Home > Contend > Trang văn > Tùy bút > Hoàng Sa những ngày nóng bỏng

Hoàng Sa những ngày nóng bỏng

Hoàng Sa – vùng biển và hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc mà ngàn đời nay cha ông chúng ta đã thực thi mọi chủ quyền cả pháp lý lẫn thực tế hiện diện, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (năm 1982) ghi nhận,

và cũng được chính những nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc đặt bút ký và cam kết tại Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông… những ngày qua đang thực sự “nóng bỏng”! Tôi cùng với một số phóng viên báo chí trong nước và quốc tế may mắn có mặt tại điểm nóng chưa vang tiếng súng này…

Tàu Trung Quốc đâm thẳng vào tàu Việt Nam
Ảnh: Trần Thanh Tường

Vượt trùng khơi

Trước khi lên tàu cưỡi sóng ra với Hoàng Sa, nơi gần hai tháng qua Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và huy động hàng trăm tàu các loại có trang bị vũ trang và hàng chục máy bay quân sự để canh chừng, chúng tôi được Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương, Chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam khuyến cáo: “Các phóng viên phải sẵn sàng chuẩn bị tốt nhất về tinh thần cho chính mình. Vì thực tế, chúng ta sẽ đến một nơi có quá nhiều thiếu thốn, gian khổ, khó khăn và cả hiểm nguy luôn trực chờ”. Tôi nhìn quanh thấy đa phần ai cũng hồi hộp và xen lẫn sự lo âu trên từng nét mặt. Nhưng, chắc chắn trong lòng ai cũng thể hiện sự quyết tâm, sự lăn xả và có cả sự tự hào vì được cùng các lực lượng thực thi pháp luật có mặt nơi đầu sóng ngọn gió!

Con tàu CSB 2013 rúc lên mấy hồi còi rồi lặng lẽ rời cảng Sông Thu (Đà Nẵng) trong đêm tối mịt mùng. Tôi và phóng viên Quang Huy (báo Tuổi trẻ) mặc áo phao rồi xin phép thủy thủ cho lên boong để ngắm nhìn TP. Đà Nẵng nhộn nhịp đèn hoa lùi dần về phía sau. Quang Huy bảo: “Anh em mình bước lên tàu là thủy thủ. Ra thực địa Hoàng Sa là chiến sĩ, sẽ quyết tâm và đồng lòng tuyên truyền tốt nhất về chủ quyền biển đảo quê hương, đặc biệt là làm sao để “nhổ được cái gai” Hải Dương 981 càng sớm càng tốt … “Tôi cười đồng ý và hỏi nhỏ: “Này, Huy có bị say sóng không đấy?”. Huy bảo, anh yên tâm, nhưng tôi vẫn thấy nét mặt có chút trùng xuống. Dễ hiểu thôi, vì ai biết trước những ngày tới và hành trình phía trước thế nào? Nhất là lại nghe Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương bảo: “Đi biển mà bị say sóng sẽ chẳng làm được gì và chỉ mong nhanh chóng lên bờ”. Mà ở Hoàng Sa, muốn vào bờ ngay được thì chỉ có nước biến mình thành… lực lượng siêu nhiên biến hóa thần thông? Nhưng quan trọng là, nếu ra tới Hoàng Sa mà nằm im một chỗ thì còn nói làm gì.

Tôi đã từng đi tàu biển nhiều lần, kể cả có lần gần chục ngày đi điều tra về than lậu ở vùng biển Quảng Ninh qua cửa khẩu trên biển Vạn Gia rồi sang cảng Phòng Thành (Quảng Tây, Trung Quốc) nên có thể tự tin về chuyện khả năng say sóng hay không? Nhưng trên chuyến tàu CSB 2013 này, tôi mới thấm thía câu nói hồi chiều của nhà báo Nguyễn Như Phong, Tổng Biên tập báo Năng Lượng mới về khái niệm “đè sóng” hay “leo sóng” mà đi. Và cũng ra Hoàng Sa mới thấm thía thế nào được gọi là trùng khơi lớp sóng. Vì thực tế, sóng ở Hoàng Sa (chưa phải những ngày biển động) cũng đã đạt đẳng cấp cỡ “các cụ” của những con sóng ven bờ. Và người ta cứ gọi “sóng bạc đầu” là cam go cho tàu thuyền trên biển, nhưng theo các chiến sĩ cảnh sát biển ngoài Hoàng Sa thì sợ nhất là “sóng dềnh” chứ sóng “bạc đầu” thì có nhằm nhò gì! Rất may, đoàn phóng viên chúng tôi trong những ngày tác nghiệp ở Hoàng Sa, không ai bị ảnh hưởng quá ghê gớm về chuyện say sóng.

Chỉ có điều, ở cái vùng biển của miền Trung này, ngoài sóng to gió cả còn nắng nóng như thiêu như đốt. Nên cả lực lượng thực thi pháp luật trên biển lẫn cánh nhà báo chúng tôi ai cũng bị đen cháy như củ tam thất, tóc tai sém nắng đỏ hoe như cái thời thơ ấu đi chăn trâu, thả diều.

Mắt thấy, tai nghe

Sau hải trình khoảng 20 giờ “đè sóng” mà đi, chúng tôi đã tới được vùng biển Hoàng Sa. Và, đập ngay vào mắt chúng tôi là những thực tế về sự ngang ngược, trâng tráo của “cái gai” đỏ rực (giàn khoan Hải Dương 981) đang “băm nát” mọi niềm tin, sự kỳ vọng về một đất nước Trung Hoa luôn miệng rêu rao “trỗi dậy trong hòa bình”. Hàng trăm tàu lớn có cả tàu hộ vệ tên lửa, tàu sân bay, tàu đầu kéo quân sự, hải cảnh, hải giám, hải tuần, tàu cá “ngụy trang” cùng hàng chục máy bay gầm rú trên bầu trời, xung quanh giàn khoan và cả những phạm vi khác đang sẵn sàng “ăn tươi nuốt sống” mấy chục chiếc tàu làm nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ và khẳng định chủ quyền, hỗ trợ ngư dân đánh bắt nơi ngư trường truyền thống ngàn đời nay của Việt Nam.

Nguyễn Anh Tuấn, phóng viên báo Lao Động hỏi tôi: “Ra đến đây mới thấy rõ dã tâm xâm lược và sự dối trá thô thiển của Trung Quốc, anh nhỉ?”. Tôi bảo: “Chắc chắn Trung Quốc đang hành động sai trái, vi phạm pháp luật của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, xâm phạm vào vùng lãnh hải của nước ta, không được dư luận thế giới ủng hộ nên họ mới phải dùng nhiều phương tiện vũ trang có mang theo vũ khí để bảo vệ giàn khoan này. Nếu là vùng biển thuộc chủ quyền của họ thì việc gì phải canh gác cẩn mật, họ cứ làm, ai dám đụng đến?”. Còn phóng viên Takeshi Mine đến từ hãng truyền hình Fuji Television Network, INC (Nhật Bản) nói với các phóng viên Việt Nam rằng, ngay từ đầu anh đã nhận thấy sự căng thẳng ở Hoàng Sa. Trong khi lực lượng chức năng Việt Nam đang thực hiện quyền chấp pháp chính nghĩa của mình để yêu cầu phía Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 cũng như toàn bộ tàu hộ tống ra khỏi thềm lục địa Việt Nam, thì ngược lại Trung Quốc huy động hàng trăm tàu chiến, tàu hải giám, tàu hộ vệ tên lửa… luôn sẵn sàng nghênh chiến bất chấp các quy định của luật pháp quốc tế. “Trung Quốc nên dừng lại hành động rất nguy hiểm này. Dư luận trên thế giới đang lên án, phản ứng mạnh mẽ trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển của Việt Nam. Việt Nam đã khẳng định lập trường rất rõ ràng về vấn đề này, lập trường đó nhận được sự ủng hộ của nhiều nước, cũng như dư luận trên thế giới. Tôi sẽ phản ánh khách quan về việc Trung Quốc đưa các tàu quân sự ra bao vây bảo vệ giàn khoan đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam. Người dân Nhật Bản cũng giống như người dân Việt Nam, chúng tôi nghĩ rằng không nên giải quyết vấn đề bằng vũ lực mà cần giải quyết mọi việc bằng biện pháp hòa bình”, Tekeshi Mine nói.

Một chiếc tàu của lực lượng kiểm ngư mang số hiệu KN 951 đang bị 4 tàu hải cảnh và đầu kéo quân sự vây đuổi, chèn ép, cố tình đâm va và phun vòi rồng vào ca bin. Trên mỗi tàu này, có 2 tháp pháo (loại 25 ly và 14 ly) đã tháo bạt che, nòng pháo quay qua quay lại hướng về tàu chấp pháp của ta, nửa như trêu ngươi, nửa như sẵn sàng nhả đạn… Các phóng viên nhanh chóng tìm cho mình những góc quay phim, chụp hình phù hợp.

Các nhà báo tác nghiệp tại Hoàng Sa
Ảnh: Trần Thanh Tường

Ở nơi không có khái niệm đêm, ngày

Tôi cùng 3 phóng viên khác là Hữu Khá (báo Tuổi trẻ), Đức Trường (báo Hà Nội mới) và Trần Quang Huy (báo Đời sống và Pháp luật) được biên chế về tàu CSB 2015. Đây là một chiếc tàu nhỏ có tải trọng 250 tấn với tuổi thọ hơn 35 năm, do Hàn Quốc sản xuất. Vì đã thuộc hàng “lên lão” so với các tàu khác của ta ngoài Hoàng Sa, nên nó thực sự mỏng manh. Tuy nhiên, gần chục ngày ăn cùng, ở cùng và thực thi nhiệm vụ cùng với tàu 2015, tôi thấy nó thật tuyệt vời. Bỏ qua mọi thiếu thốn, khó khăn như 3 ngày mới được tắm một lần, mỗi lần tắm khoảng 3 lít nước ngọt (các chiến sĩ trên tàu 2015 còn lấy ca hứng nước thải của điều hòa nhiệt độ, mỗi ngày đêm cũng được … vài lít để đánh răng); hoặc bảng lịch trực tàu ghi rõ dòng ghi chú: “Các đồng chí trực đêm, kể cả phóng viên được ăn mỳ tôm nhưng cấm ăn rau xanh” … thì tàu 2015 lại là một trong những con tàu cơ động linh hoạt nhất (có lẽ vì nhỏ) và giúp chúng tôi nhiều lần tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981 gần nhất, thực hiện việc tác nghiệp trên biển ở nơi nóng nhất được hữu dụng nhất. Vì thế, tôi cũng thầm cảm ơn tàu 2015 và thủy thủ đoàn đã giúp tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ của một chiến sĩ truyền thông nơi đầu sóng. Một số tàu của ta trong đó có CSB 2015, CSB 2016, KN 951, KN 769… thường là những tàu trung bình mỗi ngày bị quây 5 – 6 lần nên “bị cắn” (chữ của nhà báo Nguyên Như Phong) cũng nhiều nhất. Đặc biệt, có những hôm tàu CSB 2015 còn bị “cắn” mất hàng chục mét lan can, đầu và đuôi hay hai bên mạn đều móp méo nham nhở; hay tàu CSB 2016 bị “cắn” thủng 4 lỗ sát vạch mớm nước, may mà khắc phục kịp thời.

Nếu nói về sự đâm va, chèn ép, cố tình gây áp lực, khiêu khích, hù dọa … của tàu Trung Quốc đối với tàu chấp pháp của ta, những sự việc diễn ra mỗi ngày ít nhất cũng dăm ba lần (tính về mức độ nghiêm trọng), thì tôi phải kể vài trang báo cũng chưa hết. Và, kể cả những gì được “thuyết minh” hay nhất, hùng hồn nhất, hay bạn đọc có trí liên tưởng phong phú nhất … cũng mới chỉ lột tả được một phần sự thật đang rất nóng bỏng đang ngày một leo thang ở vùng biển Hoàng Sa – nơi tuyến đầu Tổ quốc lúc này!

Ở nơi đó, không chỉ có những phức tạp, hiểm nguy ban ngày mà về ban đêm, tàu Trung Quốc cũng quấy phá tàu của ta không kể giờ giấc. Vì thế, không một tàu nào được phép tắt máy và cả… thả neo. Đêm, tàu Trung Quốc lừ lừ tiến đến và bật đèn pha sáng rực cả một vùng biển, rồi hụ còi ầm ĩ. Lại đuổi, lại đâm va, lại khiêu khích sự ức chế của ta. Rồi thả cả những mảng lưới rối có gắn bùi nhùi, hoặc các tấm gỗ ván với mục đích cho trôi vào chân vịt nhằm phá hủy máy móc tàu của ta. Nếu chỉ sơ suất, lơ là, mất cảnh giác dù là nhỏ nhất thì chắc chắn hậu quả sẽ khôn lường ở nơi nghìn trùng sóng dữ đó.

Chuyện tác nghiệp của phóng viên

Về chuyện tác nghiệp của phóng viên ở Hoàng Sa, có thể khẳng định hình như chẳng có nơi nào lại khó khăn đến như vậy. Hình dung rằng, cả một ngày đêm quần thảo với tàu chiến và máy bay quân sự Trung Quốc, ghi được rất nhiều hình ảnh sinh động, chứng minh cho sự thật là Trung Quốc đang cố tình xuyên tạc sự thật… nhưng có lẽ chỉ có Đài Truyền hình Việt Nam là được “ưu tiên” chuyển về trong ngày (thông qua hệ thống truyền hình ảnh Vinasat). Các báo khác đều phải tường thuật về bằng điện thoại vệ tinh. Nhưng không phải tàu nào cũng có điện thoại vệ tinh Vinasat để chuyển tin về. Và nếu có điện thoại vệ tinh thì việc chuyển tin về cũng không hề đơn giản. Đầu tiên là bật máy lên, dò sóng vệ tinh, có lúc đến cả nửa tiếng chưa được. Trước khi dò được một vài cột sóng phải ấn sẵn số điện thoại cần gọi ở tòa soạn và áp vào tai thật nhẹ. Nếu không, chỉ cần một cái lắc nhẹ là mất sóng ngay. Vì vậy, một bài tường thuật thường bị “đứt sóng” vài ba lần là chuyện bình thường. Thế nên anh em phóng viên chúng tôi nói vui là “gọi điện thoại mà mỏi nhừ cả tay”.

Mà làm báo ở cái nơi đầy ắp thông tin, hình ảnh nóng hổi, nhưng không chuyển tải về được đất liền ngay thì quả là có một không hai!

Phóng viên thì “ham” thông tin, cạnh tranh tư liệu nhưng đã “biên chế” lên tàu nào thì phải phục tùng mệnh lệnh của chỉ huy và thủy thủ tàu đó. Điều này hẳn nhiên đúng! Và cánh phóng viên cũng thuộc lòng những mệnh lệnh như: “Khi tác nghiệp, đấu tranh tuyên truyền phải nâng cao tinh thần cảnh giác, không để xảy ra sự cố mất an toàn”. Nhưng nhiều khi muốn có một khuôn hình đẹp, thuyết phục về sự gây hấn trắng trợn của tàu Trung Quốc, thì không được phép lên boong. Đành nhìn nhau như xem hụt một bàn thắng trong bóng đá vậy.

Thay lời kết

Tôi rời Hoàng Sa bằng tàu CSB 2016 – một con tàu mang trên mình đầy thương tích sau những ngày đằng đẵng trên biển đối mặt với mọi hiểm nguy. Trước khi về, thuyền trưởng và thủy thủ tàu đã ký tặng tôi dày đặc chữ ký, tên, số điện thoại vào chiếc áo phao đã cùng tôi lăn lộn chục ngày trên biển Hoàng Sa. Thuyền trưởng tàu CSB 2015 – Đại úy Đặng Lê Sơn còn lấy cho tôi một chai nước biển ở cái nơi nóng bỏng nhất đó mang về đất liền làm kỷ niệm. Chúng tôi ôm nhau và lặng lẽ khóc. Những giọt nước mắt mặn chát thể hiện cho sự kiên trung và cả những linh hoạt, uyển chuyển để bằng mọi giá hoàn thành mục tiêu và nhiệm vụ quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc!

Ký của Trần Thanh Tường

{youtube}TyQBuKgRHhM{/youtube}

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *