Home > Contend > Văn hóa - Xã hội > Du lịch > Bồng bềnh chợ nổi Cái Răng

Bồng bềnh chợ nổi Cái Răng

Không gì thú vị hơn khi một ngày đẹp trời được tận hưởng cảm giác bồng bềnh trên sông Hậu ngắm bình minh Tây Đô, nghe điệu hò Nam Bộ và thăm chợ nổi Cái Răng – nét đặc trưng văn hóa sông nước Cửu Long.

Từ tờ mờ sáng chúng tôi ra bến Ninh Kiều thuê một chiếc thuyền nhỏ và bắt đầu hành trình của mình. Tàu rời bến giữa ban mai trong lành, ngắm cảnh bình minh đang lên trên sông Cần Thơ và tận hưởng những làn gió mát rượi vào buổi sớm mang hơi hướng của chút phù sa và dường như có cả cái hồn của châu thổ.

Cùng với chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), Cái Răng lâu nay được du khách trong và ngoài nước biết đến là một trong hai chợ trên sông, nổi tiếng nhất miền Tây Nam Bộ. Nhiều người cho rằng, đến Cần Thơ mà chưa đi chợ nổi Cái Răng thì kể như chưa biết gì về “thủ phủ” cũ của Tây Đô.

Chợ họp đông nhất vào lúc 6h sáng, kết thúc lúc 8-9h, với hàng trăm ghe lớn nhỏ mua bán các loại trái cây và nông sản của vùng quê sông nước này.Giờ này cũng là lúc chợ nổi sôi động nhất, cả khu chợ như phình to ra, lấn gần hết cả lòng sông. Mọi thứ âm thanh bắt đầu náo loạn, nào thì tiếng máy nổ, nào thì tiếng chèo khua nước, tiếng sóng vỗ òm oạp vào mạn thuyền rồi tiếng cười nói, tiếng người mua kẻ bán, tất cả tạo lên một sự xô bồ và sầm uất không kém gì những khu chợ trên cạn. Do không thể rao hàng nên người dân nơi đây nghĩ ra một cách “quảng cáo” rất hiệu quả và dễ thấy. Trên mỗi thuyền, người ta cắm một chiếc sào cao, treo tất cả hàng hóa muốn bán lên đó, gọi đó là treo bẹo. Do đó, từ xa, người mua có thể nhận ra thuyền chở loại hàng mình cần và tấp tới nhập hàng.

Vui nhất là cảnh giao hàng, người tung người đỡ như những nghệ sĩ xiếc đang biểu diễn trên sông. Mặt hàng chủ lực của chợ nổi là các loại hàng nông sản thực phẩm tươi sống và hàng tiêu dùng… Ở đây hình ảnh các mẹ, các chị đi chợ trên một chiếc xuồng ba lá lướt nhẹ nhàng trên sông, có điều gì đó khác hẳn với hình ảnh người đi chợ xứ Bắc quang gánh trĩu nặng hay xe cộ cồng kềnh…

Chợ nổi Cái Răng là chợ đầu mối chuyên mua bán sỉ các loại trái cây, nông sản của vùng. Hàng hoá ở đây với số lượng lớn và mỗi mặt hàng đã được phân loại nên đồng đều về chất lượng kích cỡ. Nếu như dân địa phương và các vùng lân cận sử dụng các ghe xuồng trung bình chở các mặt hàng nông sản đến đây tiêu thụ thì những ghe bầu lớn là của các thương lái thu mua trái cây toả đi khắp nơi, thậm chí đưa sang tận Campuchia.

Cũng giống như trên bờ, ở chợ nổi không chỉ có hàng trái cây mà còn có cả những chiếc thuyền, ghe chở hủ tiếu, cà phê, thuốc lá, bia, tạp phẩm… phục vụ cho những tiểu thương trên sông. Những “tài xế” này điêu luyện tới mức có thể dùng chân điều khiển ghe len lỏi khắp nơi phục vụ khách có nhu cầu. Chỉ cần 7.000-8.000 đồng cho một bát hủ tiếu hay 3.000 đồng cho ly cà phê đá – tuy không ngon lắm nhưng bạn sẽ rất thú vị khi được thưởng thức nó trong không khí mênh mang sông nước. Ở chợ nổi còn có đầy đủ các loại dịch vụ từ sửa máy, sửa cân, ghe bán xăng dầu đến những cửa hàng bách hoá như mỹ phẩm, mắm muối, thuốc tây, bánh kẹo…Các xuồng dịch vụ nhỏ gọn, len lỏi rất thiện nghệ áp mạn ghe bán hàng rồi thu tiền, nhưng tất cả đều rất nhường nhịn nhau.

Điều cuốn hút du khách hơn cả chính là việc vừa thăm chợ nổi vừa được thưởng thức các sản vật vùng sông nước ngay trên chính các ghe hàng của người dân nơi đây bằng tình cảm nồng ấm, trìu mến của người miền Tây.

Việc đi lại giao lưu văn hoá, phát triển kinh tế hàng hoá bằng đường thuỷ, nhóm họp buôn bán trên sông, giúp họ dễ dàng hòa nhập cộng đồng, trở thành tập quán trên bến dưới thuyền. Phải chăng chính vì thế mà tạo nên tính cách phóng khoáng cởi mở của người dân sông nước Nam Bộ. Du khách một lần bồng bềnh du lịch miền Tây sẽ không bao giờ quên được sông nước chợ nổi kết hợp miệt vườn sinh thái với những người dân quê chân chất, cởi mở, mộc mạc, hiền lành và giàu lòng hiếu khách. Lòng sẽ nhớ mãi những vị ngọt của trái cây, những món ăn dân dã Nam Bộ tuyệt vời cùng tiếng đàn bầu, đàn kìm, đàn nhị nghe da diết, và những bản vọng cổ ngọt ngào…

 

Phạm Tử Văn

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *