Home > Contend > Tác giả tác phẩm > Giải mã một hiện tượng xuất bản năm 2013

Giải mã một hiện tượng xuất bản năm 2013

Nhà thơ Phan Hoàng chia sẻ: “Khi giới thiệu chùm thơ của Việt trên báo Tuổi Trẻ nhiều năm trước, tôi đã từng nói thơ Việt có thể sẽ là một hiện tượng. Người trong giới có nhận xét vui rằng thơ Việt hơi sến nhưng thơ anh có sức lan tỏa lớn như vậy là vì anh đã nói lên được tiếng nói của cả một thế hệ trẻ, những cảm xúc rất thật, rất gần gũi với số đông”.

Năm 2013 quả là năm ấn tượng của nhà thơ trẻ Nguyễn Phong Việt . Tập thơ “Đi qua thương nhớ” in cuối năm 2012, sang năm 2013 được liên tục tái bản. Nếu tính tổng với các lần tái bản thì lượng phát hành của tập thơ này lên đến 30 ngàn cuốn. Cuối năm 2013, Nguyễn Phong Việt tiếp tục ra mắt tập thơ “Từ yêu đến thương”. Trước khi phát hành tập thơ này, Nguyễn Phong Việt đã xin phép NXB Văn học với số lượng in lên đến 20 ngàn cuốn. Sở dĩ có con số kỷ lục này vì bạn đọc đặt hàng “Từ Yêu đến Thương” đã tạo nên cơn sốt. Bản thân Nguyễn Phong Việt chỉ nhận mình chỉ là “người viết nghiệp dư” và sự thành công trong phát hành thơ của anh hoàn toàn không nhờ các trò PR… chuyên nghiệp. Vậy vì sao thơ của Việt lại được đón chờ nồng nhiệt như vậy?
Có ý kiến nhận xét rằng: “Đi qua thương nhớ” gây ấn tượng với người đọc bởi vẻ ngoài giản đơn và còn bởi câu hỏi tựa như đang thủ thỉ “Có bao nhiêu người đã đi qua thương nhớ mà quên được nhau?”. Một tập thơ mỏng ghi lại những cảm xúc của cuộc sống là những điều tác giả Nguyễn Phong Việt muốn gửi đến độc giả trên những trang giấy giữa bộn bề, xuôi ngược. Đi “Đi qua thương nhớ”, vì lẽ đó nên đồng cảm đến lạ, với bất kỳ ai, ở bất kỳ lứa tuổi nào về ngày đã qua chất chứa nỗi niềm.
Mùa đông đó bắt đầu bằng một tiếng cười
của một người lấy nỗi đau làm niềm vui…
Thơ Nguyễn Phong Việt có u buồn nhưng cũng có lời khích lệ, để người với người bên nhau không phải để quên mà để vẫn nhớ và hoài niệm.
Độc giả Nguyễn Ngọc Hiếu chia sẻ trên facebook: Đọc Phong Việt dễ thấy mình trong đó lắm, khi đọc đau đớn lắm cơ mà xong thì nhẹ nhàng lắm.

Nhà thơ Phan Hoàng chia sẻ: “Khi giới thiệu chùm thơ của Việt trên báo Tuổi Trẻ nhiều năm trước, tôi đã từng nói thơ Việt có thể sẽ là một hiện tượng. Người trong giới có nhận xét vui rằng thơ Việt hơi sến nhưng thơ anh có sức lan tỏa lớn như vậy là vì anh đã nói lên được tiếng nói của cả một thế hệ trẻ, những cảm xúc rất thật, rất gần gũi với số đông”.
Bản thân Nguyễn Phong Việt thì lý giải như thế nào về sức hút từ những tập thơ mà anh vừa xuất bản?
Anh chia sẻ với VNT: Tôi nghĩ thành công của “Đi qua thương nhớ” là một quá trình, những bài thơ trong tập được viết trong suốt 5 năm nên sự chia sẻ, chiêm nghiệm của mọi người với từng bài thơ được post lên mạng xã hội cũng theo đó mà sâu sắc và gắn bó hơn. Dịp Giáng sinh này, “Đi qua thương nhớ” cũng tiếp tục được công ty cổ phần văn hóa & truyền thông Phương Đông tái bản thêm 5000 bản nữa, thực sự đó là một con số ngoài sức tưởng tượng của bản thân tôi. Còn với “Từ Yêu đến Thương” vừa ra mắt vào ngày 15.12 vừa qua, đó là lời hứa của tôi dành cho những bạn đọc yêu quý của mình. Vì mọi người đã có một “Đi qua thương nhớ” quá nhiều ám ảnh, cay đắng nên tôi muốn “Từ Yêu đến Thương” sẽ nhẹ nhàng, ấm áp và mạnh mẽ hơn. Theo cách nào đó thì “Từ Yêu đến Thương” là “Đi qua thương nhớ” phiên bản 2. Sự đón nhận của mọi người dành cho cả 2 tập thơ, từ cá nhân tôi, đó chính là những câu chuyện rất thật, gần gũi và trên hết là tìm thấy được sự đồng cảm của độc giả với những yêu thương mà chính bản thân đã và đang trải qua.
Ở góc độ người sáng tác, Việt tự nhận thấy tập thơ “Từ Yêu đến Thương” vừa ra mắt có nhiều khác biệt so với “Đi qua thương nhớ”, đó là: “Từ Yêu đến Thương” có được sự bình thản, bao dung và nhiều hi vọng hơn. Nguyễn Phong Việt lạc quan: Tôi nghĩ, biên độ độc giả của “Từ Yêu đến Thương” sẽ nhiều hơn “Đi qua thương nhớ”, bởi đơn giản những câu chuyện trong “Từ Yêu đến Thương” tôi viết từ những câu chuyện của bạn bè, người thân… chứ không chỉ là những câu chuyện của riêng mình như trong “Đi qua thương nhớ”. Ngoài ra, “Từ Yêu đến Thương” có một sự trưởng thành hơn trong tinh thần của mỗi câu chuyện kể.
Nhìn nhận lại “hiện tượng xuất bản thơ Nguyễn Phong Việt” năm qua, có thể khẳng định rằng chính mạng xã hội đã tạo nên thương hiệu cho Nguyễn Phong Việt, chắp cánh cho thơ của Nguyễn Phong Việt. Nhà thơ Lê Minh Quốc nhận xét: “Thành công của tập thơ này chưa nói đến giá trị tác phẩm, thì yếu tố quyết định cũng quan trọng không kém chính là nhờ sự tương tác trên các trang mạng xã hội. Điều này cũng chứng tỏ thơ không phải đã mất đi sức sống như một số người vẫn nghĩ, quan trọng là anh có tác phẩm thế nào và có cách đưa thơ đến độc giả ra sao”
Chính Nguyễn Phong Việt cũng thừa nhận: khoảng 60% bài trong “Từ Yêu đến Thương” được Việt đưa lên facebook và những trang fanpage của mình để mọi người cùng đọc và chia sẻ. “Tôi khẳng định, những tập thơ của mình, những gì mình viết ra đến được với độc giả có một phần công sức rất lớn của mạng xã hội. Nếu không có mạng xã hội thì chắc chắn hiệu ứng của hai tập thơ cũng không nhiều đến thế, và sức lan tỏa về cảm xúc cũng không mạnh mẽ đến vậy. Thậm chí nếu không có mạng xã hội tôi chưa chắc gì đủ tự tin để in sách và phát hành. Với những người viết khác thì tôi không dám chắc, nhưng với riêng tôi, với những gì tôi viết thì mạng xã hội đã là một phần không thể thiếu!”

