Đáp ứng yêu cầu của một số bạn đọc, blog TMG tải lại bài này từ trang trannhuong.com. Theo bạn đọc: “Hội địa phương cũng nhiều chuyện bi hài chẳng kém Hội trung ương, có lẽ là theo gương cấp trên?
Không ít người có đủ tiêu chuẩn mà trầy trật mãi không được xét kết nạp vào Hội. Nhưng lại có người chưa đủ tiêu chí lại được một số vị hội viên lâu năm, hội viên là Nhà thơ Việt Nam nhiệt tình giới thiệu; Lãnh đạo chuyên ngành ra sức tuyên truyền vận động từng hội viên bỏ phiếu cho trường hợp đó với lý do “Thằng cha này đương chức lớn, quyền to, tiền nhiều, bỏ phiếu cho nó vào để khai thác kinh phí cho Hội hoạt động”… Vậy là sao nhỉ?”
Mách bạn đôi điều:
Đến mùa kết nạp hội viên mới
Huỳnh Đông Dụ
Chuẩn bị đến mùa kết nạp Hội viên mới và mùa giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam, Dụ tôi, là một hội viên mới kết nạp được vài năm nay xin hiến các bạn đang có đơn đứng ở cổng Hội Nhà văn kinh nghiệm của bản thân mình. Tôi cho rằng đây là kinh nghiệm xương máu, mà suốt bao nhiêu năm chờ chực, cuối cùng tôi mới học được và thành công. Khi thành công rồi, tôi mới hiểu câu mà một quan chức Hội Nhà văn nói với tôi trước đây: “ Vào Hội Nhà văn khó thì rất khó và dễ thị lại cũng rất dễ”. Tôi đi vào vấn đề luôn.
Điều kiện:
– In hai tập sách ( Nếu là văn vần thì đề là thơ. Nếu là văn xuôi thì không cần đề gì cả. Giống như trường hợp của nhà báo Xuân Ba).
– Điều tra để biết rõ tên tuổi, địa chỉ của 16 Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn và 9 uỷ viên trong Hội đồng ( Hội đồng mà mình xin vào: thơ, văn xuôi, hoặc lý luận phê bình).
– Chuẩn bị một số kinh phí.
Sau khi đã nộp đơn, hồ sơ cho Ban Tổ chức Hội viên ( Địa chỉ: Ban Tổ chức Hội viên- Hội Nhà văn Việt Nam- số 9 Nguyễn Đình Chiểu – Hà Nội) thì tìm hiểu cách tiến hành.Có hai cách cơ bản:
– Cách thứ nhất:Tìm đến CÒ. Giao kính phí cho CÒ theo yêu cầu của CÒ. CÒ sẽ tính toán cụ thể và lo liệu. Thường thì CÒ lấy ½ số tiền trước. Xong việc, mình phải giao nốt. Làm cách này nhàn thân, nhưng kinh phí cũng tốn kém vì phải chi thù lao cho CÒ. Tuỳ theo tài năng của đối tượng mà CÒ đòi tiền nhiều hay ít. Ví dụ thơ phú mình chả ra gì thì thường phải chi nhiều tiền.
– Cách thứ 2: Cách này chia làm hai kiểu.
+ Kiểu 1: Thường thì cuối năm Hội tổ chức họp tổng kết một lần. Thời gian khoảng 2-3 ngày. Trong mấy ngày đó Hội đồng chuyên môn bỏ phiếu kết nạp Hội viên mới, được ai thì ngay hôm sau, Ban Chấp hành họp bỏ phiếu vòng hai- Thế là xong. Vì vậy mình chỉ bỏ ra khoảng 4-5 ngày ra Hà Nội tập trung lo việc này.
Trước hết đi đến từng địa chỉ của 9 Hội viên Hội đồng chuyên môn. Không cần phải dài dòng văn tự, chỉ nói mấy câu rồi đưa cho họ một chiếc phong bì khoảng từ 2-3 triệu đồng 1 người ( nên biếu kèm theo 1 cuốn tác phẩm của mình cho lịch sự). Riêng Chủ tịch Hội đồng thì phải nhiều hơn: 3-4 triệu- tuỳ theo mức quen thân).
Xong, nằm chờ. Khi Hội đồng vừa bỏ phiếu xong, phải có chân trong báo ngay xem có lọt được vào vòng Ban Chấp hành không. Nếu đủ phiếu vào được vòng này, thì ngay lập tức hôm đó, thậm trí đi cả đêm gặp 16 Uỷ viên Ban Chấp hành ( lúc này các vị tập trung hết về Hà Nội rồi) cũng làm như gặp Uỷ viên Hội đồng chuyên môn. Chỉ khác là tiền trong phong bì nhiều hơn ( khoảng từ 3-4 triệu đồng. Riêng Chủ tịch khoảng 5- 7 triệu đông. Nếu là đại gia có thể 10 triệu). Thế là OK.
Lưu ý: Nếu ít tiền thì khi đi gặp Hội đồng chuyên môn, hoặc Ban chấp hành không cần gặp đầy đủ. Chọn quá bán cũng có thể được. Ví dụ 9 vị thì đi 6 vị chắc ăn là được. ( Năm nay Hội đồng văn xuôi còn có 8, vì Y Ban bỏ cuộc chơi. Ban Chấp hành 16 vị thì đi 10 vị cũng có thể được nhưng phải chắc ăn).
+ Kiểu 2: Kiểu này đã có một số người làm nhưng cũng không ít người thất bại. Nhưng cũng có người thành công. Đó là gửi tiền qua bưu điện đến các địa chỉ uỷ viên Hội đồng và Uỷ viên Ban Chấp hành (Nếu biết được tài khoản của các vị thì chuyển qua cũng được). Cách này hơi tù mù vì gửi trước cho các uỷ viên Hội đồng thì được. Nhưng đến Ban chấp hành thì gửi không kịp. Do đó, tốt nhất là làm theo kiểu 1 hay hơn.
Lưu ý: Có một số trường hợp nhận tiền vẫn không bỏ phiếu, nhưng thông tin cho đối tượng là “Chú chỉ được mấy phiếu, trong đó có phiếu của tớ. Vẫn không quá bán, thôi để sang năm”. Và có một vài trường hợp trả lại tiền không nhận (trường hợp này có hai lý do: Một là họ liêm khiết, hai là họ có liên quan đến đồng nghiệp, cấp dưới, thân quen… nên sợ lộ mà mang tiếng).
Cơ chế này nếu không có gì thay đổi thì chắc chắn còn tồn tại hai năm nữa. Vì tháng 7 năm 2015 Đại hội nhiệm kỳ, nếu bác Hữu Thỉnh còn làm chủ tịch thì yên tâm. Chỉ sợ người khác làm thay bác Hữu Thỉnh họ dẹp đi thôi.Vì vậy còn hai năm nữa, các đồng nghiệp hãy cố lên.
Vài kinh nghiệm bản thân ngõ hầu các chiến hữu. Chúc các chiến hữu hãy thành công!
Huỳnh Đông Dụ
Hội viên Bộ môn Nghiên cứu Phê bình Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định.
Hội viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
Nguyên cán bộ Thư viện tỉnh Nam Định đã nghỉ hưu.
Số 13/ 398, đường Trường Chinh, P. Vị Xuyên, Tp. Nam Định