Một trong những luận điệu lâu nay các tổ chức, cá nhân có thái độ thù địch hoặc thiếu thiện chí với Việt Nam thường rêu rao là ở Việt Nam không có tự do ngôn luận và tự do báo chí.
Rêu rao như thế, nhưng sự thật thì, họ đã cố tình tảng lờ một thực tế là ngay cả ở phương Tây, nơi vẫn được gọi là “thế giới tự do”, tự do ngôn luận và tự do báo chí cũng chỉ là điều không tưởng.
Khi đánh giá thực chất tự do ngôn luận, tự do báo chí ở phương Tây, không thể bỏ qua một câu nói được trích dẫn rất nhiều: “Tự do báo chí là tự do phổ biến những ý kiến riêng của 200 người giàu có”. Ðọc hay nghe câu này, những ai chưa biết tác giả, sẽ dễ cho rằng, đây là ý kiến của người không am hiểu vấn đề hoặc là nhìn nhận chủ quan. Nhưng dòng chữ đó được viết ra từ ngòi bút một người nổi tiếng, một nhân chứng lịch sử, ông là Paul Sethe – công dân CHLB Ðức, nhà báo danh tiếng, đồng thời là nhà văn và nhà nghiên cứu khoa học xã hội. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, ông là một trong năm người sáng lập tờ báo danh tiếng Frankfurter Allgemeine Zeitung (báo Frankfurt khái quát) – hiện là một trong những nhật báo lớn nhất ở CHLB Ðức. Sau này ông viết bình luận – phê bình cho các tờ báo danh tiếng khác trong khu vực sử dụng tiếng Ðức như Die Welt (Thế giới), Die Zeit (Thời gian), tạp chí Stern (Ngôi sao). Ðể giải thích tại sao lại đưa ra một đánh giá như vậy, ông viết: “Bởi vì việc xuất bản những tờ báo và tạp chí luôn luôn đòi hỏi một lượng lớn tư bản (từ ông sử dụng trong tiếng Ðức là Kapital – HNT), nên nhóm người làm ra các cơ quan báo chí sẽ thường xuyên nhỏ đi. Qua đó sự phụ thuộc của chúng ta ngày càng lớn, càng nguy hiểm hơn”. Nhưng ông cũng biết, trong báo chí ở Ðức còn có những “ốc đảo mà ở đó luồng gió tự do còn phảng phất”. Một điều thú vị là nhiều người không biết, câu nói bất hủ đó ông viết với tư cách là một bạn đọc gửi tạp chí nổi tiếng Spiegel (Tấm gương), và ở đó lần đầu câu nói này được in ra. Cho đến nay, câu nói của Paul Sethe được xem là ý kiến khá chân xác về mối quan hệ giữa tự do báo chí và “Kapital”. Ðánh giá của ông là kết quả từ sự quan sát tự do báo chí trong cuộc sống hằng ngày, nhưng để đánh giá toàn diện về tự do báo chí trước tiên phải xem xét các quy định pháp lý liên quan đến tự do báo chí của một quốc gia.
Quy định pháp lý về tự do ngôn luận và báo chí ở các nước phương Tây về cơ bản là giống nhau, đôi khi cả về hoàn cảnh lịch sử. Thí dụ, theo 10 Ðiều bổ sung đầu tiên của Hiến pháp Hoa Kỳ, có hiệu lực từ năm 1791, thì Quốc hội Mỹ không được phép ban hành bất cứ văn bản nào hạn chế tự do ngôn luận và báo chí. Nhưng theo một Ðạo luật của năm 1798 thì sẽ là tội phạm nếu viết, in, phát biểu và phổ biến những văn bản sai sự thật, cố ý xúc phạm hay chống lại chính quyền. Ðể truy cứu trách nhiệm hình sự vì vi phạm lĩnh vực này, Ðiều 2385 Chương 115 Bộ luật Hình sự Mỹ ghi rõ: Nghiêm cấm mọi hành vi in ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá, buôn bán, phân phối hoặc trưng bày công khai bất kỳ tài liệu viết hoặc in nào có nội dung vận động, xúi giục hoặc giảng giải về trách nhiệm, sự cần thiết tham vọng, tính đúng đắn của hành vi lật đổ hoặc tiêu diệt bất kỳ chính quyền cấp nào tại Mỹ bằng vũ lực hay bạo lực.
Còn ở Pháp, trong tiến trình Cách mạng 1789, tự do báo chí đã được đề cập, cụ thể là trong Ðiều 11 Tuyên bố dân quyền và nhân quyền. Về sau, tinh thần của Ðiều 11 cũng là một trong các cơ sở cho sự ra đời của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948 và Hiệp ước nhân quyền châu Âu năm 1950. Một đạo luật về tự do báo chí cũng được ban hành trong Nền cộng hòa thứ ba vào ngày 29-7-1881. Ðạo luật 1881 cũng nêu rõ các giới hạn trong tự do báo chí vì sự lạm dụng tự do, cụ thể là đưa ra các định nghĩa về tội phạm báo chí. Về cơ bản, cho đến nay đạo luật này vẫn còn giá trị. Ở Pháp cũng như ở các nước phương Tây khác, tự do báo chí trước tiên không phải là vấn đề văn bản pháp lý liên quan, mà là việc thực thi. Mấy năm trước, khi Tổng thống N.Xác-cô-di còn đương nhiệm, một cuộc cải cách đã được thực hiện, theo đó việc lựa chọn các giám đốc của một số đài phát thanh và truyền hình do tổng thống quyết định. Những năm qua, một số nhà báo đã gặp khó khăn với công an và cơ quan tư pháp. Trong nhiều cuộc biểu tình, một số nhà báo bị bắt, các hình ảnh họ chụp hay thu được bị tịch thu. Nhưng bê bối lớn nhất là việc phanh phui cơ quan tình báo Pháp do thám, nghe trộm điện thoại của các nhà báo làm việc cho nhật báo Le Monde năm 2011. Các phương tiện truyền thông cho rằng, trong việc này, Chính phủ Pháp đã cố ý nói dối và vi phạm tự do báo chí có hệ thống (!?).
Nhìn sang một nước khác – I-ta-li-a, theo đánh giá của một số tổ chức quốc tế thì tình hình tự do báo chí trong các năm gần đây khá phức tạp. Thị trường báo chí được chia thành bốn nhóm, gồm: nhóm Editoriale L’Espresso (La Republica), nhóm Ri-dô-li với chủ sở hữu chính là gia đình Ác-nen-li Phi-át (La Stampa), nhóm các nhà xuất bản độc lập (II Giorno) và nhóm Béc-lu-xcô-ni. Nhiều người lo ngại trước “tiến trình Béc-lu-xcô-ni hóa” toàn bộ hệ thống truyền thông ở I-ta-li-a. Về phần mình, các chính phủ ở I-ta-li-a cũng tìm cách gây áp lực với báo chí. Thí dụ, năm 2011 một dự thảo luật được đưa ra bàn bạc, theo đó thì nhà báo (rất khác với các cá nhân khác) có thể bị phạt tù vì tội vu khống. Ðặc biệt là ở I-ta-li-a nhiều nhà báo đã bị đe dọa đến tính mạng, nếu họ viết về tội phạm và hoạt động của ma-phi-a.
Ở CHLB Ðức, theo quy định của Ðiều 5 Ðạo luật cơ bản (tức Hiến pháp) thì mọi người có quyền thể hiện quan điểm của mình qua hình ảnh, lời phát biểu, bài viết trên sách báo, hay phát tán qua phát thanh, truyền hình; vì tự do báo chí là một phần của tự do ngôn luận. Trong đó cũng ghi rõ “không có sự kiểm duyệt”, nhưng điều đó không có nghĩa, người viết hoàn toàn tự do, không cần phải quan tâm tới các quy định pháp lý. Theo các nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp CHLB Ðức, các quy định cụ thể về tự do báo chí lại thuộc về thẩm quyền của các tiểu bang. Vì vậy, mỗi tiểu bang đều có Luật Báo chí (Pressegesetz) riêng. Cơ sở pháp lý trực tiếp nhất của Luật Báo chí là Hiến pháp tiểu bang. Vì thế, Luật Báo chí không chỉ ghi cụ thể các quyền lợi, trách nhiệm mà cả giới hạn của báo chí phù hợp với hoàn cảnh đặc thù của khu vực mình. Thí dụ, Ðiều 1 Luật Báo chí ở tiểu bang Ba-va-ri-a ghi rõ: Tự do ngôn luận và báo chí được bảo đảm qua các Ðiều 110, 111, 112 Hiến pháp Ba-va-ri-a. Cần lưu ý, trong khoản 1 Ðiều 110 của Hiến pháp Ba-va-ri-a viết về tự do ngôn luận và báo chí, song trong khoản 2 lại ghi rõ: Chống lại các loại văn chương bẩn thỉu và độc hại là nhiệm vụ của Nhà nước và các cơ quan địa phương. Luật Báo chí của các tiểu bang tuy có một số điểm khác nhau, nhưng có một điểm rất giống nhau, như ở Tiểu bang Ba-va-ri-a, điểm đó được ghi trong Ðiều 117 của Hiến pháp: Sự hưởng thụ tự do cho mỗi người đều phụ thuộc vào việc tất cả mọi người thực hiện nghĩa vụ trung thành với Nhân dân, Hiến pháp, Nhà nước và Luật pháp.
Ðể cụ thể hóa giới hạn về quyền tự do báo chí, có nhiều quy định cụ thể được ban hành trong các bộ luật của Liên bang. Bên cạnh Công an hình sự liên bang và tiểu bang, ở CHLB Ðức còn có lực lượng của các cơ quan bảo vệ Hiến pháp cấp liên bang và tiểu bang. Ðây là các cơ quan tình báo đối nội. Trong các cơ quan này, có một lực lượng không nhỏ hằng ngày chuyên đọc sách báo, tin tức do các cá nhân và tổ chức phát tán trên mạng để thu thập tin tức và bằng chứng, khi cần thiết sẽ phục vụ cho các thủ tục xét xử hình sự. Ðể ngăn ngừa những mối nguy hiểm từ các phương tiện truyền thông đối với thanh, thiếu niên, một cơ quan thanh tra liên bang đã được thành lập. Trừ các nhật báo và tạp chí chính trị, các ấn phẩm còn lại đều có thể bị cơ quan này kiểm duyệt và xử lý theo quy định.
Một vấn đề mà lâu nay người ta vẫn tranh luận sôi nổi khi nói về tự do báo chí ở phương Tây là sự đánh lừa dư luận bằng phương tiện truyền thông. Cho đến nay đã có nhiều bằng chứng cụ thể về hiện tượng này, như đánh lừa bằng cách không đưa tin hoặc đưa tin sai sự thật. Ðể phát hiện các chiến dịch đánh lừa dư luận bằng phương tiện truyền thông, người ta lục lại các bài báo viết về những cuộc chiến tranh trong các thập kỷ qua và so sánh với các dữ liệu sau này mới thu thập được hay mới công bố và giải mã, trong đó có cuộc chiến xâm lược Việt Nam. Như vậy, sự hiểu biết về tự do ngôn luận, tự do báo chí ở phương Tây sẽ giúp chúng ta nhìn nhận và đánh giá khách quan về tự do báo chí ở Việt Nam. Một sự thật không thể phủ nhận là tình hình nhân quyền ở Việt Nam nói chung, tự do ngôn luận, báo chí nói riêng, đã liên tục được cải thiện, phát triển trong các thập niên vừa qua. Trên cơ sở đó, không thể chấp nhận hiện tượng một số cá nhân tự cho mình là “nhà báo độc lập”, rồi đưa ra ý kiến thiếu xây dựng. Bởi không thể coi là nhà báo, dù là “nhà báo độc lập” (!), khi chỉ đưa ra các tin tức và bình luận sai sự thật theo kiểu “bới bèo ra bọ” để nói xấu chính quyền, phủ nhận những thành tựu mà chính họ đang được thụ hưởng.
HỒ NGỌC THẮNG (CHLB ÐỨC)