Home > Contend > Phê bình lý luận > Một kiểu du nhập lý thuyết văn học để “trang sức”

Một kiểu du nhập lý thuyết văn học để “trang sức”

Tiếp nhận lý thuyết văn học nước ngoài luôn có ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng nền lý luận, nghiên cứu, phê bình văn học của mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, sau hơn một thế kỷ du nhập và áp dụng các lý thuyết phương Tây trong nghiên cứu, phê bình văn học, dường như tới nay, một số tác giả ở Việt Nam vẫn thực hành công việc theo lối “ăn xổi ở thì”?

Tiếp nhận lý thuyết văn học nước ngoài luôn có ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng nền lý luận, nghiên cứu, phê bình văn học của mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, sau hơn một thế kỷ du nhập và áp dụng các lý thuyết phương Tây trong nghiên cứu, phê bình văn học, dường như tới nay, một số tác giả ở Việt Nam vẫn thực hành công việc theo lối “ăn xổi ở thì”?
Vận dụng một lý thuyết văn học từ phương Tây để nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam là hết sức cần thiết, song khi việc vận dụng trở thành “mốt” của một số tác giả nghiên cứu, phê bình lại nảy sinh một số hiện tượng “ngược đời”, không biểu thị cho sự say mê, trăn trở nghề nghiệp mà cốt tạo tiếng vang? Bởi, thay vì tìm hiểu kỹ càng, có hệ thống, tiếp nhận trong sự phù hợp với thực tiễn văn học và động lực nội tại chi phối văn học ở trong nước, thì các tác giả này như đã bị “ngợp” trong lý thuyết mà họ cho là thích hợp. Và có lẽ vì không cần xem xét xuất xứ, bản chất lý thuyết đó là gì, họ lựa chọn cả một số lý thuyết phi chính trị, phản khoa học làm phương pháp nghiên cứu. Lại có tác giả trong khoảng hai mươi năm trở lại đây đã khiến người quan tâm phải kinh ngạc vì liên tục chuyển đổi từ thi pháp học, phân tâm học đến phê bình phong cách! Với phương pháp nào ông cũng làm ra một, hai công trình dày cộp nhưng đọc kỹ lại thấy dường như phương pháp nghiên cứu nước ngoài chỉ là “đồ trang sức” để trưng ra với giới học thuật. Công trình nào cũng có nhược điểm rất lớn là tác giả còn thiếu nền tảng khi tiếp nhận các lý thuyết được lựa chọn, chưa đi sâu tìm hiểu rốt ráo chủ thuyết mình theo đuổi. Kỳ lạ là lối làm việc thiếu khoa học đó lại chưa một lần được xem xét cẩn trọng mà trái lại, tác giả từng dính án “đạo văn” này vẫn được một số cây bút lý luận, phê bình khen ngợi, coi như một tấm gương về nỗ lực nghiên cứu!?

Gần đây một cây bút phê bình trẻ xuất bản cuốn sách trong đó nhìn nhận văn học đương đại là “nền văn học đang chuyển đổi và phân hóa từ những không gian đối diện với sự chuyển hóa và phân hóa”. Cây bút phê bình trẻ tuyên bố vận dụng trong sách (thực chất là tập tiểu luận) nhiều phương pháp khác nhau: từ thi pháp học, cấu trúc luận, tự sự học, đến lý thuyết chấn thương, lý thuyết hậu thực dân… Nếu tác giả thật sự nắm vững, thành thạo việc áp dụng các lý thuyết trên để nghiên cứu thì quả là đáng khâm phục. Nhưng khi đọc kỹ sẽ ngạc nhiên, vì các lý thuyết được áp dụng rất mờ nhạt, các phương pháp nghiên cứu như cấu trúc luận, tự sự học không được trình bày kỹ lưỡng, các biểu tượng về văn hóa, huyền thoại không được chú trọng giải thích,… mà lý thuyết hậu thực dân trở thành chủ thuyết xuyên suốt cả tập sách. Sự xuyên suốt đó cho thấy tác giả không quan tâm tới các vấn đề: Thứ nhất, đến nay hậu thực dân vẫn đang là lý thuyết còn gây tranh cãi. Ra đời trong thời kỳ các nước thuộc thế giới thứ ba mới giành được độc lập, hậu thực dân được một số nhà văn hóa ở phương Tây coi là giải pháp tối ưu để hiểu bản chất các nước này. Ngược lại, một số ý kiến cho rằng lý thuyết hậu thực dân chỉ khắc sâu thêm xung khắc văn hóa và phân biệt, kỳ thị chủng tộc; tạo ra cuộc chiến không có hồi kết giữa văn hóa phương Tây với văn hóa bản địa (trung tâm – ngoại vi); không lý giải được những giao thoa văn hóa tự nguyện giữa phương Đông và phương Tây, hay mở rộng ra là giữa các quốc gia với nhau. Mặc dù đã có một tên gọi, nhưng hậu thực dân vẫn chưa phải là lý thuyết hoàn chỉnh, nhất là khi phải vay mượn nhiều diễn ngôn, lý thuyết khác nhau để che đậy mục đích, bản chất. Vì vậy, lý thuyết nhiều mâu thuẫn và cực đoan này nhanh chóng bị lu mờ khi lý thuyết toàn cầu hóa ra đời. Thứ hai, không phải quốc gia nào từng bị đế quốc phương Tây đô hộ cũng tồn tại những di sản hậu thực dân hay hậu thuộc địa, và Việt Nam không phải gánh chịu các di sản này như ở một số quốc gia châu Á khác. Thứ ba, có thể coi văn hóa của mỗi quốc gia và văn hóa của các quốc gia như những dòng chảy xen kẽ với các khúc giao cắt, cho nên không có nền văn hóa nào tĩnh tại, khép kín như trạng thái “tiền thực dân” mà lý thuyết hậu thực dân ghi nhận ở các nước chủ nghĩa thực dân đã mất quyền kiểm soát. Do đó, sử dụng lý thuyết hậu thực dân trong thực tiễn nghiên cứu văn học Việt Nam là không khả thi, như nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra…

Tuy nhiên, trong tiểu luận đầu tiên của cuốn sách, cây bút phê bình trẻ nêu trên mặc định văn học Việt Nam là nền văn học hậu thuộc địa mà không đưa ra bất cứ căn cứ, lịch sử vấn đề hay cơ sở lý thuyết nào chắc chắn và đáng tin cậy. Với lối tư duy tư biện, khiên cưỡng, tác giả góp nhặt và huy động nhiều sản phẩm, thậm chí là cả sáng tác “phản văn học” để chứng minh. Ngoài “thơ rác”, “thơ-nghĩa-địa” và cái gọi là “thơ” của “nhóm Mở miệng”, tác giả còn vơ váo một số “nhà văn” chưa viết một tác phẩm nào nhưng lại “nổi tiếng” trong lĩnh vực ngoài văn học (như blogger đã có thái độ chống đối Nhà nước chẳng hạn)… Không chỉ vậy, ở tiểu luận cuối sách tác giả còn coi “nhà văn trong tư cách trí thức” phải xây dựng một nền cộng hòa văn chương công chính, cụ thể là phải gắn liền các hoạt động sáng tác với các hoạt động chính trị. Để khẳng định ý kiến này, tác giả dẫn quan niệm của A-rít-xtốt (Aristotle): “con người là một sinh vật chính trị”. Nhưng có lẽ tác giả chưa nắm bắt quan niệm này trong bối cảnh lịch sử để thấy quan niệm của A-rít-xtốt chỉ giới hạn trong phạm vi một “nhóm thiểu số” mà ông coi là người hoàn toàn nhàn rỗi tham gia hoạt động chính trị, và để phân biệt với “nô lệ” và “những người mang trạng thái nô lệ”. Hơn nữa quan niệm chính trị thời A-rít-xtốt không đồng nghĩa với quan niệm chính trị ở thời hiện đại; A-rít-xtốt coi hoạt động chính trị gắn liền với hành xử khôn ngoan và đức hạnh; đó không phải là hành vi xấu xa, vụ lợi, dùng chính trị để mưu đồ cho cá nhân. Còn với tác giả này, ngay trong tiểu luận gần đây về văn học và chính trị, vẫn hiểu một cách kỳ lạ rằng chính trị là hành động xây dựng chính quyền hoặc chống lại chính quyền! Từ lối hiểu kỳ lạ đó, tác giả như đi theo vết xe đổ của một tác giả khác khi đặt những văn bản bôi xấu, thóa mạ người khác – các samizdat “phi chính trị, phản văn hóa”, ngang hàng với các sáng tác của nền văn học cách mạng.

Với tiểu luận Vấn đề đạo đức và quyền lực: hay thử lửa và thử sai trong tiểu thuyết Nguyễn Bắc Sơn, tác giả tỏ ra không phân biệt được sự khác nhau giữa các khái niệm tiểu thuyết chính sự theo kiểu Nguyễn Bắc Sơn với các tác phẩm chính trị như Con rồng tre của Nguyễn Ái Quốc, và các thứ đội lốt văn học, phi chính trị mà anh ta ca tụng thời gian gần đây. Dẫn đến việc tác giả lúng túng đi vòng quanh khái niệm với một câu hỏi nực cười: “Nếu hiểu văn học chính trị như trên thì tiểu thuyết của Nguyễn Bắc Sơn nằm ở ô nào, ngăn nào của văn học chính trị?”. Không chỉ rất ngây thơ trong quan niệm về chính trị (hay tỏ ra ngây thơ để viết được điều muốn viết?), cây bút phê bình còn cho thấy không nắm vững cả chính lý thuyết hậu thực dân. Do vậy trong cả ba bài viết về tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh, tác giả bị bất ngờ khi gặp diễn ngôn về chủ nghĩa dân tộc của nhà văn. Vì theo cái lý của anh, “chủ nghĩa dân tộc” hay “bản sắc dân tộc” ở Việt Nam chỉ hình thành, được đề cập từ thời kỳ mở cửa trong các quan hệ quốc tế! Có vẻ việc dẫn giải các lý thuyết dân tộc học, chủ nghĩa dân tộc không làm anh mảy may quan tâm tới tinh thần dân tộc, truyền thống dân tộc vốn hiển nhiên tồn tại hàng thế kỷ ở nhiều dân tộc, quốc gia và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Từ đầu thế kỷ 20, nhiều trí thức đã đặt công việc gìn giữ bản sắc, cốt cách dân tộc ngang với việc tiếp nhận ảnh hưởng của văn hóa, văn minh phương Tây, việc làm đó vẫn tiếp tục tới hiện tại. Cái nhìn của Nguyễn Xuân Khánh chưa phải là cái nhìn mới, điều cần ca ngợi ở Nguyễn Xuân Khánh là sự đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết, sự công phu trong việc tìm tòi tư liệu lịch sử, đem những tư tưởng tôn giáo, tín ngưỡng trở nên gần gũi hơn trong mắt người đọc… Sự ngộ nhận của cây bút phê bình đã khiến ba tiểu luận về tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh như trở thành sản phẩm lai ghép không hoàn hảo; hay lý thuyết hậu thực dân đã được vận dụng một cách khiên cưỡng để truyền tải ý tưởng của tác giả về tư duy tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh… Các thí dụ nêu trên không phải là tất cả các bất cập trong tập sách và điều bất ngờ là cuốn sách với nhiều lỗi học thuật như vậy vẫn được vinh danh tại một giải thưởng văn học!

Trong khi cố gắng chạy theo các lý thuyết văn học phương Tây, chủ yếu theo cách “cũ người mới ta”, cập nhật đến đâu hay đến đó, thì việc xây dựng các công trình lý luận văn học ở Việt Nam có phần bị bỏ ngỏ. Một số cuốn sách lý luận văn học có uy tín đều đã có tuổi đời vài chục năm, một số tri thức có dấu hiệu lỗi thời, cần nâng cấp, hệ thống lại, bổ sung thành tựu nghiên cứu mới, cập nhật sáng tác văn học đương đại. Đáng tiếc, công việc thiết thực này ít được các nhà nghiên cứu chú ý. Thay vào đó, một số người chỉ chú ý tuyển dịch các lý thuyết văn hóa, văn học mà không đặt trong tương quan với thực tiễn văn hóa, văn học Việt Nam. Việc dịch ồ ạt không có hệ thống cũng là một nguyên nhân làm nghiên cứu văn học ở Việt Nam sau mấy chục năm vẫn chưa xuất hiện nhà lý luận, phê bình lớn nào, kể từ sau Hoài Thanh.

Nêu ra các bất cập trong du nhập, tiếp nhận lý thuyết phương Tây ở Việt Nam lâu nay, người viết không có ý đồ phủ nhận công sức của nhiều nhà nghiên cứu văn học vẫn miệt mài làm công việc trong thầm lặng để đóng góp với văn học. Nhưng vẫn phải lên tiếng vì việc tiếp nhận lý thuyết phương Tây đang có sự bất cập, có tác giả làm ra công trình lý luận, nghiên cứu, phê bình có màu sắc vô thưởng, vô phạt, thậm chí là có hại mà vẫn “kể công” trước xã hội. Họ quên một điều là bất kỳ lý thuyết nào cũng chỉ là một loại công cụ. Và một trong những điều quan trọng nhất đối với một nhà lý luận, nghiên cứu, phê bình văn học là tình yêu sâu sắc với văn chương, tiếp nhận một cách bản chất các lý thuyết thích hợp với đối tượng nghiên cứu hay phê bình, chứ không chạy theo “hớt ngọn” các lý thuyết từ nước ngoài để làm công việc “múa gậy vườn hoang”!

VIỆT QUANG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *