Ở cái vựa sâm to đùng này, sâm được bày bán la liệt trên mặt đất như bán… khoai mì. Chốc chốc lại thấy một quầy sâm chiên hệt như chuối chiên, có điều mỗi phần ăn là 7 củ to đùng, trà sâm được phục vụ miễn phí, ai có thời gian hay mệt mỏi thì ngâm chân trong nước sâm.
Ở Festival sâm Geumsan, sâm tươi được bày bán la liệt trên mặt đất như bán… khoai mì
Ăn sâm như ăn rau
Thông thường, Geumsan chẳng phải là cái tên để du khách chú ý khi đến du lịch ở đất nước Hàn Quốc xanh tươi với những địa danh đình đám cỡ đảo Jeju. Đó chỉ là một thị trấn nhỏ miền quê trầm lắng với lắm núi, nhiều thung lũng bình yên, cách thủ đô Seoul khoảng 130 km. Nhưng hằng năm, cứ mỗi độ chớm thu, khi những chiếc lá xanh bắt đầu lác đác chuyển vàng, chuyển đỏ, Geumsan bỗng như bừng tỉnh với lũ lượt du khách, lái buôn từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Họ kéo đến Festival sâm Geumsan, năm nay đã là lần thứ 34. Geumsan chính là cái vựa khủng nhất chiếm đến 70% sản lượng sâm ở Hàn Quốc, một trong những xứ trồng sâm nhiều nhất thế giới. Các nhà nông trồng sâm ở những khu vực khác trên đất Hàn cũng tranh thủ mang sâm về đây giới thiệu. Mùa thu chính là mùa thu hoạch sâm ở Hàn Quốc.
Niềm vui thu hoạch sâm trên cánh đồng
Tiếp chúng tôi tại Festival sâm Geumsan, anh Kim Yang-soo, chuyên viên phụ trách truyền thông của chính quyền Geumsan tranh thủ quảng bá rằng địa hình đồi núi, thung lũng bao phủ hầu hết Geumsan, cộng với khí hậu khô và lạnh suốt năm, rồi cấu tạo thổ nhưỡng bao gồm lớp đất sét trộn cát trên bề mặt, dưới đó là lớp đất sét hoàn toàn… khiến cho Geumsan trở thành thiên đường trồng sâm. Anh cũng không quên quảng bá về bề dày lịch sử 1.500 năm trồng sâm của vùng đất này.
Phần lớn lượng sâm thu hoạch ở Hàn Quốc là để tiêu thụ trong nước, nơi người ta ăn sâm giống ăn rau, từ người già đến trẻ con. Nhưng người Hàn chưa bao giờ mệt mỏi trong việc tìm mọi cách “sâm hóa” thiên hạ. Một ví dụ gần đây là thành công của họ trong việc xuất khẩu món gà hầm sâm, một món ăn được người Hàn quảng cáo là rất tốt cho sức khỏe, sang Mỹ – thị trường xuất khẩu gia cầm lớn nhất hành tinh. Đó là quả ngọt của người Hàn sau cuộc đấu tranh kéo dài suốt 10 năm!
Không mua không về nhà
Chứng kiến dòng người lũ lượt Á, Âu lẫn lộn đổ vào Festival sâm Geumsan (kéo dài suốt 10 ngày), thật khó có thể hình dung tất cả đều là “fan” của sâm hoặc đến đây với mục đích mua bán sâm. Ban tổ chức đã rất biết cách để kéo họ tới Festival sâm Geumsan, dù họ có thích sâm hay không thích sâm. Đó thực sự là một lễ hội văn hóa, một điểm giải trí dành cho tất cả mọi người với những cuộc diễu hành rực rỡ sắc màu, những cuộc biểu diễn âm nhạc rộn rã, những trò chơi vui nhộn cho cả trẻ con và người lớn, những quầy vẽ chân dung kinh điển ở các điểm du lịch… Người ta quảng bá khắp nơi về tour festival, bao gồm nhiều điểm đến đáng giá gần kề như ngôi đền 1.000 năm Boseok-sa, 12 ngọn thác lớn nhỏ vắt vẻo qua những mỏm đá cao chót vót giữa khu rừng xanh mướt… Và rồi du khách không thể nào không sà thử vào các đống sâm tươi bày bán la liệt trên mặt đất với giá khá mềm trong festival. Chúng được bán từng 750 gr một, chừng 30 USD cho loại sâm 4 hoặc 5 tuổi, cao nhất là 60 USD cho sâm 6 tuổi. Để so sánh, một cái kem ốc quế trên đường phố xứ kim chi đã có giá 3 USD.
Trà sâm Hàn Quốc
Du khách cũng khó cưỡng trước những quầy sâm tẩm bột chiên nguyên củ cao ngất có giá chừng 10 USD/phần (7 củ) để rồi bất ngờ vì vị ngọt bùi, thơm nhẹ của sâm thay vì vị đắng như trông chờ. Chỉ loáng một cái, một người đã có thể “thổi” hết 7 củ sâm tươi to đùng, quên cả cái cách ăn sâm nhâm nhi từng tí một như ở quê nhà. Còn rất nhiều món ngon từ sâm khác như cơm trộn sâm, giò heo hầm sâm, kim chi sâm trong khu ẩm thực nhưng gà hầm sâm là thứ rất nhiều người muốn thử vì là món quốc hồn quốc túy của người Hàn. Trà sâm thì được phục vụ miễn phí, khó lòng không thử khi cổ họng khát khô giữa lễ hội rộng lớn. Những ai đã mệt mỏi vì đi thì dễ dàng “bị kéo” vào quầy ngâm chân trong nước nấu từ hồng sâm với công dụng được quảng cáo là giảm stress, tăng sức đề kháng…
Ở Geumsan, nước sâm được dùng để ngâm chân
Các bà, các cô thì mải mê ngắm nghía sữa rửa mặt từ sâm, mặt nạ từ sâm… Ai có chút thời gian có thể tham gia làm xà phòng từ sâm. Những người có tí “máu nghiên cứu” thích sà vào bảo tàng sâm hoặc tham gia quy trình chế biến sâm khô miễn phí. Nhưng đào sâm ngay giữa cánh đồng (cũng miễn phí nốt) có lẽ là hoạt động được ưa thích nhất, nơi du khách có thể mua những củ sâm tươi rói do chính tay mình đào lên với giá còn mềm hơn chút đỉnh so với ở các quầy hàng trong festival. Rồi thì bạt ngàn các sản phẩm từ sâm như rượu sâm, nước cốt sâm, kẹo sâm, sô cô la sâm… Cuối cùng, đố ai đã lỡ “lạc” vào đây – dù có thích sâm hay không thích sâm – mà không tay xách nách mang sâm và những sản phẩm từ sâm, đem chúng đi khắp thế giới, từ đó “tiếp tay” cho người Hàn quốc tế hóa văn hóa cuồng sâm của họ.