Home > Contend > Tin tức - Tin văn học > 10 sự kiện văn hóa, giải trí nổi bật trong năm 2013

10 sự kiện văn hóa, giải trí nổi bật trong năm 2013

– Năm 2013 có nhiều sự kiện văn hóa, giải trí nổi bật diễn ra trong đó có cả những tín hiệu vui lẫn những thông tin buồn.

Vào thời điểm cuối cùng của năm 2013, chuẩn bị bước sang năm mới 2014, HNMO điểm lại 10 sự kiện văn hóa, giải trí nổi bật nhất do HNMO bình chọn.

 

 

1. Nhiều di sản văn hóa được UNESCO công nhận

Đờn ca Tài tử Nam Bộ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Năm 2013 nhiều tin vui dành cho di sản Việt Nam khi Giỗ tổ Hùng Vương đón bằng công nhận danh hiệu Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại từ UNESCO. Tin vui lớn nữa là Đờn ca Tài tử Nam Bộ được UNESCO công nhận danh hiệu là Di sản văn hóa Phi vật thể của nhân loại vào tháng 11-2013. Một số danh lam thắng cảnh khác của Việt Nam là Tràng An (Ninh Bình), Quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) được chính thức đệ trình hồ sơ lên UNESCO đề nghị xét danh hiệu Di sản văn hóa Thế giới.

2. Di sản kêu cứu

Bên cạnh tin vui thì năm 2013 cũng ghi nhận những tin buồn khi nhiều di sản cấp quốc gia kêu cứu. Cư dân làng cổ Đường Lâm, sau đó là phố cổ Đồng Văn (Hà Giang) đồng loạt đòi trả lại danh hiệu Di tích cấp quốc gia chỉ vì cuộc sống của họ có quá nhiều bất cập từ việc không có biện pháp bảo vệ di sản kịp thời.

Chùa Diên Hựu – Một Cột bị xuống cấp nghiêm trọng

Di tích chùa Diên Hựu – Một Cột nổi tiếng tại Thủ đô Hà Nội cũng kêu cứu vì bị xuống cấp nghiêm trọng. Sự kiện đau lòng nữa là ngôi nhà Lang cuối cùng của người Mường bị cháy rụi do sự kém ý thức của dân du lịch khiến hơn 200 hiện vật sưu tầm trong 15 năm qua bị cháy rụi. Không lâu sau đó, sự việc sư trụ chì của chùa Châu Long (Hà Nội) tự ý thả trôi sông những pho tượng cổ, thay thế bằng bức tượng đồng có vẻ bề ngoài rất giống mình gây bức xúc trong dư luận. Rõ ràng, năm 2013 vẫn còn nhiều tồn tại trong vấn đề bảo tồn di sản.

3. Nhiều scandal của làng giải trí

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trở thành nhân vật tai tiếng nhất trong năm khi liên tiếp có những hành xử không đúng mực như vụ phát ngôn vô lễ với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9

Làng giải trí Việt trong năm 2013 “dậy sóng” bởi vô số scandal, điển hình là việc ứng xử không đúng mực của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng như hôn môi sư thầy, phản ứng vô lễ với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9… khiến anh này bị Cục Nghệ thuật biểu diễn gửi văn bản nhắc nhở. Vụ vỡ nợ của ca sĩ Siu Black, hay những hành động phản cảm của một số nhân vật như Bà Tưng, Angela Phương Trinh, Long Nhật, Yanbi… gây bất bình trong dư luận và bị dư luận phản ứng mạnh mẽ. Một loạt sự vụ việc tung clips nóng, “lộ hàng”, hát bậy… của giới nghệ sĩ khiến làng giải trí ngày càng mất điểm trong mắt công chúng.

4. Sự mạnh tay của cơ quan quản lý Nhà nước

Angela Phương Trình và nhiều nhân vật để “lộ hàng” bị cơ quan quản lý văn hóa xử phạt nghiêm

Năm 2013 ghi nhận sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan quản lý văn hóa trong việc kiên quyết xử phạt những hành động phản cảm của các nghệ sĩ biểu diễn. Hàng loạt hành động phản cảm đều bị ngăn chặn kịp thời điển hình là việc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cương quyết đình chỉ buổi biểu diễn của cô gái có nickname Bà Tưng vì cô này có hành động phản cảm. Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng ra công văn đình chỉ biểu diễn trên phạm vi toàn quốc đối với Bà Tưng và Angela Phương Trinh. Sự quyết liệt của lãnh đạo ngành văn hóa còn thể hiện ở việc quyết liệt xây dựng đề án cấp thẻ hành nghề và dự định sẽ áp dụng vào khoảng tháng 4-2014.

5. Nhiều cuộc tranh cãi của các tác giả văn học

Năm 2013 cũng bùng nổ nhiều cuộc tranh cãi của các tác giả văn học trẻ mà điển hình là Phong Ronin và Huyền Chip – tác giả của hai cuốn sách gây bão nhất trong cộng đồng người đọc trẻ năm 2013.

Huyền Chíp và cuốn sách du ký gây tranh cãi

Dù công ty Nhã Nam phải ngưng phát hành tập tranh “Sát thủ đầu mưng mủ” vào năm 2012, nhưng Phong Ronin tiếp tục cho ra mắt cuốn sách gây tranh cãi “Phê như con tê tê”. Tác giả Huyền Chip lại dậy sóng dư luận với tập hai bộ sách “Xách ba lô lên và đi – Đừng chết ở châu Phi” vì bị cho rằng đã không trung thực khi viết cuốn sách này. Nhiều người đã vạch rõ những chi tiết không thật trong chuyến đi của Huyền Chip, sau đó chính tác giả của cuốn sách cũng thừa nhận nhiều chi tiết của cuốn sách là không chân thực.

6. Điện ảnh Việt thiếu dấu ấn

Phim “Bụi đời chợ lớn” bị cấm chiếu

Điện ảnh Việt Nam năm 2013 không có nhiều sức bật vì những tác phẩm thị trường vẫn chiếm tỉ lệ lớn. Trong số đó, nhiều bộ phim được làm theo kiểu giật gân, câu khách. Việc bộ phim “Bụi đường chợ lớn” với nhiều yếu tố bạo lực quá đà đã bị Cục Điện ảnh cấm chiếu vĩnh viễn là một trong những sự kiện gây chú ý của điện ảnh Việt trong năm 2013. Một loạt những bộ phim hài làm trong dịp Tết cũng bị cho là nhảm nhí mà điển hình là “Tèo em” của đạo diễn Charlie Nguyễn, tuy nhiên bộ phim này vẫn đạt doanh thu cao, tạo nên một nghịch lý của ngành điện ảnh. Rõ ràng, điện ảnh Việt Nam hiện nay đang bị mâu thuẫn giữa tính nghê thuật với việc tiếp cận thị hiếu công chúng.

7. Liên hoan kịch Lưu Quang Vũ gây “sốt”

Liên hoan kịch Lưu Quang Vũ gây tiếng vang lớn

Trong khi sân khấu Việt Nam nói chung đứng trong tình trạng thiếu vắng khán giả thì sự kiện Liên hoan sân khấu của tác giả Lưu Quang Vũ lại gây sốt vé với lượng khán giả đến đông kín đã tạo nên một hiện tượng của sân khấu Việt Nam.

8. Tiếp tục bùng nổ các chương trình Truyền hình thực tế

Năm 2013 vẫn tiếp tục cho thấy sự tấn công ồ ạt các chương trình truyền hình thực tế có format nước ngoài trên sóng “giờ vàng” các kênh VTV3, HTV7… Bên cạnh Vietnam Idol, The Voice, Vietnam’s next top Model, The Winner Is, cuối năm, hàng loạt các chương trình mới đã bắt đầu khởi động như Sing if You can, The X-Facto, Chinh phục đỉnh cao…

Nhiều chương trình truyền hình thực tế bản quyền nước ngoài tiếp tục bùng nổ trong năm 2013

Trong số những chương trình truyền hình thực tế thực hiện trong năm 2013, có lẽ thành công nhất là “Giọng hát Việt nhí” khi tìm ra nhiều tài năng âm nhạc mới là Phương Mỹ Chi, Quang Anh… Sự phát triển của các chương trình bản quyền quốc tế tiếp tục thách thức các chương trình ca nhạc có format cũ từ trong nước như Sao Mai, Tiếng hát truyền hình…

9. “Chuỗi” chương trình âm nhạc vẫn thịnh

Rộ lên từ năm 2012 nhưng đến năm 2013 những chương trình âm nhạc thực hiện kiểu series vẫn thịnh hành mà điển hình là chuỗi “In the spotlight”, “Cầm tay mùa hè”, “Câu chuyện âm nhạc”, “MobiFone Rockstorm – Cháy cho khát vọng”…

Những chương trình chất lượng vẫn có chỗ đứng

Nhiều tên tuổi của làng âm nhạc như nhạc sĩ Dương Thụ, Quốc Trung, Huy Tuấn, Hồng Kiên… vẫn thực hiện nhiều đêm nhạc chất lượng đậm tính chuyên môn với sự tham gia của các ca sĩ nổi tiếng là Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, Tùng Dương, Uyên Linh, Nguyên Thảo. Một trong những chương trình âm nhạc nổi bật nhất trong năm là liveshow “Độc đạo” của ca sĩ Tùng Dương kết hợp với nghệ sĩ Nguyên Lê và nhiều nghệ sĩ đương đại của Pháp và châu Phi. Liveshow được đánh giá cao về chất lượng chuyên môn và tính mới lạ trong âm nhạc.

10. Sự ra đi đầy tiếc nuối của những diễn viên gạo cội

Nhiều nghệ sĩ lão làng ra đi vĩnh viễn (ảnh: cố NSƯT Văn Hiệp)

Điện ảnh, sân khấu Việt Nam 2013 liên tiếp phải nói lời chia tay vĩnh viễn đối với những nghệ sĩ lão làng là NSƯT Hồ Kiểng, nghệ sĩ hài Văn Hiệp và Tuấn Dương… Điều đáng tiếc là những nghệ sĩ như Văn Hiệp và Tuấn Dương khi từ giã cõi đời vẫn không có được một danh hiệu nào dù các vai diễn mà họ cống hiến được công chúng ghi nhận. Điều này khiến cho không ít công chúng bày tỏ sự tiếc nuối. Sau nhiều đề nghị của giới nghệ sĩ cũng như đông đảo công chúng, danh hài Văn Hiệp cũng được Nhà nước truy tặng danh hiệu NSƯT như một niềm an ủi đối với gia đình ông.

Hoàng Lân

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *