Từ bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Việt Chiến trên Báo Thanh Niên chạm vào trái tim hàng triệu người con đất Việt, nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã dùng giai điệu chắp cánh để thơ tiếp tục vút bay thành một hành khúc xúc động.
Lời hiệu triệu từ trái tim
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến chia sẻ về sự ra đời của Tổ quốc nhìn từ biển: “Tôi viết bài thơ dựa trên tứ thơ 50 người con lên rừng, 50 người con xuống biển của truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ. Thông điệp mà cha ông truyền cho con cháu khi cùng nhau mở đất ở biển đảo và biên cương khiến tôi cảm nhận sâu sắc. Chính tình yêu Tổ quốc đó đã thôi thúc tôi viết bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển ngay trong ngày đầu dự trại sáng tác Biển, đảo và người chiến sĩ hải quân do Tạp chí Văn nghệ Quân đội phối hợp với Cục Chính trị Quân chủng hải quân tổ chức tại TP.Hạ Long (Quảng Ninh) vào tháng 4.2009”.
Nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp (giữa) trong một chuyến đến Trường Sa – Ảnh: nhân vật cung cấp
Sau nhạc sĩ Phạm Minh Thuần, Đào Hữu Thi và nhiều nhạc sĩ khác đã phổ nhạc hoặc dựng hợp xướng cho bài thơ này, nhạc sĩ Quỳnh Hợp tiếp tục dùng giai điệu để làm nên một Tổ quốc nhìn từ biển khác với nhịp hành khúc như chiến sĩ ra trận, chuyển tải được cảm xúc dâng trào mang tính hiệu triệu rất cao. Ca khúc đã được mọi người đón nhận với hiệu ứng lớn hơn cả dự đoán của nhạc sĩ sau khi phổ nhạc và thu âm.
Nhạc sĩ Quỳnh Hợp kể về việc chị đã “gặp” bài thơ của Nguyễn Việt Chiến: “Tháng 5.2011, tôi trở về đất liền sau chuyến đi Trường Sa thì đọc được bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển trên Báo Thanh Niên, bài thơ đã dâng trào trong tôi một cảm xúc rất mạnh mẽ. Đó là tình yêu thiết tha dải đất hình chữ S với bao hiểm họa rình rập, lòng tự hào về truyền thống đánh giặc ngoại xâm từ ngàn đời nay của cha anh. Dù biết nhạc sĩ Phạm Minh Thuần đã phổ nhạc bài thơ nhưng tôi nghĩ mỗi tác giả sẽ có cảm nhận và thể hiện vào tác phẩm của mình một cách khác nhau. Sau 2 ngày nghiền ngẫm bài thơ và trong khoảng 3 giờ tôi đã hoàn thành bài hát với câu mở như một lời hiệu triệu: Tổ quốc đang bão giông từ biển”.
Bốn câu thơ: Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển/Mẹ Âu Cơ hẳn chưa thể yên lòng/Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa/Trong hồn người có ngọn sóng nào không? có thể xem là hay nhất trong bài thơ khiến người đọc mắt cay xè, đã được nhạc sĩ Quỳnh Hợp chọn làm đoạn kết phần 2 khiến ca khúc thêm phần hùng tráng, giàu sức nặng với những trăn trở về trách nhiệm. Khúc tráng ca về biển đảo được viết bằng tình yêu, sự thao thức của hai người con đất Việt trước những hiểm họa trên biển Đông đã nhanh chóng chạm vào trái tim của hàng triệu người Việt Nam, là một thông điệp về tình yêu Tổ quốc và sứ mạng công dân.
Gia tài gần trăm ca khúc về biển đảo
Nhạc sĩ, nhà báo Quỳnh Hợp (nguyên là đại úy không quân, biên tập viên âm nhạc Đài TNND TP.HCM, giảng viên sáng tác âm nhạc Nhạc viện TP.HCM) được khán – thính giả trên cả nước và những người lính biển biết đến qua rất nhiều ca khúc về Trường Sa và người lính hải quân, suốt từ năm 1998 đến nay, với các album đã được phát hành: Trường Sa giữa trùng khơi sóng, Tổ quốc nhìn từ biển, Nơi ta viết tình ca, Nghe em hát giữa Trường Sa, Chúng tôi lính hải quân… Ca khúc Lính đảo đợi mưa của chị được phổ từ bài thơ Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn của nhà thơ Trần Đăng Khoa được Quân chủng Hải quân trao giải A, Giải thưởng 5 năm (2006 – 2011) viết về những điển hình tiên tiến trong quân chủng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Từng đến Côn Đảo, Phú Quốc, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Trường Sa… nữ nhạc sĩ chia sẻ: “Viết rất nhiều ca khúc về Trường Sa cũng là cách tôi và chúng ta sẻ chia, yêu thương, tin tưởng, động viên những người lính vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió. Trước tình hình biển Đông căng thẳng như hiện nay, mỗi công dân Việt Nam đều mong muốn biểu cảm lòng yêu nước của mình. Dù là nhạc sĩ chuyên nghiệp hay không chuyên thì mỗi tác phẩm là cảm xúc chảy ra từ trái tim mình và có khả năng làm những trái tim Việt Nam cùng thổn thức”.
Trong những ngày hàng triệu trái tim Việt Nam đang sục sôi hướng ra biển Đông, nhạc sĩ Quỳnh Hợp với tình yêu biển đảo và người lính biển đã liên tiếp cho ra đời những sáng tác nóng hổi, mang tính thời sự làm hàng triệu trái tim Việt Nam ngân rung, được nhiều bạn trẻ tìm nghe trên mạng, như Hịch biển Đông, Sôi lên hào khí Việt Nam, Tiếng biển, Tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình, Tình ca sau đêm bão, Đêm không ngủ…
Phan Cao Tùng
TỔ QUỐC NHÌN TỪ BIỂN
Tổ quốc đang bão giông từ biển
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa
Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc
Các con nằm thao thức phía Trường Sơn
Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả
Lời cha dặn từng thước đất giữ gìn
Đêm trằn trọc nỗi mưa nguồn chớp bể
Thương Lý Sơn đảo khuất giữa mây mù
Thương Cồn Cỏ gối đầu lên sóng dữ
Thương Hòn Mê bão tố phía âm u
Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo
Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
Trong hồn người có ngọn sóng nào không?
Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả
Những chàng trai ra đảo đã quên mình
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi
{youtube}bb7ghj10tpM{/youtube}