Đến biển Trường Sa, tôi lại nghĩ đến những hòn đảo chìm mà mỗi cá thể của chúng lúc nào như cũng muốn trồi lên thành cột mốc chủ quyền. Mỗi cột mốc chủ quyền mang hình dáng một ngọn nến lớn mà ngọn lửa của nó chính là lá cờ đỏ sao vàng.
Ở biển đảo này, cột mốc chủ quyền là tất cả. Và còn gì có thể thiêng liêng hơn cột mốc chủ quyền? Trường Sa, ấy là nơi không chỉ là tận cùng Tổ quốc, mà ấy còn là nơi Tổ quốc đến tận cùng.
1. Có một sự ngẫu nhiên đã xảy ra. Vào dịp 30 tháng tư và mùng 7 tháng 5 năm nay, tôi nhập vào lòng biển cả và đi Trường Sa.
Cũng vào những ngày này, sau khi miền Nam (phần đất liền) hoàn toàn giải phóng không lâu, bất ngờ đơn vị tôi (D2012 thuộc E1 Quân khu 9) nhận được lệnh “báo động chiến đấu”. Chúng tôi cấp tốc đã lên máy bay vận tải C130 bay từ sân bay Trà Nóc (Cần Thơ) ra Phú Quốc, rồi từ Phú Quốc ra đảo chiến đấu, giải phóng nốt phần lãnh hải còn lại của Tổ quốc.
Lần đầu tiên, tôi biết cảm giác thế nào là “bay” và cũng lần đầu tiên, tôi biết cảm giác thế nào là “say sóng”.
Chỉ có khác, ngày ấy tôi là lính chiến, đi tàu quân sự, còn bây giờ là người đi thăm biển đảo, đi tàu dân sự. Chỉ có khác, ngày ấy tôi là người lính, còn bây giờ là nhà văn, nhà báo. Chỉ có khác, ngày ấy tôi mới U20, còn bây giờ đã U60.
Ngày ấy, chúng tôi đã lên đảo đào công sự, dựng lán trại sơ sài, ăn uống kham khổ, luôn chắc tay súng, sẵn sàng chiến đấu và hầu như suốt ngày đêm nghe ầm ào sóng gió.
Đêm đầu tiên, chúng tôi không tài nào ngủ nổi vì sống ở một môi trường hoàn toàn khác lạ. Chỉ ở đây, tôi mới hiểu nỗi cô đơn lớn lao của những người giữ đảo. Đơn giản vì họ không chỉ xa nhà, mà còn xa dân, xa đất liền nữa. Do vậy, không phải tự nhiên mà có người đã viết những câu thơ tình thật khác biệt: “Anh nhớ em/ Như người lính hải quân có nỗi nhớ đất liền”.
Mới đấy mà đã 39 năm!
Đến với Trường Sa lần này, đồng hành với chúng tôi còn những người khác ở những trường hợp khác biệt. Họ không chỉ mang cả tấm lòng ra Trường Sa và còn đến với Trường Sa với một ý nghĩa khác. Đó là anh Trần Văn Quang (Vĩnh Tường – Vĩnh Phúc) – người từng là chiến binh của một con tàu không số trên đường Hồ Chí Minh trên biển trong chiến tranh. Đó là chị Nguyễn Thu Hương (Hải Phòng) có chồng là thủy thủ, từng là người trong cuộc của chuyến tàu đầu tiên mang hàng ra Trường Sa vào những năm 80. Đó là ca sĩ Đặng Hiếu – người có đến 3 lần cùng Đội văn công xung kích Hải Đăng (Khánh Hòa) ra Trường Sa…
Người đầu tiên chúng tôi có dịp trò chuyện thật cới mở là anh Nguyễn Viết Thuân – Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa. Tôi hỏi: “Ở nơi ấy, chắc vẫn bình yên?”. Anh Thuân trả lời chắc nịch: “Vẫn có không bình yên tiềm ẩn trong bình yên và không bình yên giấu mặt trong bình yên”. Anh Thuân nói thêm: “Vậy là từ hôm nay, chúng ta chung một mái nhà, chúng một ngày sinh trong hành trình mang tên gọi Trường Sa. Ngày sinh của chúng ta là 28 – 4 – 2014 (ngày tàu khởi hành), mái nhà của chúng ta là con tàu 996 (số hiệu con tàu).
Những chuyến tàu đến với Trường Sa
2. Ở những đảo nổi, đảo chìm: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Cô Lin, Đá Nam, Đá Thị… về cơ bản, Đoàn công tác số 8 đều tiến hành những công việc giống nhau. Đó là tham gia lễ chào cờ, duyệt đội ngũ, nghe báo cáo, thâm nhập thực tế, tặng quà và cùng hòa mình vào các cuộc giao lưu văn nghệ. Nhưng ở mỗi nơi, vẫn có sự khác nhau. Ấy là ấn tượng và cảm xúc.
Ở đảo Sơn Ca, tôi đã tiếp xúc với Chính trị viên Bùi Xuân Lệ. Anh Lệ cho biết: “Tôi nhập ngũ từ năm 1983, đã đóng quân ở nhiều đảo. Hiện cả hai cha con tôi đều là lính đảo. Tôi là con thứ 6 trong gia đình. Vì bố mẹ tôi mong có con gái nên trước khi sinh tôi đã đặt tên tôi rất con gái là “Xuân Lệ”. Ngày tôi nhập ngũ là ngày vợ tôi mới sinh con được hai tháng rưỡi”.
Qua những người đồng đội của Bùi Xuân Lệ, tôi còn biết thêm: Ngày mẹ mất, anh không về nhà được. Ngày con dâu sinh con, con trai anh, cũng không về nhà được. Bản thân anh cũng không muốn đưa vợ ra đảo, vì muốn vợ mình ở nhà chăm sóc mẹ già cho tròn đạo hiếu.
Ở Trường Sa, những người luôn hy sinh cái riêng vì cái chung ngay ở thời bình như Chính trị viên Bùi Xuân Lệ, không phải là trường hợp quá hiếm hoi.
Qua anh Lệ, chúng tôi được biết ở đảo Sơn Ca còn có một công viên xinh xắn, có diện tích cả trăm m2 mang tên Võ Nguyên Giáp. Chiến sĩ ta đã bỏ ra 103 ngày công tạo dựng công viên này và kịp hoàn thành vào tháng 1 năm 2014 kịp đón xuân Giáp Ngọ. Ban đầu, Công viên có 20 loại cây. Sau bổ sung thêm loại cây thứ hai mươi mốt là cây kim giao mang ra từ vườn nhà Đại tướng. Đầu năm mới 2014, từ công viên này, đảo Sơn Ca có tới 5000 bông hoa kịp nở đón giao thừa.
Chuyện chuyển tượng từ bờ biển vào chùa ở đảo Sơn Ca, cũng làm chúng tôi chú ý. Chỉ có phương pháp thủ công, chỉ có sức lính, công lính mà cả một khối tượng lớn (bé thì nặng vài tạ, lớn thì nặng đến gần 3 tấn) đã được đưa vào chùa và được đặt lên bệ thờ một cách chuẩn xác, đúng tiến độ. Nhiều khi trong“cái khó” thường “ló cái khôn”, là vậy!
Cũng ở đảo Sơn Ca, khi chúng tôi hỏi một chiến sĩ rằng “Quê ở đâu?” Bất ngờ, chúng tôi nhận được câu trả lời: “Đừng hỏi chúng tôi quê ở đâu”. Từ trả lời này, tôi đã khởi đầu được một tứ thơ: “Đừng hỏi chúng tôi quê ở đâu/ Đừng hỏi chúng tôi từ đâu đến/ Chúng tôi một phần máu thịt Trường Sa” trong bài thơ “Lời người lính ở đảo Sơn Ca”.
Cũng như nhiều hòn đảo khác, đã 4 tháng rồi, Sơn Ca không có mưa. Đương nhiên, nguồn nước ngọt dự trữ ngày một khan hiếm. Trong khi chưa phải dùng đến giải pháp cuối cùng là mang nước ngọt từ đất liền ra, người lính phải “ăn dè” nước từng ngày. Mỗi người mỗi ngày chỉ được cấp phát từ 3 – 5 lít nước để ăn, uống và sinh hoạt.
Hãy thử hình dung nếu chúng ta rơi vào tình thế như vậy và sẽ làm gì với một lượng nước ít ỏi đến vậy? Viết đến đây, tự dưng tôi lại muốn đọc lại mấy câu thơ nhân bản của nữ sĩ người Ba Lan Dzymborska (Giải thưởng Nobel văn học 1996). Sinh thời, bà đã viết:
Xin lỗi cái cây
Người ta chặt mày đi chỉ vì bốn cái chân giường
Xin lỗi những người dân châu Phi sống thiếu nước
Mà tôi lại sử dụng nước một cách bừa bãi
Xin lỗi một người không quen biết vừa mới mất
Mà tôi lại mua hoa mang về nhà…
Còn ở đảo Sinh Tồn, khi vào chùa, chúng tôi đọc được một câu thơ của Hiền Mặc Chất: “Biển mặn rồi xin máu đừng rơi nữa”. Tôi hiểu đây là một là một thông điệp, một lời cầu nguyện hòa bình và chống chiến tranh.
3. Ngày chúng tôi lên đảo Cô Lin thì tận mắt nhìn thấy tàu chiến của Trung Quốc từ phía Gạc Ma (đảo bị Trung Quốc xâm chiếm của ta từ năm 1988). Đã có 64 chiến sĩ công binh của ta, trong tay không có vũ khí, bị Trung Quốc dùng súng lớn sát hại. Trước khi hy sinh oanh liệt, những người lính đã giữ khí phách bằng cách quấn lá cờ Tổ quốc quanh mình. Những lá cờ Tổ quốc thêm một lần nữa thấm máu của những người giữ đảo, giữ biển.
Nỗi căm giận của chúng tôi bất chợt trào dâng khi hai tàu chiến của Trung Quốc bất ngờ đổi hướng, chĩa súng vào đảo Cô Lin. Rồi tự sâu thẳm, tự thân tôi thốt lên: “Những Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn/ Những Đá Nam, Đá Thị, Bàn Than, Cô Lin và cả Gạc Ma/ Sáu mươi tư người lính ngã xuống/ Hai sáu năm rồi không nhắm mắt/ Hai sáu năm rồi/ Máu chảy giữa lòng ta…”
Ngang qua Gạc Ma, Đoàn công tác số 8 đã làm lễ tưởng niệm những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì biển đảo. Chúng tôi đã làm lễ dâng hương, bái vọng và thả những bông hoa cúc xuống biển. Đã có nhiều người không cầm được nước mắt.
Ngày chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình ngang qua Vũng Tàu thì hay tin: Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 nằm sâu trong thềm lục đại và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đi cùng với giàn khoan này là những tàu vũ trang, tàu quân sự, máy bay… Đó là một hành động mang tính chất gây hấn và xâm lược.
Vậy là tinh thần quyết gìn giữ biển đảo quê hương nói riêng và tinh thần yêu nước của người Việt Nam lại thêm một lần thử thách!
Giở “Sổ tay công tác Trường Sa” do Quân chủng Hải quân cung cấp, tôi đọc được những dòng này: “Biển, đảo nước ta là không gian chiến lược đặc biết quan trọng với quốc phòng – an ninh của đất nước, hình thành nên tuyến phong thủ nhiều tầng, nhiều lớp, những điểm tựa, pháo đài, trạm gác tiền tiêu, đồng thời là là lá chắn vững chắc từ hướng biển, tạo thế liên hoàn biển – đảo – bờ trong thế trận phòng thủ khu vự. Lịch sử cho thấy: Trong 14 cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù đối với nước ta, thì có 10 cuộc bắt đầu từ hướng biển. Ngày nay, biển Đông cùng các đảo vẫn còn diễn ra các tranh chấp phức tạp, nơi tiềm ẩn những bất trắc khó lường, đang là thách thức đe dọa đến chủ quyền lãnh thổ, an ninh của nước ta trên biển và từ hướng biển”.
Từ đó, chúng tôi càng hiểu thêm vai trò, vị trí quan trọng của những người ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc. Và cả cái giá phải trả. Đương nhiên, cái giá phải trả ở đây là xương máu của bao thế hệ người Việt Nam.
Những bông cúc tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc
4. Hết suối là sông. Hết sông là biển. Vậy thì hết biển là gì? Và bao giờ thì hết biển? Đơn giản vì nước (cội ngồn của biển) bao giờ cũng liên thông, bao giờ cũng gặp gỡ nhau ở bất cứ đâu ở nơi thấp nhất, sâu nhất. Chúng luôn lắng về nhau trong nỗi tràn đầy.
Có lẽ trong bất kỳ một chuyến ra khơi nào, sự cao xa cuối cùng nào cũng là biển, là trời, mà gần gũi đương nhiên vẫn là sóng và xa với đương nhiên vẫn là mây. Vẫn là từ đây đến đó, từ đó đến đây, gần rồi xa, xa rồi gần…
Đó là cảm giác nói chung của người đi biển.
Nhưng đến biển Trường Sa, tôi lại nghĩ đến những hòn đảo chìm mà mỗi cá thể của chúng lúc nào như cũng muốn trồi lên thành cột mốc chủ quyền. Mỗi cột mốc chủ quyền mang hình dáng một ngọn nến lớn mà ngọn lửa của nó chính là lá cờ đỏ sao vàng.
Ở biển đảo này, cột mốc chủ quyền là tất cả. Và còn gì có thể thiêng liêng hơn cột mốc chủ quyền?
Tôi nghĩ đến từng hạt cát, từng viên đá, từng cái cây, từng ngọn cỏ, từng ngọn gió, từng con sóng, từng doi cát… lúc nào như cũng muốn cháy lên, muốn được chia ra để nhân lên và hóa thân thành vô số, vô vàn Tổ quốc.
Trong cái không gian rộng lớn ấy, con người đương nhiên phải “một trở thành vô số” và “vô số lại trở thành một”. Hay nói một cách khác: “Tất cả là một và có khi một phải bao hàm tất cả”.
Còn những người gắn trách nhiệm, số phận mình với Trường Sa, chính là những người lính chiến giữa thời bình. Với họ, một người sẽ trở thành nhiều người, nhiều người sẽ trở thành từng người trong cây súng luôn hướng về phía trước.
Ra Trường Sa, tôi cứ bị ám ảnh mãi bởi những ngọn hải đăng.
Những ngọn hải đăng mang dáng dấp một cái nhìn, luôn mở to trong đêm và đăm đắm sáng ở vùng mắt bão.
Trường Sa, ấy là nơi không chỉ là tận cùng Tổ quốc, mà ấy còn là nơi Tổ quốc đến tận cùng.
Đặng Huy Giang