Ông hoàng công nghệ thông tin, người đàn ông giàu có và quyền lực nhất thế giới Bill Gates trong cuốn sách “Business@theSpeed of Thought” viết năm 1999 đã đưa ra 15 dự đoán về sự phát triển của thế giới công nghệ trong tương lai, những dự đoán vào lúc bấy giờ người ta cho là điên rồ.
Tuy nhiên ngày nay đã chứng minh rằng những lời tiên tri của ông năm đó là chuẩn xác, một trong những điều tiên tri đó ông nói về ngành y, đó là việc sử dụng công nghệ intenet làm thay đổi cách chăm sóc sức khỏe, với những thiết bị theo dõi sức khỏe cá nhân, lúc đó bệnh nhân không cần đến bệnh viện vẫn dễ dàng theo dõi tình hình sức khỏe của mình mỗi ngày và tham khảo ý kiến bác sĩ trực tuyến, kể cả việc thanh toán trực tuyến mà không cần phải đến tận nơi để nộp tiền. Như vậy có thể đến một ngày nào đó công nghệ thông tin sẽ thay thế con người trong công tác điều trị và chăm sóc bệnh nhân chăng? Sao lại không nhỉ điều này có thể lắm chứ, ở các nước phát triển như Nhật Bản người ta đã sử dụng robot vào rất nhiều công việc thay thế cho con người, những cô, cậu robot làm được các công việc khó và những câu chuyện dở khóc dở cười khi đến một ngày nào đó con người ta sẽ cưới robot làm vợ hoặc chồng vậy thì lúc đó con người sẽ làm gì? câu trả lời chẳng phải làm gì cả chỉ việc hưởng thụ mà thôi, nhưng hưởng thụ sao được khi ngay đến cái quyền sơ đẳng nhất đó là quyền làm chồng làm vợ cũng bị robot chiếm mất còn đâu, nói thì nói vậy cho vui chứ robot đâu thay thế được thiên chức sinh nở và những cảm xúc mà chỉ con người mới có, và có một điều chắc chắn rằng dù công nghệ phát triển đến đâu, Robot thông minh cỡ nào cũng không sao thay thế được con người, nhất là trong lĩnh vực y tế, công nghệ sẽ hỗ trợ nhân viên y tế trong công tác chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân một cách hiệu quả nhất. Người bệnh sẽ được hưởng những dịch vụ y tế tốt nhất, nhưng tất cả đều không thay thế được bàn tay chăm sóc của những cán bộ y tế.
Thế thì chúng ta thử đặt ra một câu hỏi vậy đến một ngày nào đó sẽ không còn điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân, câu trả lời ngày đó sẽ không bao giờ xảy ra, tại sao lại có thể khẳng định như thế. Như chúng ta đã biết trong ngành y tế lực lượng điều dưỡng chiếm tới 70% về nhân lực cũng như công việc trực tiếp chăm sóc người bệnh. Ngay từ khi bước chân đến bệnh viện cho đến khi ra viện thì người bệnh và người nhà người bệnh đã được người điều dưỡng đón tiếp, chăm sóc tận tình chu đáo, từ khâu giúp bệnh nhân làm các thủ tục khám bệnh, nhập viện, cho đến chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ. những viên thuốc, mũi tiêm, theo dõi các chỉ số sinh tồn. Những bệnh nhân nặng thở máy, ăn qua sonde, cho đến việc, chăm sóc sonde ống, hút đờm rãi, vỗ rung, chống loét, thay ga chiếu quần áo, giúp bệnh nhân vệ sinh thân thể, thôi thì trăm thứ công việc mà những công việc này chẳng có một thứ máy móc công nghệ nào có thể thay thế được. Bệnh nhân đến viện không chỉ được chăm sóc về mặt vật chất, thuốc men mà còn được chăm sóc về mặt tinh thần, những lời an ủi động viên, những sự quan tâm chia xẻ những lo lắng chẳng khác nào những liều thuốc quý khiến người bệnh, cũng như thân nhân người bệnh tin tưởng hơn, giúp người bệnh có thêm nghị lực để chống chọi với những căn bệnh hiểm nghèo.
Bàn tay của một người mẹ hiền chăm sóc bệnh nhân nhi thở máy
Trước đây người điều dưỡng chỉ có một chức năng duy nhất đó là chức năng trợ giúp cho bác sĩ trong công tác điều trị, nên người điều dưỡng được gọi là y tá, tức là những người làm công tác trợ tá giúp việc cho bác sĩ, có người ví họ như những người mẹ hiền với tình thương yêu chăm sóc con cái, nhưng cũng không ít người coi họ chỉ là người giúp việc nên sự tôn trọng dành cho họ không nhiều. Ngay trong gia đình bố mẹ không tự hào khi có con cái là điều dưỡng, chồng không vui khi vợ là điều dưỡng. Tại sao lại có những nghịch lý vô lý đến vậy, phải chăng nghề điều dưỡng là thấp hèn bị mọi người coi thường chăng? Không phải vậy đó chỉ là nhận thức chưa hiểu của một vài cá nhân mà thôi. Ngày nay điều dưỡng đã được nhà nước công nhân là một nghề độc lập trong hệ thống y tế và là một ngành riêng biệt, ngang hàng với các các ngành nghề khác. Trên thế giới cũng như Việt Nam điều dưỡng có nhiều trình độ khác nhau, từ trung học cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ… có nhiều công trình nghiên cứu khoa học mà giáo sư, tiến sĩ hệ điều trị phải coi trọng.
