Home > Contend > Văn hóa - Xã hội > Văn hóa > Rùng mình nghe chuyện người đàn ông chuyên ăn chuột bao tử

Rùng mình nghe chuyện người đàn ông chuyên ăn chuột bao tử

Những chú chuột bằng ngón tay chưa mở mắt, thân hình nhợt nhạt, đuôi yếu ớt ngoe nguẩy khiến không ít người phải tránh xa vì rờn rợn, nhưng với “dị nhân” Bùi Văn Điều (43 tuổi, bản Bất Mê, xã Thành Công, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa), đó lại là đặc sản

“Đặc sản” chuột bao tử nướng lá lốt

Tình cờ gặp anh Điều bắt chuột trên bờ ruộng, nhìn những chú chuột non tơ trong giỏ, nhiều người dễ nghĩ anh bắt cho gà ăn. Tuy nhiên, anh Điều cho biết: “Bắt về làm món ăn đấy, muốn ăn thử thì lên nhà tôi, ngon lắm”.


Theo anh Điều, khi mùa gặt lúa kết thúc cũng là lúc chuột đồng vào hang đẻ con. Một số người trong bản sẽ cầm cuốc cùng quạt, rơm rạ khô ra đồng hun khói nhằm săn chuột to, béo mầm về để chế biến món ăn. Riêng anh Điều lại rất kỳ quặc, không thích ăn những con chuột quá to, mà chỉ bắt chuột “bao tử”.
Phải có kinh nghiệm mới bắt được chuột “bao tử”. Thường thì tổ chuột nằm sâu trong hốc đất ở khắp các bờ ruộng. Vào những ngày nhàn rỗi, “dị nhân” Điều lại tranh thủ vác cuốc đi đào chuột. Đầu tiên anh sẽ lùa khói vào hang, bịt tất cả các lỗ thông khói lại, đợi khi nào chúng chết ngạt mới dùng cuốc để đào.
Tổ chuột “bao tử” hay nằm ở giữa hang, vì vậy việc bắt chúng là cực kỳ khó khăn. Ngày trung bình anh đào được 2 – 3kg, trong đó có khoảng 4-5 tổ chuột “bao tử”, mỗi tổ khoảng 6 – 15 con. Chỉ cần đào được bằng ấy là có thể làm được bữa nướng lá lốt rồi.
Anh Điều chậm rãi chia sẻ khiến người nghe sởn cả gai ốc: “Chuột “bao tử” ngon nhất là những con chưa mở mắt, da trơn, đỏ hồng, khi ăn mới béo và nhiều chất. Còn những chú chuột mọc lông lú nhú rồi thì ăn không ngon bằng”.

“Dị nhân” Bùi Văn Điều nói về cách làm món chuột “bao tử” nướng lá lốt

Trước khi đồng ruộng bị “loạn chuột”, anh Điều là người hăng hái nhất trong phong trào diệt chuột để bảo vệ mùa màng của bản. Chuột “bao tử” bắt được hàng yến tuy nhiên không ai dám ăn, có hộ phải tẩm dầu hỏa đốt. Một lần lên Hòa Bình chơi, tình cờ anh Điều được ăn chuột “bao tử” nướng lá lốt, khi về nhà anh đã làm thử món này.
Anh kể: “Mới đầu khi mang chuột “bao tử” về nhà, vợ tôi hãi, bắt phải tẩm xăng thiêu hoặc đào một cái hố để chôn xuống đất. Tôi vẫn kiên quyết giữ lại vài con nướng lá lốt, thế mà khi ăn lại thành đặc sản”. Cũng kể từ đó, nhiều người nhìn thấy anh Điều làm món này cho rằng anh là “dị nhân”.
Thậm chí các bà mế trong bản còn bảo là điên rồ… Hôm nào bắt được nhiều chuột “bao tử”, anh Điều lại gọi một vài anh em thuộc hệ “dị nhân” trong bản tới nhà cùng uống rượu và thưởng thức.
“Trong gia đình chỉ có tôi và đứa con trai 6 tuổi là ăn được món lạ này. Bà vợ và hai đứa con gái do sợ nên không một ai dám đụng đũa tới”, anh Điều cho biết. Khi anh Điều chế biến, bà vợ cùng mấy đứa con đều phải lánh mặt vì không ai dám nhìn.
Hấp dẫn nhưng bạo gan mới dám ăn
Với “dị nhân” Điều, chế biến chuột “bao tử” rất đơn giản. Chỉ cần bỏ vào chậu rửa sạch rồi đem ướp với gia vị gồm: riềng, sả, mắm muối, mì chính cùng với hạt mắc khén giã nhỏ là được. Loại hạt này là một loại cây dại thuộc họ hồi, thường mọc trên núi cao. Hạt rất giống với hạt tiêu, tuy nhiên nó không nóng như hạt tiêu và cũng không cay xè như ớt. Vì vậy đồng bào Mường ở đây rất thích dùng và nó trở thành gia vị không thể thiếu trong mỗi món ăn.
Sau khi ướp gia vị chừng 15 – 30 phút, chuột “bao tử” sẽ được đem đi cuốn lá lốt. Chúng được cuộn tròn từng con rồi kẹp vào một thanh tre, đem vào bếp than nướng.
Công đoạn nướng đòi hỏi phải kiên trì, vì thời gian tối thiểu để chuột “bao tử” trên than hoa ít nhất là một tiếng đồng hồ thì thịt mới chín thơm và giòn. Theo anh Điều, khi nướng không cần phải tưới dầu mỡ, cứ để cho chuột tự chảy mỡ mới “dậy” mùi vị đặc trưng. Khi nướng tuyệt đối không được rời bếp, nếu không lửa sẽ bén vào lá lốt, ăn mất ngon.
Anh Điều là người nướng quen, nhưng lúc nào cũng phải dùng tay lật đi lật lại những con chuột trên lớp than hồng. Lúc chuột sắp chín, lá lốt xoăn lại, từng giọt mỡ bắt đầu rơi xuống than tạo mùi rất đặc biệt. Nếu ai có thể ăn được món này một lần thì sẽ cảm nhận được vị thơm đặc trưng của hạt mắc khẻn, cộng với mùi riềng, sả.
Nướng chín, anh Điều sẽ bày những miếng chuột vào lá chuối. Vừa xếp chuột, anh Điều vừa cầm lên vài miếng mời khách ăn thử, nhưng chưa ai dám ăn. Anh Điều liền bỏ miếng thịt chuột vào miệng nhai ngấu nghiến và bảo: “Phải ăn bằng tay mới ngon”.
Ông Quách Văn Hưng- Trưởng bản Bất Mê cho biết: “Trong bản chỉ có một số người bạo gan mới ăn được món chuột “bao tử” như anh Điều. Một vài người cũng được xem là “dị nhân”, tuy nhiên, họ chỉ dám cầm đuôi mút máu con rắn đang sống chứ chuột “bao tử” lại không ăn được”.

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *