Giáo sư Vũ Khiêu, sinh ngày 19.9.1915, song tuổi trong hồ sơ đi theo kháng chiến thì lại là 1916. Thật khó có thể tưởng tượng nổi bậc đại thụ về triết học và nhiều ngành khoa học xã hội như ở tuổi ông lại có sức làm việc kỳ lạ, giàu khát vọng và muốn cống hiến cho đời khi đã sang tuổi 100 đến thế!
“Không đổi 5.000 người bạn lấy 5.000 cây vàng”
Tôi còn nhớ, vào cái hôm sinh nhật ông khi sang tuổi 98, giáo sư (GS) có tâm sự với chúng tôi rằng: “Hôm nay, bè bạn tôi ngồi chật hội trường, đó cũng là đại diện cho 5.000 người bạn của tôi trải dài trên khắp mọi miền đất nước”.
Giáo sư Vũ Khiêu và các con tiếp người bạn lâu năm là giáo sư xã hội học nổi tiếng người Bỉ F.Houtar, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Bỉ
“Tại sao là con số 5.000?”. Ông giải thích: “Ngày ấy, khi tôi đang ở trong một căn nhà chật hẹp ở phố Vạn Bảo, GS Đào Nguyên Cát, cán bộ cao cấp của Đảng ở Ban Tuyên giáo T.Ư đến đưa cho tôi một tờ giấy để tôi ký, xin cấp một ngôi nhà rộng rãi hơn. Tôi đã từ chối. Anh Đào Nguyên Cát trách tôi và nói: “Bạn của anh vừa bán một ngôi nhà trị giá 5.000 cây vàng”. Tôi trả lời: “5.000 cây vàng của anh làm sao bằng 5.000 người bạn của tôi. Không bao giờ tôi đổi 5.000 người bạn của tôi để lấy 5.000 cây vàng”. Những năm đất nước còn chiến tranh, vật chất còn thiếu thốn bộn bề, ăn còn không đủ no, lại thiếu chất. Ấy vậy mà cái căn phòng nhỏ, chật chội, khoảng hai chục mét vuông kia của GS nằm trong tòa nhà thuộc Viện Viễn Đông Bác cổ ở phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội luôn đầy ắp những kỷ niệm và ấm cúng đến lạ thường của giới trí thức khoa học xã hội (KHXH).
Từ những năm 70 của thế kỷ trước, cha tôi hầu như tháng nào cũng qua thăm ông với tư cách là em họ. Còn tôi, cứ dăm sáu tháng, lại được theo cha mình tới thăm ông để cho biết về một nhà khoa học sống và làm việc ra sao. Là một sinh viên văn khoa, tôi đã cảm nhận nơi đây hình như lúc nào cũng ấm tình bằng hữu. Bạn ông, đủ mọi lứa tuổi, trình độ học vấn và cấp bậc trong xã hội, họ đến với ông như không hề có khoảng cách. Rất hòa đồng và chân thành. Không rõ cái câu được nhiều người truyền khẩu có tự lúc nào khi bạn bè đến với ông rồi tự đặt ra, hay do ông đặt, nhưng rất đúng: “Giày dép và địa vị, xin để ngoài cửa!”.
Ông Nguyễn Quới, người kém ông tới trên ba chục tuổi và có dịp được làm việc dưới quyền của ông ở Viện KHXH TP.HCM, sau 1975 đã tâm sự: “Vũ Khiêu không giàu vì bạn, không sang vì vợ. Nhưng Vũ Khiêu là một nhân cách lớn chính bởi cái thể tổng hòa của các mối quan hệ bạn bè và mối quan hệ vợ chồng”.
Làm việc không ngừng nghỉ
Sức làm việc không ngừng nghỉ của ông quả đáng khâm phục. Do tình hình đất nước gặp khó khăn, sóng gió, ông không khỏi day dứt, cái day dứt kiểu của bậc nho sĩ khi nhìn vào thế sự, nên đã tâm tình cùng bè bạn vào năm 2012:
“Được gặp lại các bạn, tôi vô cùng xúc động nhưng cũng có đôi phần hổ thẹn. Cao Bá Quát ngày xưa, trước tình hình đất nước, đã than rằng: “Thái bình vô nhất lược/Lộc lộc sỉ vi Nho!” (Chẳng góp được một sách lược nào để đem lại sự thanh bình cho Tổ quốc, thật đáng thẹn cho tôi, một người trí thức (Nho).
Ngày nay, tôi cũng mang cái thẹn của Cao Bá Quát. Là một trí thức mà tôi chẳng có được một đóng góp nào trước những khó khăn, thử thách đang đặt ra trước cả nhân loại cũng như trước dân tộc chúng ta.
Trong mấy năm vừa qua, tôi có làm được đôi việc cho thủ đô như: đọc duyệt và góp phần biên soạn Tủ sách Ngàn năm Thăng Long gồm trên 100 cuốn, mỗi cuốn dày trên 1.000 trang. Gần đây, tôi lại mới nộp Nhà xuất bản Hà Nội một bộ sách dày 2.400 trang mang tên Văn hiến Thăng Long mà tôi một mình lặng lẽ chấp bút từ trên 10 năm nay.
Trước sự tin yêu của Đảng và Nhà nước, trước tình cảm của lãnh đạo Hà Nội phong tôi là Công dân số 1 của thủ đô, trước sự cổ vũ của bạn bè hôm nay, tôi lại xin bắt tay thực hiện một kế hoạch 5 năm nữa và sẽ hoàn thành vào năm tôi được 103 tuổi.
Sự tính toán đó là của tôi. Còn sống chết là việc của trời. Tôi chỉ biết hứa với bè bạn yêu quý của tôi là còn sống năm tháng nào thì làm việc hết năm tháng đó”…
Ấy vậy mà con đường ông hoạch định năm nào, nay đã đi được hơn 1/3 chặng. Hôm nay, GS vẫn lao động không ngừng nghỉ, vẫn cật lực và như muốn đẩy lùi cái tuổi trăm năm đã tới. Chúng ta xin chúc mừng ông “Kỳ di chi thọ”, như Kinh Lễ có nêu, tức là mong ông được trường thọ để hưởng phúc an tâm di dưỡng. Chúng ta chúc GS vốn khỏe mạnh, minh mẫn, nay càng hơn thế, tiếp tục cống hiến những đứa con tinh thần mà GS đang chăm bẵm, ấp ủ để sớm cho ra mắt bạn đọc cả nước như ông mong muốn.
Quốc Phong