Home > Contend > Tác giả tác phẩm > Thế giới biết rất ít về văn học Việt Nam

Thế giới biết rất ít về văn học Việt Nam

Chỉ với khoảng 570 đầu sách được xuất bản ở nước ngoài, văn học VN xuất hiện như muối bỏ biển trên thị trường sách thế giới. Do đó, không ít đại biểu đến Hội nghị giới thiệu văn học VN với lời chia sẻ, họ hầu như chưa biết gì về văn học Việt.

Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa VnExpress.net với một số nhà văn, dịch giả nước ngoài tham dự Hội nghị Quốc tế giới thiệu Văn học Việt Nam tại lễ khai mạc diễn ra sáng 5/1 ở Hà Nội.

Một tiết mục văn nghệ chào mừng Hội nghị diễn ra tại lễ khai mạc sáng 5/1. Ảnh: Hà Linh.

– Ông, bà tìm kiếm điều gì khi tới Hội nghị Quốc tế giới thiệu Văn học Việt Nam?

– Helmuth A. Niederle (nhà văn, biên tập viên văn học người Áo): Tôi chưa bao giờ đến Việt Nam trước đây, nên khi nhận được lời mời, điều đầu tiên tôi nghĩ tới là cơ hội khám phá một miền đất mới, một đất nước hấp dẫn ở châu Á. Tất nhiên, mục đích chính của tôi là tìm hiểu về văn học VN – nền văn học mà nói thực – ở đất nước chúng tôi, cũng như ở châu Âu – còn rất ít thông tin. Tôi cũng muốn gặp gỡ đồng nghiệp đến từ các nước trên thế giới để, nếu không bị ngăn cách bởi ngôn ngữ, chúng tôi có thể trao đổi với nhau nhiều vấn đề về nghề nghiệp.

– J. Fossenbell (nhà thơ, dịch giả người Mỹ): Tôi muốn tìm hiểu về các nhà thơ, nhà văn VN, ai đang được chú ý, tác phẩm nào của họ đang được quan tâm. Tôi hy vọng được gặp gỡ đồng nghiệp đến từ nhiều nơi trên thế giới. Tôi cũng mong sự kiện này sẽ tiếp thêm ngọn lửa yêu văn chương để tôi có nhiều nhiệt huyết hơn nữa trong việc dịch tác phẩm văn học VN ra nước ngoài.

Dịch giả Fossenbell trao đổi với báo chí.

– Hilary Watts (nhà thơ, chuyên gia ngôn ngữ người Hà Lan): Tôi muốn tìm hiểu về văn học VN và nhiều nước khác. Đây cũng là cơ hội để tôi gặp gỡ với các dịch giả, nhà xuất bản ở các nước trên thế giới.

– Điền Tiểu Hoa (Phó giáo sư Viện Văn học Thế giới Trung Quốc, chuyên gia về truyện ngắn VN đương đại): Tôi muốn tìm tài liệu, tiểu thuyết phản ánh đời sống đương đại của VN để chuyển ngữ khi có điều kiện.

– Ông, bà biết những gì về văn học Việt Nam?

– Helmuth A. Niederle: Tôi biết rất ít, hầu như không biết gì. Nếu tôi muốn biết, cũng rất khó để tìm kiếm một đầu sách nào đó của VN tại Áo.

– J. Fossenbell: Tôi biết không nhiều. Nhưng văn học VN cũng đã có một số tác phẩm được dịch ra tiếng Anh và xuất bản tại Mỹ. Quan trọng hơn là gần đây tôi có tham gia hiệu đính bản dịch tiếng Anh tập thơ Cánh đồng người của Trần Quang Quý. Tôi rất thích.

– Hilary Watts: Tôi từng hiệu đính bản dịch tập thơ Ký ức mắt đen của Nguyễn Trọng Tạo. Chúng tôi cũng đang tổ chức dịch sang tiếng Anh tập Thương lượng với thời gian của Hữu Thỉnh. Đó là tất cả những gì tôi biết về văn học VN.

– Điền Tiểu Hoa: Tôi có nghiên cứu về văn xuôi đương đại VN và đã dịch xong một tiểu thuyết của Hữu Mai sang tiếng Trung. Hiện chúng tôi cố gắng dịch một số tập truyện ngắn.

Lady Borton là một trong những dịch giả đã gắn bó lâu dài với văn học Việt Nam.

– Lady Borton (nhà văn, dịch giả người Mỹ): Tôi rành tiếng Việt nên cũng biết một ít về văn học VN, đặc biệt là các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiện tại chúng tôi đang tổ chức dịch sang tiếng Anh cuốn Vừa đi đường vừa kể chuyện của Hồ Chủ tịch.

– Ông, bà đề xuất giải pháp gì để quảng bá tốt văn học VN ra nước ngoài?

– Helmuth A. Niederle: Thứ nhất là việc tổ chức những hội nghị như thế này, dành cho các dịch giả, những người Việt sống ở nước ngoài, những nhà xuất bản có khả năng phát hành ra nước ngoài… Thứ hai, các nhà làm sách cần tổ chức thực hiện những cuốn sách nhỏ, giới thiệu tóm lược về nền văn học VN, các tác phẩm chính, những giá trị đặc sắc và riêng biệt của chúng. Thứ ba, cần tích cực hơn trong việc đưa các tác giả VN ra nước ngoài giao lưu. Những nền văn học như Áo, Hà Lan đã được biết đến rộng rãi ở châu Âu nhờ phần lớn vào cách làm này. Bên cạnh đó, cũng rất nên mời các nhà văn nước ngoài đến VN. Những chuyến tham quan, trao đổi sáng tác như vậy sẽ tạo hiệu quả tốt cho việc giao lưu văn hóa, văn học. Cuối cùng, nhưng không phải là đã hết, tôi muốn nói đến việc chú trọng đầu tư vào mối quan hệ hợp tác giữa các tổ chức văn học trong và ngoài nước.

– J. Fossenbell: Tôi nghĩ VN cần tổ chức dịch nhiều tác phẩm hơn, hình thành mối quan hệ chặt chẽ giữa giới làm sách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, ngoài những nỗ lực cá nhân, yếu tố rất quan trọng là nỗ lực của các nhà nước, của các tổ chức trong việc trao đổi văn hóa, văn học.

– Hilary Watts: Cần đẩy mạnh hơn việc tổ chức các cuộc giao lưu, tham quan nước ngoài cho các nhà văn VN. Giới làm sách cần thực hiện các guidebook – sách giới thiệu vắn tắt về văn học VN. Đồng thời cũng cần chú ý đến việc quảng bá, tiếp thị văn học qua các website, các trang văn học trên mạng. Bởi giới trẻ châu Âu ngày nay chủ yếu tìm hiểu thông tin qua Internet.

– Lady Borton: Tôi chỉ xin nói đến việc đưa văn học VN đến với độc giả Mỹ. Đó là một điều rất khó, bởi những lý do sau: Thứ nhất, thị trường Mỹ ít dịch và xuất bản sách của nước ngoài chứ không riêng gì VN. Thứ hai, độc giả Mỹ ngày nay đọc trên mạng nhiều hơn là đọc sách in. Vì vậy, việc quảng bá bằng sách in không được hiệu quả như mong muốn. Thứ ba là vấn đề kinh tế. Với giới làm sách chuyên nghiệp thì lợi nhuận là yếu tố đầu tiên họ tính đến. Vì vậy, các nhà xuất bản thường chỉ mua tác phẩm nào mà họ cảm thấy sẽ bán được. Điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến các dịch giả. Nhà văn không sống được bằng nghề, dịch giả càng không sống được bằng nghề. Sách bán ít, dịch giả càng khó sống. Vì vậy, phải yêu VN lắm họ mới dịch văn học Việt.

Thế giới còn biết rất ít về văn học VN. Tôi biết quá trình đưa văn học VN ra nước ngoài còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng chúng ta vẫn phải cố thôi.

– Điền Tiểu Hoa: Chúng tôi muốn dịch rất nhiều. Nhưng thực sự, để xuất bản sách ở Trung Quốc không phải là chuyện dễ dàng. Vì vậy, đây cũng là một khó khăn lớn cho quá trình quảng bá văn học Việt Nam.

– Độc giả ở nước ông, bà muốn tìm hiểu gì về VN qua văn học?

Trung tâm William Joiner của Kevin Bowen đã chuyển ngữ rất nhiều tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng Anh.

– Hilary Watts: Giới trẻ chúng tôi có khá nhiều mối quan tâm về VN, ví như mối liên hệ giữa quá khứ và hiện tại ở đất nước các bạn, đặc biệt là quá trình thay đổi của VN. Tôi sống ở đây đã 2 năm và tôi thấy VN thay đổi rất nhanh trong 2 năm qua.

– Kevin Bowen (Giám đốc Trung tâm William Joiner, Mỹ): Tôi nghĩ giá trị tác phẩm là yếu tố quan trọng nhất quyết định việc độc giả quan tâm hay không đến một nền văn học nào đó. Nhưng cũng có một số chủ đề mà theo tôi sẽ thu hút người đọc phương Tây, như: xung đột thế hệ, sự thay đổi cuộc sống của người VN hiện nay. Nhiều người vẫn nghĩ, chúng tôi muốn tìm hiểu về chiến tranh và quá khứ. Nhưng không phải như vậy. Quá khứ đã qua rồi.

Lưu Hà thực hiện
Ảnh: Hà Linh

 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *