Mai lao vào phòng tôi như một cơn lốc. Nó quăng túi nằm vật xuống giường. Chẳng lạ gì tính khí “sớm nắng chiều mưa” của nó, tôi chỉ khẽ quay lại rồi tiếp tục cắm cúi vào công việc của mình.
Khoảng nửa tiếng hoặc hơn thế nữa, tôi không quan tâm nhiều lắm, lại thấy nó vùng dậy, khoác túi hầm hầm bước ra. Thoáng thấy mắt nó ướt. Hình như nó khóc. Tôi sững sờ! Mai khóc! Chuyện lạ! Tôi vội vàng xô ghế túm nó lại đúng lúc nó vừa lao đến cửa. Dường như chỉ chờ có thế. Nó buông thõng hai tay, gục đầu vào vai tôi. Những tiếng nức nở bật ra tức thì.
Lần đầu tiên tôi nghe nó khóc. Có cái gì như vỡ oà ra, thổn thức, xót xa. Vỗ nhẹ bàn tay vào lưng nó, tôi im lặng thầm nói một mình: “Mai ơi! Khóc đi! Nước mắt sẽ làm mày mềm ra, không khô cằn và bớt bỏng rát… Khóc đi Mai!”
Cả tôi và nó sinh ra bên bờ con sông lúc nào cũng ăm ắp phù sa. Khác với tôi quanh năm chân đất, lấm lem bùn sình, Mai ra đời trong gia đình khá giả. Nó sống trong đủ đầy nhung lụa. Có lẽ sự khác biệt về hoàn cảnh sống khiến nhiều đứa trong đám trẻ con của cái xóm nghèo ấy xa lánh nó. Bố nó là thuỷ thủ tàu viễn dương quanh năm xa nhà. Hình như có mấy lần, bố nó về đón mẹ con nó lên thành phố nhưng mỗi lần bố về, thay cho niềm háo hức mừng vui thì nó lại bỏ ra bờ sông ngồi một mình hay trốn biệt trong cái lều coi đăng của những người làm nghề chài đáy. Cả làng bảo nó ngỗ ngược. Nó sẵn sàng chửi bất cứ ai ánh ỏi đến chuyện nhà mình. Không chỉ trẻ con mà cả người lớn cũng tránh xa. Lần đầu tiên nhìn thấy tôi nghênh ngang trên lưng con trâu mộng ngoài bãi sông, những tia gớm ghiếc, hằn học trong đôi mắt nó biến mất. Thay vào đó là ánh nhìn thèm thuồng háo hức. Chẳng hiểu vì cái gì, tôi thấy nó hay hay,. Đỡ nó lên lưng trâu, hì hụi đánh cỏ gà hay nhóm bếp nướng củ khoai, bắp ngô nhặt được… Mai gắn với tôi từ đấy. Bên tôi, nó cười tít đôi mắt, má ửng bồ quân. U tôi bảo: “Mai cô độc”. Nhưng ngày còn nhỏ, tôi đâu hiểu hết ý nghĩa của hai từ tưởng như đơn giản ấy và không hiểu được rằng, với nó, tôi như một thứ của quý trời ban riêng cho nó. Và cũng chẳng hiểu được tại sao, tôi có thể chấp nhận được tất cả những thứ quái quỷ sinh ra từ tính khí đỏng đảnh của nó. Suốt ngày nó giang nắng ngoài bãi sông với tôi. Mẹ nó cũng vẫn lam lũ như những người đàn bà khác trong làng. Dần dà không thấy người đàn ông là bố Mai về làng nữa.
Mai vẫn gục mặt vào vai tôi nức nở. Trước đây tôi chỉ quen nghe ở nó những lời chua chát, sắc như dao bén, đáp trả lại những gì gai góc. Tôi quen nhìn nó như phái mạnh bên mình. Nay thấy nó khóc, tôi cứng cỏi hẳn lên. Ấn vào tay nó cốc nước, tôi đỡ Mai ngồi xuống. Tốt nhất là không nên hỏi gì nó lúc này. Bó gối bên cạnh, tôi dõi mắt nhìn xa.
Cốc nước lạnh như giúp Mai ghìm cơn nức nở. Bất ngờ, nó ngẩng lên, mắt đã lại ráo hoảnh:
– Nam đi viện. Tao sẽ không vào đó nữa!
Tôi như không tin vào tai mình, nhíu mày hỏi lại:
– Cái gì? Mày nói lại xem?
– Nam đi viện. Tao sẽ không vào đó nữa! Mai lặp lại như một cái máy đã lập trình sẵn.
– Tại sao?
– Sao giăng gì… Tao không muốn làm người thừa! Cái gì thừa nếu để mà thấy không có ích thì tốt nhất là nên cắt bỏ – Mai cười khẩy. Giọng nói đã lại cô đặc chất chua chát thường ngày.
Chưa bao giờ tôi thấy khó chịu với cách nói của nó như lúc này. Kệ thây mày. Im lặng là tốt nhất. Tôi tự nhủ. Nhưng hình như trái tim tôi không nghe lời cái đầu. Đã định mặc xác nó với những câu triết lý vớ vẩn rồi, chẳng hiểu sao miệng tôi lại bật ra:
– Mày nói cẩn thận xem nào. Cứ vừa nói vừa triết lý, bố ai hiểu được. Nam làm sao?
Mai khoác túi, sửa lại mái tóc, lững thững bước ra, ném lại cái nhìn ráo hoảnh:
– Tao đi làm đây. Lỡ tua này, mất cả tháng lương công chức quèn của mày. Mày cũng đừng hỏi, biết nhiều nhanh già, chóng chết!
* *
*
Nhìn Mai chẳng ai nghĩ nó vất vả. Gương mặt thanh tú, tóc thề ngang vai, vóc dáng nó dịu dàng nữ tính hơn rất nhiều cái vẻ cò bợ của tôi. Ăn nói dễ nghe, Mai làm công việc gì cũng thuận lợi. Nhưng có lẽ vì thế mà chẳng bao giờ nó chịu yên chỗ. Lúc nào nó cũng khao khát điều cao hơn thứ nó đang có. Khao khát! Chiếm lĩnh. Có lẽ mấy chữ ấy luôn tồn tại trong đầu Mai. Xông xáo, nhiệt tình thêm một chút liều lĩnh dường như khiến tất cả mọi trở ngại trên con đường Mai bước thành vô nghĩa. Khi tôi yên phận với đồng lương công chức, lấy chồng, sinh con, Mai vẫn vô tư. Nó yêu phất phơ vài lần rồi không thấy đoài hoài gì. Tôi lo sợ: Nó vô cảm!
Đến lúc nó yêu thật. Cuồng say! Tình yêu với Nam dường như biến nó thành người khác hẳn, nền nã, dịu dàng. Cách nói năng vẫn sắc sảo tuy có phần bớt chát chua hơn trước.
* *
*
Giá!!! Cả tôi và nó nhiều lúc bật cười khi cùng thốt ra từ ấy. Giá! Mai lăn lóc khắp giường. Nó cười sặc sụa, cười chảy cả nước mắt, rồi gác chân ngang bụng tôi, nó thủng thẳng như một hiền triết:
– Làm quái gì có “Giá” trên đời này. tất cả đều phải chấp nhận, đều phải đánh đổi. Giá mà…
Nó dài giọng. Tôi hí hí cười nhìn nó lạ lẫm. Nó liếc xéo tôi: Không à? Chả đúng sao? Cứ ngồi đấy mà ước khác gì chàng lười ngày trước nằm dưới gốc há miệng chờ sung. Tao chẳng “Giá’ gì cả. Tất cả đều đang ở phía trước. Tất cả đều phải cố gắng…
Thế mà lần đầu tiên tôi lại nghe nó thốt thành lời cái chân lý nó đã từng dài giọng phản bác ấy: “Giá tao đừng gặp và yêu Nam. Giá Nam chưa có vợ!”. Niềm ước ao của nó đủ khiến tôi giật mình:
– Ô hay! Thế ra cái tay mày đang yêu đến cuồng điên kia lại là gã đàn ông đã có vợ hay sao?
Mai gật. Thản nhiên như mọi sự đương nhiên phải thế.
– Mày điên rồi! Thiên hạ thiếu gì người. Không lẽ dưới gầm trời này mày không tìm được một người nào khác? Không lẽ mình lão Nam là đàn ông? Tôi giận dữ. Cũng là lần đầu tiên tôi giận dữ với nó.
– Không thiếu người! Tất nhiên. Nhưng gầm trời này chỉ có một Nam, không có phiên bản thứ hai… Mai tưng tửng.
– Mày điên thật. Mày có biết mọi sự rồi sẽ rắc rối thế nào không?
– Tất nhiên rồi sẽ phức tạp, nhưng tao yêu, tao chấp nhận.
– Mày thật hết thuốc chữa – Tôi nhìn đôi mắt đang trào dâng niềm hạnh phúc của nó, buông một câu ngoài ý mình, định bụng dần dần gỡ Mai thoát ra khỏi cuộc tình rối như mớ bòng bong ấy. Nhưng tôi chưa kịp gỡ, nó đã làm tôi bị xoáy vào không sao gỡ ra được. Những lúc ngồi nghe Mai nói chuyện về Nam, tôi phải gật gù. Không phải vì cái tài ăn nói vốn sắc sảo của nó mà tôi tin bởi xưa nay Mai rất thật. Tính nó vốn rạch ròi. Chưa bao giờ điều gì không có nó lại gật đầu bảo có. Nghe nó kể về Nam, tôi chợt nghi ngờ chính mình. Tôi đã từng bất đồng ý kiến với Mai khi nó tuyên bố yêu Nam, đã từng tìm cách dứt Mai ra khỏi chuyện tình éo le ấy, vậy mà giờ đây hình như tôi đang quay ra ủng hộ nó. Tại Mai cuồng nhiệt quá? Tại tôi thương nó hay tại Nam tốt thực sự? Tôi không tìm được câu trả lời. Có lẽ tại tất cả những điều đó gộp lại.
Còn đang băn khoăn chưa biết phải làm thế nào thì Mai lại khiến tôi ngã ngửa:
– Tuần sau tao cưới chồng! Một chiều nắng nhạt, nó ào vào, ôm ngang lưng tôi xoay một vòng, thông báo vẻ thích thú.
– Mày không còn yêu Nam nữa à? Tôi tròn mắt dò xét.
– Sao không! Nó thò tay bốc miếng su hào luộc bỏ tọt vào miệng.
– Còn? Thế mà mày lấy chồng? Mà cưới ai?
– Nam! Nam chứ ai! Mai vừa xuýt xoa vì nóng, vừa nói gấp như sợ tôi không nghe thấy
– Hắn giải quyết xong chuyện gia đình rồi à?
– Không! Tao chả cần hắn giải quyết giải queo gì. Hắn vẫn là người chồng tốt. Tao với hắn chỉ cưới âm thôi.
Giời ạ! Đến nước này thì tôi bó tay thực sự. Cưới âm? Cái khái niệm ấy quả thực tôi chưa từng nghe thấy bao giờ. Mai ơi! Mày có làm sao không? Tôi âm thầm rên lên trong đầu mình như thế. Đến bao giờ tao mới có thể hiểu hết mày?
Đúng ngày cưới như Mai đã thông báo, tôi gọi điện. Nó réo rắt:
– Tao đang ở Sa Pa.
– Ơ hay, sao ngày cưới mày mày lại ở Sa Pa? Tôi ngẩn người. Nó khi khí cười:
– Thì cưới âm mà. Tao đang bận đi công tác. Mình Nam ở nhà mang lễ đến thắp hương gia tiên nhà tao thôi. Chỉ các cụ kỵ, ông bà nhà tao nhận mặt rể. Còn người đời chấp nhận hay không chẳng quan trọng…
Không lẽ tôi lại kêu trời? Từ ấy, nó coi mình là gái đã có chồng. Nam làm giám đốc của một công ty. Công việc bận bịu tối ngày. Mai vẫn chỉn chu. Một người vợ hiền thực sự!
* *
*
Vòng vo điện thoại qua rất nhiều người bạn tôi mới tìm được bệnh viện Nam nằm. Bốn bức tường trắng toát. Lạnh! Mùi cồn bốc lên nồng nặc. Nam thiêm thiếp trên giường. Phía ngoài cửa buồng bệnh, một người phụ nữ còn trẻ lơ đễnh nhìn ra xa. Thấy tôi gõ cửa, cô ta lại gần vẻ cảnh giác:
– Chị muốn gặp anh Nam?
– Vâng. Chị là… Tôi ngập ngừng
– Tôi là em vợ anh ấy – Khuôn mặt nhất là đôi mắt cô ta khá đáo để – Xin lỗi, có thể tôi hơi mất lịch sự, nhưng chị là thế nào với anh ấy?
– Tôi là bạn… Tôi tỏ vẻ khó chịu.
– Bạn? Cô ta nhắc lại, giọng đầy ngờ vực.
– Đúng! Bạn không thân cũng không sơ – Tôi khó chịu đáp lại- Nếu chị không muốn, lúc khác tôi vào thăm anh Nam cũng được…
– Không! Không, tôi xin lỗi, mời chị vào – Cô ta cuống quýt. – Anh Nam chắc cũng sắp dậy rồi. Xin lỗi chị – Cô ta nhắc lại – Tại tôi lo… Bạn… Như cái chị hôm qua thì …
– Chị hôm qua? Tôi cau mày vô tình nhắc lại câu nói của cô ta.
– Vâng. Hôm qua có một chị cũng xưng là bạn. Nhưng bạn gì mà… Cứ như vợ anh ấy không bằng. May mà gặp tôi nếu gặp phải chị gái tôi hôm qua thì có mà… Cô ta nói một thôi, giọng đáo để.
– Mơ đến đấy à? Câu hỏi của Nam cắt ngang lời cô em vợ. Tôi vừa kịp định hình những giọt nước mắt của Mai chiều qua đã phải dừng lại. Nam ngồi dựa lưng vào tường, mắt buồn buồn. Cô em vợ Nam hình như chưa muốn đứng lên. Anh thẳng thắn:
– Anh muốn nói chuyện với chị Mơ một lát. Em cứ ra ngoài, khi nào cần anh gọi.
* *
*
Giọng Nam nghèn nghẹn. Có thể đó là tiếng của người vừa qua trận ốm nhưng cũng có thể đó là những nghẹn ngào anh kìm nén suốt những ngày qua.
– Anh yêu Mai thật lòng – Nam bắt đầu. “Dường như người đàn ông nào dính vào yêu đương luẩn quẩn ngoài gia đình cũng tự bao biện cho mình bắt đầu bằng những câu như thế” Trái tim tôi bắt đầu phản ứng với những câu chuyện quan hệ kiểu này nhưng tôi vẫn gật đầu vẻ như xác nhận những điều Nam vừa đưa ra – Có thể Mơ không tin… Không phải vì vợ con anh ở xa mà anh tìm đến Mai đâu… Bọn anh tìm thấy ở nhau những gì mình còn khiếm khuyết. – Nam dừng lại một chút. Đầu óc tôi vẫn âm thầm phản đối theo cách suy nghĩ của riêng mình, rằng: tất cả những điều người đàn ông đang ngồi trước mắt tôi kia vừa thốt ra đều là dối trá, rằng: Mai cô bạn tưởng như cứng cỏi nhưng lại hết sức đáng thương của tôi đang bị dối lừa. Nhưng tâm trạng tôi vẫn không thể không hướng về phía có tiếng nói trầm trầm, đùng đục của Nam: “Mai không đòi hỏi gì ở anh. Vật chất không, vì cô ấy là người kiếm ra tiền, thậm chí rất nhiều tiền để có thể trang trải cuộc sống cho mình. Địa vị không, vì cô ấy là người yêu tự do. Mai chỉ cần duy nhất ở anh một điều: Một tình yêu đích thực”. “Tình yêu đích thực?” Dòng suy nghĩ của tôi lại lên giọng mai mỉa… “Làm gì có cái thứ tình yêu đích thực khi sống với người này lại nghĩ về người khác…” Mỉa mai thế nhưng tôi vẫn gật đầu. Nam không thể biết những gì đang diễn ra trong tâm tưởng tôi. Điều ấy thì chắc chắn rồi. Tôi chứ đâu phải Mai. Nam càng không thể biết bởi anh chưa bao giờ ngồi nói chuyện với tôi quá mười phút đồng hồ. Bởi dù tôi có là bạn thân của Mai đi nữa thì Nam vẫn ngại. Nhưng trong cái gật đầu đầy miễn cưỡng kia của tôi không phải không có sự đồng tình bởi chính tôi đã nhận thấy, từ khi yêu Nam, Mai biến đổi quá nhiều. Nó chỉn chu hơn, trưởng thành hơn. Lẽ nào đó không phải là tín hiệu đáng mừng? Tôi biết chỉ có tình yêu đích thực mới có đủ sức mạnh biến đổi con người ta như thế… Nam tiếp tục: “ Yêu Mai, anh có cảm hứng làm việc nhiều hơn, công việc của anh trôi chảy hơn rất nhiều…” Điều ấy thì chắc chắn có thể tin được vì những gì tôi đã biết về sự phát triển của công ty anh…
– Thế tại sao… Hôm qua??? Không ghìm được nữa, tôi ngắt lời Nam. Phần không muốn anh mệt, phần những gì anh định giãi bày về tình yêu của anh với Mai tôi đã được nghe nó nói quá nhiều. Hơn nữa, tôi chỉ muốn biết lý do những giọt nước mắt của Mai chiều hôm trước mà thôi.
– Anh đau bụng… Nam nhăn nhó… Cuống cuồng gọi cho Mai. Cô ấy đến đưa anh vào viện. Nhưng một người họ ngoại xa trong công ty biết anh ốm, gọi điện báo cho cô em vợ, cô ấy đến. Mai bận đi mua thuốc, tìm bác sỹ, lúc cô ấy về, anh chưa kịp giới thiệu với Mai về cô em nọ nên Mai cứ tự nhiên như không… Ai ngờ, cô em vợ anh đáo để quá, chỉ tay vào mặt Mai xỉ vả… Anh đau quá, không làm sao ngăn lại được… Mai sững người một lúc rồi bỏ đi. Từ chiều ấy tắt máy không sao liên lạc lại được nữa… Chắc Mai nghĩ, anh cố tình để em vợ sỉ nhục mình nên Mai giận… Chắc Mai nói hết với em rồi chứ? Cô ấy bây giờ thế nào hả em?
Tôi lẳng lặng nhìn Nam. Trái tim tôi dường như có chút gì đó hả hê. Hình như mình đúng. Cuối cùng cái gì phải đến đã đến. Nam không thể làm khác. Anh không dám công khai tình cảm với Mai (Cái tình yêu anh và Mai đều gọi là đích thực ấy) trước mặt người thân. Còn Mai? Tôi hiểu, nó tổn thương thật sự. Tôi thấy giận Mai. Rồi lại thấy thương Mai. Mai ơi! Đò chèo ngược dòng… Gập ghềnh lắm khúc… Rồi liệu mày có tìm được hạnh phúc? Tôi đứng lên, định chào Nam rồi về. Nhưng nhìn đôi mắt cầu khẩn, níu kéo của Nam, tôi không nỡ:
– Mai không nói gì với em… Nó im lặng từ chiều ấy. Chắc nó đang tìm cho mình một quyết định…
“Mai ơi!” Nam nghẹn ngào. Tôi hiểu, đó không phải là tiếng gọi chơi. Nhưng gọi chỉ để gọi thôi thì thà đừng gọi. Định nói với Nam điếu ấy nhưng nhìn anh gục đầu, mái tóc xoà trước mặt, tôi im lặng. Dẫu biết im lặng là đồng loã với với quyết định của hai người. Nhưng biết làm gì. Chắc chắn trên phần đời còn lại, Mai và Nam sẽ tự tìm được con đường đúng cho mình. Và biết đâu trong mắt họ, cái con đường tôi đang chọn sẽ chẳng phải là con đường mòn cũ?
Vọng về trong đầu tôi, giọng hò của những người lại ăn mạn ngược mỗi lần ngược dòng con sông quê lại réo rắt giữa đêm. Đò ngược, nước xiết, đến bến bờ thật lắm nhọc nhằn!
Trương Thị Thương Huyền
Nguồn: Rút từ Văn chương Hồn Việt, tập 1. NXB Văn học, sắp xuất bản.