Home > Contend > Trang văn > Tùy bút > Những người hùng trên biển Hoàng Sa

Những người hùng trên biển Hoàng Sa

Những ngày hè đỏ lửa, chúng tôi cùng các chiến sĩ Cảnh sát biển vững vàng đạp sóng tiến về khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981; quyết bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc…
Ra khơi!

Sau hơn 10 giờ lênh đênh trên biển, chúng tôi đã tới vùng biển Hoàng Sa. Ở đó, mỗi vị mặn của nước biển dường như đều thấm đẫm máu xương của cha ông từ ngàn đời đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Vững vàng nơi biển đảo quê hương.

Đêm 27/5, chúng tôi gồm hơn 30 phóng viên của các báo trong nước và quốc tế; trong đó có 8 phóng viên đến từ các hãng thông tấn lớn trên thế giới, nhiều nhất là Nhật Bản và Mỹ. Từ Đà Nẵng tới “tọa độ nóng” Hoàng Sa, chúng tôi đi trên con tàu Cảnh sát biển 2013.

Rẽ biển đêm với con tàu 2013, khi trên mình của nó vẫn hằn in đầy thương tích sau trận đối đầu với tàu Trung Quốc; nhưng bao nhiêu lần bị các tàu Trung Quốc vây ráp tấn công là bấy nhiêu lần các chiến sĩ khôn khéo, vững vàng điều khiển con tàu thoát khỏi vòng vây. Bất chấp việc bị đe dọa, đâm va,… tàu của ta vẫn kiên trì tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và toàn bộ lực lượng ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Sau cuộc tấn công thất bại lần trước nhằm vào tàu 2013, lần này Trung Quốc điên cuồng phái 3 tàu Hải cảnh, Hải tuần ra để vây ráp tàu 2013, chỉ huy tàu và các chiến sĩ trên tàu tìm cách điều khiển con tàu chạy luồn lách, tránh né để tránh đụng độ, nhưng bất ngờ một tàu Hải cảnh Trung Quốc hung hăng húc thẳng vào tàu 2013 làm bay 10m lan can trên tàu, thân tàu sứt sẹo, nhiều chỗ móp méo. Sau khi về bờ sửa chữa, bảo dưỡng vài ba ngày, tàu lại ra khơi làm nhiệm vụ.

Tàu Trung Quốc điên cuồng rượt đuổi phun vòi rồng vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam.

Tự hào quá Việt Nam!

Khoảng 10h30 ngày 28/5, khi chỉ còn cách giàn khoan Hải Dương 981 chừng 15 hải lí, chúng tôi đã nhìn rõ giàn khoan ngang ngược nằm trong sự bảo vệ của hơn 100 tàu Hải cảnh, Hải giám, Hải tuần và cả tàu chiến, tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc.

Lá cờ tổ quốc đỏ thắm cùng các chiến sĩ Cảnh sát biển vẫn ngày đêm khẳng định và bảo vệ chủ quyền thiêng liên của tổ quốc. Đây là lá cờ đã được các chiến sĩ Cảnh sát biển trên tàu 8003 từ Hoàng Sa kí tặng các cháu thiếu nhi ở Hà Nội nhân ngày 1/6.

Nhóm phóng viên chúng tôi được chia thành từng tốp lên các tàu Kiểm ngư, tàu Cảnh sát biển để tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981. Đến khoảng 16h45 cùng ngày, tôi cùng 2 phóng viên khác được lên một tàu Cảnh sát biển khá hiện đại để tiếp cận giàn khoan. Từ mũi tiếp cận này, chúng tôi tiến sâu vào khu vực giàn khoan Hải Dương 981. Khi còn cách giàn khoan chừng 7 hải lý, từ xa chúng tôi đã nhìn thấy một tàu hải cảnh của Trung Quốc hung hãn lao ra. Nước biển rẽ sóng cuồn cuộn, bọt nước tung trắng xóa.

Thiếu tá Nguyễn Đức Tuyên, thuyền trưởng tàu Cảnh sát biển cùng các chiến sĩ vẫn bình tĩnh điều khiển con tàu làm nhiệm vụ thực thi pháp luật. Giọng vị thuyền trưởng dõng dạc chỉ huy anh em trên tàu chuẩn bị các phương án để ứng phó.

Sau đó phía Trung Quốc phái thêm 2 tàu hải cảnh khác ốp 2 bên mạn tàu của chúng tôi theo kiểu gọng kìm. Tàu hải cảnh 12101 áp sát mạn trái tàu; tàu hải cảnh 37102 áp mạn phải và tàu hải cảnh 31101 thọc thẳng từ phía sau hướng vào giữu tàu Cảnh sát biển chúng tôi. Tất cả bọn chúng tăng tốc lên đến 25 hải lý/giờ, mũi tàu của chúng chồm lên, ngụp xuống điên cuồng lao thẳng vào tàu Cảnh sát biển của ta như muốn nuốt chửng.

Thiếu tá Nguyễn Đức Tuyên vẫn bình tĩnh dõng dạc trong từng mệnh lệnh, anh em chiến sĩ mỗi người một nhiệm vụ điều khiển con tàu thoát ra khỏi vòng kìm kẹp để tránh sự va chạm. Nghe những mệnh lệnh như điệp khúc “Phú Thọ Việt Trì nghe rõ trả lời”… của người thuyền trưởng, lồng ngực tôi như vỡ òa, nóng ran một cảm xúc thật thiêng liêng – Tổ quốc Việt Nam giữa muôn trùng khơi.

Các phóng viên khi đó cũng bất chấp hiểm nguy, tìm những góc máy trực diện nhất để ghi lại những hình ảnh tố cáo hành vi ngang ngược, hung hăng của Trung Quốc.

Sau cuộc rượt đuổi khoảng 7 hải lý, bất lực trong việc khiêu khích tàu của ta, tàu Trung Quốc hậm hực quay đầu.

Tối đó, buổi sinh hoạt đầu tiên của chúng tôi với các chiến sĩ Cảnh sát biển trên tàu. Tôi nghĩ tối nay chắc mọi người sẽ rôm rả bàn tán về cuộc rượt đuổi chiều nay. Nhưng trong suốt buổi, vẻ mặt ai cũng rạng rỡ, lạc quan, tuyệt nhiên không thấy ai bàn tán đến màn rượt đuổi trong chiều. Có lẽ, với anh em Cảnh sát biển, đó đã là chuyện “cơm bữa”, rất bình thản!

Buổi chia tay về đất liền của nhóm phóng viên trên tàu Cảnh sát biển 8001. Trong ảnh, phóng viên My Lăng – báo Tuổi trẻ TPHCM là nữ phóng viên duy nhất của Việt Nam trong chuyến tác nghiệp tại Hoàng Sa.

Đêm xuống, biển Hoàng Sa đen kịt như mực, thỉnh thoảng có một vài đèn tín hiệu trên không của máy bay bay qua. Và mỗi sáng sớm thức dậy, chúng tôi cùng các chiến sĩ Cảnh sát biển, Kiểm ngư và cả các tàu đánh cá của ngư dân lại tiếp tục hành trình tiến sâu vào khu vực giàn khoan trái phép, tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan.

Mỗi lần như vậy, Trung Quốc lại điều tàu cỡ lớn ra ngăn cản, sẵn sàng điên cuồng tấn công. Điển hình là vụ việc xảy ra mới đây vào ngày 1/6, khi tàu Cảnh sát biển 2016 đang làm nhiệm vụ thì bị tàu của Trung Quốc mang số hiệu 46105 bất ngờ đâm thẳng vào, làm tàu bị thủng 4 lỗ trên thân tàu, nhiều vật dụng khác bị hư hại.

Thượng úy Nguyễn Đức Huy, Chính trị viên tàu Cảnh sát biển 2016 cho biết, việc tàu Trung Quốc bất ngờ tấn công như vậy nhưng không làm tinh thần anh em nao núng mà ngược lại càng tăng thêm ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

“Sau khi cập bờ sửa chữa xong, anh em chiến sĩ tàu Cảnh sát biển 2016 chúng tôi lại tiếp tục ra khơi bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”, Thượng úy Nguyễn Đức Huy khẳng định.

Còn nữa!

Tuấn Hợp (Nhật kí Hoàng Sa)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *