Thời gian trước, cách đây chưa lâu lắm, trên văn đàn Việt Nam từng có cuộc tranh luận về có nên duy trì sự tồn tại của Hội Văn nghệ địa phương (VHNT) hay không. Cuộc tranh luận cuốn hút nhiều nhà văn, nhà báo, rộng khắp trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Không chỉ có các báo, tạp chí thuộc lĩnh vực VHNT mới “chạy theo” cuộc tranh luận này, mà ngay cả các báo, tạp chí đời sống xã hội, hoặc trên các lĩnh vực khác cũng quan tâm không kém. Có thể nói, cuộc tranh luận vẫn chưa đến hồi kết, vì chưa đi đến đâu, chưa giải quyết được vấn đề gì. Tuy nhiên, nó cũng đã góp phần “mổ xẻ” được thực trạng của các Hội VHNT hiện nay, phân tích rõ vai trò và những hoạt động thực tế, các đã và chưa làm được của các Hội VHNT… Ở bài viết này, tiếp tục bàn về các Hội VHNT địa phương, tuy nhiên tác giả không muốn gây lại tranh luận mà chỉ nêu một vài chuyện gọi là “lặt vặt” đang tồn tại trong các Hội VHNT địa phương mà giới báo chí “chính thống” ít biết đến.
Chất lượng hội viên, tác phẩm và người lãnh đạo
Nhà thơ Văn Công Hùng (Gia Lai) từng trả lời về vai trò của Hội VHNT địa phương trên báo Văn nghệ Trẻ là: “phát hiện, bồi dưỡng và giới thiệu các tác giả trẻ. Họ sẽ không ra biển được nếu không được tập bơi từ những dòng sông, trừ những người thật sự xuất chúng hoặc gặp những cơ may.” Điều đó đúng, tuy nhiên, ông cũng cho biết thêm bất cập của các Hội VHNT: “Thứ nhất là chất lượng hội viên… không phải người sáng tác nào cũng có thể là hội viên đúng nghĩa. Và thứ hai là chất lượng… lãnh đạo hội. Theo tôi biết, rất nhiều các vị lãnh đạo hội hiện nay vốn là cán bộ tuyên huấn, phó chủ tịch huyện, bí thư, nhà báo… chủ yếu là sang để quản lý.”
Thứ nhứt, rõ ràng ai cũng biết Hội VHNT đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc thúc đẩy phát triển phong trào VHNT tỉnh nhà. Tuy nhiên, bên trong Hội VHNT vẫn còn có những tác giả xin vào hội chỉ để được… làm hội viên. Nghĩa là xin vào hội xong thì không sáng tác gì nữa, hoặc một năm mới có bài gửi về cho tạp chí văn nghệ tỉnh để cho mọi người “nhớ mặt”, lắm khi là không có bài nên dùng bài cũ, đã đăng thời gian trước hoặc trên báo khác. Nếu các tác giả viện lý do “bận”, “không có thời gian” thì không thể chấp nhận được, chẳng lẽ trong một tháng vẫn không có được ít nhất là một tiếng đồng hồ ? Nên viện lý do đó là cố ý tránh né và vô cùng phi lý. Nguyên nhân của bất cập này không thể đổ hết cho Hội VHNT nhưng ít nhất cũng do Hội VHNT một phần, đó là tiêu chuẩn vào hội quá dễ dãi, hầu như có vài bài đăng là được xét vào hội, điều này có thật sự là để nhằm “khuyến khích”, “ươm mầm” như các hội vẫn thường nói không ? Nhà văn Kao Sơn gọi đó là “phong trào sáng tác kiểu trăm hoa đua nở” tức là ai cũng có thể sáng tác và ai cũng có thể trở thành nhà văn nhà thơ “chính thống” khi được trở thành hội viên Hội VHNT.
Thứ hai, chất lượng tác phẩm đăng trên tạp chí văn nghệ địa phương và tác phẩm được hỗ trợ xuất bản có xứng đáng chưa ? Bên trong cơ cấu làm việc của tòa soạn các tạp chí văn nghệ địa phương vẫn có một “điều khoản ngầm”, đó là tác giả nào lâu quá ít thấy xuất hiện thì gửi đến là chọn đăng, còn tác giả xuất hiện thường xuyên thì phải “nhường” chỗ. Việc này cũng không có gì quá, nhưng đáng nói là ở chỗ, vì muốn giới thiệu đủ gương mặt hội viên, làm sao cho trong một năm thì hội viên nào cũng được đăng lên tạp chí, thế nên không quan trọng lắm về mặt chất lượng, miễn sao có bài là được đăng. Tôi lấy ví dụ, hội viên A sáng tác hay và được đăng trên số tháng 2, đến tháng 4 hội viên A tiếp tục gửi bài đến, hội viên B cũng gửi bài đến trong tháo 4, mặc dầu bài của hội viên A hay hơn bài của hội viên B, nhưng hội viên B đã lâu rồi không thấy có bài đăng, còn hội viên A thì mới xuất hiện ở tháng 4 nên thôi “nhường” cho hội viên B, như vậy rõ ràng đã bỏ qua bài hay của hội viên A !
