Trời bất chợt đổ mưa như trút, Huệ cuống cuồng xách hòm đồ nghề đánh giầy chạy nhanh vào trú dưới vòm cổng của một ngôi nhà trên phố. Tại đó, tụi thằng Tuấn “ngáo”, Huy “vẩu” và Tâm “lùn” đang nép mình đứng sát vào nhau.
Thấy Huệ chạy vào, Tuấn “ngáo” ra dáng đại ca, dạng rộng hai chân chặn trước mặt Huệ. Nó giương cái mặt đen nhẻm về phía Huệ rồi hất hàm:
– Ê, đi chỗ khác trú, mày không thấy bọn tao đang đứng ở đây hả?
Huệ đảo mắt nhìn nhanh ra xung quanh để tìm kiếm chỗ trú khác vì không muốn dây dưa với tụi này, nhưng gần đó không có cổng nào có mái vòm để có thể đứng được.
Tuần trước, Huệ dầm mưa nên bị cảm sốt, mẹ đã bỏ cả công việc ở chợ để lo thuốc thang cho Huệ mất mấy ngày liền. Trong người Huệ bây giờ vẫn còn chút mệt, nếu bỏ vòm cổng này chạy đi tìm chỗ khác để đứng trú chân thì người cũng sẽ ướt nhẹp, lại đổ bệnh nữa. Huệ cố đưa ánh mắt đang ướt sũng nước mưa chăm chăm nhìn thằng con trai còm cọc, đen thui và thấp hơn cả bản thân mình. Giọng Huệ như tha thiết:
– Mày cho tao đứng ké một chút thôi, ngớt mưa tao đi ngay. Tao mới ốm dậy…
Thằng Tuấn vội ngắt ngang không cho Huệ nói tiếp:
– Ốm thì kệ xác mày chứ, tao không thích đứng chung với lũ con gái đi đánh giày như mày. Mày cút đi đi.
Mưa tạt đã thấm qua manh áo mỏng, Huệ không muốn kiên nhẫn thêm nên đưa tay lên quệt nước mưa đang chảy trên má, hất hàm lại với thằng “ngáo”:
– Mày nghĩ đây là cổng của nhà mày à?
Dứt lời, Huệ đẩy Tuấn “ngáo” qua một bên rồi đi vào. Tuấn quay lại, giật cái hòm trên tay Huệ:
– Không phải của nhà tao, nhưng bọn tao đến trước mày chứ.
Huệ lừ lừ mắt nhìn ba thằng con trai trước mặt rồi đưa tay giật mạnh cái hòm ngược trở lại:
– Mày đến trước thì sao? Mày nghĩ mày đến trước mà người đến sau không được vào hả?
Huy “vẩu” và Tâm “lùn” từ nãy đến giờ vẫn đứng nhìn, thấy có vẻ không ăn lại được Huệ, thằng vẩu giật giật tay áo thằng “ngáo” lên tiếng:
– Đại ca, con nhỏ này đanh đá quá.
Tuấn giơ tay đập mạnh vào đầu thằng vẩu:
– Đanh đá mà tao sợ nó à!
Tuấn “ngáo” nhâng nhâng mặt lên nhìn Huệ, Huệ im lặng đứng qua một bên.
Thằng Tuấn không chịu buông tha, tiến sát lại Huệ rồi cúi người giật mạnh hòm đồ nghề trong tay con bé, quăng mạnh ra ngoài mưa:
– Lì lợm hả mày?
Bị giật bất ngờ nên Huệ chỉ còn biết trân mắt đứng nhìn cái hòm đồ từ trên cao rơi xuống gạch, tay xách bị gãy đôi, bật cả đinh ra rồi lăn đi hai vòng và chỉ dừng lại khi bị rễ cây phượng gồ lên khỏi mặt đường chặn lại. Hộp xi cũng bị bung nắp, lăn lông lốc trên vỉa hè. Mưa từ trên không trung vẫn ào ạt lao xuống từng dòng không có dấu hiệu ngớt.
Huệ tức giận, bặm chặt môi quay sang nhìn thằng Tuấn và đám đệ tử. Tụi này vẫn vênh mặt lên và hả hê nhe những hàm răng vàng cáu ra chọc quê Huệ. Thằng Tuấn “ngáo” hất hàm:
– Bây giờ thì sao nào? Thử xem mày có chịu biến khỏi chỗ này không?
– Mày ra gom lại đồ cho tao! – Bỗng nhiên Huệ gân cổ lên quát.
Thằng Tuấn ngạc nhiên, căng mắt lên nhìn lại Huệ:
– Cái gì, mày ra lệnh cho tao hả? Có thằng ngu mới chạy ra gom lại cho mày nha.
Tâm “lùn” đang đứng phía sau lép bép chòi lên:
– Đại ca vất đi, rồi lại chạy ra nhặt lại, còn gì là hình ảnh của đại ca nữa.
Quay sang Huệ, thằng lùn tiếp lời:
– Thế nào, mày có đi khỏi đây không hả?
Huệ đỏ ngàu hai con mắt, giọng vẫn gắt gao:
– Tao nói là mày ra gom lại đồ lên cho tao. Đi ra!
Thằng Tuấn lúc này có vẻ bớt vênh váo khi thấy thái độ dữ dằn của Huệ. Nhưng nó vẫn thi gan, không muốn hạ mình ra gom đồ lên cho con bé.
– Mày sinh giờ nào mà đanh đá vậy mày? Mày định thi gan với tao à? Để xem ai thua?
– Tao sinh vào giờ sư tử đấy, thì sao? Chúng mày không thấy hèn khi cậy đông ăn hiếp ít à? Lại còn bắt nạt con gái nữa.
– Đại ca, nó mắng đại ca là thằng hèn kìa. – Thằng Huy “vẩu” giật giật tay Tuấn. Tuấn bạt tai lại:
– Không khiến mày phải nhai theo nó, tai tao không bị điếc. Nó mà là con gái gì chứ, đanh đá cá cầy thì có.
– Mẹ tao nói, hiền với bụt thì được chứ đừng hiền với ma. Không đanh đá, để chúng mày ăn hiếp hả?
Tâm “lùn” khều tay Tuấn:
– Đại ca, ý nó nói mình là ma đó. Bà ngoại của em ở quê cũng hay nói câu này.
Thằng Tuấn trừng mắt nhìn thằng Tâm:
– Im mồm, tụi mày là con bò hay sao mà thích nhai lại vậy? Muốn ra mưa đứng phải không?
Thằng Tâm và thằng Huy ngơ ngác nhìn nhau rồi lắp bắp:
– Ơ… hơ, không đâu đại ca. Ngoài đó đang mưa to.
Thằng Tuấn không nói thêm gì mà chuyển ánh mắt nhâng nhâng qua nhìn Huệ:
– Mày thấy không? Tụi nó còn phải sợ tao một vành đó. Mày là cái đinh gì chứ.
Huệ không thèm để ý câu nói đó mà rành rọt nói từng chữ như hét vào tai thằng Tuấn:
– Tao nhắc lại lần ba, mày phải ra gom lại đồ cho tao.
– Nếu không thì sao nào? – Tuấn vẫn thách thức.
– Khắc sẽ biết. Tụi nó vẫn gọi tao là con Huệ “sư tử” đấy, tao không chịu thua đâu.
– Sư tử là cái quái gì, tao là Tuấn “ngáo” nè mày. Mày biết con ngáo không? Con ngáo nó cắn cổ được cả con sư tử, như thế này này… Grừ Grừ…
Tuấn giơ hai tay lên cao, chồm người rồi bổ xuống vai Huệ. Huệ đẩy mạnh Tuấn ra. Tuấn mất đà, chao đảo hẳn người qua một bên. Huy “vẩu” nhanh tay víu Tuấn lại rồi thì thào:
– Đại ca, con nhỏ này dữ quá.
Tâm “lùn” bồi thêm:
– Tha cho nó đi đại ca. Không ăn được nó đâu.
Tuấn bực mình đưa tay lên dúi mạnh đầu hai thằng đệ tử vào nhau nghe cái “cộp”. Bị đau nên hai đứa ôm đầu nhăn nhó xuýt xoa. Tuấn cố ra oai:
– Chưa gì chúng mày đã bàn lùi. Ba thằng con trai, để thua một đứa con gái tép riu hả?
Quay sang nhìn Huệ, Tuấn “ngáo” hất hàm:
– Tao thách mày làm gì bọn tao đấy!
Tuấn rướn dài cổ để vênh cái mặt lên cao hơn Huệ. Huệ lườm lườm nhìn thằng Tuấn rồi quay mặt nhìn ra bên ngoài.
Tự nhiên mắt Huệ rưng rưng chực khóc khi thấy hòm đồ nghề của mình đã đựng đầy nước mưa. Đêm nay, mẹ Huệ lại phải kì cạch ngồi sửa lại tay cầm để ngày mai Huệ còn có cái xách đi đánh giày. Đã hơn một lần, mẹ Huệ phải còng lưng ngồi sửa như vậy. Những lần hỏng trước cũng do Huệ bị tụi con trai ở nhóm đánh giày khác ăn hiếp. Nghĩ tới cảnh mẹ ngồi cầm búa gò từng chiếc đinh nhỏ, đóng lại tay cầm cho thật khít với những miếng gỗ mỏng tang của hòm đồ, tới nỗi tay bật cả máu mà nước mắt Huệ lại trào ra hai bên má.
***
Nhớ hồi mới theo mẹ lên thành phố kiếm sống, Huệ cũng hay bị tụi con trai lang thang ở đây ăn hiếp. Mấy đứa đó trông còn nhỏ hơn cả Huệ, nhưng vì tụi chúng đông người nên Huệ đành yếu thế. Thời gian đầu bán báo thì chúng chặn đường xin tiền, không đưa thì chúng xé nát báo. Thậm chí chúng còn giật báo trên tay Huệ ngâm xuống nước, báo hại Huệ phải ngồi vỉa hè hong cho báo khô, đến quá trưa đi bán thì chẳng có ai còn mặn mà với những dòng tin đã “nguội ngơ nguội ngắt”. Nhiều lần Huệ tặc lưỡi đưa tiền cho xong chuyện, nhưng đến hôm sau lại không còn vốn để đi nhận báo về bán. Mẹ Huệ chạy hàng cá ở chợ, lời được mấy đồng, tiền bù lỗ cho Huệ chẳng còn dư được bao nhiêu. Bán báo được hơn hai tháng, Huệ thấy nghề đánh giày dễ kiếm tiền hơn, vốn lại không cần nhiều mà khả năng chạy trốn đám “cướp nhí” cũng dễ nên Huệ đã chuyển nghề.
Nhưng tránh vỏ dưa thì gặp phải vỏ dừa. Sang nghề mới, Huệ không những gặp lại đám “cướp nhí” mà còn bị các nhóm đánh giày khác hành. Chúng thấy Huệ có nhiều khách thì kèn cựa, tranh giành, đập phá hòm đồ nghề. Nhiều hôm chúng trấn lột sạch tiền của Huệ, năm trăm lẻ cũng không chừa. Có lần Huệ bị thằng đại ca ép Huệ chỉ được đánh xi một chiếc giày, một chiếc phải đưa cho đệ tử của nó. Đến khi xong, chúng lấy luôn một chiếc của Huệ vào đưa cho khách rồi lấy tiền bỏ túi chứ không chia lại. Ác hơn, chúng đợi Huệ có khách gọi và mang giày ra một chỗ ngồi đánh bóng, một đứa sẽ ù chạy lại giật lấy đôi giày rồi vào báo với vị khách kia là Huệ có ý ăn trộm, mang đi bán để có nhiều tiền hơn. Mặc cho Huệ khóc lóc giải thích, người khách đó cũng không tin. May mắn một vị khách quen tốt bụng đã đứng ra bảo lãnh chứ nếu không Huệ đã bị ăn mấy cái bạt tai.
Sau lần đó, Huệ tìm mọi cách tránh mặt chúng như tránh tà ma. Có khi đang ngồi xoẹt xoẹt đánh giày, thấy bóng của mấy đứa đó, Huệ phải vội vã trả lại giày cho khách rồi ôm hòm đồ nghề chạy trốn. Mỗi lần như vậy, chúng đuổi bắt được Huệ là thể nào cái hòm đồ cũng tan nát hoặc trên người Huệ cũng bị mấy vết bầm tím. Mẹ của Huệ xót con gái bị đánh đã bắt Huệ về quê nhưng Huệ khóc lóc xin mẹ cho ở lại. Huệ muốn phụ với mẹ kiếm tiền gửi về chữa bệnh cho bố và để em Tủn không phải nghỉ học giữa chừng như bản thân mình. Huệ đã hứa với mẹ là không nhút nhát để người khác ăn hiếp, sẽ phản kháng tới cùng. Mẹ Huệ lắc đầu bảo: “Nhịn chúng đi. Con có một mình, sao chống lại được. Để rồi mẹ tìm việc khác cho”.
Trong thời gian đợi mẹ tìm được việc mới, Huệ vẫn xách hòm đồ nghề đi đánh giày. Đám cướp nhí vẫn bám đuôi và phá bĩnh Huệ. Nghe lời mẹ, Huệ cũng nhường nhịn. Nhưng ít nhiều, Huệ cũng vẫn phản kháng, chống cự lại chứ không im ỉm, sợ sệt như trước. Vì sinh năm Tý, cầm tinh con chuột nên Huệ nghĩ: “Con chuột thì vốn nhát gan, gặp nguy hiểm là sợ tới mất cả mật. Nhưng mình không phải là chuột, chỉ cầm tinh con chuột thôi, mình là con người, đã mười ba tuổi rồi, phải mạnh mẽ lên mới được. Nghề kiếm ăn của mình, cứ thấy bóng dáng chúng mà sợ hãi rồi bỏ chạy thì sao làm kiếm tiền được. Mình còn phải lo cho bố, cho em Tủn và cả cho mẹ nữa. Ở thành phố người ta cứ gọi là biết nuốt người này, nếu không tự mình bảo vệ bản thân thì sẽ chẳng có ai bảo vệ cho nên thay vì bỏ chạy thì đứng lại để chiến đấu như một chiến binh. Có thể mình không chiến thắng nhưng bằng tất cả sức lực và ý chí, mình vẫn khiến tụi chúng nể sợ và dè chừng”. Huệ đã tự nghĩ mình là một chiến binh chuột nhắt khi có lần nằm im cho mẹ xoa bóp vết thương trên tay và nghe mẹ thủ thỉ: “Hãy sống như sư tử, con sẽ thấy nỗi sợ trong trái tim chuột nhắt sẽ không còn”.
Và Huệ đã “vùng lên” để “chiến đấu” chống lại tụi “cướp nhí” lang thang. Tất nhiên trận chiến ấy không có binh đao, súng đạn, chỉ đơn giản là tụi con trai đẩy Huệ ngã chúi xuống đất thì Huệ cũng chồm dậy gồng sức đẩy chúng ngã lại, chúng giật hòm đồ thì Huệ cũng lao vào giật lại… Phần đa là Huệ bị thua nhưng sau nhiều lần “chiến đấu” như thế thì tụi lang thang kia cũng dè chừng với Huệ thật. Chúng cứ trừng mắt hỏi Huệ sinh vào năm nào, tháng nào, giờ nào hoặc ăn phải gan gì… mà đanh đá thế. Huệ lại vỗ ngực bảo sinh năm sư tử, tháng sư tử, giờ sư tử và ăn gan sư tử. Lâu dần, hai từ “sư tử” trở thành cửa miệng của Huệ. Mẹ Huệ nhiều khi chọc vui Huệ là chuột nhắt, Huệ lại lắc đầu nguầy nguậy bảo: “Không phải, con là sư tử rồi”. Mẹ Huệ cũng không còn ý định tìm việc khác cho Huệ nữa mà chỉ nói: “Cố mấy năm nữa, đủ tuổi mẹ sẽ xin cho đi làm công nhân ở nhà máy may để có thu nhập ổn định”. Huệ vâng dạ rồi ngồi mơ mộng tới cái viễn cảnh ngày mai của gia đình mình.
***
– Sao, mày chịu thua rồi à?
Thấy Huệ khóc, thằng Tuấn hơi bối rối nhưng vẫn ra vẻ đắc ý. Huệ vội đưa tay lên quệt nước mắt rồi nhìn thẳng vào mắt thằng Tuấn:
– Tao hứa với mẹ tao rồi, sẽ không nhút nhát để tụi con trai chúng mày ăn hiếp đâu. Còn lâu tao mới chịu thua.
Vừa dứt lời, Huệ gồng sức đưa hai tay về trước đẩy mạnh thằng Tuấn ra ngoài mưa. Bị bất ngờ, thằng Tuấn chới với rồi lao ra xa. Thằng vẩu và thằng lùn cũng bị Huệ đẩy ra, sức chúng quá yếu nên ngã chổng chơ trên nền gạch.
– Còn nữa, chúng mày nhìn tiếp đây.
Huệ xách hai thùng đồ đánh giầy của hai thằng đệ tử quăng mạnh về phía gốc phượng già. Vẩu và lùn chồm người lên bắt nhưng không được. Hai cái hòm lăn lốc rồi dừng lại bên cạnh cái của Huệ.
– Còn cái thùng này, bây giờ mày nghĩ sao?
Tuấn “ngáo” lao nhanh lại. Huệ cũng nhanh tay giơ chiếc hòm lên khỏi đầu:
– Mày đứng đó, lại gần là tao vất ra ngoài mưa á.
Tuấn nghe Huệ nói vậy nên đứng chun chân một chỗ không dám tiến lại gần.
– Cái đó của tao, mày không được vất.
– Sao tao lại không được? Mày vất của tao trước kia mà. Bây giờ thì mày có chịu nhặt đồ của tao lên không?
Tuấn ngập ngừng đưa mắt nhìn hai thằng đệ tử:
– Nhưng tao…
Huệ cắt ngang:
– Mày không phải sĩ diện, đại ca gì mày hả? Nếu mày không nhặt thì cái hòm đồ này của mày sẽ bay ra đó luôn này.
Tuấn lắp bắp:
– Được rồi, được rồi… tao nhặt. Mày… mày không được vất nó đi.
Tuấn quay sang hai thằng đệ tử đang đứng bên cạnh. Hai thằng đang thu lu ôm hòm đồ của mình trên tay. Tuấn lí nhí ra lệnh cho Huy “vẩu”:
– Vẩu, mày lại nhặt cho tao.
Vẩu đưa hòm đồ cho thằng lùn ôm rồi phụng phịu đi lại phía gốc phượng. Huệ quát:
– Dừng lại.
Huy “vẩu” quay lại nhìn Huệ:
– Sao lại dừng lại? Mày ra nhặt hả?
– Tao không nhặt, mà tao cũng không mượn mày nhặt. Thằng nào vất ra, thằng đó tự khắc đi mà nhặt vào. Tụi mày cũng là con người như nó, hạ mình như vậy làm gì?
Thấy thái độ của thằng Tuấn còn ngập ngừng, Huệ dọa:
– Sao, mày có định nhặt cho tao không? Tao không muốn nhắc lại lần nữa đâu nha.
– Rồi, tao nhặt. Mày làm gì mà dữ vậy?
Thằng Tuấn hậm hực đi lại chỗ hòm đồ của Huệ. Nó cúi xuống, dốc cái hòm cho nước chảy ra hết rồi bậm bịch nhặt từng chiếc dép, từng hộp xi và bàn chải đánh giầy cho vào hòm. Thằng lùn và thằng vẩu đứng nhìn, tủm tỉm cười. Huệ vẫy tay gọi hai tên đệ tử:
– Hai thằng kia, vào đây mà đứng. Có ai bắt đâu mà phải đứng mãi ngoài đó.
Hai thằng lụt cụt chạy vào.
Tuấn nhặt xong cũng lép nhép đi lại đưa hòm đồ cho Huệ. Huệ đưa tay đón lấy, giọng vẫn gằn gọc :
– Bây giờ mày tính sao khi hòm đồ nghề của tao bị vỡ, hộp xi của tao bị thấm nước rồi.
– Mày muốn gì nữa? Hòm đồ và xi của tao đấy, mày thích thì lấy đi.
– Tao không thèm lấy những cái đó của mày.
Tuấn đưa tay lên quệt nước mưa đang chảy trên mặt:
– À, tao hiểu rồi, mày muốn tao đền tiền chứ gì? Được thôi, có mấy chục ngàn, mày thích lấy bao nhiêu?
Huệ trừng mắt lên:
– Mày thôi ngay cái giọng đó đi nha. Mày đâu phải là đại gia lắm tiền mà học theo cái lối nói đó.
– Chứ mày muốn gì?
– Tao tưởng mày là đại ca thì phải thông minh chứ! Học được cách nói của đại gia mà không biết nói một câu xin lỗi hả? Vậy mà cũng…
Huệ bỏ dở câu nói, kéo dài môi nhìn thằng Tuấn. Thằng lùn đứng gần đó lí nhí giục:
– Đại ca, xin lỗi nó đi cho xong nợ.
Thằng Tuấn ngước lên nhìn Huệ:
– Tao…
Huệ phẩy tay cắt ngang:
– Thôi, khỏi đi. Nghe mày nói, tao thêm nặng người. Mưa gió không đi đánh giày được, đã buồn thối ruột rồi.
Tuấn ngồi xuống, tựa lưng vào cổng. Người nó đã ướt như chuột lột nhưng không chịu im lặng mà vẫn gân cổ ra:
– Ai bảo mày ương bướng chạy vào chỗ của bọn tao đang đứng trú mưa?
– Nhưng đây không phải nhà mày. Nếu là của nhà chúng mày thì đâu đã phải đi đánh giày rồi thuê nhà trọ ẩm thấp ở như tao?
– Còn bao nhiêu chỗ, sao mày không vào đó?
Huệ có vẻ bực mình trở lại nên lớn giọng:
– Mày mở mắt nhìn xung quanh xem đoạn đường này có nhà nào xây cổng có mái vòm như thế này để trú được mưa không? Tao đã nói là mới ốm dậy, chạy ra ngoài phố lớn, ướt nhẹp cho bệnh trở lại hả? Hôm trước tao bệnh, mẹ tao đã phải nghỉ bán hàng mấy ngày để chăm sóc tao rồi.
Đột nhiên Huệ tru lên khóc:
– Huhu… Chỗ còn rộng thế này, thêm tao chúng mày cũng đâu có bị ướt đâu. Tao cũng là dân nghèo về thành phố kiếm sống như chúng mày mà, có khác gì đâu mà mày xua đuổi. Mẹ tao bảo, lá rách thì phải yêu thương nhau, chứ xé cho rách thêm ra làm gì. Huhu…
Huệ đưa tay quệt nước mắt rồi nhìn sang hai thằng đệ tử, giọng mếu máo:
– Còn hai thằng mày nữa. Chúng mày cũng lăn lộn kiếm ăn như nó, sao phải gọi nó là đại ca. Nó có trả tiền cho chúng mày vì hai tiếng đó không?
Thằng lùn len lén nhìn Huệ:
– Không trả. Nhưng vì đại ca lớn hơn bọn tao, có đại ca, chúng tao không sợ ai bắt nạt.
– Như hôm nay, nó đâu có bảo vệ được chúng mày.
– Tại mày đanh đá quá.
Huệ vẫn nước mắt ngắn dài:
– Tao muốn thế đâu. Tại tụi mày ăn hiếp nên tao phải làm vậy để bảo vệ bản thân chứ. Huhu…
Thằng Tuấn có vẻ ăn năn. Nó bối rối đưa mắt nhìn Huệ rồi đưa chân ra khều khều:
– Thôi, mày nín đi. Trời đã mưa, mày còn làm mưa thêm nữa. Tao xin lỗi, lần sau có gặp, sẽ không ăn hiếp mày nữa.
Huệ kéo vạt áo ở tay lên lau nước mắt:
– Mày hứa nha?
– Ừ, hứa. Mày đanh đá bỏ xừ, lại mau nước mắt thế, bắt nạt mày cho thêm mệt hả?
Vẻ mặt của Huệ trở nên tươi tỉnh:
– Có vậy thì chúng mày mới sợ chứ.
Thằng vẩu đứng gần đó vỗ nhẹ lên vai Huệ:
– Ê, mày sinh vào giờ sư tử thật hả? Tao nhớ đâu có giờ đó trong mười hai con giáp đâu.
Huệ nhìn sang cười toét:
– Tao đặc biệt nên mới được sinh ra giờ đó. Xấu tính như chúng mày, làm sao được.
Thằng vẩu và thằng lùn ngơ ngác:
– Là sao ?
Huệ nhìn vu vơ lên bầu trời đã quang mây rồi trả lời:
– Chuột nhắt sẽ là sư tử nếu như nó nghĩ mình là sư tử.
Cả ba thằng con trai tròn mắt nhìn Huệ :
– Là sao?
Đúng lúc này, chiếc ô tô bốn chỗ láng coóng chạy vụt qua vũng nước mưa đọng lại trên đường khiến nước văng tóe lên, táp cả lên mặt bốn đứa. Thằng vẩu bị nước văng trúng miệng, vội khép hai môi che hàm răng vẩu rồi phì mạnh nước bọt ra phía trước, thằng lùn thì đưa tay lên vuốt nước đang chảy ròng ròng trên mặt. Thằng Tuấn thì đứng trơ trơ nhìn theo bóng cái xe đang ì ì chạy phía xa. Huệ đưa vạt áo lau mặt rồi híc tay thằng Tuấn:
– Đó, tụi mày đứng đó là sao, là sao nữa đi. Nước bẩn văng lên mặt thì tụi mày và tao có khác gì nhau chứ? Mày có giỏi thì chạy theo mấy người đó mà hống hách đi, ở đây bắt nạt một đứa con gái như tao làm gì?
Thằng Tuấn vuốt nước trên mặt nhìn Huệ nhăn răng ra cười hì hì. Huệ không nói thêm gì, cúi xuống ôm hòm đồ nghề của mình rồi bước nhanh chân ra đường. Vài tia nắng rung rinh như chạy theo từng nhịp bước chân của nó.
Đợi cho Huệ đi khuất, Tuấn gãi gãi đầu nhìn hai thằng đệ tử:
– Hai thằng mày lạnh không?
Vẩu và lùn lắc đầu:
– Cũng bình thường thôi đại ca.
Thằng Tuấn xua tay:
– Thôi, thôi, từ nay không gọi tao là đại ca nữa. Mày tao như trước đi. Nhưng tao sẽ vẫn bảo vệ chúng mày. Nếu như… tao có thể bảo vệ được.
Thằng Tuấn nheo mắt nhìn hai đứa. Thằng lùn hỏi lại:
– Thật không?
– Vẻ mặt tao nói đùa lắm à?
Thằng lùn và thằng vẩu nói như reo:
– Hoan hô đại ca. À… không phải, hoan hô mày…
Phạm Tử Văn