Tay trong tay, mắt trong mắt, những cử chỉ ân cần khiến người bệnh như quên đi bệnh tật
Ngày 26 tháng 1 năm 2011, Bộ y tế Việt Nam đã ban hành thông tư 07/2011/TT-BYT hướng dẫn công tác điều dưỡng về chăm sóc người bệnh trong bệnh viện. Ngày 03-12-2013 Bộ y tế ban hành bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện trong đó hoạt động điều dưỡng và chăm sóc người bệnh được xây dựng trong mục C6 từ C6.1 đến C6.6, chưa kể nhiều mục khác cũng liên quan rất nhiều đến công tác điều dưỡng. Hoạt động điều dưỡng và công tác chăm sóc người bệnh được ngành y tế Việt Nam cũng như các bệnh viện luôn luôn coi trọng, dường như lãnh đạo các bệnh viện cũng quan tâm đến công tác điều dưỡng hơn, ở các cơ sở y tế nào hoạt động điều dưỡng và chăm sóc người bệnh mà tốt thì chất lượng điều trị được nâng cao và nhận được sự hài lòng của người bệnh cũng như thân nhân người bệnh, khi người bệnh và thân nhân người bệnh hài lòng thì dù cơ sở y tế còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần phục vụ tận tụy cùng thái độ giao tiếp ứng xử đúng mực thì dẫu vẫn còn nằm ghép, dẫu có phải chờ đợi lâu một chút người bệnh và người nhà người bệnh vẫn vui vẻ chấp nhận, khi người bệnh và người nhà người bệnh hài lòng thì các bức xúc cũng như đơn thư khiếu kiện cũng giảm hẳn.
Người điều dưỡng hiện nay không chỉ làm công việc đơn thuần là chức năng trợ giúp như ngày xưa, mà họ còn có chức năng độc lập và chức năng phối hợp. Người điều dưỡng không chỉ làm những công việc theo chỉ định của bác sĩ mà họ còn xây dựng lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch chăm sóc người bênh, công tác tư vấn giáo dục sức khỏe được coi trọng, bệnh nhân được chăm sóc về tinh thần, vệ sinh cá nhân, dinh dưỡng, phục hồi chức năng, chăm sóc bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật, dùng thuốc và theo dõi dùng thuốc cho người bệnh, chăm sóc bệnh nhân giai đoạn hấp hối và người bệnh tử vong, thực hiện các kỹ thuật điều dưỡng, theo dõi đánh giá người bệnh, đảm bảo an toàn phòng ngừa sai sót chuyên môn và ghi chép hồ sơ bệnh án. Ngoài ra giúp người bệnh làm các thủ tục thanh toán và ra viện nhanh nhất và tốt nhất. Không chỉ vậy người điều dưỡng còn phân cấp hộ lý chăm sóc. Chưa kể những lúc bệnh nhân trở bệnh nặng lên, những lúc người nhà người bệnh sốt ruột bức xúc mắng mỏ hay có những hành động không kìm chế, đòi hỏi người điều dưỡng phải cân bằng được bản thân để có thể thực hiện công việc một cách tốt nhất.
Chăm sóc những bệnh nhân nặng thở máy với tình thương vô bờ bến của một người mẹ hiền
Nói thì ngắn gọn là như vậy nhưng để làm được những công việc đó đòi hỏi người điều dưỡng phải lỗ lực phấn đấu rất nhiều, không ngừng trau rồi học hỏi kiến thức chuyên môn qua trường lớp mà còn phải khiêm tốn học hỏi những thế hệ đàn anh đi trước về các quy trình kỹ thuật thông thường cũng như những quy trình kỹ thuật khó, cẩn trọng trong từng quy trình kỹ thuật, thành thạo xử lý những diễn biến bất thường của người bệnh. Đồng thời phải có tình yêu nghề, yêu thương người bệnh coi người bệnh như người thân coi họ đau cũng như chính mình đau, đặc biệt phải không ngừng đổi mới phong cách phục vụ, kỹ năng giao tiếp với người bệnh và người nhà người bệnh thì lúc đó người điều dưỡng sẽ chính là người mẹ hiền chăm sóc bệnh nhân, được bạn bè đồng nghiệp người bệnh, thân nhân người bệnh cũng như cộng đồng trân trọng và lúc đó thì chẳng có một thứ công nghệ thông minh tiên tiến nào có thể thay thế được tình thương yêu bao la vô bờ bến giữa con người và con người.
Tác giả Nguyễn Đình Vinh