Tuy nhiên, tạm lùi xa con số xuất bản “khủng” mà thơ Nguyễn Phong Việt đang “làm mưa làm gió” thị trường xuất bản, thì vẫn có nhiều ý kiến cho rằng cả hai tập thơ của Việt đều chỉ viết về tình yêu thương, những cảm xúc yêu với cùng một phong cách dễ dẫn đến đôi chút nhàm chán cho độc giả. Nguyễn Phong Việt nghĩ gì về nhận xét này?
“Nhiều bạn bè và độc giả của tôi cũng nói như thế, tôi viết rất tuyến tính, một màu… nhưng tôi đã và vẫn luôn nói mình chỉ là người viết nghiệp dư. Tôi quan niệm mình chỉ nên viết những gì mình thích nhất, đồng cảm nhất, chỉ viết những gì mình quen thuộc nhất. Tôi chưa bao giờ nghĩ những gì mình viết là độc đáo, sáng tạo hay gì gì đó, đơn giản là những gì tôi viết mọi người đều biết đều hiểu, chỉ là họ không viết ra và nếu có viết ra thì có thể không có cai duyên chia sẻ nhiều như những gì tôi viết. Tôi vẫn sẽ viết theo cách đó như một niềm vui của mình. Và nếu là bạn đọc của tôi, họ sẽ hiểu, câu chữ và từ có thể lặp lại nhiều nhưng tinh thần của mỗi bài thơ đều khác nhau hoàn toàn.”
Dù gì đi chăng nữa, thì rõ ràng thơ của Việt được đông đảo độc giả đón nhận. Và thật đáng ngạc nhiên là không chỉ có những bạn trẻ, mà cả các độc giả lớn tuổi cũng tìm đến với thơ của Nguyễn Phong Việt với thái độ trân trọng. Rõ ràng thơ vẫn được nhiều người tìm đến để thưởng thức và chiêm nghiệm về cuộc đời.
Trước hiện tượng xuất bản thơ này nhiều người đã lạc quan hơn về tương lai của thơ.
“Theo Nguyễn Phong Việt, cách hữu hiệu nhất để chiếm được trái tim độc giả là gì?”
Nguyễn Phong Việt chia sẻ: “Tôi cũng từng hoài nghi thơ đã không còn nhiều độc giả và tôi đã sai. Thơ vẫn còn rất rất nhiều độc giả yêu quý của nó, chỉ là những trang viết của tác giả có chia sẻ được cảm xúc, câu chuyện trong lòng của người đọc hay không mà thôi. Tôi không có bí quyết gì để chia sẻ, tôi cứ viết thành thật theo những gì mình cảm nhận, và có lẽ đó là cách mà mọi người đang yêu thích những gì tôi viết chăng?”
“Sự ồn ào sẽ giết chết những ý tưởng sáng tạo”- Việt nghĩ gì về điều này?
“Tôi là người làm báo hơn 10 năm qua và vẫn đang làm báo, tôi cũng làm về truyền thông khá nhiều nên đủ tự tin để nói rằng mình hiểu ý nghĩa của sự sáng tạo là như thế nào. Mỗi câu nói có thể đúng ở bối cảnh này mà không đúng bối cảnh khác, chưa kể còn là chuyện thời điểm, con người, tính cách, niềm đam mê… Tôi vẫn nói những gì tôi viết không phải là điều gì đó sáng tạo độc đáo, tôi chỉ đơn giản kể những câu chuyện gần gũi và nhẹ nhàng.”
Trong cuộc trò chuyện cởi mở cùng phóng viên VNT, Nguyễn Phong Việt cũng chia sẻ về tập thơ thứ 3 của mình mang tên “Sinh ra để cô đơn” sẽ được ra mắt bạn đọc năm 2014. Dự kiến “Sinh ra để cô đơn” sẽ phát hành vào dịp Giáng sinh 2014, lần này những câu chuyện trong đó sẽ không là những câu chuyện về tình yêu nhiều nữa mà sẽ chỉ là những nỗi niềm cô đơn của con người. Nỗi cô đơn luôn hiện diện trong mỗi con người, kể cả là đang hạnh phúc, nên Việt muốn chọn một góc nhìn để nhìn sâu vào bản chất của nỗi cô đơn ấy. Tựa cuốn sách được trích ra từ một câu Việt đã viết khá lâu: “Như một dòng chảy ngược/ sinh ra để cô đơn”.
Xin chúc “Sinh ra để cô đơn” của Việt sẽ được độc giả đón nhận nồng nhiệt như đã đón nhận 2 tập thơ “Đi qua thương nhớ” và “Từ Yêu đến Thương”.

HẠNH NGUYÊN
VĂN NGHỆ TRẺ

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *