Ở tuổi 72, lần đầu tiên bà Thi (Sóc Sơn, Hà Nội) học cách dùng Internet, tham dự hội thảo, gặp người nước ngoài… tất cả để hiểu về con trai đồng tính.
Đa số các bậc cha mẹ khi biết con đồng tính, chuyển giới đã phản ứng dữ dội. Người quát mắng, dùng các biện pháp bạo lực, không ít bậc cha mẹ còn cho con đi bệnh viện tâm thần, mời thầy cúng hóa giải…
Trái lại, trong cộng đồng LGBT (người đồng tính, song tính, chuyển giới) ở Việt Nam, có một bà mẹ đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, góa chồng từ sớm, chưa từng ra khỏi lũy tre làng… nhưng khi nghe con nói mình là đồng tính, bà đã cất công đi tìm hiểu về “cái đồng tính” này. Người mẹ ấy là bà Lê Thị Thi (72 tuổi) và người con trai may mắn là anh Lê Xuân Tư (31 tuổi), ở Sóc Sơn (Hà Nội).
Mẹ Thi tích cực tham gia các hoạt động ủng hộ người đồng tính, chuyển giới. Ảnh: PFLAG.
Bà Thi sinh được 6 người con nhưng chỉ 4 người còn sống. Năm bà sinh con út là anh Lê Xuân Tư thì người chồng cũng qua đời vì bệnh tật. Từ đó, bà ở vậy nuôi 4 con khôn lớn.
“Tôi chỉ mong các con yên bề gia thất là sẽ được thanh thản tuổi già. Hai người con trai và một con gái đã sinh con, đẻ cái, cuộc sống ổn định mà thằng Tư ngấp nghé 30 tuổi vẫn chưa có ý định cưới vợ”, bà bộc bạch.
Anh Lê Xuân Tư và mẹ Lê Thị Thi trong một hội thảo về LGBT. Ảnh: PFLAG.
Nhiều lần giục lấy vợ, Tư chỉ ậm ừ cho qua, hoặc nói còn trẻ, đang muốn làm việc, học hỏi. Khoảng năm 2012, một lần người anh cả nói với mẹ: “Em Tư sẽ không lấy vợ đâu. Em ấy là đồng tính”, nhưng bà Thi chưa từng nghe đến từ đồng tính, nên không để ý chuyện này.
“Sau đó không lâu, Tư đi công tác về, nói với tôi nó là đồng tính và sẽ không lấy vợ. Tôi vội hỏi con đồng tính là bệnh gì, có nguy hiểm không và động viên con đừng lo lắng, các anh chị sẽ chạy chữa đến khi con khỏi bệnh. Nhưng thằng Tư nó nói luôn rằng đồng tính không phải là bệnh. Nó chỉ có cảm giác với con trai, yêu con trai mà không yêu con gái”, bà Thi kể lại.
Đành phải chấp nhận con trai nhưng bà và các thành viên trong gia đình không thể thoải mái được trước xu hướng tính dục của Tư. Tất cả đều khuyên Tư lấy vợ, sinh con như đa số người khác.
Về phần anh Lê Xuân Tư, từng học ngành điện, hiện công tác ở một nhà máy thủy điện chia sẻ, anh chỉ biết mình là người đồng tính cách đây khoảng 5 năm. “Thời cấp 2, cấp 3 tôi có những tình cảm nhớ nhung với một vài bạn nam, nhưng tôi chỉ nghĩ vì mình chơi thân và quý người ấy hơn các bạn khác, chứ không biết là tình yêu”, anh nhớ lại.
Mãi tới đầu năm 2012, khi LGBT trở nên phổ biến, anh Tư mới xác định đúng được về bản thân mình. Tâm sự với anh trai cả thì được anh nói đã đoán ra từ lâu. “Năm tôi học cấp 3, một lần anh đã đọc được vài trang nhật ký tôi viết và đã biết tôi thích các bạn trai”, Tư kể.
Để mẹ hiểu hơn về mình, anh Tư đã đăng ký cho bà tham gia vào hội cha mẹ có con là người đồng tính, song tính, chuyển giới (PFLAG). Mong muốn của Tư là khi sinh hoạt hội, mẹ sẽ được nghe câu chuyện của các bậc cha mẹ khác có con là LGBT và biết được mẹ không đơn độc.
Anh Tư cũng cho biết, từ ngày mẹ tham gia hội, anh được mẹ hiểu và càng thương nhiều hơn. Bà không còn nhắc đến chuyện cưới vợ của anh nữa. “Giáp Tết năm 2013, tôi chở mẹ đi chợ thì gặp một người bạn từ thời cấp 3 của tôi. Cô ấy hỏi ‘Thế Tư bao giờ lấy vợ để về đỡ đần cho mẹ’. Mẹ tôi mới cười nói: ‘Nó không lấy vợ mà là lấy chồng’”, anh Tư kể. Lúc này Tư rất vui vì mẹ đã hiểu anh ở một mức nào đó.
Cũng theo Tư, người mẹ từng cả đời gắn với ruộng đồng, chưa từng ra khỏi lũy tre làng của anh lại không hề ngại ngùng khi tham gia các hội thảo. Bà từng đóng vai một người mẹ có con gái là đồng tính nữ, và lúc diễn kịch mẹ đã khóc khi phải dẫn con đến các chuyên gia tâm lý “chữa bệnh đồng tính”. Vở kịch đã được đánh giá cao vì hóa thân chân thực của mẹ.
“Nhớ có một lần mẹ tham gia hội thảo trên tầng 19, lúc xuống để đi Vũng Tàu thì mẹ vẫn giữ thói quen cũ không đi dép. Anh giám đốc của ICS (tổ chức đại diện cho tiếng nói của người đồng tính, song tính và chuyển giới ở Việt Nam) phải chạy lên lấy cho mẹ”, anh Tư cười rạng rỡ mỗi khi kể về mẹ mình.
Bà Thi chia sẻ cảm xúc khi tham gia một buổi tập huấn kiến thức về LGBT. Ảnh: PFLAG.
Anh Huỳnh Minh Thảo, giám đốc của Trung tâm ICS cho biết rất ấn tượng về bà Thi. “Hiếm có người mẹ như thế này, yêu thương con rất đặc biệt. Khi biết con đồng tính, cái mẹ lo đầu tiên không phải là chạy chữa cho con, mà là lo hàng xóm sẽ dị nghị, nói này nói kia làm cho con buồn. Những ngày đầu tham gia hội, mỗi lần phát biểu, mẹ đều đứng lên ‘Dạ em xin thưa với các bác…’, đúng cách nói quen thuộc của một bà mẹ quê miền Bắc, làm cả phòng bật cười”, anh Thảo chia sẻ.
Gần ba năm nay, bà Thi vẫn đều đặn tham gia các hoạt động, giữ liên lạc với hội PFLAG và vẫn giữ cái cách giao tiếp rất chân chất, ấm áp của mình với mọi người. Bà mong muốn được góp một phần sức của mình để mở một tương lai tươi sáng hơn cho con mình và những đứa con khác của cộng đồng LGBT.
Theo VnExpress