Trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp và đầy biến động như hiện nay, một câu hỏi được đặt ra liệu chủ nghĩa Mác –Lenin có còn giá trị thực tiễn và cách giảng dạy chính trị ở Việt Nam theo kiểu kinh điển, nghĩa là nói đúng những gì sách viết lặp đi lặp lại ở tất cả các bậc từ trung học, cao đẳng, đại học và sau đại học, rồi các lớp lý luận chính trị sơ, trung, cao cấp…
tất cả đều theo nguyên mẫu từ tài liệu của Mác mà ít có sự sáng tạo vận dụng thực tiễn thời đại soi rọi và chứng minh tính khoa học cũng như tính thời sự. Người giảng cứ giảng, người nghe cứ không nghe, việc đến lớp của học viên theo kiểu ghi tên tính giờ, chép bài tính điểm ăn sâu vào tiềm thức biết bao thế hệ dẫn đến một hậu quả là sau khi học xong chẳng mấy ai để vào đầu và ghi nhớ được một điều gì rút ra qua các bài giảng của các thầy cô, chưa kể là vận dụng giúp ích cho công việc, rất nhiều những người học hết trường nọ, lớp kia, trung cao đủ cả, nhưng xu hướng nói và làm lại ngược với những gì mình đã được học trở nên phổ biến. Những tiêu cực như tham ô, tham nhũng, bôi nhọ, nói xấu chính cái chế độ, cái chủ nghĩa mình đã được học không còn là hiện tượng lẻ tẻ mà gần như thành bệnh dịch, người học Mác chống Mác, người học đảng chống đảng, mà việc chống của họ còn đáng sợ và ghê gớm biết nhường nào, nó không thuần túy như mấy ông bà nông dân hay những người buôn bán nhỏ ít học với những câu phàn nàn than vãn.
Ba nhà tư tưởng lớn cha đẻ của học thuyết luận tư bản và chủ nghĩa xã hội: Các Mác – Angghen – Lenin
Chúng ta đã từng chứng kiến những người có học vấn và địa vị rất cao như nguyên ủy viên bộ chính trị Hoàng Văn Hoan sau khi thất sủng đã đào tẩu sang Trung Quốc với lời lẽ chống phá đảng chống phá cách mạng, hay đại tá Bùi Tín phó tổng biên tập báo quân đội nhân dân sau chuyến công tác tại cộng hòa Pháp đã xin tị nạn và ra sức bôi nhọ đảng và Bác Hồ. Giáo sư văn chương Nguyễn Đăng Mạnh với cuốn hồi ký xuyên tạc về các vị lãnh đạo tiền bối đặc biệt những câu chuyện nghe hơi nồi chõ bôi nhọ thanh danh chủ tịch Hồ Chí Minh, gần đây nhất là vụ Cù Huy Hà Vũ con trai của nguyên lão đại thần nhà thơ Cù Huy Cận, con nuôi của nhà thơ tên tuổi Xuân Diệu với những bài xuyên tạc, tuyên truyền chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hay Nguyễn Lân Thắng cháu nội của gia tộc nổi tiếng Nguyễn Lân cũng chẳng tiếc lời thóa mạ chế độ và ngay cả dòng tộc của mình và còn biết bao những kẻ tha hóa cơ hội đang từng ngày từng giờ núp bóng bòn rút và ngấm ngầm làm mất thanh danh của đảng.
Như vậy những người này là số ít và chưa từng được đào tạo qua các trường lớp chính trị, học tập chủ nghĩa Mác – Lenin? không có thể khẳng định không phải như vậy, họ là những người uyên thâm học nhiều nhất, nghiên cứu sâu nhất, nhưng lại chống phá dữ dội nhất, phải chăng chủ nghĩa Mác – Lênin đã không còn phù hợp trong bối cảnh mới, trong thời đại mới, quả thực có những lúc làm chúng ta cũng thấy lao đao trong tư tưởng bởi nhìn ra khắp thế giới hiện nay chủ nghĩa xã hội mà Mác – Lenin dày công xây dựng còn được mấy nước. Một liên bang xô viết quê hương của Vladimir ilych Lenin với cuộc cách mạng tháng 10 Nga long trời lở đất cũng đã tan rã kéo theo sự sụp đổ của hàng loạt các nước xã hội chủ nghĩa khác trên toàn thế giới. Còn lại số ít như Trung Quốc, Cuba, Triều Tiên và Việt Nam là vẫn gọi với cái tên xã hội chủ nghĩa.
