Nằm cách đất liền 320 hải lý, giữa biển trùng khơi, quanh năm ngày đêm sóng vỗ, ai ngờ cái dải đất dài 392m, rộng 115m trên một nền san hô ngập nước với diện tích nổi và thềm san hô chưa đầy 1 cây số vuông ấy lại có một mái trường. Đó là trường Tiểu học xã Sinh Tồn thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
Cũng hai tầng nhà mái bằng xây khang trang với 7 phòng chuyên môn, trong đó có 3 phòng học, một phòng thiết bị giáo cụ trực quan, phòng hội đồng. Cũng chiếc trống cái to tướng để báo hiệu giờ vào học, ra chơi. Sân trường cũng bóng cây tỏa mát với rất nhiều cầu trượt, xích đu, bập bênh, ngựa gỗ… phong phú rực rỡ như một vườn trẻ. Và nổi bật trong vòm lá phong ba là hàng chữ : “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Nhưng trường Tiểu học Sinh Tồn không giống bất kỳ trường tiểu học nào trong bờ. Bởi trường đây chỉ có 4 học trò toàn nam và 2 giáo viên cũng toàn nam. Học trò chỉ có 4 mà lại học 3 lớp. Gồm: 1 em học lớp 3; 1 em học lớp 1. Và 2 em lớp mẫu giáo lớn. Khác nữa là trường ở đây gọi là tiểu học nhưng bao gồm cả cấp học mầm non. Và một điểm khác rất ấn tượng. Ấy là, thầy vừa là cô giáo mầm non vừa là thầy giáo tiểu học. Nghĩa là vừa biết chăm em bé ăn, uống, ị đái, vừa biết kể chuyện, múa hát dỗ dành. Vừa là phụ trách đội lại vừa là thầy dạy đọc dạy viết và cộng trừ nhân chia thành thạo cho trò lớn. Thế nên thầy phải toàn năng, toàn diện. Thầy như mẹ, như bố, như bạn, như anh và như cả chú bộ đội với các em.
Bốn học trò – bốn công dân của đảo với hai thầy giáo trẻ là chủ nhân của ngôi trường xinh đẹp ấy. Buổi sáng đón khách lên thăm đảo, trời tuy sớm nhưng nắng đã chói chang thiêu đốt trên đầu. Sân xi măng bỏng rãy. Vậy mà trong lễ chào cờ của cán bộ chiến sĩ, sáu thầy trò cũng có mặt đứng nghiêm trang, chỉnh tề bên cạnh hàng quân. Sáu thầy trò cùng hát quốc ca với bộ đội mắt hướng lên lá cờ Tổ quốc tung bay sao vàng trên đỉnh cột mốc chủ quyền đảo Sinh Tồn. Tôi lắng nghe từ miệng các trò nhỏ đứng bên thầy, lời bài quốc ca vang lên rành rọt: Đoàn quân Việt Nam đi, trung lòng cứu quốc… mà lòng se sắt. Có gì thiêng liêng, hệ trọng lắm ở nơi đây. Nhưng cũng có gì đó thật an nhiên bình thản. Như cây phong ba sống chung với gió bão. Như tre già măng mọc. Nhìn các em đứng nghiêm bên đội ngũ những người lính hải quân, tôi lại xúc động nhớ bài thơ Tre Việt Nam của một nhà thơ nổi tiếng trong đó có câu: Thương nhau tre không ở riêng/ Lũy thành từ đó mà nên hỡi người…Làm sao không xúc động khi trên cái dải đất hẹp hòi nhô lên giữa biển khơi kia, ngàn đời ông cha đã gìn giữ bằng máu xương, giờ lại tiếp tục các thế hệ con cháu đứng bên nhau với tinh thần giữ đảo như giữ nhà. Trong màu xanh bao la của biển cả, có màu xanh thẫm tươi của đảo. Trong màu xanh bên nhau hàng hàng của áo lính thủy có màu đỏ thắm của duy nhất một chấm khăn quàng. Chấm khăn quàng đó của đội viên Nguyễn Trần Anh Luân lớp 3- trường tiểu học Sinh Tồn.
Trẻ con trên đảo có khoảng chục đứa. Nhưng cháu nào cũng rắn rỏi săn chắc. Bởi gió biển, nắng trời phú cho nước da màu sô cô la pha sữa ngay từ lúc sinh ra. Khi những bước chân chạy nhảy và những cánh tay vung văng, những cái miệng xinh như nụ hồng cất lên bài đồng dao thì chúng tôi – những người khách thăm đảo đều tròn mắt ngạc nhiên và thú vị: Nu na nu nống/ đánh trống phất cờ/ biển cả sa mờ/ có hai quần đảo/ Hoàng Sa, Trường Sa/ Yêu mến thiết tha/ Trong lòng đất Việt/ Ai ai cũng biết/ Nu nống nu na… Ôi cái chất đồng dao. Nó ngắn gọn, dân dã, hồn nhiên mà sao đi vào lòng người vậy. Các cháu vừa hát xong, đến lần thứ hai thì tất cả chúng tôi đều thuộc và vỗ tay hát cùng được. Đang vui thì thầy gọi: Các em ơi vào lớp! Thế là 8 cái chân sáo nhanh nhẹn theo thầy. Tưởng 4 trò vào 3 phòng học. Nhưng không, 4 trò chỉ có một thầy dạy. Vậy nên các em ùa cả vào một phòng học ở tầng 1 ngay gần cầu thang và nhìn ra sân có cây phong ba tỏa bóng.
Nào, lớp nào về lớp ấy!
Lời hô của thầy trong một phòng học làm khách ngạc nhiên nhưng bọn trẻ thì bình thản bởi chúng đã quá quen thuộc với lời hô ấy. Bởi từ khi khai giảng đến giờ, tất cả học sinh đều học chung trong cái phòng này. Phòng học cũng có bảng viết, bục giảng và bàn ghế để thầy giảng dạy. Nhưng bàn ghế học sinh thì chia làm 3 phần như chữ U lộn ngược và vuông góc. Học sinh lớp 3 ngồi đối diện trước bảng. Học sinh lớp 1 ngồi cạnh bên phải. Hai học sinh mẫu giáo lớn ngồi cạnh bên trái. Giờ học bắt đầu trong cái lớp ghép ấy.
Thầy Nguyễn Ngọc Hạ quê Khánh Hòa – Nha Trang sinh năm 1990- rất trẻ. Thầy xung phong ra đảo lâu rồi. Sáng nay thầy đứng lớp. Còn thầy Lê Anh Đức sẽ dạy ca chiều. Các thầy thay nhau thế bởi ngoài việc lên lớp dạy học, các thầy còn chuẩn bị ăn cho 2 em mẫu giáo, phải quét dọn vệ sinh trường, phải trồng rau tự túc, nấu cơm ăn và rất nhiều việc khác. Thầy Đức sinh năm 1988… Sau khi nhắc các em mở sách học bài, thầy bắt đầu dạy từng lớp. Hai em lớp mẫu giáo lớn tập tô chữ. Em Võ Trung Tín – lớp 1 làm bài tập toán. Còn Nguyễn Trần Anh Luân lớp 3 nghe thầy đọc và viết chính tả bài Thì thầm của nhà thơ Phùng Ngọc Hùng. Tôi xem sách và vở viết của các em, tất cả bài học đều đúng chương trình chuẩn của Bộ Giáo dục. Còn các em, viết chữ rất đẹp, rất chuẩn. Vở viết hầu hết là điểm giỏi. Tất nhiên rồi. Sao lại không giỏi khi một thầy dạy một trò – cái “chế độ gia sư” ấy ở trong bờ chỉ những nhà thật có điều kiện mới mơ tới. Nhưng đổi lại, ở đây các em thiệt thòi nhiều quá. Làm gì được sống trong một tập thể lớp ồn ào, huyên náo tiếng nô đùa? Làm sao có không khí ngày khai giảng đông vui của hàng trăm bạn bè và rất nhiều thầy cô giáo? Làm sao có được những buổi cắm trại hay đi dã ngoại lý thú? Cả tuổi thơ không hề được đi chơi công viên để thấy công viên hấp dẫn như một khu rừng cổ tích? Không thể có một đêm lửa trại bao bạn bè hòa vang tiếng hát ca. Sách giáo khoa các em học về suối, về rừng, về núi về sông, về ô tô, tàu hỏa… Bao giờ cho em thấy được? Đúng thế. Các em sinh ra ở đảo, lớn lên ở đảo mà đảo thì nhỏ như một bàn tay. Đảo không cần đến ô tô, xe đạp, xe máy… và đảo cũng không có đèn xanh đèn đỏ ngã tư, càng không có chú cảnh sát giao thông. Vậy thì học Luật giao thông sẽ hình dung thế nào? Ôi các em. Đành rằng học hết lớp 5, khi các em 11 tuổi sẽ phải vào bờ để học tiếp lớp 6 Phổ thông cơ sở nhưng suốt tuổi nhi đồng các em không được hòa mình trong cộng đồng trang lứa. Vào bờ các em có tiến kịp các bạn không? Có hòa nhập được không? Có mặc cảm, tự ti không? Có xa lạ với đồng tiền không? Bởi ở đảo không ai dùng tiền, không có chợ bán mua gì cả. Tất cả là cuộc sống tự cung tự cấp. Ngay cả 2 thầy giáo trẻ của các em: Lương Phòng Giáo dục huyện Trường Sa trả cho mỗi tháng 10 triệu đồng nhưng để nguyên trong tài khoản bởi ở ngoài đảo, gạo, mắm muối dầu được cấp. Còn các nguồn thực phẩm chính thì các thầy và các gia đình dân phải tự túc như trồng rau, nuôi gà lợn, đánh cá. Khi được hỏi: Có gì khó khăn cần đề xuất, thầy Đức trả lời: “Ở đây, giáo viên và nhà trường rất được quan tâm. Giáo viên không chỉ hưởng chế độ đặc biệt như bộ đội mà còn được biên chế luôn vào ngành. Sau 5 năm công tác ở đảo sẽ được chuyển vào bờ giảng dạy. Nhà trường được xây khang trang, có đầy đủ cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ cho giảng dạy do Quỹ học bổng Vừ A Dính, báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh và Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh tặng theo Chương trình Vì học sinh Trường Sa thân yêu. Nếu có khó khăn có lẽ là việc cập nhật thông tin xã hội ít và không kịp thời”. Thầy Đức không nói thêm, nhưng tôi hình dung ra còn nhiều những khó khăn khác. Mùa gió mưa, dông bão mối năm kéo dài 7 – 8 tháng trời. Những lúc đó tàu không ra luôn được để tiếp tế vật chất và thông tin tình hình. Ngày đêm tiếng sóng đập bờ ồn ã, tiếng gió thét gào. Biển trời mênh mông thăm thẳm một màu xanh vô tận. Đảo chỉ những người lính với những người lính. Trường chỉ thầy và trò heo hút với nhau. Mấy tháng trời không nhìn thấy bóng người trong bờ ra thăm. Lời hát của 4 học trò trong một lớp dù có vang lên hết cỡ cũng không át được tiếng sóng biển dội vào. Nghĩ mà thương lắm.
Biết rằng Sinh Tồn không có nước ngọt. Đất trên đảo là cát san hô nên không thể trồng cây ăn quả và rau xanh. Nhưng những cây mọc được với nước mặn, với cát san hô và chịu được gió bão thì lại xanh tươi đến lạ lùng. Có phải vì thế mà chúng mang tên phong ba, bão táp? Có phải vì thế mà chúng lạ kỳ đặc biệt: Bàng thì vuông, rau muống biển thì chát đắng. Còn những cây cũng có trong đất liền như phi lao, hoa giấy, phượng vĩ… chắc phải từ đất liền đưa ra và phải trải qua bao năm tháng chống chọi với nắng trời bão biển để rồi được sàng lọc và tồn tại đến hôm nay. Nó cũng hiên ngang xanh tốt giữa Sinh Tồn như bao cây trên đảo. Và bỗng nhiên đứng dưới vòm cây mát bên mái trường Tiểu học lòng tôi âm thầm cất lên tiếng hát: “Khi nghĩ về một đời người tôi thường nhớ về rừng cây/ Khi nghĩ về rừng cây, tôi thường nhớ về nhiều người…” và tôi sẽ còn nhớ mãi mái trường trên đảo Sinh Tồn – Hòn đảo tiền tiêu, hòn đảo đối mặt với đảo Gạc Ma nơi quân giặc đã cướp, chỉ cách nhau hơn 20 km.
(Nguồn: Văn nghệ số 23/2014)