Tác phẩm được hỗ trợ xuất bản hàng năm của các hội viên cũng khá nhiều, có hội trong một năm mà xuất bản hàng chục đầu sách. Nghe con số thấy mừng cho thành tựu của hội, nhưng thực ra trong số hàng chục đầu sách đó, tác phẩm “đọc được” chỉ chiếm phân nửa. Thậm chí tôi có được đọc một tập thơ được Hội VHNT hỗ trợ xuất bản, cả một tập hơn 30 bài nhưng không có bài nào đáng gọi là “hay” ! Như vậy liệu có quá vì số lượng mà bỏ đi chất lượng không ? Nói thế không phải quơ đũa cả nắm, nhưng đa phần các Hội VHNT là thế. Trong khi các tác phẩm xuất sắc thì cũng chỉ được in 500 cuốn và phải xếp hàng chờ đến lượt. Có quá bạc bẽo cho chất lượng nghệ thuật chăng ?
Thứ ba, người quản lí hội. Đa phần họ phải là Đảng viên, đó yếu tố đầu tiên. Tiếp đến nếu không có người Đảng viên nào trong hội có thể đảm đương thì bắt đầu tính đến các cán bộ Tuyên giáo tỉnh. Có một số Hội VHNT người chủ tịch chỉ là nghệ sĩ sân khấu trình độ bình thường nhưng lại được làm chủ tịch, hỏi ra ông ấy là Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Nếu có người đảm đương chủ tịch hội thì đối tượng tiếp đến là Ban Chấp hành (BCH), người trong BCH nhất định phải có thành phần Đảng viên và Tuyên giáo. Vậy thì BCH để điều hành công việc sáng tạo nghệ thuật của một tổ chức nghề nghiệp, hay là để chỉ đạo, quản lí như nhà thơ Văn Công Hùng đã từng bức xúc ?
Mâu thuẫn “đa chiều” giữa các hội viên
Sở dĩ tôi gọi là mâu thuẫn đa chiều bởi vì không chỉ có mâu thuẫn giữa phe này với phe kia, người này với người kia mà hầu như là mâu thuẫn toàn bộ, giữa người này với hàng chục người chứ không chỉ là mâu thuẫn “01 – 01”.
Chuyện mâu thuẫn giữa chi/phân hội này với chi/phân hội kia được xem là “chuyện thường ngày”. Tất cả hội viên chỉ gặp nhau sau 5 năm, tức là khi có Đại hội Hội VHNT, còn lại kỳ dư là chỉ có những nhóm người thân thiết với nhau mới gặp gỡ thôi, còn những người “không ưa mình” thì chả ai gặp làm gì ! Hoặc giả có gặp ngoài đường thì cũng “ngoảnh mặt làm ngơ”.
Mâu thuẫn xảy ra ngay cả đối với BCH vốn được xem là “nồng cốt” của hội. Nếu BCH có nhiều thành viên thuộc phe phái của ông A chẳng hạn, thì chắc chắn trong nhiệm kỳ này ông A sẽ được “chỗ dựa” để mặc sức tung hoành, chẳng những vậy mà có thể còn được ưu tiên trong các trại sáng tác, tác đợt thức tế, xuất bản sách… Nói chung, phe phái nào cũng trông chờ có người trong nhóm mình đắc cử BCH.
Trường hợp phe phái trong BCH không phải là hiếm. Còn nhớ, năm 1997 ở Hội VHNT Đồng Tháp xảy ra vụ ồn ào xung quanh ý kiến cho rằng Thánh Gióng là liệt sĩ đầu tiên ở nước ta, đã khiến giới truyền thông phải đau đầu. Chuyển xảy ra bắt đầu từ một bài ca cổ của Đặng Tiền Duyên cho rằng Thánh Gióng là liệt sĩ đầu tiên và mẹ Thánh Gióng là bà mẹ Việt Nam anh hùng đầu tiên. Nhà thơ Trần Minh Tạo, lúc đó với tư cách hội viên, đã góp ý với Hội VHNT Đồng Tháp, ông Tạo cho rằng Thánh Gióng không tử trận, vả lại cũng chỉ là nhân vật huyền thoại nên không thể gọi là liệt sĩ. Nhưng không ngờ BCH Hội VHNT Đồng Tháp chẳng những không nghe, mà còn quyết định khai trừ nhà thơ Trần Minh Tạo ra khỏi hội. Nhà thơ Thai Sắc biện minh cho “lý lẽ” của Hội VHNT Đồng Tháp rằng liệt sĩ là chiến sĩ liệt oanh và vẫn còn sống ! Điều đáng chú ý là, cả bộ ba Đặng Tiền Duyên, Thai Sắc và Lê Ngọc Rạng (người ký quyết định khai trừ ông Trần Minh Tạo) đều là thành viên BCH và Biên tập viên báo Văn nghệ Đồng Tháp !