Nhưng sự việc Trung Quốc với những hành động cũng như lời nói và việc làm của chính quyền Tập Cận Bình gần đây, thì có lẽ chủ nghĩa xã hội chỉ còn là chiếc áo khoác che đậy bộ xương của chủ nghĩa bành trướng, đế quốc, hung hăng đe dọa bắt nạt các nước láng giềng xung quanh trong đó có Việt Nam chúng ta. Còn Triều Tiên với chủ nghĩa gia đình trị và các cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân tác động xấu tới các nước trong khu vực thử hỏi chủ nghĩa xã hội chính thức theo học thuyết của Mác chắc hẳn chỉ còn Việt Nam và Cuba. Nói vậy thì việc nhận định của Mác về chủ nghĩa tư bản đang dẫy chết và câu ví người khổng lồ đi trên đôi chân đất sét là chưa đúng, bởi nhìn lại thì có vẻ điều này đang diễn ra theo chiều hướng ngược. Các nước xã hội chủ nghĩa đang thoái trào, cuộc đấu tranh giai cấp mà Mác viết đến nay cũng không còn rõ nét, cái hiển hiện và đáng sợ nhất trước mắt chúng ta không hẳn là cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh sắc tộc màu da, cái mà người ta đáng lo nhất lại chính là cuộc chiến tôn giáo. Nhìn vào bối cảnh bức tranh toàn cầu có thể thấy trên thế giới đang diễn ra xung đột của hai tôn giáo lớn đó những người theo đạo Hồi và những người theo đạo Thiên Chúa.
Cuộc chiến do Mỹ và Nato khởi xướng nhằm vào các nước vùng trung đông dẫn đến sự tan vỡ dây truyền khiến cho các vụ tàn sát đẫm máu diễn ra, kèm theo đó là những hệ lụy, hàng loạt các nhà nước tự xưng, hàng loạt các phe phái nổi dậy và hàng loạt các tổ chức khủng bố. Bóng đen của chủ nghĩa khủng bố bao trùm khắp toàn cầu, vụ khủng bố 11/9/2011 châm ngòi cho cuộc chiến chống lại tổ chức Hồi Giáo Al – Qaeda, cuộc săn lùng thủ lĩnh Osama bin Laden và kẻ chủ mưu Khalid Shaikh Mohammed diễn ra hàng chục năm trời với biết bao tốn kém về sức người sức của và rồi trùm khủng bố Osama bin Laden cùng nhiều lãnh tụ của tổ chức này bị tiêu diệt thì một loạt các ông trùm khủng bố khác mọc lên như nấm sau trận mưa rào, đặc biệt nhất là tổ chức nhà nước hồi giáo tự xưng IS với biết bao các cuộc khủng bố diễn ra ở khắp mọi nơi chẳng chừa nơi nào, dân tộc nào.
Thế giới hiện tại đã khác xa so với thời của Mác hay thời chiến tranh thế giới thứ nhất, thứ hai, nó không còn đa cực thuần túy như trước đây, cực do Mỹ cầm đầu cùng khối bắc đại tây dương với cực kia là Liên xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa phát xít cũ bị tiêu diệt thì chủ nghĩa phát xít mới mọc lên, nó không ầm ỹ, rầm rộ mà lặn sâu bên trong mỗi cá nhân mỗi con người chỉ chờ cơ hội thích hợp là trỗi dậy.
Có thế nhìn nhận lại rằng thế giới ngày nay khó có thể đoán định ai là bạn, ai là thù, bởi cũng nước ấy, con người ấy ngày hôm nay là bạn thì ngày mai đã là kẻ thù, sự tráo trở không nằm trong một ranh giới rõ ràng, nó mỏng mảnh dễ vỡ, xu hướng xoay trục sang châu Á của hàng loạt các nước lớn như Mỹ, Nato, Nga, Ấn Độ…chẳng qua cũng chỉ là những nước cờ trên một bàn cờ, họ làm bạn với châu Á ư, điều này chắc hẳn là không phải, cái họ cần là lợi ích, khiến cho châu Á như nóng lên, các cuộc dằng co tranh chấp ngày càng quyết liệt hơn làm các nước bé như ngồi trên chảo lửa.
Quả thật cái phù hợp nhất bây giờ là “Khôn sống mống chết” làm bạn hay làm thù, khi nào tốt làm bạn, khi nào xấu thì tránh kẻo đã bé nhỏ lại trở thành ruồi muỗi cho trâu bò đánh nhau, cái bài “Tọa sơn quan hổ đấu”, Ngư ông đắc lợi được vận dụng triệt để, chính sách ba không về quân sự mà Việt Nam công bố: “Không tham gia liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia” là hoàn toàn khôn ngoan, phải chăng lịch sử ngàn đời chống giặc ngoại xâm đã đúc rút cho chúng ta những bài học vô giá. Việc nhìn nhận đánh giá đúng tình hình thế giới hiện tại đã giúp cho chúng ta tránh được những cuộc chiến trong vòng xoáy của chiếc cối xay chiến tranh đang hiển hiện lơ lửng trên đầu.
Vậy những gì Mác viết có còn giá trị? Sao lại không nhỉ, thế giới mãi vẫn thế, chính sách cá lớn nuốt cá bé, kẻ giầu bắt nạt người nghèo thời nào cũng không hề thay đổi, sự bần cùng hóa đã đẩy con người ta lao vào các cuộc chiến, họ sẵn sàng hy sinh bản thân để mang bom khủng bố đổi lại là gì, là lên thiên đàng với chúa, nhưng tựu chung lại là tiền là miếng cơm manh áo. Nạn đói ở châu phi cướp đi sinh mạng của hàng bao con người, người đạo hồi tự dưng phát động thánh chiến? Chắc chắn không phải vậy, nếu chủ nghĩa đế quốc và các nước tư bản không thao túng các tổ chức đối lập nhằm lật đổ chính quyền hợp hiến của nhiều quốc gia dẫn đến cướp đi bao sinh mạng vô tội, bao con người sống cảnh lầm than thì đâu có nảy nòi ra các tổ chức khủng bố cực đoan, đâu có những con người tử vì đạo ôm bom mà chết, họ cũng là những con người bị dồn đến chân tường mà phải làm liều, vì túng quẫn mà phải đầu quân cho khủng bố.
Nói đi nói lại thì cũng do lợi ích mà các nước giàu các nước đế quốc chẳng từ một thủ đoạn nào, nước giàu thì mãi giàu nên, người nghèo thì càng nghèo đi, cái hố sâu ngăn cách giàu nghèo ngày càng sâu và rộng hơn. Do đó không nên giảng dạy chủ nghĩa Mác – Lenin theo kiểu cứng nhắc giáo điều khiến cho việc đi học theo kiểu ghi tên chấm điểm là không phù hợp, chúng ta cần vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lenin soi rọi vào thời đại mới, cần có nhiều những phản biện với các luận cứ khoa học đưa thực tiễn vào bài giảng khiến cho những tiết học chính trị không còn khô cứng giúp người học nắm vững những luận điểm của chủ nghĩa Mác – Lenin có như vậy mới giúp người học hiểu và yêu thích bộ môn chính trị và tránh những nhận thức và việc làm sa đà, trệch hướng. Đừng bắt người học phải nhồi nhét những thứ lý thuyết thuần túy xa vời với cuộc sống thực tại, chưa học còn sáng học xong càng thấy tối tăm mù mờ, chẳng khác nào đi vào đường hầm tối không tìm thấy cửa của lối ra.
Nguyễn Đình Vinh