Home > Contend > Tin tức - Tin văn học > Giáo dục Việt Nam nỗi lo không của riêng ai

Giáo dục Việt Nam nỗi lo không của riêng ai

Sau rất nhiều bức xúc của xã hội về sự bất cập của kỳ thi 2 trong 1 năm 2015 của bộ giáo dục đào tạo, nhằm mục đích giảm áp lực và sự tốn kém cho thí sinh và gia đình. Nhưng kết quả đã hoàn toàn ngược lại những gì mà bộ giáo dục từng công bố rất mạnh mẽ trước kỳ thi. Việc giảm áp lực và sự tốn kém theo bộ giáo dục nói sau 20 ngày xét tuyển nguyện vọng một đã trở thành một sự hỗn loạn, thí sinh như lạc vào trong ma trận của cuộc đỏ đen, giống như chơi chứng khoán trong khi bản thân người chơi chả biết trên sàn giao bán cái gì.

Người đông như trẩy hội

Thí sinh và gia đình thí sinh từ các tỉnh đổ dồn về các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Huế… với bao ngày ăn trực nằm chờ, hết nộp hồ sơ vào rồi lại nháo nhào rút hồ sơ ra, rút ra khỏi trường này xong lại nháo nhào gửi vào trường khác, cái vòng luẩn quẩn cứ gửi vào rồi lại rút ra, rút ra rồi lại gửi vào khiến thí sinh và phụ huynh học sinh rơi vào tình trạng hụt hơi vì không biết đâu mà lần. Thông tin thì mờ mịt, các trường xét tuyển cũng không thể nào biết được đâu sẽ là điểm chuẩn của trường, bởi trước kia việc quyết định điểm chuẩn là do trường đặt ra dựa trên mức điểm sàn của bộ giáo dục đào tạo quy định, nhưng giờ đây trường rơi vào trạng thái bị động bởi việc quyết định lại thuộc về phần thí sinh, thí sinh thì cứ nơi nào cảm thấy điểm của mình có thể đặt cược được phần đỗ là cảm tính đặt hồ sơ, dẫn đến tình trạng có những trường, những chuyên ngành ồ ạt thí sinh nộp hồ sơ và điểm của trường của chuyên ngành thay đổi theo từng giờ, khi số lượng tăng cao cung vượt quá cầu dẫn đến tình trạng hỗn loạn rút hồ sơ ra để kịp đặt vào chỗ khác, người này rút ra tức khắc hàng loạt người khác nộp vào, cái trò may may rủi rủi cứ thế diễn ra kéo dài tới 20 ngày khiến cho thí sinh và phụ huynh hoang mang không biết mình sẽ phải làm sao để đạt được kết quả. Việc xét tuyển dựa trên kết quả điểm cao theo lời của bộ giáo dục đào tạo sẽ được nhiều cái lợi, mà cái lợi nhất là các trường đại học sẽ tha hồ chọn được nhiều thí sinh giỏi, nhưng điểm số cao chưa hẳn trường sẽ có sinh viên giỏi, bởi việc định hướng nghề đều dựa theo cảm tính, các em có năng khiếu và sự yêu thích một nghề nào đó, nhưng do tính chất xét tuyển kiểu mới này thì việc năng khiếu hay đam mê phải vất qua một bên, việc cần thiết là làm sao tranh chấp để dành được phần đỗ đại học bằng mọi giá, dẫu cho cái trường, cái ngành mình chọn ấy không phù hợp với sở thích và năng khiểu của mình.
Thử hỏi khi các em có đam mê này, năng khiếu này nhưng lại không được học theo cái sở trường sở đoản của mình, một người có năng khiếu âm nhạc phải qua bộ môn vẽ, người có đam mê toán học phải qua học lý, hóa, hay người có đam mê văn học phải chạy qua học một bộ môn ngược lại với năng khiếu thiên bẩm của mình thì liệu điểm cao đã chắc gì sau này chúng ta sẽ có được các tân cử nhân giỏi và bộ giáo dục sẽ nghĩ gì khi một thế hệ được đào tạo ra trường nhưng chuyên ngành đó lại không hề phù hợp với đam mê và năng khiếu của các em thì kết quả sẽ thế nào, chất lượng đào tạo có đạt được theo mong muốn mà bộ đề ra hay không? Liệu với cái điểm đầu vào cao chót vót ấy có phải là kết quả đầu ra mà xã hội cần hay không? Bộ giáo dục nghĩ gì khi các em không đam mê với cái môn mình đã được học, việc mà các em đang làm bây giờ chính là việc miễn sao mình đỗ đại học đã, còn có đam mê hay không đam mê thì cũng đành chịu phó mặc cho trời,các cụ ta có câu “ Người tính không bằng trời tính”. Việc bộ giáo dục đào tạo hy vọng các trường sẽ lọc ra và xét tuyển được toàn học sinh giỏi với điểm xét từ cao xuống thấp, không biết bộ đã tính được hậu của kết quả đầu ra sẽ thế nào khi mà sau bao ngày nháo nhào hỗn loạn để lọt được cho mình lách qua cái khe hẹp của cổng trường đại học đã là một thành công, còn có hợp ngành hợp đam mê hay không miễn bàn.

Bộ trưởng bộ giáo dục Phạm Vũ Luận nhận trách nhiệm trước chính phủ trên VTV

Những căng thẳng xen lẫn lo âu

Gần đây nghe thứ trưởng bộ đào tạo Nguyễn Vinh Hiển phát biểu trên truyền hình về vấn đề tiếp tục đổi mới giáo dục và ông giải thích sau này một giáo viên có thể dạy được nhiều môn, giáo viên lý có thể dạy được toán, hóa, sinh. Giáo viên sử có thể dạy được cả văn, địa…Giáo viên Anh có thể giảng được Nga, Pháp, Nhật… Bởi theo ông và bộ thì tất cả các thầy cô giáo đã được học hết ở phổ thông đều các môn, rồi khi ngồi trên giảng đường đại học lại được học nữa, cho nên giáo viên sẽ đa năng hơn, toàn diện hơn trong vấn đề giảng dạy. Dư luận lại dấy lên những câu hỏi liệu giáo dục của ta sẽ trôi về đâu với cái luận điểm mà lãnh đạo bộ đặt ra hay đến vậy?
Giáo viên có thể dạy được nhiều môn, nhưng quan trọng có dạy giỏi hay không mới là một vấn đề cần phải bàn, bởi việc chuyên môn hóa đã được các nước phương tây văn minh đi trước ta cả trăm năm. Đơn cử đào tạo nghề họ không đào tạo dàn trải để khi bước vào một dây truyền sản xuất thì ai được đào tạo cái gì sẽ chỉ làm cái đó.
Ví dụ: để sản xuất ra một cái áo thì có người cả đời chỉ làm mỗi công việc thùa khuy, có người chỉ làm mỗi việc đơm cúc nhưng kết quả là sản phẩm của chiếc áo đó đã được làm lên bởi một dây truyền sản xuất của những con người rất giỏi, như một bức tranh đẹp được ghép lại bởi biết bao mảng miếng đẹp.
Còn giáo dục của chúng ta thì sao? Khi một thầy cô phải đảm nhiệm nhiều bộ môn mà mình không chuyên sâu và kết quả sẽ thế nào, các thầy cô có giỏi được không khi chuyên ngành của mình đào tạo là môn này nhưng lại đi giảng dạy qua một môn khác, như vậy chắc chắn không thể có được những thầy cô giỏi, mà khi không có thầy cô giáo giỏi sao có thể có được những thế hệ học trò giỏi, mà khi không có những thế hệ học trò giỏi thì liệu đất nước sẽ đi đến đâu về đâu. Người xưa có câu “ Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” nghĩa là giỏi một nghề còn hơn biết chín mười nghề, chả biết dựa vào luận điểm nào mà các nhà giáo dục của chúng ta lại có quan điểm lạ kỳ đến vậy.
Con người ta sinh ra vốn dĩ không ai giống ai, có người đẹp có người xấu, có người giỏi có người dốt, nhưng cũng có người giỏi cái này nhưng lại dốt cái kia ví như người giỏi văn chương thì chưa chắc đã giỏi toán lý hóa, người giỏi toán lý hóa và các môn khoa học chưa chắc đã am tường giỏi về lĩnh vực văn học nghệ thuật. Vì thế cho nên mới có sự phân công xã hội theo khả năng năng khiếu của từng con người. Có người trở thành nghệ sĩ, thi sĩ lớn của quốc gia hay thế giới, nhưng lại có những người là nhà khoa học tên tuổi. Như vậy nếu theo cái lập luận về chương trình đổi mới của bộ GDĐT thì chúng ta sẽ có những người thầy đa năng và các thế hệ học trò toàn diện, sau khi đào tạo xong các em có thể làm ở bất kể một ngành nghề nào… Quả thực đáng lo khi xã hội chúng ta sẽ có một thế hệ cái gì cũng biết một tý nhưng tựu chung lại là chẳng giỏi một điều gì cả.
Giáo dục đào tạo được coi là quốc sách hàng đầu của bất kể một quốc gia nào, đổi mới giáo dục là điều phải làm, nhưng việc đổi mới không thể dựa theo cảm tính nhất thời, phải có chiến lược mang tầm quốc gia, phải được nghiên cứu kỹ càng với biết bao vấn đề cần phải giải đáp và xử lý, phải có thời gian chuẩn bị cả về tài liệu cũng như thời gian tập huấn cho thầy cô. Đó không thể là chuyện một sớm một chiều theo kiểu chạy theo lấy thành tích.
Tuy không phải là một nhà giáo dục, cũng không hiểu nhiều về giáo dục, nhưng qua việc đổi mới xét tuyển đại học vừa rồi thì mới thấy bộ giáo dục đào tạo quá chủ quan, làm theo cảm tính duy lý dẫn đến phản ứng ngược. Lợi ích đâu chưa thấy nhưng chỉ thấy sự hỗn loạn, căng thẳng và vô vàn tốn kém tiền của của phụ huynh cũng như những hụt hẫng lo lắng cho thí sinh. Cụ thể trong đợt xét tuyển đợt một với 569.843 thí sinh đăng ký vào các trường đại học với cách xét tuyển mới bộ có thể đưa được thống kê cụ thể chính xác có bao lượt rút và nộp hồ sơ, có bao em phải đi hàng ngàn km để chạy đôn chạy đáo ăn trực nằm chờ tại các thành phố lớn vậy mà các chuyên gia của bộ vẫn thản nhiên nói rằng kết quả là rất tốt, không hiểu cái họ cho là tốt ở đây là gì, họ phớt lờ dư luận và sự bức xúc của xã hội. Còn đồng chí bộ trưởng Phạm Vũ Luận trong buổi họp rút kinh nghiệm dưới sự chủ trì của phó thủ tướng chính phủ Vũ Đức Đam chiều ngày 21/8 đã phải đứng ra nhận trách nhiệm khi đợt xét tuyển đầu tiên diễn ra lộn xộn khiến người dân và xã hội phản ứng với một lý do rất đơn giản là bộ giáo dục đào tạo chưa cân nhắc hết tính phức tạp và hiệu ứng ngược của những giải pháp trong việc thiết kế tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh. Với một câu nhận trách nhiệm nhẹ như lông hồng vì không tính hết của ông bộ trưởng BGDĐT, nhưng cái trách nhiệm ấy sẽ làm được gì khi gây lên biết bao ngày căng thẳng tốn kém của thí sinh và gia đình, bao ngày vất vả tốn kém của các trường, rồi có bao em thí sinh với sự ngây thơ non nớt của mình liệu có chịu được áp lực của 20 ngày đôn đáo để rồi nhận kết quả trượt, sau cú soock như trời giáng này có bao em sẽ vượt qua, bao em sẽ nhập viện bởi tâm thần.
Bộ trưởng nói rằng với con số không nhiều nhưng qua các phương tiện báo chí đã nêu, nhìn vào bức tranh chen lấn đông đúc như trẩy hội vậy thử hỏi bộ giáo dục rằng cả nước này số thí sinh ở mấy thành phố lớn là bao nhiêu phần trăm, có lẽ phải tới hơn 90% các em đến từ các tỉnh khác, với một số lượng khá lớn thí sinh đăng ký xét tuyển đợt 1 này nếu có một chuyên gia nào tính toán được chi tiết số lần nộp vào rút ra, tiền nhà nghỉ, tiền ăn uống, đi lại hơn 20 ngày qua thì con số này sẽ là bao nhiêu?
Thật vui mừng và thở phào nhẹ nhõm thế là đợt 1 đã tạm dừng, còn đợt 2, đợt 3 hy vọng là các nhà giáo dục, các chuyên gia kinh tế hãy đánh giá đúng, đủ những chi phí tốn kém mà kỳ xét tuyển để lại, để rồi có được bài học rút ra từ một sự vội vã làm cho một chính sách đúng, nhưng khi thực hiện không cân nhắc kỹ mà dẫn đến những hậu quả khôn lường cuối cùng phần thua thiệt lại là thí sinh và gia đình các em phải gánh chịu.
Đổi mới giáo dục là điều vô cùng cần thiết, nhưng đổi mới thế nào thì thiển nghĩ các nhà giáo dục nhất là những người đứng đầu cần cân nhắc thận trọng kỹ càng, không nên vì cảm tính để dẫn đến những hậu quả khôn lường. Các em học sinh như những mầm non mới nhú, rất dễ uốn nhưng lại mong manh và rất dễ tổn thương, hãy đừng biến các em thành những chú chuột bạch để thí nghiệm, bởi các em chính là tương lai của đất nước. Một thầy thuốc dốt chỉ có thể làm hại tới một vài con người, một con đường hỏng có thể gây tai nạn cho một vài chiếc xe, nhưng một cải cách giáo dục sai sẽ ảnh hưởng tới cả nhiều thế hệ nói rộng ra thì làm hỏng cả một dân tộc. Rất mong các nhà lãnh đạo giáo dục nên cân nhắc thật kỹ trước một vấn đề dù theo các vị nó là vô cùng nhỏ, nhưng hậu quả và sự tác động của nó thì không hề nhỏ chút nào.

Nguyễn Đình Vinh

Phụ huynh thuê xe cứu thương để đi từ Nghệ An ra Hà Nội cho nhanh và an toàn

Sự thất vọng lên đến tột cùng

Nhiều thí sinh đổ gục sau khi biết kết quả trượt.

 

Tác giả Nguyễn Đình Vinh

 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *