“Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” câu nói của Bác Hồ kính yêu còn văng vẳng bên tai tất cả những người con Việt, dù trong nước hay ở nơi nào đó trên thế giới, nhưng mỗi khi nhớ về tổ quốc mình chính là nhớ về cội nguồn của dân tộc.
Không hiểu lãnh đạo bộ giáo dục và đào tạo nghĩ gì khi thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ngày 10/11/2015 lại trả lời trên truyền hình Việt Nam về vấn đề vị trí môn lịch sử trở thành môn tích hợp ghép với các môn khác như giáo dục công dân thành môn công dân với tổ quốc và tích hợp lịch sử với môn quốc phòng an ninh thành môn QP – AN.
Như vậy khác nào bộ giáo dục đào tạo đã khai tử cho môn lịch sử, cái môn vốn dĩ khô khan và khó học, nhưng không thể vì học sinh Việt sợ học lịch sử mà các nhà lãnh đạo bộ lại làm vậy. Dẫu các vị có lý luận gì, có biện giải thế nào thì cũng không thể biện minh được việc vất đi niềm tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc mình. Ở ngút ngàn trên cao kia, hồn mẹ cha Âu Lạc sẽ phải rơi lệ vì những cái đầu của các nhà quản lý giáo dục Việt Nam, Bác Hồ cũng phải bật khóc khi con cháu vất luôn lời dạy của người. Các em học sinh sẽ nghĩ gì khi môn lịch sử trở thành cây tầm gửi sống bám vào thân cây khác là giáo dục công dân và an ninh quốc phòng.
Phải chăng do các em học quá dốt nên lịch sử cần phải bỏ, phải chăng các nhà giáo dục quá giỏi nên người thường không hiểu được những phát minh thiên tài mà họ nghĩ ra. Gần đây nhất thôi những việc làm thiếu hiểu biết của các vị đã gây tốn kém bất bình trong kỳ thi 2 trong một rồi thành 4 trong một, thì nay dư luận lại dậy sóng khi các nhà lãnh đạo bộ bỏ đi môn lịch sử trong những môn dạy chính để ghép nó vào với những bộ môn khác, việc lãnh đạo bộ biện luận cuối năm trung học phổ thông nó lại trở về thành môn độc lập là không có căn cứ, khi mà ngay từ lúc chập chững học chữ, các em học sinh như những tờ giấy trắng còn các thầy cô như những họa sĩ, việc phác thảo và vẽ gì trên đó thì nó sẽ thành bức tranh đi theo các em suốt cả cuộc đời, ngay từ những bài học đầu đời đó trong đầu óc non nớt của các em lịch sử dân tộc đã mù mờ không rõ nét thì sau này lớn lên làm sao các em có thể coi trọng cái môn mà từ bé mình đã chẳng biết nó là gì.
Xe tăng húc đổ cổng dinh độc lập ngày 30/4/1975
Lịch sử là dòng chảy bất tận, dẫu có thăng có trầm thì cũng không bao giờ bị ngắt quãng. Nó để lại cho chúng ta biết bao bài học quý về truyền thống, lòng tự tôn và tự hào dân tộc, ở ngay cạnh chúng ta, một Trung Quốc với bề dày lịch sử, tuy không hào hùng như Việt Nam nhưng quả thật phải nghiêng mình kính nể bởi việc bảo vệ và lưu truyền lịch sử của họ, suốt từ thời Vua Nghiêu Vua Thuấn, cho đến những pho sử thi kể về các thời đại, từ xuân thu chiến quốc đến đông chu liệt quốc, rồi Hán Sở tranh hùng, Bộ tiểu thuyết chương hồi tam quốc diễn nghĩa, hay thủy hử, tân thủy hử, đến sau này Tùy, Tống, Đường, Minh, Thanh và thời cận, hiện đại đều được trân trọng lưu giữ và các nhà làm truyền hình khai thác triệt để thành vô vàn các bộ phim dài tập cực hay khiến chúng ta gần như thuộc lòng sử họ.
Còn chúng ta với bề dày truyền thống lịch sử hơn bốn ngàn năm trải dài từ thời các bộ tộc, bộ lạc, đến quốc tổ Kinh Dương Vương Lộc Tục, rồi câu chuyện mẹ Âu Cơ lấy cha Lạc Long Quân cho tới 18 đời Hùng Vương dựng nước với biết bao truyền thuyết đẹp như chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh cầu hôn Mỵ Nương, chuyện tình Chử Đồng Tử với công chúa Tiên Dung, chuyện Thánh Gióng…đến sự tích Cổ Loa thành. Thật tiếc thời đó chúng ta chưa có người chép sử để những câu chuyện chỉ là những truyền thuyết và muốn biết được hơn chút chút thì chỉ còn cách lần tìm những di cảo khảo cổ ở các bảo tàng để mà suy luận.
May mắn thay đến thời nhà Trần thế kỷ 13 chúng ta có nhà sử học Lê Văn Hưu (1230 -1322) nhà sử học đầu tiên chép Đại Việt sử ký, bộ quốc sử đầu tiên, bộ sách này không còn nhưng nhờ nó mà sử gia Ngô Sĩ Liên dựa vào để soạn ra bộ Đại Việt sử ký toàn thư và có vậy chúng ta mới hiểu được về lịch sử hào hùng của dân tộc với bao chiến công lẫy lừng của cha ông mà tự hào về tiên tổ. Lịch sử như những thước phim tư liệu quý truyền tiếp nối nhau từ đời này qua đời khác. Nó vốn linh thiêng hào sảng không thể xóa nhòa và nó chính là linh hồn của dân tộc, cái dân tộc ấy vốn trải qua biết bao thăng biến với máu và nước mắt của lớp lớp người dân Việt đổ xuống thấm đẫm từng nhành cây ngọn cỏ và người này ngã xuống thì có người khác đứng lên.
Làm sao có thể nào quên chiến thắng của Ngô Vương Quyền với trận cọc trên sông Bạch Đằng nhấn chìm hàng vạn quân Nam Hán. Những trận đánh kinh điển và hào hùng của quân dân nhà Trần ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông, một đế chế hùng mạnh nhất trong lịch sử nhân loại, một đội quân tưởng chừng bất khả chiến bại từng tung hoành khắp Á, Âu, nhưng phải đổ gục trước một Đại Việt bé nhỏ. Một bình ngô đại cáo hào sảng của Nguyễn Trãi, một chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa và gần đây nhất thế giới lại phải nghiêng mình trước một Việt Nam nhỏ bé mà anh hùng đánh bại thực dân Pháp làm tấm gương cho các nước thuộc địa trên toàn thế giới noi theo giải phóng dân tộc mình. Cuộc kháng chiến 30 năm toàn đảng, toàn dân, toàn quân đồng lòng đánh thắng đế quốc Mỹ hùng mạnh nhất thế giới hiện đại và bây giờ chúng ta đang trong công cuộc đổi mới tái thiết đất nước, với biết bao biến động về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, gần đây nhất Trung Quốc người bạn láng giềng đang diễu võ giương oai gây hấn ngoài biển Đông, hơn lúc nào hết những bài học lịch sử lại được các thế hệ con cháu Việt Nam vận dụng tối đa làm đối sách để gìn giữ hòa bình, giữ vững chủ quyền thiêng liêng của dân tộc.
Chúng ta không phải lúc nào cũng ngồi để gặm nhấm mà tự hào cái quá khứ oai hùng một thời, nhưng cũng không thể coi nhẹ và vất bỏ nó đi được, tổ tiên ta có câu, “Cây có gốc mới nẩy cành xanh ngọn, Nước có nguồn mới biển rộng sông sâu” Vậy mà chẳng hiểu dựa vào đâu các nhà lãnh đạo bộ giáo dục Việt Nam lại đưa ra cái luận điểm tích hợp rồi nhẹ nhàng khai tử cho một bộ môn được coi là linh hồn tổ quốc, làm vậy có khác nào vất bỏ dân tộc mình đi. Với những suy nghĩ như vậy mà làm lãnh đạo một bộ liên quan đến tương lai của đất nước thì đáng lo lắng biết bao nhiêu. Thiết nghĩ đảng, nhà nước và chính phủ phải vào cuộc tránh để xảy ra sự việc đáng tiếc như vụ số 8 Lê Trực gây bão công luận trong những ngày vừa qua, nhưng đó chỉ là một tòa nhà xây trái quy định nơi cách lăng Bác yên nghỉ chỉ có 400m, còn đây là giáo dục đào tạo thiết nghĩ không thể xem nhẹ những lời nói và việc làm thiếu trách nhiệm gây hại cho cả một dân tộc, bởi vất bỏ môn lịch sử chính là vất bỏ đi cả dân tộc của mình.
Nguyễn Đình Vinh