Home > Contend > Trang văn > Tản văn > Cần thận trọng khi phán xét về văn hóa, giá trị gốc nền của dân tộc.

Cần thận trọng khi phán xét về văn hóa, giá trị gốc nền của dân tộc.

Là một nước không lớn về diện tích, nhưng hiếm có nơi nào lại giàu bản sắc văn hóa như Việt Nam, cũng như các nước khác trên thế giới văn hóa chính là hồn cốt của dân tộc tạo nên những nét riêng biệt không thể hòa lẫn,

một năm Việt Nam có hơn 8000 lễ hội, chứng tỏ một điều chúng ta là một quốc gia với chiều dài lịch sử hội tụ đậm đặc các tầng văn hóa. Cũng có nhiều quan điểm cho rằng quá nhiều lễ hội khiến chúng ta mải mê với hội hè mà bỏ bê làm ăn kinh tế, cần phải loại bỏ những lễ hội không cần thiết và trong số đó có cả những ý kiến đề nghị xóa bỏ tết âm lịch bởi thời gian nghỉ tết kéo dài gây lãng phí tốn kém khiến chúng ta bị tụt hậu trong hội nhập.

Quan họ trên thuyền trẩy hội chùa Hương

Nhưng nhìn trên góc độ tích cực thì đó chính là điều chúng ta cần tự hào và phát huy bởi văn hóa chính là một trong những thế mạnh cần được trú trọng và khai thác thu hút một lượng lớn khách du lịch đến với Việt Nam. Đã có nhiều quốc gia biết tận dụng thế mạnh về văn hóa để phát triển ngành kinh tế không khói và du lịch đã trở thành ngành mang lại phần lớn tổng thu nhập quốc nội. Sự đa dạng và giàu có về văn hóa cùng rất nhiều những danh lam thắng cảnh với hơn 3000 km bờ biển và những bãi biển tuyệt đẹp nếu biết tận dụng chúng ta có thể khẳng định Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.
Một câu hỏi được đặt ra có phải vì quá nhiều lễ hội sẽ làm cho chúng ta bị tụt hậu không hội nhập được với thế giới và bởi có những nét chưa đẹp ở một vài lễ hội mà cần phải dẹp bỏ theo cách nhìn của một số người hay không? Nói như vậy thì chúng ta được thế giới xếp hạng kinh tế ở mức các nước phát triển kém là do có quá nhiều lễ hội khiến bỏ bê làm ăn kinh tế, nhưng nhìn vào số liệu của tổng cục thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam năm 2015 ước đạt 7.943.651 lượt, con số này nói lên điều gì? Phải chăng khách du lịch đến nước ta để học tập cách làm ăn kinh tế giỏi của các nhà khoa học và các nhà kinh tế Việt Nam, chắc chắn không phải vậy họ đến với chúng ta là bởi văn hóa, đến với một đất nước giàu bản sắc với những lễ hội mà không nơi nào trên thế giới có được như lễ hội hát quan họ ở Bắc Ninh, lễ hội chọi trâu ở đồ sơn, lễ hội hoa tam giác mạch ở Hà Giang, hay lễ hội caravan Hạ Long, trẩy hội chùa Hương, chợ tình SaPa Lào Cai, hay Khâu Vai Hà Giang và cùng khám phá tết âm lịch mà hiếm nơi nào trên thế giới có được vvv… đồng thời thưởng ngoạn những danh thắng như vịnh Hạ Long, Phong Nha Kẻ Bàng, cố đô Huế và vô vàn những địa danh khác, kèm theo đó thúc đẩy ngành dịch vụ khách sạn nhà hàng, cũng như dịch vụ mua sắm phát triển, tổng thu từ khách du lịch năm 2014 đạt 230 ngàn tỷ đồng, tạo công ăn việc làm khoảng hơn 2 triệu lao động có thu nhập ổn định, đóng góp của ngành du lịch vào cơ cấu GDP đất nước ngày càng lớn trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang gặp nhiều khó khăn.

Nhã nhạc cung đình Huế

Với một hệ thống di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận ngày càng phong phú, nhiều địa điểm được tổ chức du lịch uy tín nhất bình chọn xếp hạng cao trong làng du lịch thế giới khiến Việt Nam trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn của du khách. Tại sao chúng ta lại không tận dụng sự phong phú đa dạng của văn hóa và thiên nhiên làm thế mạnh để phát triển mà lại cho rằng vì nó mà kéo tụt nền kinh tế đất nước thời hội nhập cần phải xóa bỏ bớt. Nước Nhật cũng từng phải trả giá cho việc xóa bỏ tết âm lịch bởi sự khô khan của văn hóa và họ đang muốn phục dựng lại, bên cạnh một đất nước Trung Quốc cũng ăn tết âm lịch như chúng ta nhưng nền kinh tế của họ xếp hàng thứ 2 trên thế giới, có người thiển cận cho rằng ăn tết âm lịch là chịu sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc cần phải xóa và nhập vào để ăn tết theo lịch dương có như vậy mới hợp với xu thế thời đại và mới tham gia được hội nhập, nhưng họ đâu hiểu rằng tết dương lịch lại là tết của các nước phương tây nếu vậy không theo tàu thì lại chạy theo tây và có phải các nước phương tây không có những kỳ nghỉ lễ dài hay không? Lễ giáng sinh có nước nghỉ 3 tới 4 tuần. Hay tháng ăn chay Ramadan của người theo đạo hồi cùng những cuộc hành hương của hàng trăm triệu tín đồ về với thánh địa Mecca nơi linh thiêng của người hồi giáo. Do đó có thể khẳng định văn hóa đã tạo dựng nên niềm tự hào của người Việt Nam, văn hóa không phải muốn có thì có không muốn thì dễ dàng vất bỏ, nó được sinh ra bởi bề dày ngàn năm văn hiến, văn hóa bắt nguồn từ cuộc sống của nhân dân trong quá trình lao động, sự tiến hóa và phát triển của loài người cũng khởi nguồn từ văn hóa, nhờ có văn hóa mà chúng ta khác với muôn loài, cũng nhờ có văn hóa mà con người đã làm thay đổi cả thế giới, nếu không có văn hóa thì tất cả những thứ hiện có chỉ là một dạng vật chất tầm thường và vô hồn mà thôi.
Là một quốc gia có nhiều di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được thế giới công nhận, như dân ca quan họ Bắc Ninh, Hát ca trù, hát xoan, nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng tây nguyên, đờn ca tài tử nam bộ và biết bao di sản khác đã mất và đang có nguy cơ bị mất vĩnh viễn, có những thứ mất rồi làm lại được, nhưng văn hóa dân tộc khi đã mất thì chẳng có gì lấy lại được, cần nhìn nhận một cách khách quan đảng và nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt đến văn hóa, nhiều nghệ nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian, nhiều nghệ nhân được coi là báu vật sống của quốc gia ví như nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu người cuối cùng của thế kỷ 20, chúng ta cũng đầu tư không ít tiền để phục dựng lại nhiều loại hình văn hóa nhưng có những thứ phục dựng được một phần, nhưng có những thứ dù có bao nhiêu tiền của cũng không thể nào phục dựng lại được. Vậy thì một câu hỏi được đặt ra, có bao nhiêu người được nhà nước phong tặng và có chế độ, điều này chắc vô cùng nhỏ trong mênh mông các nghệ nhân của kho tàng văn hóa Việt Nam.
Hội Lim và quan họ Bắc Ninh di sản phi vật thể thế giới duy nhất về ca hát được gọi là hội.

Đám rước ở hội Lim Bắc Ninh
Trong những di sản văn hóa được thế giới phong tặng thì có lẽ hội Lim và quan họ Bắc Ninh là loại hình nghệ thuật độc đáo nhất về ca hát được gọi là hội, phát triển mạnh mẽ nhất với 49 làng quan họ và trên dưới 200 làn điệu ở hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, ngoài ra trải dài suốt vùng bắc bộ ở đâu người ta cũng có thể hát và yêu quý quan họ, từ những lễ hội làng cho đến các đám cưới, đám chúc thọ, đám vào nhà mới, hay cả đám ăn khao thì quan họ cũng là một phần không thể thiếu. Nhưng có lẽ ngoài nhà hát quan họ Bắc Ninh được nhà nước đầu tư kinh phí để hoạt động thì hàng ngàn nghệ nhân hát quan họ đều phải tự lo, tự bươm chải lấy cuộc sống, mà việc giữ gìn di sản quan họ lại không chỉ nằm trong số ít những nghệ sĩ chuyên nghiệp, di sản được sinh ra từ nhân dân thì nó được nhân dân giữ gìn, nhưng nghệ nhân sẽ lấy gì để sống.
Tỉnh Bắc Ninh tự hào vì mình được sở hữu một kho tàng văn hóa dân tộc vào hạng bậc nhất, ngày hội Lim hàng chục ngàn du khách từ khắp các nơi đổ về để thưởng thức những làn điệu quan họ ngọt ngào của các liền anh liền chị từ các làng quan họ, các khách sạn nhà hàng chật kín góp phần thúc đẩy ngành kinh tế du lịch của tỉnh phát triển mạnh mẽ.

Hội Lim nét văn hóa độc nhất vô nhị về ca hát

Vậy tỉnh đã đầu tư bao nhiêu cho lễ hội Lim và cho việc bảo tồn gìn giữ di sản văn hóa, các nghệ nhân được tỉnh cấp cho bao nhiêu kinh phí, nếu có kinh phí sao họ lại phải nhận sự ủng hộ của du khách thập phương điều này cũng chính là một câu hỏi lớn của sự được mất. Nghệ nhân cũng phải ăn cơm, cũng phải uống nước, muốn ăn cơm uống nước thì phải có tiền, mà muốn có tiền thì lại phải nhờ vào sự giúp đỡ của cộng đồng. Vô hình chung cái vòng luẩn quẩn của việc duy trì di sản cũng không thể tách rời bát cơm manh áo. Những nghệ nhân đa phần xuất thân từ nghề nông, họ tự hào vì mình chính là người giữ gìn di sản, sự hiểu biết của họ chỉ đơn giản là sau những ngày đồng áng cực nhọc thì mang lời ca tiếng hát của mình đến với công chúng, trong họ khái niệm về văn hóa là những gì đã được truyền qua bao đời từ đời này tới đời khác với sự hiếu khách trong những lá trầu têm cánh phượng, những chén nước chè hay chút men say nồng nàn của câu mời trầu mời rượu, cũng bởi mến cái tình say câu hát mà du khách chẳng nỡ không mở hầu bao thưởng tiền cho các nghệ nhân. Dưới góc nhìn thiện cảm thì đó là sự qua lại bạn hát tôi nghe, tôi thưởng tiền bạn, dưới góc nhìn khác thì cho rằng người quan họ xin tiền du khách, bởi cũng có một số liền anh liền chị khi hát trên thuyền muốn mời khách thưởng thức trên bờ miếng trầu têm cánh phượng đã dùng chiếc nón quai thao làm duyên để đựng trầu và khi nhận miếng trầu du khách không quên bỏ vào đó chút tiền coi như phần thưởng hay sự trả ơn người đã đem cho mình lời ca tiếng hát ngọt ngào trong ngày đầu xuân. Nhưng qua lăng kính của một số nhà văn hóa hình ảnh chiếc nón quai thao của các liền anh liền chị quan họ mời trầu khán giả đã trở thành một hình ảnh không đẹp phản cảm làm xấu đi di sản văn hóa đại diện của nhân loại cần phải lên án và dẹp bỏ. Vậy là các báo đồng loạt đăng tải với đủ mọi tiêu đề như “Quan họ ngửa nón xin tiền” và tỉnh Bắc Ninh cương quyết dẹp bỏ, cấm các liền anh liền chị ngửa nón xin tiền tại lễ hội lim. Không dùng nón thì dùng cơi đựng trầu mời và du khách vẫn bỏ tiền vào đó, nhiều tờ báo đã chụp cả ảnh cái cơi nhưng lại viết dòng tít phía dưới “hội Lim vẫn còn hiện tượng ngửa nón xin tiền”, có phải là một sự cẩu thả trong báo chí hay không, sự qua lại là tự nhiên, người hát tặng lời ca, người nghe tự nguyện tặng tiền không nhận là từ chối lòng tốt là không tôn trọng khán giả, mà nhận thì bị coi là ăn xin, là thiếu văn hóa. Việc các ca sĩ khi đi hát ngoài việc nhận cát xê của show diễn nếu khách thích thì họ chẳng tiếc gì boa thêm mà có khi tiền boa còn nhiều hơn tiền cát xê, nhưng việc cho và nhận đó thì không thấy báo nào chỉ trích là xấu là thiếu văn hóa. Điều quan trọng không phải cách cho và nhận mà điều quan trọng là cách góp ý làm sao để hình ảnh người quan họ khi mời trầu và khi nhận tiền của khách sao cho đẹp hơn nhằm mục đích tôn vinh nét đẹp của di sản văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại không phải cái gì vu vơ trừu tượng mà di sản văn hóa đang bị lên án lại nằm trong chính người quan họ, hay người quan họ chính là di sản.
Văn hóa là thứ không thể đong đo bằng những giá trị vật chất tầm thường, các nhà quản lý, các nhà văn, nhà báo cần thận trọng khi đưa ra những quyết định hay một phán xét nào đó, bởi bất kể mọi sự vội vàng cũng đều phải trả một cái giá vô cùng đắt đó chính là đánh mất giá trị văn hóa gốc nền của dân tộc.

Hải Dương ngày 25/2/2016
Nguyễn Đình Vinh

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *