Dịch tục chưa từng có, làn sóng độc giả phản ứng với “Xách ba lô lên và đi”, sách tham khảo cho trẻ em chưa được biên tập kĩ lưỡng…
là những vụ việc khiến dư luận đặc biệt quan tâm.Ngoài những điểm sáng như việc thông qua Luật xuất bản 2013, bản kí kết hợp tác có tính lịch sử giữa NXB Tri thức và NXB trẻ (qua đó kênh phát hành sách trí thức này có thể được phân phối và quảng bá rộng khắp hơn), hay nhiều đầu sách Nobel được xuất bản tại Việt Nam, ngành sách trong nước năm 2013 cũng chứng kiến nhiều cuộc “đụng độ” có thể nói là nảy lửa.
1. Tranh cãi xung quanh giải thưởng Hội nhà văn
Chỉ đúng 1 ngay sau khi giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012 được công bố, 2 nhà văn Y Ban và Phạm Ngọc Cảnh Nam đã thẳng thừng từ chối nhận bằng khen vì cho rằng giải thưởng đã không được trao một cách công bằng minh bạch.
Nhà văn Y Ban với bức thư ngỏ gây chấn động làng văn
Nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam – tác giả của tiểu thuyết “Thế kỷ bị mất” thông báo ngắn gọn: “Tôi xin dành quyền được từ chối bằng khen này của Hội nhà văn. Lý do đơn giản, mà ai cũng thấy là giải thưởng đã không được xét đúng theo tiêu chí văn chương. Và, cũng là để cho sự trung thực còn có chỗ trú ngụ trong ngôi đền thiêng liêng của nó là Văn Học”.
Còn trong bức thư ngỏ khá dài, nhà văn Y Ban viết: “Đã trải qua hai mùa xét giải và kết nạp hội viên tôi đã nhận ra rằng, việc tôi ngồi ở hội đồng không thể đem lại lợi ích nào cho các nhà văn, cho người viết. Tôi chỉ đang bị biến thành một con rối trong tay những kẻ vụ lợi, bè phái và dối trá”
Trong lễ trao giải chính thức diễn ra vào ngày 29/1/2013, phó chủ tịch Hội nhà văn Nguyễn Quang Thiều đọc diễn văn trong đó cho rằng cáo buộc của nhà văn Y Ban là sự xúc phạm. “Việc nhận hay từ chối bằng khen là quyền của tác giả và là chuyện bình thường. Nhưng nó bất thường bởi từ đó trực tiếp hay gián tiếp đã tạo ra một cái nhìn sai lệch về công tác xét giả thưởng và có những xúc phạm đến các thành viên của Hội đồng sơ khảo và chung khảo và chính các tác giả được giải”.
Giải thưởng Hội nhà văn VN 2012 thông báo vẫn trao bằng khen cho 2 tác giả kể trên dù họ không đến nhận.
2. Dịch tục chưa từng có trong “Những thứ họ mang”
Một trong những dịch giả có uy tín nhất – Trần Tiễn Cao Đăng – đã vướng vào vụ lùm xùm lớn về dịch thuật vào tháng 5 năm nay. Tác phẩm “Những thứ họ mang” do ông dịch từ bản gốc tiếng Anh của nhà văn Mỹ Tim O’Brien bị độc giả phản ứng mạnh. Trong sách có đoạn viết: “Con mặt l** ngu đ** bao giờ trả lời.” – dịch từ câu văn gốc “The dumb cooze never writes back”.
Câu dịch bị phản ứng mạnh trong “Những thứ họ mang”
Trả lời phỏng vấn báo VietNamNet, dịch giả cho biết, từ góc nhìn sau 2 năm, ông sẽ không chọn từ khác “thanh tao” hoặc “ít tục” hơn cho đoạn dịch kể trên. Ông cũng bày tỏ lời cảm ơn với những độc giả đã tìm ra những lỗi sai khác trong tác phẩm dịch của mình.
Cũng từ phỏng vấn của báo VietNamNet, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã tìm cách liên lạc với nhà văn Tim O’Brien – tác giả của cuốn sách “Những thứ họ mang”. Tim O’Brien đã chia sẻ về cách hiểu của từ “cooze” – một từ hiếm thấy trong tự điển và “đề nghị dịch giả cố gắng tìm một từ hoặc một cách dịch không hoàn toàn tục tĩu nhưng vẫn giữ được nghĩa của câu văn”.
3. Đình chỉ phát hành bộ tiểu thuyết ‘Đại gia”
Hai tập trong bộ tiểu thuyết Đại gia của tác giả: Thiên Sơn
Tháng 7/2013, sau khi “kiểm tra nội dung” bộ tiểu thuyết Đại gia vừa xuất bản (Tác giả: Thiên Sơn), cục Xuất bản cho biết: “Nội dung bộ tiểu thuyết miêu tả những mối “quan hệ” làm ăn kiểu xã hội đen của một số tập đoàn kinh tế với các quan chức cấp cao của nhà nước và những thủ đoạn, mánh khóe trong công tác tổ chức cán bộ. Cùng với đó là sự tha hóa, biến chất, tham ô, tham nhũng của bộ máy quan chức các cấp từ Trung ương đến địa phương. Qua tác phẩm, người đọc thấy một “tam giác ngầm” mà ở đó, quyền lực, tiền bạc và gái gú câu kết với nhau để bòn rút của cải xã hội, làm mục rỗng đạo đức xã hội.
Việc phản ánh hiện thực xã hội và đề cập đến một số vấn đề “nhạy cảm” hiện nay với tính chất cường điệu quá mức, cùng với những nhận định, đánh giả chủ quan, một chiều của tác giả sẽ ảnh hưởng không tốt cho bạn đọc và gây bất lợi cho xã hội”. Alpha Books – Đơn vị phát hành bộ sách đã gửi thông báo đến các đối tác phát hành trong nước đề nghị ngưng phát hành, gỡ bỏ quảng cáo và thu hồi tác phẩm trên về kho.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn báo chí về lý do của việc lựa chọn đề tài quyền lực ngầm, mối quan hệ chân dài – đại gia cho tác phẩm của mình, nhà văn Thiên Sơn nói đó là một khoảng trống lớn trong văn học Việt Nam đương đại.
4. Làn sóng phản ứng với cuốn “Xách ba lô lên và đi”
Nguyễn Thị Khánh Huyền và cuốn “Xách ba lô lên và đi”
Sau khi trở thành một hiện tượng du lịch bụi của năm 2012, gây nhiều ấn tượng với các bạn trẻ Việt Nam, cô gái sinh năm 1990 Nguyễn Thị Khánh Huyền tiếp tục tung ra cuốn nhật kí hành trình “Xách ba lô lên và đi” – tập 2. Một số tàn tro nghi hoặc về sự thật của cuộc hành trình vốn rơi rớt từ khi tập 1 của cuốn sách ra đời – nay đã thổi bùng thành đám lửa. Nhiều độc giả đăng đàn trên các diễn đàn và mạng xã hội phân tích tỉ mỉ về cuốn sách. Sự việc chỉ bắt đầu mang tính hành chính công khi độc giả Trần Ngọc Thịnh chính thức gửi thư tới Cục xuất bản, kiến nghị thẩm định lại cuốn nhật ký hành trình.
Kết quả chất vấn với tác giả là một bản giải trình dài 31 trang, trong đó Huyền thừa nhận “đã viết không rõ ràng và có phần làm quá lên” trong chi tiết bị xe máy đâm gãy ống đồng. Theo tỉ lệ bình chọn trên báo VietNamNet, trên 54% độc giả ủng hộ việc thu hồi cuốn “Xách ba lô lên và đi” của tác giả Nguyễn Thị Khánh Huyền sau đó.
5. Nóng nhiều vụ việc về sách thiếu nhi
Sách tham khảo cho trẻ em có in cờ Trung Quốc và bản đồ đường lưỡi bò
Những vụ việc nóng xung quanh sách thiếu nhi đã khởi phát từ đầu năm nay. Trong tháng 3, tập sách “Tiếng Hoa dành cho trẻ em – tập 1” do Công ty Nhân Văn liên kết xuất bản với NXB Tổng Hợp TP.HCM đã phải thu hồi do phát hiện có in bản đồ đường lưỡi bò. Cùng với đó, một số cuốn sách tham khảo cho học sinh tiểu học khác cũng in cờ Trung Quốc bị dư luận lên án kịch liệt.
Được biết đây là những cuốn sách được nhập về từ Trung Quốc và vẫn giữ nguyên toàn bộ phần nội dung/minh họa theo hợp đồng kí kết mua bản quyền. Bộ Giáo dục đã yêu cầu “kiểm tra, rà soát, loại bỏ các nội dung trong xuất bản phẩm không phù hợp… lưu ý đối với các sách dịch, sách mua bản quyền, sách liên kết xuất bản”.
Giữa tháng 11, một cuốn sách tham khảo toán lớp 1 khác với bài toán rùng rợn “cụt hai ngón tay” (“Hai bàn tay em có 10 ngón, do đùa nghịch dao, nên bị cụt mất đi 2 ngón tay. Hỏi em còn lại mấy ngón tay?”) cũng đã được báo chí phanh phui. Sách ghi tên tác giả Hoàng Long và logo NXB Trẻ, khung lưu chiểu ghi thời điểm cấp phép tháng 7-2002. Trả lời trên truyền thông, đại diện NXB Trẻ cho biết đây là một cuốn sách mạo danh. Tuy nhiên chưa thấy Cục XB hoặc Bộ GD vào cuộc với cuốn sách này.
Cuối tháng 11, một cuốn sách cho trẻ em khác được thông báo thu hồi. Đó là tập sách tranh Đồng dao tập 6 dành cho trẻ mầm non do nhà sách Đinh Tị liên kết với Nhà xuất bản Mỹ Thuật phát hành. Nội dung hai bài đồng dao lưu truyền “Chơi vỗ tay” và “Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng” được xem là không phù hợp để đưa vào sách. Đại diện công ty sách Đinh Tị sau khi nhận được thông tin về vụ việc đã gửi công văn thu hồi sách trên thị trường và gửi lời xin lỗi đến độc giả.
Hồ Hương Giang