Nghệ thuật tả cảnh của Nguyễn Du trong “Truyện Kiều” là một vấn đề lớn, đủ cho một công trình nghiên cứu công phu. Trong bài viết ngắn này, tôi chỉ muốn dừng lại ở một vài điểm mà tôi tâm đắc, muốn trao đổi với bạn đọc.
Trong “Truyện Kiều”, tả cảnh là cốt để tả tình, theo nguyên lý “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, hoặc “Khi nên cảnh cũng chiều người”, bởi thế, trong nhiều trường hợp, Nguyễn Du không tả cảnh theo mắt nhìn của mình, mà tả cảnh qua mắt nhìn, cảm nhận của nhân vật.
Mở đầu “Truyện Kiều”, ba chị em vui vẻ đi chơi hội đạp thanh, lòng người phơi phới nên phong cảnh thật non tươi, đẹp đẽ:
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Có thể sẽ có bạn bảo rằng, cảnh mùa xuân thì phải thế, phải cỏ xanh, hoa trắng, chứ buồn thì đâu còn là mùa xuân? Không đâu, vẫn là ngày xuân ấy, nhưng sau khi gặp mộ Đạm Tiên, Thúy Kiều buồn thương cho kiếp ca nhi, thì phong cảnh khi ấy:
Một vùng cỏ áy bóng tà
Gió hiu hiu thổi một và bông lau
Không còn đâu vẻ non tươi của mùa xuân nữa. Có thể bạn đọc lại nói rằng: Bây giờ cảnh buồn là do trời đã chiều, “Tà tà bóng ngả về tây” rồi! Không đâu, trên đường ba chị em Thúy Kiều về nhà thì gặp Kim Trọng, tình yêu trong lòng Thúy Kiều hé mở, thì phong cảnh lại hữu tình, nên thơ:
Dưới cầu nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha
Như vậy, cảnh thanh minh mở đầu thiên truyện, và còn bao cảnh khác được tả theo mắt nhìn và tâm trạng của Thúy Kiều: Nàng vui thì cảnh đẹp, cảnh vui, nàng buồn thì hoa rụng và cảnh héo úa. Đối với các nhân vật khác cũng vậy…
Tôi nhớ có lần Tuần báo Văn Nghệ có đăng ý kiến của một giáo viên dạy văn ở Hải Phòng, phê phán những người soạn sách giáo khoa chọn trích giảng đoạn Kim Trọng trở lại vườn thúy là đoạn không hay, vì tác giả “Truyện Kiều” đã tả trùng lặp; trong một đoạn thơ ngắn mà ba lần nói đến cỏ! Sự thật, đó là đoạn tả cảnh tiêu biểu, dựa vào mắt nhìn, ý nghĩ của Kim Trọng. Khi chàng mới trở lại, chưa bước chân vào vườn, từ ngoài nhìn vào, thì thấy cảnh hoang tàn tổng quát:
Một vùng cỏ mọc, lau thưa
Song trăng quạnh quẽ, vách mưa rã rời
Rồi chàng từ từ bước vào vườn, vào sân, mới thấy:
Xập xè én liệng lầu không
Cỏ lan mặt đất, rêu phong dấu giày
Cảnh “Cỏ lan mặt đất” thấy được là do chàng cúi xuống tìm kỷ niệm xưa của Thúy Kiều để lại. Sau khi nhìn xuống sân, chàng nhìn quanh và dừng lại:
Cuối tường gai góc mọc đầy
Đi về này, những lối này, năm xưa
Không phải ngẫu nhiên mà chàng dừng lại “cuối tường”, mà vì chàng nhớ lại “Cuối tường dường có nẻo thông mới rào” trước kia, nơi Thúy Kiều đã bao lần đi qua để đến với chàng.
Sau đây, tôi muốn đề cập thêm ba ví dụ cụ thể:
1. Tôi nghĩ rằng, khi tả cảnh, trong nhiều trường hợp, Nguyễn Du học theo phép điểm huyệt chữa bệnh của các thầy thuốc Đông y. Trước khi chữa, thầy thuốc phải tìm cho được cái huyệt của bệnh, sau đó chỉ cần điểm huyệt bằng đầu ngón tay hoặc mũi kim thì tức khắc bệnh khỏi. Tương tự thế, khi tả cảnh, Nguyễn Du tìm được cái huyệt của cảnh, nên không cần nhiều lời. Những câu thơ điển hình tả mùa xuân, mùa thu như: “Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa” hoặc: “Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng”… cũng được tả theo thủ pháp ấy nhưng vì chúng quá quen thuộc nên tôi không muốn dừng lại để phân tích. Tôi đi vào câu thơ ít phổ biến hơn.
Trong tiết dạy hướng dẫn cho một lớp bồi dưỡng sáng tác, nói về nghệ thuật tả cảnh của Nguyễn Du, tôi đã yêu cầu mỗi người về nhà viết một đoạn văn hoặc mấy câu thơ để tả ngôi nhà đã bị đốt cháy. Và tiết học hôm sau tôi đã có trong tay “tác phẩm” của gần 40 người. Chưa quan tâm về nghệ thuật câu chữ, tôi muốn biết các học viên đã dùng những chi tiết gì để tả. Sau đó đem so sánh với các hình ảnh mà Nguyễn Du đã dùng trong hai câu thơ:
Bước vào phòng cũ lầu thơ
Tro than một đống, nắng mưa bốn tường
Cả lớp ai cũng phải tấm tắc khen cụ Nguyễn Du tài, vì đã điểm đúng cái huyệt, cái đặc trưng nhất của ngôi nhà cháy: Tất cả mái nhà và đồ đạc đã biến thành tro than một đống, bốn tường không có thứ gì che chở nên phơi mưa phơi nắng. Đồ đạc biến thành tro than thì nhiều học viên tả được, nhưng không một người nào chạm tới cái cảnh “nắng mưa bốn tường” sờ sờ trước mắt mà chỉ cần đọc lên, kết hợp với “tro than một đống” thì không còn gì đầy đủ bằng khi tả ngôi nhà đã bị đốt. Trong hai câu lục bát, câu đầu cụ Nguyễn dùng để kể chuyện Thúc Sinh bước vào nhà xưa. Chỉ dùng tám chữ của câu sau để tả, mà cảnh nhà cháy hiện lên rõ ràng, đầy đủ hơn khi chúng ta dùng đến cả một trang văn. Là vì cụ tả cảnh theo lối điểm huyệt, chỉ cần lảy đúng huyệt là cảnh đó hiện lên vừa điển hình, vừa đầy đủ, còn chúng ta tả cảnh theo lối đấm tẩm quất, cứ đấm lung tung lên, chẳng biết đâu là huyệt và thậm chí có khi đã đúng huyệt rồi, không biết dừng lại, còn đấm tiếp, làm mất tác dụng của huyệt đó. Cũng cần lưu ý rằng, Nguyễn Du tả cảnh này không phải bằng đôi mắt của tác giả, mà qua cái nhìn của chàng Thúc Sinh: Khi bàn chân chàng vừa bước tới, thì cái trước tiên đập vào mắt chàng là một đống tro than. Ta như thấy được lúc đầu chàng nhìn xuôi, sau đó mới thẫn thờ quay đầu nhìn quanh và ngước nhìn lên, ngao ngán trước cảnh bốn bức tường chơ chỏng không còn gì che chở. Như vậy, đại thi hào chỉ dùng mấy chữ, không những làm hiện lên cảnh một ngôi nhà cháy trụi điển hình, mà người đọc thấy được tâm trạng của người trong cuộc, tức chàng Thúc Sinh lúc bấy giờ.
2. Nghe lời khuyên của sư Tam Hợp, Giác Duyên về dựng một ngôi nhà lá bên sông Tiền Đường và thuê người đón vớt Thuý Kiều. Tất nhiên ngôi nhà này nằm ở chỗ vắng vẻ, yên tĩnh (nơi ở của sư mà). Bây giờ bạn đọc chúng ta hãy tả ngôi nhà này xem sao? Có thể tả bằng thơ hoặc bằng văn xuôi. Trước mắt chúng ta hiện lên cảnh sông Tiền Đường tĩnh lặng, có một ngôi nhà của sư lợp bằng lá cỏ… Thế là những từ như vắng vẻ, yên tĩnh, lung linh, soi bóng… hiện lên trong ngôn ngữ chúng ta. Tôi tin rằng khi định tả ngôi nhà này, những từ vừa rồi cũng đã xuất hiện ở cụ Nguyễn Du và chính cụ cũng biết được những từ đó có thể xuất hiện ở những người khác như cỡ chúng ta. Nếu cụ là nhà thơ bình thường thì có lẽ những từ đó đã xuất hiện trong “Truyện Kiều” khi tả ngôi nhà này. Nhưng là đại thi hào, cụ phải vượt xa cái nhìn thường tình của người thường, không dùng những từ quá quen thuộc mà người khác dùng để tả cảnh, cụ phải có cách nhìn khác, từ khác, dù vẫn tả cảnh ấy. Thế là cụ viết:
Đánh tranh chụm nóc thảo đường
Một gian nước biếc, mây vàng chia đôi
Câu thứ nhất mang chức năng kể, một yếu tố không thể thiếu được trong truyện thơ. Sự kể này mới kỳ diệu làm sao, chỉ sáu chữ mà nói được bao điều về ngôi nhà cỏ ấy, đặc biệt là hai chữ “chụm nóc”, không chỉ kể chuyện làm nhà mà một phần làm người đọc hình dung hình dáng ngôi nhà: Có lẽ đây là một nhà tạm do hai mái chụm lại mà thành. Sự thần kỳ nằm ở câu bát: “Một gian nước biếc, mây vàng chia đôi”. Như vậy với tám chữ, Nguyễn Du không chỉ tả nhà mà tả trời, tả sông, bao chứa tất cả những điều chúng ta đã hình dung, đã muốn tả; bao chứa tất cả những từ “vắng vẻ”, “yên tĩnh”, “lung linh”, “soi bóng” nhưng tác giả không hề dùng một từ nào trong đó. Từ ví dụ này, người làm thơ chúng ta có thể rút ra được bài học là tránh xa sự thường tình, không nói điều mà những người khác có thể nói được.
3. Nghệ thuật nén chữ trong câu lục bát được cụ Nguyễn Du thường trực quan tâm và thể hiện khá đắc địa trong nhiều câu tả cảnh. Ai cũng biết rằng, khi làm thơ tự do, nếu ý nhiều thì câu thơ dài ra, ý ít thì câu thơ ngắn lại. Nhưng với thơ lục bát, số chữ trong câu không đổi, nếu nhà thơ không chắc tay, câu thơ thường bị lỏng. Nói có hình tượng, làm thơ tự do giống như đựng đồ đạc vào trong túi vải, còn làm thơ lục bát giống như đựng vào hộp các tông. Túi vải xẹp hay căng tùy theo số đồ đạc, còn hộp các tông thể tích có sẵn, đòi hỏi người xếp đồ đạc phải chú ý để trong cùng một loại hộp như nhau, làm sao mình đựng được nhiều hơn người khác. Với thơ lục bát, đó là nghệ thuật nén chữ, chèn ý. Trong “Truyện Kiều”, có nhiều câu thơ Nguyễn Du đã lèn cho không hề có một khoảng trống, hay nói cách khác, cụ đã đựng được số đồ đạc đạt kỷ lục Ghi-nét trong hộp-các-tông-lục-bát định sẵn. Điển hình như câu:
Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân
Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung
Chúng ta chú ý vào câu thứ hai xem tám chữ đó đã vẽ lên được cảnh gì trước lầu Ngưng Bích trong con mắt của Thuý Kiều. Ai chẳng hiểu bình thường thì bao giờ trăng cũng ở xa hơn núi, nhưng trong hoàng hôn ấy, núi non như lùi xa ra, vầng trăng như xích gần lại để cùng nằm trên một bình diện, cùng “ở chung”. Vầng trăng ấy lẽ nào chẳng nhói lên trong lòng nàng Kiều cái “Vầng trăng vằng vặc giữa trời” hẹn ước, nên chỉ sau đó vài câu, nó xui nàng “Tưởng người dưới nguyệt chén đồng”… Chưa nói chuyện nhà thơ phải có con mắt tinh tế thế nào mới có thể nhận ra điều đó, ngay cái việc lèn từng ấy nội dung vào trong một câu thơ thì thật thần tài.
Nói về cái hay của “Truyện Kiều” thì chẳng bao giờ đủ. Tôi tạm nêu mấy ví dụ trên, và tin rằng bạn đọc còn nêu được rất nhiều ví dụ khác trong “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu” của “Truyện Kiều” để minh chứng cho thiên tài của cụ Nguyễn Du
Vương Trọng