho chúng tôi nghe : “Tôi nắm tay em, tối nắm búp rượu cần”
Biết bao kỉ niệm đẹp về mùa xuân Tây Bắc. Chạm đến ký ức như chạm đến mạch ngầm, biết chọn kỷ niệm nào để viết? Nhiều khi tôi bâng khuâng tự hỏi: nếu như thiếu đi quãng thời gian hơn mười năm Tây Bắc, cuộc đời mình liệu sẽ ra sao? Chắc sẽ nghèo đi nhiều lắm. Xứ sở Hoa Ban đã tạo đà cho tôi cất cánh đến xứ sở của bạch dương. Những bước chân đạp trên tuyết của tôi hôm nay trên đất Nga là sự tiếp nối những bước chân trên những nẻo đường mòn sông suối Tây Bắc tuổi thanh xuân
Mát-xcơ-va 1.1.1995
6.1.1995
C.H.T
* Các nhà thơ, nhà văn Lò Văn Cậy, Cầm Biêu, Nguyễn Thành Long, Mạc Phi đều đã mất từ lâu.