Trường hợp Hồng Quốc Văn ở Hội VHNT Nam Định cũng không kém ồn ào trong thời gian gần đây. Chuyện ở hội VHNT mà cứ như phim xã hội đen, nào là hăm dọa, lừa tiền, đạo văn… làm cho các hội viên phải bức xúc, nhưng cuối cùng rồi Hồng Quốc Văn vẫn bị lật bộ mặt thật của mình. Lại thêm chuyện lùm xùm ở Hội VHNT Bình Định mấy năm nay chưa giải quyết được, ông Nguyễn Thanh Mừng nguyên chủ tịch Hội VHNT Bình Định tự ý khai trừ nhà thơ Lê Hoài Lương, rồi lại còn làm thất thoát tài chính hội, kéo dài thời hạn Đại hội Hội VHNT Bình Định gần 3 năm mà vẫn chưa tổ chức, in “lậu” tạp chí Văn nghệ Bình Định. Rồi đến chuyện Hội VHNT Hà Nam khai trừ nhà thơ Hoàng Trọng Muôn vì lý do… “đăng thông tin lên blog cá nhân làm ảnh hưởng xấu đến uy tín Hội” trong khi những “thông tin” theo như Hội VHNT Hà Nam đã nói chỉ là những bài Hoàng Trọng Muôn phê bình tạp chí Sông Châu của Hội, và dĩ nhiên, phiên họp khai trừ ấy không có mặt Hoàng Trọng Muôn !
Chuyện người này ghét người kia, rồi nói xấu, bươi móc… được xem là chuyện xảy ra thường ngày ở các Hội VHNT, thậm chí người khác được đăng bài nhiều hơn mình, được bạn đọc biết đến nhiều hơn mình, được hội chú ý nhiều hơn mình… mình cũng thấy ghét. Thiết nghĩ, những người tự xưng là nhà văn, nhà thơ, những người có tâm hồn cao cả, vốn được nhân dân coi trọng là xếp vào tầng lớp “kẻ sĩ” mà lại có những hành vi và tư tưởng tầm thường như thế thì thật đáng buồn thay !
Và… những kẻ thao túng hội văn nghệ địa phương
Như những gì đã rình bày ở trên, có một thực tế không thể phủ nhận là trong các Hội VHNT địa phương vẫn có một “tập đoàn” ngấm ngầm thao túng. Gọi là một “tập đoàn” thì có lẽ hơi quá đáng và có phần “quơ đũa cả nắm”, nhưng thực tế không chỉ có một hai người thao túng mà là một bè cánh thân thuộc. Khi Chủ tịch và Ban Chấp hành, Tổng biên tập và Ban Biên tập chung một phái thì chắc hẳn sẽ nắm toàn quyền “sinh – sát” đối với hội viên và tờ tạp chí Văn nghệ – cơ quan ngôn luận của Hội VHNT.
Khi đã có thành kiến với một hội viên nào đó, những kẻ thao túng Hội VHNT có thể chụp mũ bằng cách vu vạ một lỗi nào đó, hoặc nhẹ hơn là hiện tượng “ém bài” thường xảy ra ở các tạp chí Văn nghệ của Hội VHNT, có nghĩa là hội viên đó sẽ không bao giờ được xuất hiện trên tạp chí Văn nghệ tỉnh nhà. Cũng có trường hợp không bao giờ BCH “đếm xỉa” đến hội viên mà họ không thích, ngay cả họp hội, lễ lộc không mời, không cho dự trại sáng tác, thực tế sáng tác… Và nhiều trường hợp bất cập nữa đã và đang diễn ra hàng ngày ở các Hội VHNT địa phương.
Có thể khắc phục hay không ? Bằng cách nào ?
Mục tiêu mà bài viết này hướng đến là nêu ra một số điểm bất cập ở các Hội VHNT để những kẻ thao túng “có tật giật mình” mà thay đổi cách làm việc của mình, chứ không nhằm đưa ra biện pháp khắc phục vì người viết bài này chưa từng thực hiện công tác quản lí Hội VHNT nên chỉ e ý kiến mang tính chủ quan cá nhân. Tuy nhiên cũng xin nêu vài ý riêng của bản thân.
Để trả lời câu hỏi vừa nêu trên, có biện pháp khắc phục không, xin trả lời là: có. Có thể trích dẫn ra đây ý kiến của nhà văn Ngô Khắc Tài (An Giang) nêu trong cuộc Hội thảo văn xuôi ĐBSCL thời gian gần đây: “Lâu nay tôi để ý các Hội văn nghệ địa phương thường hay đá trái banh về cho Trung ương Hội liên hiệp, Hội nhà văn Việt Nam đề xuất những điều kiện để tạo phong trào. Đòi hỏi này đúng đắn nhưng có những việc Trung ương ở xa, hội địa phương ở gần. Chẳng lẽ mình không biết mặt mạnh, mặt yếu của mình. Tờ báo văn nghệ các tỉnh không hay không đáp ứng nhu cầu đời sống tính sao đây ? Thấy đứa mới tập tễnh viết, thấy kẻ lâu quá không đẻ tác phẩm nào, Hội phải biết chăm sóc động viên tạo cảm hứng như thế nào. Thấy đứa uống rượu lè phè đánh mất tư cách nhà văn sợ gì mà không họp kiểm điểm phê bình. Cánh tay Trung ương không thể dài để nắm tất cả, nói không biết là phạm thượng nhưng không phải gì ở trên cũng biết…”.
Như vậy, rõ ràng ai cũng có thể thấy chỉ quy kết trách nhiệm cho Hội chuyên ngành Trung ương hoặc Liên hiệp VHNT Trung ương là không đúng. Thứ nhất, Hàng nhiệm kỳ, hàng năm, BCH các Hội chuyên ngành Trung ương và Liên hiệp Trung ương đều có nêu ra những phương hướng, cách thức hoạt động cho phù hợp với tình hình trong mới tới hoặc nhiệm kỳ tới. Nhưng đó chỉ là trên mặt lý thuyết. Mặc dầu Trung ương có hướng dẫn đến từng Hội VHNT tỉnh nhưng chỉ mang tính khái quát vì tình hình và đặc điểm trong phong trào phát triển VHNT ở mỗi địa phương là khác nhau, thế nên chỉ có thể xem phương hướng mà Trung ương đề ra là “bản đồ”, còn chọn con đường nào để đi lại tùy thuộc vào từng loại “xe”, chẳng hạn thế. Mặc khác, có một nguyên tắc không đổi ở khắp các lĩnh vực chứ không riêng gì VHNT, đó là “phép vua thua lệ làng”. “Ông anh” Trung ương có thể rót xuống kinh phí là bao nhiêu đó, chỉ đạo Hội VHNT tỉnh phải làm việc A, việc B, việc C bằng nguồn kinh phí này, nhưng tỉnh vẫn có thể sử dụng kinh phí cho một việc D, việc E, việc F nào đó mà tỉnh cho là “có lợi” cho phong trào VHNT địa phương. Thứ hai, Hội chuyên ngành Trung ương và Liên hiệp Trung ương chỉ có thể quản lí, điều hành công tác Hội VHNT chứ không thể kiểm tra tư cách đạo đức của hội viên các Hội VHNT được.
Chính vì thế, tôi cho rằng để cải thiện những bất cập ở Hội VHNT địa phương và đặc biệt là xóa bỏ “tập đoàn thao túng” chỉ có một cách duy nhất đó là mội người phải tự ý thức được mình thuộc giới nào trong xã hội, mình cần làm gì và mình đã làm những gì ? Không phải tự dưng mà quần chúng lao động lại gọi anh em giới văn nghệ là “kẻ sĩ”. Văn nghệ sĩ không chỉ là người sáng tác – kiếm tiền mà còn có trách nhiệm gìn giữ lối sống văn hóa tinh thần dân tộc, nó không đơn thuần ở số tiền của một hai bài viết hay danh tiếng mà là trách nhiệm của con người mà nhà văn Sơn Nam từng khái quát gọi đó là “cái tình đồng bào, cái nghĩa văn chương”. Rõ nhiên, sự đấu đá lẫn nhau không đem lại lợi ích mà trái lại còn làm mất đi cái chuẩn mực sống vốn rất đỗi thanh tao của người nghệ sĩ, điều này là cho nghệ thuật không còn mang giá trị của nghệ thuật nữa.
Cần phải xác định, không nên loại bỏ các Hội VHNT địa phương, mà trái lại còn phải hỗ trợ cho các Hội VHNT tồn tại, tuy nhiên mỗi người – những văn nghệ sĩ – những người gánh cái phận sự lo cho văn hóa tinh thần dân tộc thì không nên vì quyền hành hay thù ghét nhỏ nhặt của cá nhân làm ảnh hưởng xấu đến đời sống văn hóa văn nghệ. Tự mình soi lại mình, xem mình có xứng đáng với vai trò người “chấp bút thời đại” hay chưa ?
Kiến Minh