Tập truyện ngắn được tác giả Phạm Tử Văn gom nhặt, chắt chiu qua từng con chữ, mang lại chút ấm áp giữa cuộc đời.Tập truyện gồm 6 truyện ngắn thời sự về “sa tặc” đang ngày đêm lén lút “moi sạch ruột” các con sông để lại hậu quả nghiêm trọng,
chuyện người đồng tính bị kỳ thị, hay chuyện oan sai bi kịch của những người thấp cổ bé họng. Ngoài ra, tác giả cũng nhắc đến nhiều vấn đề tồn đọng trong xã hội khi mà cụm từ “văn minh” chỉ là khẩu hiệu: thân phận của phụ nữ trước những lựa chọn hạnh phúc của đời mình; tình trạng ma cũ bắt nạt ma mới trong công việc; những người lầm đường lỡ bước muốn bắt đầu lại một cuộc sống mới…
Sách “Cát nổi, khói vẫn bay”.
Cả tập truyện nói về bi kịch của kiếp người, có điều, tác giả nhìn bằng con mắt một người trẻ đầy trăn trở và suy tư. Đau, hụt hẫng, bi quan, nhưng sâu thẳm bên trong anh vẫn thấy được ánh sáng của lương tâm và tình thương của những người đang trong hoàn cảnh khó khăn.
Ai sống cũng có ước mơ, có điều đôi khi miếng ăn ghì kéo ước mơ không cất mình lên nổi, như Đất với “cái tên Đất mà cha mẹ đặt cho đến giờ vẫn là mong ước nằm trên tờ giấy khai sinh, nhìn thấy chữ mà chẳng thể nào đánh vần được” (Cát nổi). Và cho dù cuộc sống khắc nghiệt có nhiều lúc như muốn đẩy họ vào con đường suýt mất mạng thì anh em Đất vẫn giữ được tấm lòng lương thiện của mình. Góc nhìn của Phạm Tử Văn tuy không mới, nhưng giúp khơi dậy nhiều suy nghĩ trong xã hội ngày nay, khi mà sự thờ ơ, lạnh nhạt gần như trở thành nguyên tắc sống của nhiều người.
Hay như ở Khói vẫn bay lên, độc giả lại xót xa cho một chàng Xầm bị tòa xử oan trong vụ án thứ nhất để rồi khi ra vành móng ngựa trong vụ án thực sự do mình là hung thủ, chàng lạnh lùng: “Bị cáo từng kêu oan nhưng có ai điều tra để trả lại sự trong sạch cho bị cáo đâu. Bị cáo không còn muốn tin ai nữa”. Và cũng ở trong truyện ngắn này, người đọc bắt gặp nửa câu chuyện thứ hai với hình ảnh tần tảo của người chị tên Sương phải bán máu để có tiền chạy thận cho em trai. Là người chứng kiến những bi kịch, đắng cay đời người của Xầm và Sương, nữ nhà báo trong truyện đã thốt lên: “Con người chẳng thể che giấu được mình trong cái vỏ bọc của bản thân khi bước chân vào nhà tù và đến bệnh viện. Sự nhẫn tâm của số phận cứ bị phơi bày một cách thản nhiên đến lạnh lùng”.
Có lẽ, day dứt và đau khổ nhất vẫn là câu chuyện Nước mắt nàng Nguyệt Cô. Sinh ra là phụ nữ đã là bi kịch, nhưng lấy nhầm chồng lại càng bi kịch hơn. Phụng Loan có vẻ như phải chịu đựng tất cả uất hận mà một người đàn bà phải chịu đựng: Chồng ngoại tình công khai trước mặt, muốn thoát ra nhưng bị giam cầm lại bởi chính cái lễ nghĩa gia giáo dòng tộc. Cứ thế, cô đứng giữa sự lựa chọn, một bên là buông bỏ, một bên là tiếp tục chịu đựng.
Không chỉ là phận người, những vẫn đề quen thuộc của cuộc sống như ma cũ bắt nạt ma mới (Ở nơi không thấy mặt trời), hay sự sự tái hòa nhập cộng đồng của những con người lầm lỡ (Bãi mồ côi) cũng được tác giả khai thác để hoàn thiện bức tranh về cuộc sống. Với vốn sống phong phú, mỗi nhân vật, mỗi câu chuyện đều được tác giả đặt ở những bối cảnh khác nhau. Nhưng cho dù những nhân vật có đau khổ, bi kịch như thế nào, Phạm Tử Văn luôn cho họ một cách giải quyết rất đỗi tình người – là tha thứ, là yêu thương như điều anh đã gửi gắm trong tập truyện: “Sống mà không thể yêu thương được nhau thì cuộc đời này ngắn đến nhường nào?”.
Mai Đức