Home > Contend > Văn hóa - Xã hội > Văn hóa > Chuyện lạ ở vùng đất thờ con gái Vua Hùng

Chuyện lạ ở vùng đất thờ con gái Vua Hùng

Tên một vùng đất thờ con gái Vua Hùng thứ 18 ở TP Hải Dương không ít người đã phải ngỡ ngàng khi bắt gặp những điều kỳ lạ…

Người Việt ta đều biết câu chuyện tình “Tiên Dung – Chử Đồng Tử”. Thế nhưng trên một vùng đất thờ con gái Vua Hùng thứ 18 ở TP Hải Dương không ít người đã phải ngỡ ngàng khi bắt gặp những điều kỳ lạ…Đền thờ Tiên Dung công chúa uy nghi…

Làng cổ Bảo Sài, nay thuộc phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) có cụm di tích danh thắng đặc biệt gồm đình thờ Đại tướng Trương Mỹ, một vị tướng thời Hai Bà Trưng, có công lớn trong cuộc đánh đuổi ngoại xâm buổi đầu dựng nước. Cách đó không xa là chùa Bảo Sài, có tên tự là Thanh Lương Động, kiến trúc kiểu chữ đinh, xây dựng vào thời Nguyễn, có nhiều đại tự và câu đối mang ý nghĩa đề cao uy danh đạo Phật và nét riêng của di tích địa phương. Liền kề chùa còn có một công trình đặc biệt là đền thờ Tiên Dung công chúa, con gái Vua Hùng thứ 18, người đã “gặp” Chử Đồng Tử ở ven một bãi sông rồi nên duyên vợ chồng. Đền thờ công chúa Tiên Dung và chùa Bảo Sài nằm bên phố Trương Mỹ.

Đền thờ Tiên Dung công chúa trong cụm di tích đình, đền, chùa Bảo Sài, phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương)

Đền tên tự là Thanh Hư Động, được xây dựng vào thời Hậu Lê, có 3 gian tiền đường, 2 gian hậu cung. Ấn tượng là cửa chính chạm trổ rồng, phượng sơn son thếp vàng ẩn sau tam quan đá uy nghi. Gian tiền đường nổi bật với bức cửa võng cổ, chạm thủng các tích mai, điểu, đường nét tinh tế. Phía trên là bức đại tự Bồng Lai Cung Quyết. Hai bên là câu đối: Phủ dục quần sinh, tức nữ trung Nghiêu Thuấn/Mẫu nghi thiên hạ, trần thế thượng thần tiên (Vỗ về nuôi nấng chúng sinh, đúng là nữ nhân thời Nghiêu Thuấn/Người mẹ khuôn phép của thiên hạ, xứng là bậc thần tiên trên thế gian). Tại hậu cung đền, tượng Tiên Dung công chúa được tạo tác tinh xảo, đặt trong khám cổ bằng gỗ, hai bên có các nàng hầu.

Năm 1992, cụm di tích đình, đền, chùa Bảo Sài được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Trước đây, lễ hội chính tổ chức ngày 10-3 âm lịch, đúng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, nay chuyển vào ngày 10-2 âm lịch theo ngày sinh tướng quân Trương Mỹ. Tuy vậy dịp 10-3, đền, chùa Bảo Sài vẫn đông nghẹt người dân tới thắp hương chiêm bái.

Giới thiệu về di tích, sư thầy Thích Đàm Vinh, trụ trì chùa Bảo Sài cho biết, ngày trước chùa và đền còn hoang sơ, các công trình bị xuống cấp dột nát, hư hỏng nặng. Đền có 2 đạo sắc phong cùng một số đồ thờ tự nhưng bát bửu bị kẻ xấu lấy mất. Được sự quan tâm của các cấp, ngành, nhân dân và du khách thập phương, các năm từ 2010 – 2012, đền được tu sửa khang trang, song vẫn giữ nguyên nhiều nét cổ xưa. Các bức võng, cột, câu đối, vì kèo, hoa văn… ở đây đều cổ kính và đẹp mắt. Hiện nhà chùa đang chỉnh trang một số công trình phụ trợ chuẩn bị cho dịp 10-3 âm lịch. Mang đậm giá trị tôn giáo, tín ngưỡng, gìn giữ được nhiều nghi lễ, trò chơi truyền thống như rước, tế, văn nghệ, cờ tướng, chọi gà, lễ hội của đình, đền, chùa Bảo Sài đã trở thành một trong những lễ hội tiêu biểu của tỉnh.

… và dòng họ Chử bước ra từ huyền sử

Điều lý thú của vùng đất thờ con gái Vua Hùng này chính là làng Bảo Sài xưa và các vùng lân cận có rất nhiều người mang họ Chử. Sự xuất hiện của dòng họ Chử tại đây khiến câu chuyện “Tiên Dung – Chử Đồng Tử” thời Vua Hùng thứ 18 không chỉ là huyền thoại. Anh Vũ Ngọc Chiến, cán bộ văn hóa phường Phạm Ngũ Lão cho biết: Thần phả đền thờ công chúa Tiên Dung ở đây tương tự như thần phả về Tiên Dung – Chử Đồng Tử ở Khoái Châu (Hưng Yên) và câu chuyện truyền thuyết lưu truyền trong dân gian. Các cụ cao niên truyền lại rằng, sau khi hai người thành vợ chồng, Vua Hùng giận không cho trở về triều, Tiên Dung cùng Chử Đồng Tử mở bến chợ, lập phố xá, dạy dân làm ăn, buôn bán, biến bãi sông hoang vắng thành nơi buôn bán sầm uất. Từ đó, con cháu Chử Đồng Tử nối nghiệp tổ tiên mang theo vị phúc thần của dòng họ đi mở mang những miền đất mới, trong đó có nơi này. Làng Bảo Sài xưa có 63 gia đình thì có hơn 40 gia đình mang họ Chử. Trong quá trình phát triển, họ Chử ở thôn Bảo Sài phân ra các chi: Chử Đức, Chử Hữu, Chử Ngọc, Chử Bá. Nằm bên sông Sặt, cháu con dòng họ Chử vẫn theo nghiệp ông cha đánh bắt cá trên sông. Từ khi có con đê ngăn cách bãi triều với sông, làng Bảo Sài nằm trong nội thành, người họ Chử không còn theo nghề cũ của tổ tiên mà chuyển sang các nghề khác. Tuy vậy, mọi người vẫn tôn thờ vị phúc thần của dòng họ là Đức Thánh Mẫu Tiên Dung thờ tại đền Bảo Sài.

Không chỉ ở Bảo Sài, thôn Bình Lâu liền kề, nay thuộc phường Tân Bình (TP Hải Dương) cũng rất đông người họ Chử sinh sống. Thôn Bình Lâu có tổng cộng 100 gia đình họ Chử. Họ Chử ở đây được chia thành các chi là Chử Hữu và Chử Kim. Chi họ Chử Kim có khoảng 20 gia đình cùng một số gia đình trên Bảo Sài. Vì họ Chử ở Bảo Sài và họ Chử ở Bình Lâu có quan hệ mật thiết nên mỗi khi hai làng có việc đều có đại diện đến tham dự. Lễ hội ở Bình Lâu nay và lễ hội xưa ở Bảo Sài cùng diễn ra vào dịp mùng 10-3 âm lịch, trùng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Ngày trước, nơi đây vốn là sông và đầm bãi. Người dân ở thưa thớt và chủ yếu mang họ Chử. Các gia đình sinh sống bằng nghề đánh bắt cá, thả rọ tôm, đàn bà quanh năm lặn ngụp sông nước vớt củ ấu đem bán ngoài chợ. Ngày nay, sông bị thu hẹp, hầu hết người dân ở đây đã chuyển sinh kế bằng nghề khác.

Phải chăng các gia đình họ Chử ở đây là hậu duệ của họ Chử thời Hùng Vương? Câu chuyện tình giữa chàng trai đánh cá Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa là thật? Câu trả lời xin dành cho các nhà nghiên cứu.

NGỌC HÙNG


Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *