Home > Contend > Tin tức - Tin văn học > Trung Quốc, bản đồ dọc và sự thất tín

Trung Quốc, bản đồ dọc và sự thất tín

Ngay sau khi Trung Quốc phát hành tấm bản đồ dọc (trước đó chỉ toàn là bản đồ ngang), trong đó đưa ra yêu sách “đường 10 điểm” thay vì 9 điểm như trước nhằm chiếm trọn Biển Đông- thế giới đã lên tiếng phản đối và chế giễu Bắc Kinh.

Tuy thế, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này – bà Hoa Xuân Oánh vẫn thản nhiên nói rằng, “Mục đích phát hành bản đồ mới là để phục vụ cho công chúng Trung Quốc… Quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông là phù hợp và rõ ràng. Lập trường của chúng tôi không hề thay đổi”. Thực hư chuyện này ra sao.

Bản đồ khổ dọc Trung Quốc mới ấn hành, với “đường lưỡi bò 10 đoạn” ôm trọn Biển Đông, bị các nước lên án, chế giễu

BẢN ĐỒ DỌC – SỰ HOANG TƯỞNG Ở MỨC CAO ĐỘ

Tấm bản đồ dọc này của Trung Quốc bao trọn toàn bộ khu vực Biển Đông. Có nghĩa là không chỉ 80% diện tích 3,5 triệu km2 như “đường 9 đoạn” mà là hơn 90%. Tấm bản đồ này được bán rộng rãi từ ngày 23-6, trong đó các hòn đảo và vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền thuộc Biển Đông được vẽ đầy đủ ở khổ rộng; thay “đường 9 đoạn” bằng “đường 10 đoạn”, nuốt trọn Biển Đông, sát bờ biển của Việt Nam, Malaysia, Brunei và các đảo Palawan và Luzon của Philippines.

Tấm bản đồ dọc kỳ cục này được NXB Hồ Nam ấn hành, được Cơ quan quản lý đo đạc và bản đồ của Trung Quốc thông qua với nhận xét “đóng góp đáng kể trong việc bảo vệ chủ quyền vùng biển và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia”.

Trước hành động “đẩy trách nhiệm về địa phương” của chính quyền Trung ương Bắc Kinh không qua được mắt thiên hạ, vì rằng “chiêu thức” này đã quá cũ, trong một bài viết trên International Business Times đã đưa ra nhận định, “Đừng ngạc nhiên khi nhận thấy rằng bản đồ chính thức mới của Trung Quốc không chỉ chứa nhiều hơn những gì chỉ là Trung Quốc, mà còn cả một phần rộng lớn của Biển Đông nóng bỏng”; đồng thời khá mỉa mai khi viết: “Bản đồ này hóa ra lại trông giống một bản đồ Đông Nam Á hơn là một bản đồ Trung Quốc”. Còn tạp chí Foreign Policy thì hài hước viết rằng: “Này Bắc Kinh, bản đồ đó nằm trong túi anh à?”.

Còn TS Christopher Roberts (Đại học New South Wales- Australia) nêu rõ: “Trong vài chục năm trở lại đây, hệ thống giáo dục Trung Quốc đã cấy vào đầu người dân nước này một niềm tin là Biển Đông thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc”. Và rằng: “Nếu bạn đề nghị một người Trung Quốc 50 tuổi vẽ bản đồ nước này, người đó sẽ vẽ tấm bản đồ mà chỉ có Trung Quốc đại lục. Nhưng với một người Trung Quốc 25 tuổi, chắc chắn tấm bản đồ sẽ xuất hiện cả Biển Đông”. Cũng chính vì thế mà TS Richard Bitzinger (Đại học Nanyang- Singapore) cho biết, “một bộ phận không nhỏ người dân Trung Quốc tin rằng, họ đang bị chèn ép trong tranh chấp tại Biển Đông”.

Ngay sau khi tấm bản đồ dọc thậm chí hoang tưởng của Trung Quốc xuất hiện, các quốc gia liên quan đã phản đối mạnh mẽ. Trong một cuộc họp báo chiều 26-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã khẳng định: “Việc phát hành bản đồ đó là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc đã bị nhiều nước phản đối. Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này của Trung Quốc”. Charles Jose- người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines cũng khẳng định, bản đồ dọc của Trung Quốc rõ ràng vi phạm luật quốc tế, cụ thể là công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), theo đó, “Bản đồ dọc thể hiện chính sách bành trướng của Trung Quốc gây căng thẳng trên Biển Đông”.

Với tấm bản đồ mới này cùng yêu sách chủ quyền gần hết Biển Đông, sự hoang tưởng của Trung Quốc đã ở mức… không tưởng. Dựa vào sức mạnh kinh tế, sức mạnh quân sự và những diễn biến đan xen phức tạp của tình hình thế giới, Bắc Kinh đã đi những nước cờ đặc biệt nguy hiểm với những đòi hỏi cực kỳ phi lý.

ASEAN CÙNG CHUNG LÒNG GIỮ BIỂN

Tham vọng chiếm trọn Biển Đông của Trung Quốc cũng chính là sự tước đoạt quyền lợi chính đáng của các nước có quyền lợi, chủ quyền trên vùng biển giàu có tài nguyên, là tuyến đường hàng hải quan trọng hàng đầu thế giới. Cụ thể là với nhiều nước trong khối ASEAN. Chính vì thế, hành động của Trung Quốc đã đưa các nước ASEAN đến gần nhau hơn, cùng nắm tay giữ biển, nếu không sẽ phải nhận lãnh những hậu họa khôn lường.

Ngày 27-6, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp đặc biệt các Quan chức Cao cấp (SOM) ASEAN về vai trò trung tâm của ASEAN và định hướng chiến lược cấu trúc khu vực trong tương lai, với sự tham dự của đại diện các nước thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam làm Trưởng đoàn.

Tại đây, quan chức cấp cao của 10 nước thành viên ASEAN khẳng định diễn biến phức tạp ở Biển Đông đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh ở khu vực; Hiệp hội cần có tiếng nói để thể hiện vai trò trung tâm của mình. Trưởng đoàn các nước nhất trí rằng hiệp hội cần lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ việc bảo đảm hòa bình, ổn định ở khu vực, nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982 (UNCLOS) và các thỏa thuận liên quan, nhất là thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các quy định của Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thông cáo của bộ Ngoại giao cho hay; đồng thời nhấn mạnh ASEAN cần tích cực thúc đẩy để sớm có Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông với Trung Quốc, để bảo đảm tốt hơn hòa bình, an ninh hàng hải ở khu vực trước sự hung hăng từ phía Trung Quốc. Nói như ông Muhamad Shahrul Ikram Yaarob, trưởng đoàn Malaysia thì “chúng ta không muốn các nước thành viên ASEAN bị khống chế hoặc bị phụ thuộc vào một nước nào khác”.

Tại hội nghị, cùng với phát biểu của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh, ông Aung Lynn, Trưởng phái đoàn SOM Myanmar, Chủ tịch SOM ASEAN 2014 nhấn mạnh: “ASEAN có quan điểm rất rõ ràng về vấn đề Biển Đông. Đó là: Chúng tôi có Nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông và đang theo dõi sát sao những diễn biến tại đây. Về tình hình gần đây trên Biển Đông, ASEAN bày tỏ mối quan ngại sâu sắc và đây cũng là quan điểm chung của các nước ASEAN”.

Trước quyết tâm và sự đồng lòng của Hiệp hội ASEAN, Trung Quốc sẽ lại nói gì? bà Hoa Xuân Oánh còn gì để nói? Cũng không thể lường trước được, vì thiên hạ vẫn nhớ như in việc đổi trắng thay đen, trắng trợn vu cáo của bà này khi cho rằng tàu Việt Nam hơn 1.500 lần chủ động đâm va tàu Trung Quốc; trong khi những bằng chứng xác thực lại cho thấy: tàu hải cảnh, hải giám Trung Quốc trang bị cả pháo đã lao thẳng, đâm rách tàu lực lượng thực thi luật pháp trên biển của Việt Nam.

Nhưng “vải thưa không che được mắt thánh”, tới nay thế giới đã không lạ gì những ảo vọng mà mưu đồ của nhà cầm quyền Trung Quốc, cũng không còn tin những gì nước này “ngôn” lên. Bởi, họ không phải là “trỗi dậy trong hòa bình” mà “trỗi dậy từ họng pháo”.

NAM VIỆT

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *