Cỏ dại

…Phía xa xa, cầu vồng bảy sắc nối từ hai mảnh bầu trời, vắt từ cánh núi này sang cánh núi kia. Phải qua những cơn mưa mới thấy được cầu vồng.

Và đôi khi chúng ta lại không bắt gặp được những cơn mưa ấy nhưng cầu vồng lại vẫn xuất hiện….

Trên ngọn đồi khô cằn, cỏ dại vẫn vươn mình đón nắng và gió. Từng vạt cỏ bắt đầu đâm chồi xanh xanh trên cái nền tươi mới của mùa xuân. Dù là nơi ấy những ngọn đồi trọc lốc, trơ cả đá, cả đất đỏ ra. Nhưng vì có cỏ mà trông chúng cũng không đến nỗi quá xơ xác, trơ trọi và buồn thảm.

Gửi

Mùa xuân đến rồi đấy. Mùa xuân của muôn hoa, vạn vật đều mơn mởn đầy sức sống. Vân đang ngồi đây, trên ngọn đồi cao nhất. Đôi mắt cô nhìn về phía thung lũng xa xa. Những đám rừng còn sót lại sau khi người dân chặt cây, phát rẫy, làm nương trông như vừa bị đổ máu. Từng cơn gió hiu hiu làm lay ngọn cỏ trước mặt. Tất cả khung cảnh ấy làm khuấy động lại một cảm xúc khó tả trong cô.

Nhìn chằm chằm vào một ngọn cỏ, Vân chợt thấy mình sao giống chúng vô cùng. Cỏ dại mạnh mẽ, kiên cường bám vào đất đá, sống hết mình với cuộc đời của nó. Nó vẫn vươn lên. Người qua đường chẳng mấy ai để ý đến nó. Nó có muốn vùng vẫy, muốn kêu gào cũng không ai nhìn nó. Bởi vì đơn giản, nó đâu phải là thứ hoa thơm, cỏ ngọt, đâu là trái lạ mà người ta tìm kiếm. Thế nhưng cỏ dại cũng có tình yêu. Chúng cũng có niềm tin và sức sống của riêng mình. Cỏ dại cứ thế mà lớn lên trong niềm tin của chính chúng. Thật tội nghiệp. Có mấy loài ong bướm để ý đến chúng? Chúng may ra thì được làm mồi cho dế, cho gia súc, gia cầm hoặc đau thương hơn là bị thiêu trụi trong những trận chaý. Không ai yêu thương cỏ dại.

Một năm trước Vân vẫn còn nhớ như in. Cô gái mạnh mẽ, hay cười và luôn vui sống. Ánh mắt có chút u buồn nhưng luôn ánh lên hy vọng. Trước khi cô đến với vùng đất này cô cũng có một cuộc sống bình dị như bao người khác. Cô có một tình yêu, một gia đình tuyệt vời. Cuộc đời cô có lẽ cũng sẽ mãi tốt đẹp và lặng lẽ nếu như không có một ngày người yêu bỏ cô ra đi, còn gia đình lại không đứng về phía cô, không ủng hộ con đường mà cô đã chọn. Đã từng có những ngày tháng buồn khổ nhất, nước mắt ướt gối hàng đêm. Vậy nhưng đã qua rùi một năm ấy. Vân bây giờ đã là một người khác. Cô đã đến với bản mường này, làm cô giáo mang cái chữ đến nơi đây. Hiện tại cô yêu cuộc sống, yêu con người và yêu cả cỏ dại.

Bớt chợt một chú bướm nhỏ bay ngang qua vạt cỏ nơi Vân ngồi. Một chú bướm vàng với những sọc trắng mỏng manh. Không hiểu đám cỏ có gì hấp dẫn với chú mà chú cứ lượn qua lượn lại. Vân ngắm nhìn chú. Trong cánh bướm nhẹ nhàng phấp phới ký ức của hôm nào.

Một năm trước Vân yêu anh vô cùng. Người mà cô từng cho rằng đó là định mệnh của đời mình ấy đã rời bỏ cô ra đi. Vì lý tưởng, vì sự nghiệp ư? Nếu là thời gian đó có lẽ Vân sẽ cười khẩy, sẽ chua chát cho cái sự phấn đấu vì sự nghiệp ấy. Nhưng giờ đây ngồi nghĩ lại Vân thấy mọi thứ có lẽ vẫn theo quy luật của nó. Ai cũng có ước mơ, có lý tưởng của mình mà. Cô không có quyền bắt anh phải ở bên cô, sống bên cô trong khi mà tình yêu không phải là lẽ sống của anh. Với phụ nữ có lẽ sống hết mình hoặc nguyện cả đời sống vì một người đàn ông dường như là lẽ thường. Và giờ đây cô lại đang đi tìm điều ngược lại. Cô đi tìm người đàn ông nguyện sống hết mình, làm chỗ dựa và bảo vệ cho cô.

Bản làng nơi Vân đang sống thật bình dị. Ở đây, Vân học được cách cho đi, học được cách sống vì người khác. Những em nhỏ học trò của cô cũng thật đáng yêu. Chúng có nụ cười tuyệt vời của núi rừng Tây Bắc. Có những đôi má ửng hồng khi nắng xuân dịu dàng vuốt qua. Vân yêu nơi này và không có gì thay đổi cô muốn mình gắn bó với nơi này nhiều hơn nữa.

Gửi

Thế nhưng, cuộc sống thanh bình nơi đây, những tháng ngày êm đềm ấy không làm cô quên được anh. Anh hiện hữu trong mọi thứ. Nhìn vào dòng suối chảy nhẹ trên triền đồi, nó nhớ khuôn mặt anh. Khuôn mặt nhẹ nhàng, dịu dàng, đôi mắt hơi híp nhìn nó và tạt nước lên mặt trong ngày 2 đứa đi picnic ở Ba Vì. Nhìn qua những ngọn đồi sao cô nhớ anh da diết. Nó nhớ có lần anh kể với cô về những chuyến công tác ở vùng xa xôi của Lai Châu. Nơi mà những cánh rừng bạt ngàn che phủ, nơi mà xe cộ và giao thông còn khó khăn, tác động của cong người lên thiên nhiên không nhiều. Thậm chí nhìn vào chiếc xe cô cũng nhớ những ngày anh chở cô đi vòng vòng quanh Hà Nội ăn hết món này đến món kia. Cảm giác nhớ anh là cảm giác mà cô thấy ghét nhất. Bởi vì nó rất hay hiện diện. Mỗi lần nó về thì lại làm nước mắt cô rơi.

Vân tiếc cho mối tình ấy. Mối tình thật đẹp – với cô là thế. Một mối tình đơn sơ bình dị với những bông hoa hồng nhỏ xinh cuốn trong tờ giấy báo. Với những ngọn nến xếp nhẹ nhàng theo trái tim khi anh xin lỗi cô trên một góc sân thượng nào đó. Là những buổi cà phê, dạo phố, hay đơn giản chỉ là ngồi trà đá vỉa hè, nhấm nháp chút gì đó ở Hồ Tây, và thậm chí là cả rượu nữa. Cô yêu anh không lý do. Yêu anh đơn giản chỉ là thích được nhìn thấy khuôn mặt anh. Chỉ cần nhìn thấy khuôn mặt ấy là cô đã vui và hạnh phúc lắm rồi. Cô không cần phải đến những nơi thật xa xỉ, thật đắt tiền. Hạnh phúc với cô đơn giản được ngồi sau xe anh, vòng tay ôm thật chặt, hay được úp bàn tay bé nhỏ trong bàn tay anh, hoặc được áp đầu vào ngực anh. Nhiều lúc cô cứ thắc mắc liệu ở bên cô anh có vui không. Cô còn nhớ đã từng thấy ảnh hồi sinh viên của anh. Những bức ảnh nghịch ngợm nhưng đượm những tiếng cười vui. Đôi mắt anh cười, đôi môi anh cười mới tuyệt vời làm sao. Cô cũng nhớ thỉnh thoảng cô và anh cùng xem một chương trình hay một bộ phim hài nào đó và cả hai cùng cười. Ừ, đó là hạnh phúc. Là một khoảng thời gian đẹp nhất trong ký ức của cô. Người ta nói đúng, có lẽ tình đẹp nhất khi còn dang dở.

Giờ đây khi đến với vùng đất này, tâm hồn Vân đã dần dịu lại. Tuy là vẫn nhớ anh rất nhiều, tuy là trong cô vẫn còn nhen nhóm một hy vọng vô hình nào đó, nhưng cô đã biết sống vì bản thân mình nhiều hơn. Những em nhỏ ở đây thật tuyệt, người dân ở đây thật tuyệt. Cuộc sống cứ bình lặng trôi đi và cô đang hài lòng với điều đó. Ở nơi đây người ta không vụ lợi, không bon chen và hầu như không có dối trá. Người ta thật như cái lòng của núi rừng ấy.

Hôm qua mẹ lại gọi điện lên cho Vân. Mẹ bảo với cô ở nhà mọi thứ vẫn ổn. Thằng cháu một tuổi rưỡi đã chạy đi và nói được nhiều lắm rồi. Bố mẹ cũng khỏe và dạo này còn tham gia một số câu lạc bộ ở xã nữa. Mẹ định nói thêm về việc chồng con của Vân nhưng chắc mẹ nhận thấy được nỗi buồn trong lòng con gái nên thôi. Vân chủ động nói luôn: “Hay là con ở trên này kiếm một anh trai bản về làm rể của mẹ nhé”. Nói rồi hai mẹ con cùng cười. Mẹ lại dặn dò, nhắc nhở cô này nọ. Người mẹ nào cũng thật tuyệt vời. Vân chợt nghĩ.

Mẹ cô vất vả từ khi còn nhỏ. Lớn lên gia đình lại cũng không phải có điều kiện. Mẹ lấy bố, hai người nghèo nhập thành một gia đình nhỏ. Vân cũng nhớ rất rõ những kỷ niệm về mẹ. Mẹ đã vất vả để nuôi lớn hai anh em cô như thế nào. Nhớ cả những ngày cả nhà hết gạo, bố mẹ phải trộn cơm với sắn, với ngô để ăn qua ngày. Hai anh em Vân cứ thế lớn lên, sống cũng vất vưởng như cỏ dại ở vùng quê nghèo ven thành phố ấy. Hôm nào có nấu cơm với sắn với ngô là hai anh em cô lại ăn rất ngon. Vì là trẻ con mà. Với anh em cô thì cơm trộn sắn, trộn ngô thật lạ miệng. Nó giống như thứ quà xa xỉ mà hai đứa thèm khát từ nhà hàng xóm. Chắc lúc đó bố mẹ phải ngậm ngùi và thương con như nào khi mà hai đứa cứ tranh nhau ăn ngô, ăn sắn và không thèm ăn cơm. Ngốc thật. Vân bật cười. Cơn gió nhẹ thổi qua làm vài sợi tóc mai bay bay.

Tóc mẹ giờ chắc cũng đã bạc nhiều. Nhớ những ngày mẹ lấm tấm mồ hôi trên vai là gánh lúa nặng giữa trưa hè đổ lửa. Nhớ cả những lần mẹ gạt cơm lại và nhường thức ăn cho hai anh em cô nữa. Cả bố nữa. Vân chợt nghĩ, chợt cười, và chợt chua xót. Hồi ấy là lần đầu tiên Vân được giải Văn học sinh giỏi cấp tỉnh cũng là lần đầu tiên cô có vinh dự được làm đại diện cho tỉnh tham gia đại hội “Cháu ngoan Bác Hồ” toàn quốc. Bố chở Vân đến đại hội bằng hiếc xe Cub 81 chở gà đi chợ của thím với bộ đồ quần áo công nhân lao động. Ông bảo vệ không cho bố con cô vào, và nhìn hai bố con từ đầu đến cuối cho đến lúc cô phải chìa tấm thẻ cháu ngoan Bác Hồ ra. Rồi đến lúc bố đón cô về cũng thế, cũng lại là ánh mắt gần như mỉa mai, khinh miệt của bạn bè nhìn cô và bố. Lúc ấy sao mà cô ghét cái nghèo đến thế, và ghét cả bố nữa. Tại sao bố lại ăn mặc thế chứ, tại sao nhà cô lại nghèo, tại sao cô không được mặc đẹp và ngồi trên xe đẹp như các bạn. Đúng là suy nghĩ của trẻ con.

Gửi

Vân đã từng trách móc, giận hờn bố mẹ. Tại cô tủi thân khi bạn bè có nhiều sách vở, quần áo mới. Còn anh em cô toàn phải đi dùng lại đồ thừa của người khác. Bộ sách giáo khoa nhàu nát, cái quần, cái áo cũng thế. Cô từng phải mặc lại cái quần mà anh trai mặc chật, mặc lại cái áo trắng của anh làm áo đồng phục đến trường. Thế nhưng mọi thứ cũng vẫn cứ trôi qua. Con người ta vẫn cứ lớn lên và nhìn tổng thể gia đình cô vẫn là một gia đình hạnh phúc.

Ngày Vân trượt đại học. Sao mà mọi thứ buồn u ám thế không biết. Cô là hy vọng trong gia đình, là gương mặt sáng điển hình của dòng họ. Vậy mà cô đã thất bại. Bước chân vào một trường cao đẳng trên đất Hà Nội, ôi sao những tháng ngày vượt qua thất bại nó khó khăn và rệu rã đến thế. Vân luôn tự nhủ mình phải cố lên, phải làm được gì đó để vượt qua thất bại. Ba năm liền cô luôn là sinh viên có số điểm cao nhất khoa. Thế nhưng điểm hạnh kiểm của cô lại chỉ ở mức trung bình Khá và Khá. Chua xót chính mái trường nơi đào tạo ra những con người tương lai phục vụ cho đất nước cũng lại chính là nơi dạy cho Vân những lừa lọc, gian trá. Vân nhớ ngày 20/11 của năm thứ hai. Cô mặc một bộ đồ thật đẹp đi từ Ký túc xá đến nơi mà các thầy cô đang hội họp. Cô tặng giáo viên chủ nhiệm của mình một bó hoa. Gương mặt cô giáo già dường như hơi xám lại trong nụ cười nhăn nhúm. Tay cô hơi khẽ lắc một chút hình như mong chờ một vật gì đó đặc biệt rơi ra từ bó hoa. Và cảm giác thất vọng là những gì còn đọng lại trên gương mặt bà giáo. Vân cũng không còn tươi cười nữa. Cô chúc bà giáo những lời mà lứa học trò vẫn thường chúc, và chào cô ra về. Một cảm giác gì đó thật khó tả dồn lại trong cô.

Cũng là năm học thứ hai ấy. Thế giới như quay cuồng trước mắt Vân. Ngày ấy những ai có điểm tổng kết trên 7 đều háo hức mang thẻ sinh viên lên phòng kế toán của trường nhận học bổng. Cũng như các bạn, Vân cầm thẻ chạy thật nhanh và trong đầu hiện lên những kế hoạch sẽ được chi dùng với số tiền hơn một triệu sáu của mình. Chả gì thì cô cũng được trên 8 cơ mà. Mọi giác quan như bị dồn lại. Cô kế toán nheo nheo cặp kính, tay cầm bút di di từng dòng danh sách:

– Cháu tên gì?

– Cháu là Nguyễn Thị Vân ạ.

– Thế không có cháu ạ. Cô dò mấy lượt rồi.

– Ơ, sao lại thế ạ. Cô ơi, cô tìm lại giúp cháu với. Cháu được hơn tám phẩy mà.

Nhìn khuôn mặt khẩn khoản của Vân, cô kế toán già lại dò tìm lần nữa:

– Không có cháu ạ.

– Sao lại thế được nhỉ.

– Cái này thì cô không biết cháu lên khoa hỏi xem sao.

Vân chỉ nghe nói khoa Xã hội nằm ở tầng 3 khu nhà A chứ đã bao giờ cô đến đó đâu.

– Thưa cô, em muốn nhờ cô một việc được không ạ?

– Có việc gì thế em?

– Dạ em là Nguyễn Thị Vân lớp C5K3 ở khoa mình. Kỳ vừa rồi em được tổng kết hơn tám phẩy nhưng em lên lấy học bổng thì không có tên cô ạ.

– Thế em có thấy tên mình trên bảng danh sách được học bổng của khoa không?

– Dạ tại em nghĩ mình đủ điểm phẩy rồi nên em chưa xem danh sách ạ.

– Ừ, vậy em chờ cô chút, cô thử kiểm tra xem sao.

Cô giaó chủ nhiệm khoa nhanh tay rút quyển sổ báo cáo kết quả học tập của từng lớp.

– Em là Nguyễn Thị Vân C5K3 đúng không. Điểm tổng kết của em là 8,36. Nhưng điểm hạnh kiểm của em là loại Trung Bình Khá. Vậy em bị loại khỏi danh sách học bổng vì hạnh kiểm em ạ.

– Hạnh kiểm Trung Bình ạ. Nhưng cô ơi, kỳ vừa rồi em đi học rất đều hầu như không nghỉ buổi nào, lại không mắc lỗi gì sao em lại bị hạnh kiểm Trung Bình ạ.

– Ơ, cái này sao mà cô biết được, em về hỏi lại cô giáo chủ nhiệm của em ấy.

– Dạ vâng. Em chào cô ạ.

Vân như đờ người ta. Từ bé đến giờ cô đã bao giờ bị hạnh kiểm Khá đâu mà đến lần này cô bị hạnh kiểm Trung Bình. Cô lao nhanh xuống phòng Công tác học sinh sinh viên tìm cô chủ nhiệm.

– Thưa cô, em là Nguyễn Thị Vân C5K3 lớp cô chủ nhiệm ạ.

– Ừ, sao em.

– Dạ thưa cô, kỳ vừa rồi em được tổng kết 8.36, nhưng lại không được học bổng vì bị xếp hạnh kiểm Trung Bình. Em muốn hỏi là em đã mắc lỗi gì mà lại được xếp hạnh kiểm Trung Bình ạ.

– Cái này là lớp xét lên. Em về hỏi lại cán bộ lớp nhé. Cô chỉ dựa theo bảng tự đánh giá của em và của lớp đưa lên để xét thôi.

– Vậy là từ cán bộ lớp ạ.

Mọi chuyện như lờ mờ được sáng tỏ. Lúc nói chuyện với cô chủ nhiệm Vân đã cố kìm lòng lắm để nước mắt không chảy ra. Cô chúa ghét nước mắt đặc biệt là nước mắt của kẻ yếu đuối, kẻ thất bại. Nhưng lúc này đây sao cô lại muốn khóc đến vậy. Mọi thứ cứ mờ mờ ảo ảo trong dòng nước mắt. “Từ cán bộ lớp ư?”. Cô lê từng bước dài về lại lớp.

– Chị Thanh, chị xếp cho em hạnh kiểm Trung Bình kỳ vừa rồi ạ?

– Đâu có em, cả lớp mình tự đánh giá vào bảng hạnh kiểm đó chứ. Chị không xếp cho ai và cũng không cho ai Trung Bình ạ.

– Thế tại sao cô chủ nhiệm lại nói lớp đưa lên xếp em hạnh kiểm Trung Bình?

– Cái này chị sao biết được. Em đi mà hỏi cô chủ nhiệm. Chẳng lẽ cô xếp cho em hạnh kiểm Trung Bình rồi cô nói thế không được à.

Nghe những lời ấy gần như Vân không thể kiềm chế. Cô muốn xông vào mà cào cấu bạn cán bộ kia. Người ta dửng dưng với việc thành viên trong lớp bị hạnh kiểm Trung Bình. Người ta trù dập dù cùng là chị em gái với nhau. Ngọài miệng vẫn gọi chị chị em em vậy mà sau lưng lại đâm nhau rõ đau. Và vậy là người ta dập tắt mọi kế hoạch phải dùng đến tiền của nó. Từ việc mua tặng mẹ một cái áo mới, mua cho bố một đôi dép da hay khao phòng ký túc xá một bữa chè ngoài cổng trường.

Về lại phòng ký túc xá, Vân đã khóc xối xả. Khóc cho cái môi trường giáo dục thối nát, khóc vì bạn bè chẳng ra gì. Cũng từ chuyện ấy mà ngày ngày cô giả tạo hơn. Vân không còn tốt bụng, thân thiện và thật lòng hơn trước. Cô luôn giấu mình trong một vỏ bọc. Cô sợ lại bị đau, lại bị tổn thương, bị lợi dụng vì hai chữ chị em hay bạn bè tốt. Các kỳ tiếp theo cô không còn bị hạnh kiểm Trung Bình nữa. Cứ thế cứ thế qua năm cô ra khỏi ngôi trường cao đẳng nơi mà với cô nó chỉ dạy con người ta cách lừa lọc, dối trá và ăn hối lộ.

Gửi

Tuy có buồn thật nhưng Vân cũng có một thành tích đáng tự hào trong cái trường ấy: Học sinh tốt nghiệp cao điểm nhất khoa, kỳ nào cũng dành học bổng (trừ cái kỳ bị trù dập).

Và ra trường, mỗi người một phương, Vân lao vào cuộc sống làm việc, kiếm tiền như sợ nếu cô không lao động, không làm việc thì mọi thứ sẽ vụt trôi mất. Những tháng ngày mới ra trường thật đáng sợ. Mọi ước mơ, những tô vẽ khi còn là sinh viên vụt tan khi đối mặt với thực tại. Tuy học chuyên ngành xã hội, nhưng Vân không thể tìm được việc ở đúng chuyên ngành. Giữa thời kinh tế thị trường này, thì ai mà quan tâm đến mấy vấn đề xã hội mà tuyển cô vào trừ mấy trung tâm, mấy cơ sở của Nhà nước, mà vào Nhà nước thì Vân sao có đủ cơ, ban bệ để xin chứ. Rất may vì những người bạn cùng lớp giới thiệu cho Vân vào một công ty sách.

Công việc của cô là hàng ngày tiếp thị những cuốn sách mới đến người đọc, chào mời một số công ty in ấn phẩm, sách báo và tự mình tìm đầu ra cho những sản phẩm ấy. Với những hợp đồng đơn giản là in sách báo để tặng thì dễ vì khách hàng đã có sẵn đối tượng để tiêu thụ, còn với những đơn hàng sách tài liệu, tạp chí thì Vân phải mòn mắt đi tìm nhà tài trợ, tìm đầu ra. Đó là những ngày tháng vất vả và khó khăn nhất với cô. Cô đâu có kinh nghiệm, đâu có người quen, đâu có mối quan hệ nào đâu. Hàng ngày cô phải vật lộn với đống sách lo tìm đầu ra, chạy đây chạy đó, tra cứu Internet để lấy thông tin, quảng cáo, marketing, gặp khách hàng.

Cũng phải mất đến 6 tháng Vân mới tìm được khách hàng đầu tiên của mình. Một hợp đồng được ký rồi hai hợp đồng. Nếu công việc cứ thế mãi thì tốt vì giờ Vân có thể tạm lo được chi phí sinh hoạt hàng tháng và gửi một chút ít về quê cho bố mẹ rồi. Nhưng công ty thay quản lý. Người quản lý mới nói rằng hiện tại công ty không đủ vốn để làm tiếp việc in những đầu sách vì không tìm được đầu ra. Sắp tới công ty sẽ chuyển đổi hình thức kinh doanh. Hiện tại thì quản lý chưa có kế hoạch gì nên tạm thời công ty sẽ đóng cửa. Nghe như tiếng sét bên tai. Vậy còn công việc, còn thu nhập của mọi người giờ tính sao? Còn Vân nữa, cô sẽ làm gì bây giờ.

Cô lại tiếp tục làm hồ sơ và đi thi tuyển tiếp. Nhưng thật khó, cô chỉ có bằng cao đẳng, lại chưa hề có kinh nghiệm gì nhiều ngoài việc làm tiếp thị sách. Hồ sơ của cô nhanh chóng bị loại khi có rất nhiều bằng đại học với đầy đủ các loại chứng chỉ tiếng Anh, tiếng Pháp xếp trước cô. Buồn bã nhưng lúc ấy cô nghĩ mình bắt buộc phải có việc làm. Làm gì cũng được, miễn là không phạm pháp và mình có thể sống. Bố mẹ mình già rồi, lại còn vất vả nữa. Mình không thể để họ phải khổ thêm nữa. Họ nuôi mình ngần ấy năm rồi, giờ mình phải tự lo cho mình thôi.

Vân xin vào làm phục vụ ở một quán cà phê trên phố cổ. Quán cà phê nơi Vân có không gian không rộng nhưng được bài trí khá độc đáo, phong cách nhẹ nhàng và Vân thấy nó thật thanh bình. Cô thích những nơi yên tĩnh như thế dù cô chỉ là người phục vụ nhưng phục vụ cũng phải tìm nơi xứng đáng chứ nhỉ. Vân thầm nghĩ.

Quán chỉ đông khách vào buổi trưa, theo đúng giờ nghỉ của dân văn phòng, những thời gian còn lại thì khá vắng. Được cái là bà chủ quán rất nice. Vân có thể vào mạng Internet tự học thêm những lúc vắng khách và với điều kiện là không được lơ là công việc chính, không được để quán bẩn hay sơ ý không thấy khách bước vào quán.

Vân thấy hài lòng với công việc hiện tại. Cô cảm thấy mình như một cô chủ nhỏ ở đây, hàng ngày sắp xếp lại bàn ghế, pha cà phê. Cô học cách pha cà phê sao cho hương vị đạt chuẩn nhất. Và cô cũng nhớ hầu hết những vị khách hàng đến uống cà phê. Có những vị khách thật lạ. Họ uống cà phê thêm một lát chanh vào nữa. Lát chanh phải thật mỏng, không đủ gây ra vị chua nhưng phải dậy được mùi của vỏ chanh trong cốc cà phê. Có vị khách lại luôn chọn góc ngồi phía cửa, dù khi ngồi uống người ta chẳng nhìn ngắm đường phố gì hết. Có người mỗi lần đã ngồi ở quán Vân là sẽ gọi liền hai cốc. Hay thật.

Có một người nữa thật lạ. Anh là vị khách đặc biệt nhất trong quán. Duy chỉ có mình anh từ ngày Vân làm việc tại đây vào quán này và chỉ gọi duy nhất ca cao nóng. Cô đã làm ở đây từ tháng ba đến giờ là tháng tám. Năm tháng qua có thể gọi là từ mùa xuân sang mùa hè, anh chàng ấy chỉ uống duy nhất ca cao nóng. Không biết ca cao nóng có gì ngon nhỉ. Vân nhấp thử một ngụm. Cô nhăn nhăn mặt. Nó là vị của mi lô mà, lại hơi có vị của socola nữa. Nói chung là Vân ghét cái vị ấy lắm. Có khi nào vì mình ghét vị ấy mà từ bé đến giờ chẳng được ai tặng socola không. Cứ nghĩ vẩn vơ rồi tự cười một mình trông Vân lúc ấy chắc như một con ngốc.

Gửi

– Em ơi cho anh một ca cao nóng nhé.

Ơ, anh ấy đến đây này.

– Dạ vâng. Anh chờ em chút ạ.

– Á! Em xin… lỗi anh ạ.

Chết rồi, Vân làm đổ cả cốc ca cáo nóng vào anh ta rồi. Không biết luống cuống kiểu gì nữa.

– Em… em … xin lỗi ạ.

Một vệt ca cao nóng nâu nâu dính lên áo sơ mi trắng của vị khách hàng trẻ tuổi. Lóng nga long ngóng Vân chạy vội đi lấy cái khăn ướt, lau lau lau.

– Thôi được rồi, để anh.

Trời, người đâu mà lạ vậy. Từ lúc Vân làm đổ cốc ca cao vào người anh ta đến lúc cô lau áo, anh ta hầu như không có phản ứng gì cả chỉ nói mỗi một câu như vậy và dành lấy cái khăn. Cũng từ lần đó, Vân rất hay để ý đến vị khách này. Nhìn kỹ anh ấy có vầng trán cao, đôi lông mày đậm và nét mặt rất thanh tú. Có thể gọi anh ấy là trai đẹp theo ngôn ngữ ở tuổi Vân và những cô bạn mình.

Sau sáu tháng làm ở quán cà phê đã có một công ty gọi điện cho Vân để phỏng vấn. Công ty họ đang thiếu một người ở bộ phận nhân lực, kết hợp quản lý văn hóa hành chính. Không biết là tại họ thiếu người quá hay tại Vân đủ sức thuyết phục họ mà cô được nhận vào thử việc hai tháng. Trong hai tháng ấy, cô đã làm được khá nhiều việc và làm hài lòng cấp trên. Mọi việc được giao, cô đều làm tốt. Và Vân được nhận vào làm chính thức ở công ty.

Một ngày chủ nhật lang thang phố cổ trên con xe Wave Tàu của bố, vô tình Vân lại tạt qua quán cà phê nơi cô đã từng làm việc. Vân chào cô chủ quán và chào bạn phục vụ mới thay cô. Ngồi vào một góc nhỏ, cô ngắm nghiá phố phường cuối tuần. Đối diện với cô là anh chàng ấy. Anh chàng cô đổ ca cao nóng thời gian trước ấy.

– Chào em. Em nghĩ sao nếu trả lại cho anh một cái áo khác nhỉ. Ngày nào anh cũng đến quán để chờ xem em sẽ đền bù thế nào đấy.

Anh ta vừa nói vừa nhún vai một cái.

Ôi rùng cả mình.

Vân lúng búng:

– Ơ…

– Ơ gì nữa, em quên cái áo của anh rồi à.

– À, dạ vâng. Em có nhớ ạ. Nhưng hôm ấy anh có nói gì nữa đâu. Em tưởng anh không nói gì là không sao rôì ạ.

– Không. Sao lại không sao, áo của anh không giặt được. Em phải trả anh một cái áo khác. Hoặc trưa nay em đi ăn với anh nhé.

Ô, thế này là tán tỉnh hay là gì nhỉ. Lần đầu tiên, Vân có cái cảm giác tim đập thình thịch, mặt mũi thì đỏ bừng, đầu óc thì trống rỗng.

– Anh thích em à. Em chưa muốn thích người khác đâu nhé.

Phì…

Anh ta đang uống dở cốc ca cao. Tí nữa thì phun ra ngoài. Chẳng lẽ Vân nói gì sai à. Cô nói thật mà. Cô còn phải lo sự nghiệp, còn phải lo kiếm tiền, đâu đã muốn ai đâu.

Thế đấy, chuyện tình của cô và anh bắt đầu như thế. Và cô đã gặp anh, người đàn ông đã sống trong tâm trí cô từ ngày ấy đến bây giờ…

Bắt đầu là những ngày hẹn hò. Anh nói với cô rằng anh thấy cô vào phục vụ ở quán cà phê là đã để ý thấy ở cô có điểm gì đó rất khác lạ với những cô gái anh từng quen. Cô có chút mạnh mẽ, kiên cường, có một chút dịu dàng, yếu đuối, một chút cá tính, một chút vụng về, lại thêm một chút đa sầu, đa cảm. Nói chung anh rất ấn tượng khi nhìn thấy cô dù cô chỉ cao một mẩu và khuôn mặt chẳng có gì nổi bật. Cũng từ cái ngày cô làm đổ ca cao nóng vào anh làm anh để ý đến cô nhiều hơn. Hôm ấy dù anh rất là nóng nhưng lại thấy rất buồn cười khi nhìn thấy mặt cô cứ lóng ngóng, vụng về, xin lỗi rồi lau lau. Và tóm lại là anh bắt đầu thực sự thích cô từ lần đó. Sau đấy, hôm nào anh cũng ra quán ngôì nhưng lại không thấy cô còn làm nữa. Hỏi chủ quán anh mới biết cô đã tìm được việc làm rồi. Thôi thì anh ấy tin vào duyên phận, cứ ngồi đây chờ cô thử xem. Ai ngờ có duyên gặp lại cô thật. Và giờ thì cô là người yêu của anh rồi.

– Xí. Ai mà tin được lời anh nói chứ.

– Ơ. Anh nói thật mà.

– Không tin, không tin.

– Ai không tin tôi thì tôi đi ăn kem một mình đây.

– Ah. Dám trêu em à. Anh có giỏi thì đi một mình đi.

– Hi. Không, anh phải đi với em chứ. Hai đứa mình ra Tràng Tiền hay Hồ Tây.

– Em thích Kem Hồ Tây, vừa rẻ lại có không gian. Tràng Tiền đông lắm.

– Ok. Đi nào.

Anh vẫn thường trêu cô, làm cô cười và rồi lại nhường cô như thế đấy. Vân thích hồ Tây. Thời sinh viên cô còn tự mình bắt xe bus để lên hồ Tây để đơn giản là ngắm cái không gian mênh mang của nước, của khung cảnh sống mà theo cô là rất hay ho ở Hà Nội. Cô thích ngắm chùa Trấn Quốc trong ánh hoàng hôn, thích nhìn những đôi tình nhân tay sát tay, vai kề vai hay đơn giản là ngắm những người câu cá. Có lần cô nhìn thấy người ta kéo con cá mười cân lên mà cứ xuýt xoa mãi, sao mà nó to thế không biết. Và cô cũng thích ăn kem Hồ Tây hơn nữa. Với cô kem ở đây có vị riêng. Nó có vị ngon, ngọt, mát của kem, có không gian để thưởng thức và lại hợp với túi tiền của cô nữa. Vân yêu hồ Tây và yêu kem Hồ Tây.

Tình yêu của cô và anh kéo dài thêm qua những phố phường Hà Nội. Cô thích ôm anh thật chặt, chỉ đơn giản là ngồi như thế và đi hết ngày cũng được. Cô nhớ đêm Giáng sinh, anh và cô đi ăn Vịt nướng, rồi anh nói sẽ đưa cô đến một nơi đặc biệt. Đó là một quán cà phê vắng người, và vì thế mà nó rất yên tĩnh. Tầng hai có những dãy bàn ghế bọc vải màu đỏ mận, khăn trải bản kẻ ngang, thật ấm cúng trong ánh đèn lồng lung linh ngoaì cửa sổ. Nhưng điểm đặc biệt là tầng ba. Đó là một không gian mở, có một dàn dây leo nho nhỏ giăng cùng những chiếc đèn lồng xinh xắn. Trên ấy chỉ kê bàn khi có khách đặt. Hai người bước lên tầng ba của quán. Nhìn xa là mặt hồ vắng, thỉnh thoảng có một đôi đi dạo hay một vài người tập thể dục.

Dắt Vân đễn giữa cầu thang, anh nói chờ anh chút nhé rồi chạy lên trước. Anh bảo cô khi nào anh bảo lên thì mới được lên. Mấy cái chuyện bí mật kiểu này chắc là làm gì mờ ám kiểu như trong phim Hàn Quốc chứ gì. Vân đứng lẩn thẩn ở cầu thang và hình dung xem anh sẽ làm cái gì như trong phim nào.

– Vân ơi, em lên đi.

– Oa, đẹp quá.

Không biết lúc ấy Vân nói những ngón nến lung linh đang cháy xếp thành hình trái tim đẹp hay Vân nói anh chàng mặc sơ mi trăng tay cũng cầm một bó hoa cũng hình trái tim, vầng trán cao tiến về phía cô đẹp nữa.

– Tặng em này.

– Hi. Em cám ơn. Nến đẹp quá.

– Thế hoa không đẹp à.

– Dạ, cả nến, cả hoa, cả người là em đều đẹp

– Ha ha ha. Ừ. Em có thích không.

– Em thích lắm ạ. Em cám ơn em.

– Cám ơn gì chứ. Anh không thích khách sáo thế đâu. Việc của anh là làm cho người con gái anh yêu cảm thấy hạnh phúc mà.

Vân dựa người vào anh. Cô thích hơi ấm từ người anh. Thích cái cách được anh ôm. Và thích ôm anh nữa. Lúc ấy cô đã nguyện rằng mình sẽ yêu anh thật nhiều. Và yêu anh, yêu người đàn ông của đời cô.

– Sao anh lại chỉ uống ca cao nóng thế?

– Ừ.

– Ừ gì, em hỏi tại sao mà?

– Không sao. Vì uống cà phê không tốt cho sức khỏe, mà anh thì lại chẳng biết uống cái gì ngon cả nên anh uống ca cao.

– Ha ha ha. Nhưng mà nó không ngon gì cả.

– Ừ, hì.

– Hic. Nói chuyện với anh chán thế. Nói cho ra vấn đề mà anh chỉ ừ, ừ thôi.

– Ừ. Thì có sao đâu mà.

Đấy, cô và anh chỉ toàn nói chuyện thế thôi. Nhưng chẳng hiểu sao anh lại làm Vân cảm thấy rất lạ nhé. Cô yêu cách nói chuyện ấy, quan tâm, nhẹ nhàng, xấu hổ nhưng lại rất cương trực.

Gửi

***

Một buổi sáng thức dậy, chuẩn bị đến chỗ làm thì Vân nhận được điện thoại.

– Em đến văn phòng ngay nhé. Có chuyện gấp.

– Dạ vâng, dạ vâng ạ.

Nghe điện thoại xong thì Vân hớt ha hớt hải chạy đến công ty.

– Vân, hợp đồng này là em làm với khách hàng đúng không Vân?

Tay cô giở từng trang hợp đồng rồi gật gật đầu:

– Dạ vâng, đúng rồi anh ạ.

– Phần điều kiện em làm không chặt chẽ. Hiện tại đối tác không chịu hoàn tất hợp đồng và thanh toán số tiền còn lại. Nếu kiện họ thì mình cũng không có cơ sở. Và nếu điều đó xảy ra, nghĩa là công ty sẽ phải thiệt hại hơn một tỷ đồng đấy.

Vân như chết đứng. Có chuyện gì xảy ra vậy. Cô đã từng làm rất nhiều hợp đồng, và cũng rà soát rất kỹ từng điều khoản. Nhưng công ty cô ký hợp đồng là công ty mà một người bạn cô đang làm ở đấy. Vì tin tưởng bạn mà cô đã thiếu sót về phần thời gian hoàn thành dự án và thanh toán. Chỉ vì để lọt một vài chữ ấy mà giờ cả phòng cô đang náo loạn tìm cách giải quyết. Người thì đưa ra cách thương thuyết ký lại hợp đồng. Có người lại nói không nên bứt dây động rừng vì chính xác mình chưa biết đối tác muốn gì. Còn Vân, lúc này cô cứ ù ù, cạc cạc. Lỗi này là do cô. Cô phải chịu trách nhiệm. Nhưng chịu trách nhiệm thế nào, ra sao bây giờ. Nhưng bây giờ phải giải quyết. Đó là việc trước mắt. Nhưng giải quyết thế nào đây. Cô sợ. Cô vẫn luôn tự nhận mình là một người làm việc giỏi nhưng lúc này đây cô sợ thật sự. Hơn một tỷ đồng, cô lấy gì ra mà trả đây. Trong lúc ấy cô nghĩ đến gia đình ở quê, nghĩ đến mái nhà từng có thời phải xây bằng cay, đất và lợp ngói nát. Gia đình sao có thể kiếm được số tiền ấy để trả cho cô. Đấy chỉ là tình huống xấu nhất mà cô tưởng tượng ra thôi còn hiện tại thì cô phải giải quyết, và cả hy vọng nữa, hy vọng công ty bạn cô không đưa ra mánh khóe nào cả. Suốt thời gian ấy Vân luôn sống trong tâm trạng bất an. Cô thực sự sợ. Một tuần cô ăn không ngon, ngủ không yên. Kể cả khi về ăn cưới đứa em họ mà cô cũng không có tâm trí gì ở đám cưới cả. Nhìn nét mặt của cô khi nghe điện thoại, nhìn thaí độ của cô mà bố mẹ cứ lo lắng, hỏi han mãi. Vân thấy mình có lỗi quá, đáng lẽ cô không nên để họ thấy mình đang trong hoàn cảnh khó khăn và bế tắc này. Trở lại Hà Nội với tấm thân mỏi mệt, rệu rã, Vân lê bước về căn phòng trọ.

– Anh gọi điện cho em mà không được. Em vẫn ổn chứ. Việc kia giải quyết sao rồi.

Anh đã chờ Vân ở cửa nhà từ lúc nào. Cô mới chỉ kể qua loa cho anh nghe về chuyện của cô nhưng chưa nói rõ về việc nếu bị phạt hợp đồng thì sẽ phải đền bù ra sao. Nhưng có lẽ anh bình tĩnh hơn cơ. Nếu anh đưa ra được giải pháp hay thì sao. Vân gục đầu vào vai anh, khóc nức nở. Cô kể rõ hết mọi chuyện, nói hết về việc phía cô bị thiệt ra sao khi đối tác hủy hợp đồng. Anh cũng ôm cô vào lòng, xoa đầu an ủi. Anh nói:

– Mọi chuyện rồi sẽ không sao đâu. Anh sẽ cùng em giải quyết. Em hãy nhớ em không chỉ có một mình, em còn có anh nữa hiểu không.

– Nhưng em sợ lắm. Em chưa bao giờ phải đối mặt với vấn đề như thế này. Nó thực sự khó, mọi người trong công ty em mấy hôm nay cũng mất ăn mất ngủ rồi.

– Khó cũng phải giải quyết. Từ bây giờ em phải cẩn thận, tích cực thu thập bằng chứng, tìm mọi cách lấp lại khoảng trống trong hợp đồng của em. Theo anh thì em nên ghi âm lại tất cả những cuộc trao đổi của em với họ và cố gắng gợi ý để họ nói vào điểm trống ấy. Có như vậy thì giả sử có ra tòa thì em cũng không phải hoàn toàn yếu thế. Và cuối cùng nếu điều xấu nhất xảy ra và công ty phải đền hợp đồng thì em hãy nhớ người chịu trách nhiệm chính là giám đốc của em, người ký hợp đồng chứ không phải em. Em phải lo cho em trước, hiểu không.

– Vâng, em hiểu. Nhưng đó là lỗi của em.

Và cô lại khóc, lại dựa vào người anh. Anh có lẽ là chỗ dựa tuyệt vời nhất cho cô lúc này.

Rồi hôm nào anh cũng qua phòng nấu cơm cho Vân, chăm sóc cô.

Hôm ấy cô từ văn phòng về, buồn rười rượi.

– Sao thế Vân? Có chuyện gì à.

– Bọn nó bắt đầu tỏ ý ép hợp đồng rùi anh ạ.

Tít tít tít. Điện thoại kêu.

– A lô. Mẹ ạ, dạ dạ… Vâng

Hu hu hu

– Em sao thế.

– Mẹ em vừa gọi điện, chị dâu em bị tai nạn xe máy, gãy tay rồi.

– Ôi trời, sao mọi chuyện cứ đổ lên người em tôi thế này. Thôi không sao đâu, nín đi. Rồi mọi chuyện sẽ qua thôi.

Thời gian tồi tệ ấy cũng phải mất hai tháng để vượt qua. Team của Vân đã đoàn kết và cùng nhau giải quyết vấn đề thật êm đẹp, về căn bản là không bên nào thiệt hại gì. Dù đối tác của Vân rất hậm hực nhưng team của Vân đã thu được đầy đủ bằng chứng lấp lại những điểm thiếu sót trong hợp đồng khiến cho họ không thể giở trò được. Vân bắt đầu lại cảm thấy những ngày tháng tươi đẹp trước mắt. Vượt qua chuyện khó khăn này, cô không tin là cô không thể vượt qua được khó khăn nào nữa. Với cô bây giờ cuộc đời thật đẹp, cô có gia đình, có công việc, và có anh.

Lại một mùa Giáng sinh nữa đến. Năm nay anh và Vân phải nghĩ mãi mới ra kế hoạch đi đâu chơi. Một chuyến đi chơi xa thì sao? Hay là về thăm một trong gia đình hai bên nhỉ? Dù gì thì cô và anh cũng đã yêu nhau được hơn 1 năm rồi.

Gửi

Cuối cùng thì hai người chọn một chuyến đi Ba Vì. Anh nói rằng Vân đã làm vất vả nhiều rồi giờ anh muốn cô được nghỉ ngơi, đi thăm thú thiên nhiên với anh. Thì trước đến giờ cô vẫn nghe lời anh mà. Vậy là hai anh em cùng đi Ba Vì từ chiều thứ bảy. Vòng qua Đường Lâm thăm làng cổ, thăm chùa Mía và chụp ảnh những mái đình, cổng nhà, chum tương. Tuy là người từ quê ra thật nhưng những thứ ở Đường Lâm vẫn khiến cho Vân rất thích thú. Hai người còn đi dọc bờ sông Đà để đếm xem có bao nhiêu cây gạo, ngắm bến phà nườm nượp người đi từ bờ bên này sang bên kia. Tối đó vượt qua sông sang bên Phú Thọ, hai người dắt tay nhau đi dạo trên bãi cát, cùng đuổi bắt nhu dưới ánh trăng. Đó có lẽ là những kỷ niệm đẹp không bao giờ cô quên.

Rồi Tết Nguyên Đán cũng đến. Nếu là mọi năm thì Vân rất thích những ngày Tết. Năm nay Vân cũng thích nhưng không còn thích nhiều nữa. Cô thích được về nhà thăm bố mẹ, ăn thật nhiều giò chả, bánh chưng và nghỉ ngơi. Nhưng về nhà cũng đồng nghĩa với việc cô phải xa anh. Anh cũng ngược chuyến tàu Bắc Nam về tận Phú Yên ăn Tết. Vân nghe anh kể nhiều về vùng quê miền biển của anh, nơi có thật nhiều nắng và gió, nơi có thành phố Tuy Hòa bình dị mà thật đẹp. Cô mơ một lần được đến đó. Hai người phải quyến luyến nhau mãi mới dứt được nhau ra để về quê. Vân cứ ôm anh mãi. Không hiểu sao lần này cô có cảm giác chẳng lành. Cô ôm chặt anh, giữ tay anh, rồi dặn dò:

– Anh về quê ăn Tết phải nhớ em nhé.

– Ừ. Không nhớ em thì anh nhớ ai.

– Nhớ không được leng phéng với cô nào nghe chưa?

– Ừ, anh nhớ rồi mà. Em cũng về quê ăn Tết vui vẻ nhé.

– Ơ, anh không nhắc em là phải nhớ anh à.

– Thì anh biết là lúc nào em cũng nhớ anh mà

– Á, anh đểu nhá.

– Thế anh nói có đúng không nào?

– À, thì vâng.

Mấy ngày Tết bận rộn dọn dẹp, trang trí nhà cửa nhưng không ngày nào Vân quên gọi điện hay nhắn tin cho anh. Mỗi lần điện thoại có tiếng tin nhắn là cô lại háo hức bỏ hết mọi việc để đọc ngấu nghiến từng dòng tin rồi nhắn lại cho anh. Cô chỉ mong sao Tết hết thật nhanh, thật nhanh để sớm được gặp anh thôi.

– Anh à, anh có nhớ em không?

– Sao em lại hỏi thế?

– Tại em thấy anh không nhớ em. Nếu anh nhớ em thì anh phải gọi điện, nhắn tin cho em trước chứ. Đằng này…

– Ngốc ạ. Lúc nào anh cũng nhớ em mà.

– Thật không?

– Thật.

Vân cứ hạnh phúc, cười mãn nguyện với những tin nhắn kiểu như thế. Tuy nhiên giác quan thứ sáu mách bảo cô điều gì đó không bình thường. Tết vừa rồi Vân cũng đã nói chuyện với mẹ về anh. Cô kể cho mẹ nghe anh làm gì, cô và anh yêu nhau ra sao. Mẹ cô không nói gì cho đến khi cô kể về quê quán:

– Anh ấy ở Phú Yên mẹ ạ.

– Phú Yên là ở đâu?

– Ở miền Trung í mẹ, ở sau cả Đà Nẵng mẹ ạ

– Xa thế không được đâu. Bố mẹ không gả chồng cho con gái xa thế được.

– Nhưng con yêu anh ấy mà.

– Yêu. Thế nó có nói nó cưới cô không? Hay chỉ là yêu để đấy.

– Thì là con cũng chưa muốn cưới mà mẹ.

– Thôi đừng có giải thích nữa. Khi nào hai đứa chưa nói chuyện cưới xin với nhau thì mẹ chẳng tin là hai đứa bền lâu được đâu.

– Hức, mẹ đúng là

– Ngủ đi. Mai ra Hà Nội rồi đấy.

– Vâng ạ.

Gặp lại nhau sau mười ngày Tết, Vân không nghĩ không nghĩ không khí giữa hai người lại căng thẳng thế. Anh gọi điện cho cô trước:

– Tối anh đưa em đi ăn nhé. Khi nào em ra đến nơi thì gọi cho anh.

– Vâng ạ. Mình sẽ đi ăn gì hả anh?

– Hôm nay anh mời em miến lươn Ngọc Lâm nhé.

– Hic, sao lại đi xa thế ạ?

– Bên đó miến lươn ngon nổi tiếng mà

– Vâng. Em biết rồi.

Tối đó cả anh và cô đều mặc giản dị. Cô không cầu kỳ váy vóc như mọi ngày. Anh cũng không trau chuốt đi giày đen, áo sơ mi trắng nữa. Mỗi anh em mặc một áo khoác xù xù vì trời Hà Nội vừa Tết ra vẫn còn lạnh.

Ăn xong bát miến lươn no căng bụng, Vân vươn vai đòi đi về.

– Sao thế, vẫn còn sớm mà em.

– Em không biết. Anh đưa em về đi

– Có chuyện gì vậy?

– Em mới là người hỏi anh có chuyện gì chứ. Tại sao anh lại không vui?

– À, anh

– Anh làm sao? Anh đưa em về đi.

Anh chở Vân về trên cầu Chương Dương, gió lạnh bắt đầu chui rúc len lỏi vào đôi bàn tay cô. Ban đầu cô định không ôm anh cả đoạn đường, nhưng lúc ấy lạnh quá nên thôi miễn cưỡng ôm vậy.

– Vân à, anh có nói chuyện với bố mẹ anh về em?

– Vâng. Sao nữa ạ.

Cô nhận thấy có gì đó thay đổi trong giọng của anh. Không còn là giọng nói dứt khoát, mạch lạc. Có vẻ như điều gì đó rất khó nói.

– Vâng. Sao nữa ạ. Anh nói tiếp đi

– Bố mẹ anh… Bố mẹ anh không đồng ý cho anh quen em.

Vân như ù tai đi. Mọi thứ xung quanh cô như đang bị đảo ngược. Hình như lúc đó cô bi đứng hình khoảng năm giây.

– Vì sao ạ?

– Bố mẹ anh nói em là người Bắc, anh là người Nam. Hai vùng miền khác nhau nên không cho cưới nhau. Sắp tới anh sẽ chuyển vào TP. Hồ Chí Minh công tác và định cư trong đó luôn.

– Vâng. Thế còn ý anh ạ?

– Anh thực sự không muốn mất em. Và anh cũng yêu em rất nhiều. Anh đã nói chuyện và thuyết phục bố mẹ suốt thời gian qua, chờ họ đồng ý anh sẽ cưới em. Nhưng suốt mấy tháng nay rồi họ không hề thay đổi ý kiến. Anh cũng đang rất sợ.

– Hì, thôi, không có gì phải sợ đâu ạ. Em cũng nghĩ TP. Hồ Chí Minh hợp với anh hơn. Trong đó có nhiều cơ hội cho anh phát triển và thăng tiến. Em ủng hộ anh mà.

– Thế còn em

– Hì, em có sao đâu. Em ủng hộ anh mà.

Cuộc trò chuyện kết thúc khi xe cũng vừa dừng ở cổng nhà cô. Trên đường đi, dù nói chuyện với anh, dù tâm trí trống rỗng nhưng cô cungx kịp để ý hết những con đường hai người đi qua. Hơn một năm qua những con đường từ cầu Long Biên – Hàng Đậu – Hùng Vương – Chu Văn An – Tôn Đức Thắng – Cát Linh – Giảng Võ không biết hai người đã đi biết bao nhiêu lần. Nhưng với cô hôm ấy chúng thật đặc biệt. Chúng là những nhân chứng đầu tiên biết chuyện hai người chia tay nhau. Một kết thúc mà với Vân lúc ấy là buồn đau, sầu thảm nhất. Chia tay trong cả tiếng cười, nước mắt, sự chua xót, đau đớn nhưng cả hai chủ thể lại tỏ ra thật bình thản, không ai nhìn thấy nước mắt người kia rơi.

Gửi

Đêm ấy Vân viết mail cho anh. Đó là bức thư điện tử đầu tiên cô gửi cho anh cũng là bức thư kết thúc chuyện tình của cô. Cô không có lý do gì để níu kéo anh ngoài tình yêu của mình dành cho anh. Nhưng niềm kiêu hãnh của một đứa con gái không cho phép cô làm thế. Người ta đã không cần cô, người ta đã gạt ra khỏi cuộc đời mình thì có lý do gì để cô cứ bám víu và chạy theo người ta. Đau đớn lắm chứ, xót xa lắm chứ. Nhưng cô làm gì được lúc này đây. Cô chỉ có thể khóc, có bao nhiêu nước mắt cứ ra hết đi, khóc cho ướt mèm gối và khóc đến khi mệt lả và thiếp đi. Bắt đầu năm mới của cô thật tồi tệ.

Sáng hôm sau đi làm với đôi mắt thâm sì, Vân viết đơn xin nghỉ việc. Mọi người ai cũng ngạc nhiên. Mọi việc ở công ty đang vào guồng. Chẳng có lý do gì cô lại đột ngột nghỉ việc như thế. Vân chỉ mỉm cười giải thích là có lẽ cô về quê lấy chồng và xin việc ở quê thôi.

Về quê lấy chồng và làm việc, đấy là mong muốn của mẹ cô. Mẹ cô không muốn con gái khổ, không muốn cô cứ phải bon chen thân con gái vất vả chốn Hà thành. Mẹ nói tuy mẹ nghèo nhưng mẹ vẫn muốn con về gần bên mẹ.

Vân vẫn chưa nói với mẹ việc cô và anh chia tay. Ngày mai anh và cô còn một cái hẹn. Có lẽ mọi chuyện nên rõ ràng thêm một chút, và cả hai sẽ nhẹ nhàng hơn.

Đúng 8 giờ tối, anh lại đến cổng nhà cô. Nhìn thấy anh Vân chỉ muốn chạy lại, cô muốn ôm anh một lần nữa, muốn được dựa đầu vào vai cô. Không được nữa rồi, giờ cô không có quyền để làm thế nữa.

– Mình ra chỗ nào nói chuyện em nhé.

– Vâng.

Xe anh dừng trước công viên Gandhi. Hai đứa đi vào, lững thững trông xa nhìn tưởng cặp đôi nào đó hẹn hò đang giận dỗi nhau. Nhưng thực tế thì lại phũ phàng hơn thế.

– Mình ngồi đây anh nhé. Em thích chỗ này

– Ừ.

Công viên này là nơi anh và cô thường chạy bộ tập thể dục mùa hè. Anh thường động viên cô là phải chạy nhiều vào cho người khỏe. Em lười quá chân tay nhão hết cả rồi. Ngồi xuống rồi nghĩ lại những chuyện ấy nước mắt Vân chỉ chực là trào ra.

– Hôm nay anh đi chùa. Anh có mua cho em một tấm bùa may mắn. Em giữ lấy nhé

– Vâng. Em cám ơn.

– Anh biết là…

– Thôi. Anh không cần nói gì nữa đâu. Em hiểu hết. Anh cũng phải nghĩ gì cả. Em tôn trọng quyết định của anh. Anh cầm lấy cái này. Gọi là em cho anh cũng được, tặng anh cũng được. Đây là bùa may mắn năm ngoái anh xin cho em. Anh hãy giữ lấy nó để nhớ rằng chúng mình… đã từng yêu nhau nhé.

Giọng Vân như lạc hẳn đi và cô không thể nói hết câu. Cô giúi chiếc bùa màu đỏ vào tay anh. Nước mắt bắt đầu tuôn như mưa. Anh lóng ngóng cầm lấy tay cô thật chặt. Rồi hai người cứ ngôì cầm tay nhau như thế. Hồ Thành Công hôm đó thật đẹp long lanh trong nước mắt. Có vẻ khi người ta ngắm cái gì trong nước mắt cũng đều lung linh huyền ảo hơn.

***

Giữa Hà Nội, vào một ngày se lạnh, ở một, góc hồ, có hai người ngồi cầm tay nhau, cô gái khóc rất nhiều còn chàng trai thì cố kìm cho nước mắt khỏi rơi…

– Cô giáo ơi. Cô làm gì thế?

– Ơ A Lu à. Cô đang ngắm cảnh thôi.

– Cô ơi, có cầu vồng kia.

– Ừ nhỉ, đẹp quá. Nhưng trời có mưa đâu A Lu nhỉ.

– Hì, đây là vùng núi cô ạ, có nhiều núi cao và nhiều thung lũng nữa. Chỗ em và cô không mưa nhưng biết đâu giữa những dãy núi kia, nơi có vực sâu hun hút và những cánh rừng già lại có mưa.

– Ừ, A Lu giỏi quá. Nếu mà có máy ảnh cô muốn chụp lại khung cảnh này A Lu ạ.

Phía xa xa, cầu vồng bảy sắc nối từ hai mảnh bầu trời, vắt từ cánh núi này sang cánh núi kia. Phải qua những cơn mưa mới thấy được cầu vồng. Và đôi khi chúng ta lại không bắt gặp được những cơn mưa ấy nhưng cầu vồng lại vẫn xuất hiện.

Cỏ dại vẫn mọc xanh xanh những sườn đồi, có những đoạn bị cháy xém loang lổ nhưng xem ra chúng có sức mạnh thật mãnh liệt.

Hồng Thủy

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *